Tản mạn về tính chuyên nghiệp của nhà báo hiện đại
Thứ sáu - 03/01/2020 09:56
Đây không phải vấn đề mới, nhưng cũng chưa bao giờ cũ, đề tài này cũng không dễ không khó. Không dễ vì khó lòng hệ thống và đúc kết được thành lý luận về tính chuyên nghiệp của nhà báo hiện đại và vì lĩnh vực này quá rộng. Không khó vì ngay cả người ngoài ngành ai cũng có thể nhặt ra những ví dụ rất sinh động về sự thiếu chuyên nghiệp của nhà báo Việt Nam. Báo chí Cách mạng Việt Nam đã ra đời được 86 năm, mà nay vẫn phải bàn đến tính chuyện nghiệp, thì ngay việc đặt ra vấn đề này đã rất đáng suy nghĩ. Từ những suy nghĩ đó, tôi chọn góc độ bàn về tính chuyên nghiệp nói chung của nhà báo hiện đại qua những vấn đề thực tiễn trước mắt, mong có thêm một tiếng nói để xây dựng tính chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam.Tính chuyên nghiệp nhìn từ góc độ đào tạo nghề báo
Đào tạo nghề là một vấn đề cốt lõi không thể thiếu trong nghề báo và với các nhà báo. Họ được đào tạo rất nhiều lĩnh vực, trong đó quan điểm, từ tưởng, ý thức xã hội, ý thức công dân và trách nhiệm với công việc là một phẩm chất của nhà báo. Song cũng rất cần có những kỹ năng nghiệp vụ khi tác nghiệp mà chỉ nhìn qua tác phong, cách ứng xử, xem qua tác phẩm ai cũng biết họ có trình độ chuyên nghiệp hay không? Những kiến thức chung ấy là kỹ năng cứng của nhà báo.
Trong số gần 18 ngàn nhà báo VN, mỗi người có một hoàn cảnh và điểm xuất phát vào nghề báo khác nhau. Thời gian trước thập kỷ 80 có rất nhiều người có năng khiếu viết lách, ăn nói…từ các đơn vị sản xuất, quân đội…vào nghề báo do được phân công nhiệm vụ, bố trí công tác, cơ cấu vào các vị trí liên quan đến thông tin tuyên truyền tuyên huấn…Họ hầu hết được đào tạo ngắn hạn, tập trung sâu vào công tác tuyên truyền , trong điều kiện thiếu thốn giảng viên, tài liệu, phương tiện kỹ thuật hiện đại và môi trường báo chí chưa thật sự sôi động. Và cũng vì chính những lý do đó, họ có thể rời bỏ công việc làm báo để chuyển sang những nhiệm vụ mới có khi chả ăn nhập gì với báo chí. Song những nhà báo của giai đoạn này sau đó nếu đã trụ lại với nghề, thì đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng, trở thành các nhà lãnh đạo báo chí, thành những nhà báo đối ngoại, nhà báo chiến trường xuất sắc để lại cho thế hệ sau những tấm gương cống hiến về phẩm chất cũng như nghề nghiệp hết sức quý báu. Tính chuyên nghiệp ở họ chính là tinh thần cống hiến và phục vụ đất nước.
Còn những nhà báo sau thập niên 80 của thế kỷ 20, họ đã bắt đầu vào nghề báo qua con đường đào tạo trường lớp bài bản, họ đi thi tuyển, họ được học hành, có bằng báo chí, có lý luận và kiến thức báo chí và được phân công về các báo với tấm thẻ nhà báo chuyên nghiệp trong tay. Họ bắt đầu lãnh lương báo chí, sống được bằng nghề báo, hoạt động chuyên sâu trong nghề báo, trong khuôn khổ luật báo chí, họ yên tâm với sự bắt đầu chọn nghề và xác định sẽ cống hiến cả đời trong sự nghiệp báo chí. Báo chí với giai đoạn này thật sự là một nghề riêng biệt, tạo ra cái nghiệp cho rất nhiều thế hệ làm báo sau đó. Đông đảo nhà báo thuộc lớp đào tạo này hiện nay đang giữ vai trò đầu tàu các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương và phải nói họ là lớp người đã đại diện cho báo chí thời bao cấp chuyển sang báo chí chuyên nghiệp và đã nhanh chóng chiếm giữ trận địa một cách vững vàng. Tính chuyên nghiệp của họ là giữ được và phát huy được truyền thống và bản chất nghề nghiệp của báo chí trong một giai đoạn mới.
Đến giai đoạn hiện nay, tạm coi là giai đoạn báo chí hiện đại, có thể tính từ khoảng sau năm 2000 trở lại đây, nguồn đào tạo nhà báo chính là từ sinh viên báo chí. Họ tốt nghiệp các trường báo chí với trình độ cao hơn, lý luận tốt hơn, lĩnh vực đào tạo phong phú hơn kể cả trong và ngoài nước, kể cả báo in báo nói báo hình báo mạng. Họ có thế mạnh do bước tiến chung của công nghệ thông tin và xã hội, đó là khả năng tin học và ngoại ngữ khá tốt. Họ lại đang đứng trước nhiều mô hình hoạt động báo chí, truyền thông hiện đại do thời kỳ hội nhập đem lại và đâu đó đã lấp ló xuất hiện hình thức của tập đoàn báo chí đa phương tiện. Và hơn thế nữa, các nhà báo trẻ vươn tầm hoạt động ra thế giới bên ngoài, điều mà trước đây các thế hệ cha anh đi trước đã làm nhưng còn giới hạn trong đấu tranh ngoại giao và một số ít làm báo đối ngoại. Tuy nhiên lớp nhà báo được đào tạo chuyên nghiệp sau này cũng có một đặc tính năng động, có thể thay đổi, tự lựa chọn công việc cho mình, họ ít ở lâu một chỗ nếu như có cơ hội thăng tiến hay có một nơi phù hợp hơn. Với những đặc điểm này, tính chuyên nghiệp ở những nhà báo trẻ nằm ở kiến thức và sự cập nhật thông tin cũng như trình độ làm báo hiện đại, năng động, song họ ít chịu ràng buộc một mô hình nào riêng biệt.
Qua ba giai đoạn của đào tạo báo chí tạm chia để phân tích nói trên, tôi cho rằng tính chuyên nghiệp của báo chí đang ngày một được quan tâm và nâng cao, đầu tiên là từ khâu đào tạo, tuy lúc này lúc khác, tuy ở mức độ này mức độ khác, trong đó có cả sự tự đào tạo hay đào tạo lại, nhưng phải kết dính được các phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và khả năng cũng như tố chất nghề nghiệp của người làm báo. Với báo chí hiện đại thì tính chuyên nghiệp ấy càng cần phát huy cao độ.
Vậy theo tôi , với nhà báo chuyên nghiệp hiện đại là nhà báo được đào tạo, làm việc và ăn lương của đơn vị báo chí, có thẻ nhà báo hoặc thẻ CTV báo chí, tôn trọng luật báo chí, có một thâm niên đáng kể trong nghề báo. Nhà báo chuyên nghiệp là người hết lòng chuyên sâu vào công việc làm báo, coi hiệu quả công việc làm báo đúng đắn là mục đích cao nhất của mình. Nhà báo chuyên nghiệp sống bằng nghề báo, tư duy bằng nghề báo, vui buồn với nghề báo. Danh dự của cá nhân họ là danh dự của nghề báo và ngược lại. Nhà báo chuyên nghiệp là người biết đặt lợi ích đất nước, lợi ích của tờ báo, của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, song cũng là người rất có chính kiến và luôn tôn trọng lao động của chính mình cũng như của đồng nghiệp.
Một nhà báo được đào tạo chuyên nghiệp sẽ có nhiều điều kiện và tố chất trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Song liệu một số nhà báo không được đào tạo bài bản trong hệ thống trường lớp có thể trở thành nhà báo có tố chất làm báo, kỹ năng làm báo và có những tác phẩm báo chí tốt mà các nhà báo chuyên nghiệp cũng phải kính nể không? Cách đây không lâu, một tờ báo mạng đã chính thức ký hợp đồng với một CTV đã…60 tuổi. Lý do là CTV này là người xông xáo nhất, biết nhiều tin tức nhanh nhất, khó lấy nhất bất kể giờ giấc nào và bất kể ở đâu trong phạm vi hoạt động của CTV này. Hay một ví dụ khác. Nhiều nhà báo rất hay than thở là đến làm việc ở các công sở rất khó, gặp lãnh đạo cao cấp rất khó, phỏng vấn quan chức các ngành nghề đặc biệt rất khó, nhưng lại có những nhà báo tuy không tốt nghiệp báo chí bài bản nhưng ra vào những nơi ấy, gặp những người ấy khá dễ dàng, chụp ảnh phỏng vấn khá ngon lành thuận lợi. Vậy các CTV ấy, các nhà báo ấy có được coi là nhà báo có tính chuyên nghiệp không? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn trình bày thêm vấn đề thứ hai. Đó là kỹ năng mềm của một nhà báo sẽ đem lại tính chuyên nghiệp cho một nhà báo hiện đại.
Sự chuẩn bị mang tính chuyên nghiệp.
Ví dụ 1: Một nhà báo đi học báo chí nước ngoài về kể với tôi: một lần ra tập trung đi phỏng vấn một ông bộ trưởng, anh mang theo có một cây bút, giảng viên bảo không được, phải mang theo một cây bút nữa, đề phòng cây bút hết mực hay bị rơi dọc đường, cuộc phỏng vấn sẽ không thành công. Thất bại không chỉ cho anh và cho cả tờ báo nữa. Một lần khác anh ta cũng bị nhắc nhở, lần này là đi viết về đám cháy mà anh ta lại đi dép, phải về mang giày mới được lên đường.
Ví dụ 2: Một nhóm Pv đài truyền hình đi công tác nước ngoài, sắp đến giờ ghi hình thì mới tá hỏa phát hiện họ chỉ mang theo dây điện phích cắm hai chấu, trong khi đó các ổ cắm ở đây đều ba lỗ cắm. Cả nhóm tất bật chạy đi cầu cứu PV bản xứ. May mà kịp nếu không thì thất bại to.
Qua những ví dụ và liên tưởng trên có thể thấy sự chuẩn bị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp trong tác nghiệp và tổ chức công việc như thế nào.
Phán đoán và xử lý tình huống :
Ví dụ 1: Một phóng viên ảnh đi chụp phiên tòa xử một tội phạm nghiêm trọng. Mọi người tập trung chờ công an dẫn bị can vào lối quen thuộc như thường lệ, riêng anh pv ảnh này chĩa máy hướng khác. Kết quả, anh PV ảnh này chụp được tấm hình đúng lối đi nơi công an dẫn bị can vào chứ không phải đám đông phóng viên kia. Lý do là anh phóng viên này phán đoán tốt hơn, anh cho rằng lối đi kia người ta chỉ tập trung rầm rộ để nghi binh đánh lạc hướng phóng viên mà thôi.
Ví dụ 2: Hai nhóm phóng viên của hai đài truyền hình cùng tác nghiệp tại một cùng rừng núi nơi có một đàn voi xuất hiện và quật chết người. Nhóm A được cấp giấy phép vào khu vực cấm để quay phim nhưng đã không quay được hình ảnh nào có bóng dáng một con voi. Còn nhóm B không được cấp giấy vào khu vực cấm đành thuê dân địa phương xẻ rừng vượt núi đến đúng điểm có voi đang ẩn náu. Họ leo lên cây và quay được cả bầy voi dữ, những hình ảnh đó đã giúp cho Ban chỉ đạo sau đó lên phương án bắt và thuần hóa bầy voi này. Kết luận: Dù không khuyến khích nhưng rõ ràng đôi khi đi đường “ chính ngạch” không thành công bằng đường “ tiểu ngạch”.
Tác phong ăn mặc:
Ví dụ 1: Một cô nữ phóng viên được giải báo chí, nhưng gần tới giờ phát giải vẫn không thấy cô ấy đâu, Gọi điện thì cô ấy trả lời: em đang ở ngoài cổng, bảo vệ không cho em vào. Sau này mới biết lý do. Đó là vì cô ấy ăn mặc quá bụi bặm, bảo vệ không tin một cô gái bụi bặm thế này lại được…giải báo chí nên không cho vào.
Ví dụ 2: Một phóng viên ảnh khác vào chụp một đại hội. Lát sau anh ta bị an ninh mời ra. Không phải họ cản trở báo chí tác nghiệp, mà phóng viên này ăn mặc cứ như…Tây ba lô, không thích hợp với quang cảnh trang trọng của đại hội.
Kết luận: Phong cách ăn mặc cũng nói lên nhà báo đó có tính chuyên nghiệp hay không? Nếu là nhà báo chuyên nghiệp họ sẽ biết chọn trang phục cho phù hợp. Nếu đi cứu trợ hay đi viết về một buổi họp đảng viên lão thành mà ăn mặc áo hai dây mát mẻ quá hậu quả chắc cũng bi thảm không kém hai trường hợp nói trên.
Khi đi tác nghiệp:
Ví dụ 1: Trong một vụ án lớn, nhiều nhà báo được cơ quan chức năng triệu tập để tìm hiểu thêm về các chứng cứ trong bài viết của họ. Trong số hơn 20 nhà báo được hỏi thì chỉ có 1 nhà báo đưa ra chứng cứ thông tin thu được từ máy ghi âm, các nhà báo còn lại thì cho biết thông tin lấy được qua…điện thoại, qua câu chuyện nghe được từ…bàn cà phê, bàn nhậu.
Ví dụ 2: Trong một chuyến đi công tác hải đảo, nhiều phóng viên ra đến nơi mới bắt đầu tìm hiểu, làm quen, nhưng có phóng viên đã tiếp cận được ngay nhân vật, biết rất rõ về thông tin, cuộc sống ở hải đảo, đặt được nhiều vấn đề vì anh ta đã chuẩn bị tư liệu từ nhà. Quan trọng hơn là anh ta đã được cơ quan đầu tư USB 3G để tác nghiệp ngay ngoài đảo. Hôm sau báo của anh đã có những bài viết nóng bỏng nhất về chuyến đi này, khi mà nhiều đồng nghiệp của anh ta còn chưa kịp…hết say sóng.
Ví dụ 3: Trong một vụ đi viết về tai nạn máy bay. Chỉ có một PV duy nhất của một tờ báo duy nhất có được danh sách người tử nạn. Các PV khác xúm lại trách người cán bộ hàng không sao lại cung cấp danh sách đó cho riêng Pv kia? Anh CB hàng không gãi đầu: “Anh PV này bám dai quá, khuya lơ khuya lắc anh ta vẫn còn chờ đợi ngoài cửa , quyết lấy được danh sách mới về, thấy tội quá nên đưa cho anh ấy.” Anh cán bộ hàng không còn nói thêm: Mà nếu tôi là nhà báo, chắc tôi cũng sẽ kiên trì như thế.
Điều này cho thấy, bảo đảm nguồn gốc thông tin, tính mục đích và hiệu quả công việc cũng thể hiện rất rõ trong tính chuyên nghiệp của nhà báo.
Thưa hội nghị, những ví dụ trên đây chắc cũng đã cho thấy thế nào là một nhà báo có tác phong chuyên nghiệp, trình độ chuyên nghiệp. Những tác phong đó, trình độ đó thuộc về kỹ năng mềm, hoàn toàn có thể rèn luyện, bồi bổ cho mình được. Nhà báo cũng là những con người bình thường như mọi người, do tính chất công việc mà họ phải lao vào chỗ hiểm nguy, khốn khó, đầy cản ngại, nhiều rủi ro mà lắm người thương cũng như nhiều kẻ e ngại, thù ghét. Vì vậy cách ứng xử là hết sức cần thiết để tự làm tốt công việc của mình, để tự bảo vệ danh dự uy tín thậm chí cả tính mạng của mình trước mỗi tình huống, mỗi đối tượng tiếp xúc.
Kỹ năng mềm – một trong những tính chuyên nghiệp của nhà báo hiện đại
Nếu tra cứu trên mạng chúng ta sẽ thấy rất nhiều khái niệm về tính chuyên nghiệp cũng như kỹ năng mềm. Đọc lướt qua một số khái niệm, tôi còn nhận thấy các cụm từ “ chuyên nghiệp, tác phong, cách ứng xử, thói quen…” thường đi với nhau và tôi nghĩ có lẽ xâu chuỗi những tố chất đó lại có thể ta có một thứ ISO cho phong cách làm việc chuyên nghiệp của nhà báo chăng?
Tính chuyên nghiệp được hiểu như một sự chuyên tâm vào công việc chuyên biệt nào đó, đầu tư cho nó, dành sức cho nó, hoạt động trong phạm vi đó cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Và như thế, điều quan trọng của tính chuyên nghiệp là tất cả đều cố gắng để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc đó. Nhà báo chuyên nghiệp là người biết đầu tư trí tuệ, công sức, khả năng và kỹ năng cho công việc viết báo của mình sao cho có hiệu quả cao nhất, thành công nhất. Bên cạnh những kỹ năng cứng được đào tạo theo cách này cách khác, nhà báo cũng cần có những kỹ năng mềm để ứng xử và và hoạt động trong nhiều tình huống công việc, giao tiếp, tác nghiệp khác nhau để đạt hiệu quả cao. Song nghề báo là một nghề của nhiều nghề nên khó có tiêu chí nào, kỹ năng nào để vận dụng như một công thức bất di bất dịch. Vì vậy nhà báo cần có sự linh hoạt mà chính tính linh hoạt vận dụng kỹ năng cũng là một kỹ năng. Có khi nhà báo phải khôn khéo mềm mỏng như một nhà ngoại giao, nhưng cũng có khi nhà báo cũng phải bụi bặm dấn thân như một tay chơi có hạng. Có khi nhà báo cầu kỳ chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ nhất của công việc nhưng cũng có khi phải chấp nhận những gì có thực trong điều kiện eo hẹp nào đó mà tác nghiệp. Có khi nhà báo phải có trái tim nóng mà nhiều khi nhà báo cũng phải có cái đầu lạnh một chút để thực thi công việc không để tình cảm cá nhân làm ảnh hưởng công việc của mình. Vì hiệu quả công việc, nhà báo có thể gọi một cuộc điện thoại hàng chục phút để tường thuật một vụ bắt cóc con tin về cho tòa soạn. Nhưng cũng nhà báo đó có thể sẽ phớt lờ cuộc gọi của người yêu hoặc tắt luôn điện thoại để viết cho kịp bài báo mà sếp đang chờ lên khuôn. Một nhà báo tôi quen bình thường rất tự trọng, nhưng cũng đã có lần phải chui qua chân máy quay, chụp qua háng mấy nhà báo cao to nước ngoài để lấy được một cảnh đắc ý nhất. Một nhà báo thường có hàng trăm hàng ngàn bài viết. Nhưng nhà báo chuyên nghiệp luôn coi bài báo ấy là một tác phẩm mang theo cả danh dự uy tín của mình và tờ báo. Người CTV mà 60 tuổi mới được ký hợp đồng trở thành phóng viên chính thức, hay anh phóng viên mà nơi nào khó khăn mấy anh ta cũng tiếp cận được mà tôi nêu ở trên, họ đều có đặc điểm chung: hết lòng vì công việc và luôn tìm cách để hoàn thành công việc chứ không đầu hàng. Hơn nữa đó là những người tự biết tổ chức công việc và có mối quan hệ tác động qua lại rất tốt với nguồn tin nên họ được người ta chia sẻ và giúp đỡ. Trong nghề báo chuyên nghiệp nên xây dựng những mối quan hệ hai chiều, đa chiều và không nên chỉ gõ một vài cánh cửa rồi bỏ đi khi thấy người ta không chịu mở cửa hoặc chưa kịp mở cửa. Đôi khi chỉ đơn giản chỉ vì họ chưa biết mình là ai, chưa tin mình và chưa biết mình cần gì. Hãy vì công việc chứ đừng vì bản thân mình, tôi tin là nhà báo sẽ rèn được một tác phong chuyên nghiệp trong nghề báo.
Rõ ràng tính hiệu quả công việc sẽ là tiêu chí chung của tính chuyên nghiệp cho dù tình huống nào xảy ra, để thực hiện tốt nhất công việc của mình nhà báo phải biết và sẽ biết làm gì để đạt được mục đích. Thí dụ biết chuẩn bị chu đáo công việc, biết hình dung trước tình huống để đối phó, biết xoay sở trong nhiều hoàn cảnh, biết sử dụng tốt nhiều phương tiện tác nghiệp, biết ứng xử với đủ mọi đối tượng trong mỗi hoàn cảnh, biết tự sắp xếp công việc để hoạt động độc lập, đồng thời cũng có kỹ năng để làm việc theo mô hình nhóm…Để có thể có hiệu quả công việc tốt nhà báo đôi khi phải hy sinh quyền lợi cá nhân, phải biết xoay sở tình thế, biết chịu đựng. Nhưng liệu tính chuyên nghiệp ở nghề báo hiện đại có mang cái tôi nhiều quá không? Có hơi hãnh tiến hoặc khép kín quá không?
Vì trong thực tế đôi khi nhà báo cũng có thể phải rất bản lĩnh hoặc đôi khi thật khôn khéo, thậm chí hơi “láu cá” để đạt được mục đích của mình. Và đến đây thì có lẽ phải đặt ra một vấn đề: Liệu như vậy có phải vi phạm vấn đề đạo đức báo chí không? Đã có chuyện vui thế này: Có nhà báo trèo lên xe cứu hỏa trực chiến ở một lễ hội để có một điểm cao chụp toàn cảnh đắc ý, nhưng chụp xong thấy các nhà báo khác cũng trèo lên theo nên vội kêu anh lái xe ngăn cản không cho các nhà báo bắt chước mình chụp góc độ đó để khỏi đụng hàng. Cũng có đã có đoàn nhà báo bị lật đò gần bờ, một anh chàng nhanh chân nhảy được lên bờ trước, thấy các nữ đồng nghiệp lóp ngóp dưới nước anh ta nổi máu nghề nghiệp lôi máy ảnh ra chụp cảnh ấy rồi mới giơ tay kéo các nhà báo nữ lên…Đây chỉ là hai mẩu chuyện vui vui, nhưng cũng gợi ra một câu hỏi để tranh luận, vậy có thể coi là họ đã quá chú tâm vào công việc của mình mà bỏ qua tình đồng nghiệp không?
Tôi có lần thấy một người thực khách nước ngoài không sao diễn đạt nổi việc anh ta muốn chọn món gì với người phục vụ nhà hàng vì ngôn ngữ bất đồng, tôi liền nhờ một đồng nghiệp giỏi tiếng Anh ngồi cùng bàn sang dịch giúp họ, anh ta bảo mình là nhà báo, đấy không phải việc của mình. Một lần khác tổ chức một sự kiện, trưởng ban tổ chức nói cô MC rót nước mời giúp người khách nước ngoài, cô ấy trả lời: Một MC chuyên nghiệp không làm cái việc rót nước mời khách. Theo cô ấy mọi việc đã được chuyên môn hóa, không ai làm việc của người khác. Và thế là vị trưởng ban tổ chức phải làm cái việc “ đã chuyên môn hóa” là rót nước mời vị khách nước ngoài, một việc không phải của trưởng ban tổ chức nhưng rất cần làm để tỏ thái độ hiếu khách. Qua những việc đó tôi nghĩ Tính chuyên nghiệp không có nghĩa là tách bạch đến mức chỉ biết công việc của mình mà coi thường những công việc khác của người khác. Tính chuyên nghiệp trong một nghề có tính tổ chức, tính tập thể, hoạt động dây chuyền…thì còn phải biết vì hiệu quả của việc chung và lợi ích chung nữa.
Cuộc sống đang ngày càng hiện đại hơn. Báo chí đang ngày càng hiện đại hơn. Mỗi nhà báo sống và làm việc cũng đang hiện đại hơn. Mọi việc đều phải tính đến khả năng chuyên nghiệp hóa chứ không thể làm theo cảm hứng và lòng nhiệt tình mà thôi. Tuy nhiên ở giai đoạn hiện nay cái cũ và cái mới vẫn chưa phải đã xóa được làn ranh phân định, cần có những con người được đào tạo chuyên nghiệp để tạo ra một nền báo chí chuyên nghiệp, không khí báo chí chuyên nghiệp và môi trường báo chí chuyên nghiệp. Từ những vấn đề trên, tôi nghĩ muốn có báo chí chuyên nghiệp, nhà báo chuyên nghiệp thì cũng cần có những TBT chuyên nghiệp, người phụ trách chuyên nghiệp và người quản lý chuyên nghiệp. Báo Lao Động, cơ quan tôi từng công tác 18 năm, đã có một sự thay đổi và phát triển rất mạnh vào những năm 1990, đó là nhờ có những cán bộ quản lý, phụ trách và những cán bộ từ TBT đến các trưởng ban rất chuyên nghiệp tham gia vận hành bộ máy, đội ngũ phóng viên. Đó là những người chuyên nghiệp thật sự. Sau này hai chữ chuyên nghiệp có khi đã trở thành mốt đối với một số người. Nhưng họ không hiểu rằng, bên cạnh tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên nghiệp còn phải có thái độ ứng xử chuyên nghiệp. Không thiếu gì người trình độ có vẻ rất chuyên nghiệp, nói tiếng Anh, sử dụng ngôn ngữ thời @…như gió để chứng tỏ mình rất “pro”, nhưng ra đường miệng vẫn ngậm tăm xỉa răng hay ngồi ăn vẫn cho chân lên ghế…
Để có một đội ngũ báo chí chuyên nghiệp của báo chí hiện đại, thì ắt phải xây dựng nền báo chí hiện đại và chuyên nghiệp. Nhà báo Việt Nam với tổ chức Hội nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp chứ không chỉ là tổ chức nghề nghiệp thuần túy, nên tính chuyên nghiệp của báo chí VN có nhiều đặc điểm riêng, cần có sự kết hợp hài hòa linh hoạt các yếu tố của chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Cái mà nhà báo chuyên nghiệp cần thoát ra đó là những phong tục tập quán thói quen của Á Đông, như cả nể, cảm tính, xuề xòa, rông dài, thích hình thức, hướng nội…Chúng ta đã có những giai đoạn đào tạo báo chí đáng tự hào, xây dựng thêm những kỹ năng mềm cho nhà báo hiện đại không phải là việc quá khó. Song làm theo luật báo chí, theo đạo đức báo chí, theo những quy chuẩn tác nghiệp báo chí chưa đủ, mà mỗi đơn vị báo chí cần xây dựng kỹ năng mềm cho nghề báo theo đặc thù của đơn vị mình. Hiện nay nhiều đơn vị báo chí đã áp dụng các mô hình công tác chuyên môn hiện đại, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như giao ban trực tuyến để bớt đi lại hội họp và đỡ tốn kém, tổ chức tòa soạn không giấy, phân công phân nhiệm rõ ràng, giảm bớt công tác sự vụ cho các nhà báo tác nghiệp…Đã đến lúc phải chuyên môn hóa tất cả mọi việc vì tính chuyên nghiệp thể hiện ở tất cả mọi hoạt động của nhà báo, từ việc quan trọng nhất đến việc nhỏ nhất. Bởi đôi khi chỉ vì hòn sỏi nhỏ xíu trong một đôi giày mà chúng ta không thể đi xa.