Nhà báo Phùng Công Sưởng – Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong: Làm báo bây giờ như những người chèo thuyền ngược dòng

Thứ hai - 10/02/2020 07:56
Khi tôi đặt vấn đề phỏng vấn ông, ông có hỏi tôi muốn biết điều gì về nghề báo. Tôi cũng thành thật nói rằng, với cái tên “Phùng Sưởng” tôi muốn ngồi cả buổi để nghe chuyện nghề nghiệp từ cái thời ông là cây phóng sự điều tra nổi tiếng đến chuyện của một Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, chỉ đạo rất nhiều tuyến bài nóng dậy sóng dư luận… Và tôi có một buổi chiều thú vị để thấy, với nghề báo muôn màu chỉ yêu thôi là chưa đủ.

Chúng ta hãy chuẩn bị “hàng sạch” cho bạn đọc

+ Ông từng nhận định rằng: Làm báo bây giờ như những người chéo thuyền ngược dòng, cứ buông tay chèo là thuyền lại đi xuống. Vì sao vậy thưa ông?

- Nói hình tượng như vậy bởi áp lực làm báo giống như người chèo con thuyền ngược dòng. Thông tin bây giờ như vũ bão, tựa những con sóng liên hồi, khó có cái gì là của riêng cả, và cũng khó đọng lại lâu trong đầu bạn đọc. Nếu người làm báo không vươn lên chèo đầu những con sóng thì sẽ bị nhấn chìm. Theo một ý khác “chuyền thuyền” không chỉ là đẩy con thuyền tiến lên mà còn phải đảm bảo an toàn trước đá ngầm, sóng dữ hay những dòng xoáy bất thình lình, nếu không thì lại về điểm xuất phát. Đấy là sự cạnh tranh khốc liệt về tốc độ, về bạn đọc, cạnh tranh về tính chân thực của thông tin và đôi khi còn cạnh tranh với cả một mớ thông tin nhảm nhí, không nguồn gốc, đầy dẫy “bom, mìn” mà thiên hạ nhao theo. Như vậy nhà báo không chỉ có cánh tay khỏe, dẻo dai mà còn phải có cái đầu tỉnh táo, tinh tường.

Tôi nói ví dụ thế này, trước đây nếu anh có những tác phẩm  hay, anh có thể bảo mật cho đến khi công bố. Nhưng nay, xin lỗi là thật khó! Trước, thông tin chỉ được phát hành trên kênh báo chí và được thẩm định chặt chẽ, nhưng nay, ngoài các cơ quan báo chí chính thống thì mỗi công dân đều có thể trở thành “nhà báo” và cũng làm chức năng như “tờ báo” mà chúng ta thường gọi là “báo chí công dân”. Họ viết, quay, biên tập và tự phát hành mà chẳng cần đến tính định hướng, chính xác hơn họ mà lại hấp dẫn bạn đọc, đấy là một thử thách rất lớn đối với những người làm báo hiện nay.
111
+ Phải chăng cũng vì câu chuyện “thách thức của tốc độ” nên năm qua có nhiều “sự cố” của báo chí, thậm chí cả những tờ báo lớn cũng “dính” chuyện “việt vị thông tin” thưa ông?

 Ngoài việc cạnh tranh giữa thông tin báo chí và mạng xã hội thì bản thân trong nội bộ làng báo cũng có sự cạnh tranh. Cạnh tranh là tốt, là động lực cho sự phát triển, tuy nhiên đôi khi các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với những quan điểm làm báo lệch lạc, đưa tin câu view, xâm phạm đời tư thái quá, thậm chí đưa tin không chính xác, thiếu kiểm chứng. Tại sao lại như vậy? Cũng chính bởi áp lực từ tốc độ mà chúng ta cố tình hay vô tình bỏ qua một số quy trình. Đó còn là cuộc chạy đua với những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội mà hậu quả là nhiều nhà báo, tờ báo bẫy thông tin và bị mạng xã hội dẫn dắt. Và thật đáng tiếc là nhiều cây viết thâm niên, nhiều tờ báo lớn có uy tín cũng là nạn nhân của những chiếc bẫy này.

+ Chuyện “sa bẫy” như ông nói cũng là một trong cách tạo “đất sống” cho thông tin bẩn, tin giả, gây hoang mang dư luận. Chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn điều ấy thưa ông?

- Thông tin là một dạng hàng hóa đặc biệt có tác động rất lớn đến người dùng và toàn xã hội. Vậy nhưng tôi tự hỏi, người tiêu dùng – bạn đọc đã bao giờ quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc của thông tin chưa, vậy nên đất sống của tin giả một phần chính là dựa vào sự dễ dãi, thói quen tiếp nhận thông tin tự nhiên chủ nghĩa của không ít bạn đọc. Tuy nhiên tôi tin rằng giai đoạn “hỗn loạn” thông tin sẽ dần đi qua khi trình độ, nhận thức và thói quen của bạn đọc được thay đổi. Nhiều người đang quay lại với cách tiếp cận thông tin có nguồn gốc, có kiểm chứng và xa rời thậm chí quay lưng, tẩy chay  với những loại tin lá cải, nhảm nhí, không có căn cứ. Đây là cơ hội tốt cho những tờ báo, nhà báo làm báo tử tế, nghiêm túc. Và rõ ràng, báo chí cần phải nỗ lực để thúc đẩy tiến trình này diễn ra nhanh hơn. Để làm được việc này, tôi nghĩ chúng ta hãy chuẩn bị “hàng sạch” để cung cấp cho bạn đọc. Người đọc sẽ đi tìm đến những nơi có thông tin chính xác, bổ ích, hữu dụng, lành mạnh, văn hóa. Mỗi tờ báo thực sự là một kênh cung cấp thông tin có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đừng nghĩ lúc nào cũng sơn hào hải vị mới là bữa tiệc ngon

+ Được biết ông là một cây bút điều tra rất được nể trọng trong nghề. Ông thấy việc tìm “đề tài” mới đối với phóng viên thời nay có khó không?

- Hiện nay, chúng ta phải tìm đề tài mới trong một xã hội gần như cái gì cũng có người biết hết rồi thì rất khó. Nhà báo phải thực hiện hai việc, một là làm mới thông tin cũ và thứ hai là đi tìm ra những cái thật sự mới. Hiện nay gần như ở các trang báo chúng ta đang đi làm mới lại những cái cũ rất nhiều. Đó là chưa kể, thông tin đã có gần hết trên Google hoặc trên các phương tiện đại chúng khác. Tất cả mọi người đều có thể tự kiểm chứng và không cần nhờ đến nhà báo. Trí tuệ của bạn đọc là vô hạn, vô biên trong khi ấy nhà báo thì lại hữu hạn. Thế cho nên để đi tìm những cái mới là cả một vấn đề rất áp lực và trăn trở. Câu chuyện được đặt ra cho mỗi nhà báo là phải tạo ra những thứ khác biệt về nội dung.

+ Tìm đề tài mới lạ như “mò kim đáy bể” thì tạo ra nội dung khác biệt có phải là nhà báo… bị dồn tới chân tường không, thưa Phó Tổng Biên tập?

- Rõ ràng là, thông tin mang tính độc quyền phải hội tụ đầy đủ những yếu tố đó là phải mới mẻ, hấp dẫn nhưng lại phải độc và lạ. Tôi nghĩ rằng, mảnh đất cho những tin độc lạ vẫn còn dư địa nhưng khai thác được thì quả là khó khăn đòi hỏi nhà báo phải có tư duy, trình độ, kinh nghiệm và cả sự dấn thân trên mức bình thường. Vậy thì, thay vì chúng ta đi theo những cái độc lạ nhưng nó rất ít và khó tiếp cận thì hãy tập trung vào nhóm thông tin hữu ích – cũng là cách tạo sự khác biệt. Nghĩa là nếu như chúng ta chưa tìm được những “món ăn đặc sản” thì hãy tìm đến những món ăn bổ dưỡng, hữu ích, chứ đừng nghĩ lúc nào cũng sơn hào hải vị mới là bữa tiệc ngon. Đó chính là những thông tin mang tính đời sống dân sinh, mang tính chất  tư vấn tương tác với bạn đọc. Ví du như Hà Nội đang ô nhiễm như thế này, nhà báo chỉ thấy phản ánh đến vấn đề ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Vậy tại sao chúng ta không đi vào những thôn tin gần hơn nữa để bạn đọc thấy được sự tương tác với nhà báo, thấy rằng thông tin của chúng ta thiết thực, hữu ích cho họ. Ví dụ như người già, trẻ em thì nên đi ra khỏi nhà vào những thời điểm nào? Trong nhà thì nên trang bị những thiết bị nào để lọc khí? Thậm chí với tình hình ô nhiễm như vậy, người dân nên chọn nơi nào để sinh sống cho phù hợp… Thông tin này không chỉ hữu ích cho người dân – nạn nhân của ô nhiễm, nó còn hữu ích với các doanh nghiệp trong việc thiết kế ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân… Đối với những thông tin như vậy, tôi thấy nó rất gần gũi, hữu ích với người đọc mà lại ít báo đề cập đến.

+ Nhưng ông thấy đấy, so với cái thời của các ông lăn lộn với nghề, bây giờ làm báo có nhiều áp lực quá khiến sự sáng tạo ít nhiều cũng bị ảnh hưởng?

 hãy nghĩ đến Sứ mệnh của người làm báo là gì; Đặc trưng của báo chí ra sao? Những người làm báo phải sản xuất ra những “đứa con tinh thân” hội đủ các yếu tố: tính trung thực, tính chính xác, tính khách quan, tính đa chiều, tính nhân văn… mất đi mấy cái đó thì làm gì còn là báo chí nữa. Đây cũng là cái khó để người làm báo phải vượt qua. Phải trau dồi, bồi dưỡng ký năng, tăng cường bản lĩnh để thích ứng với môi trường mới chứ không phải vì như thế mà chúng ta làm ẩu, làm sai cho ra đời những sản phẩm lỗi để sau đó đổi lại môi trường khách quan, áp lực lớn… Đương nhiên nghề báo là nghề sẽ có rủi ro, đôi khi có sai sót, nhưng ở mức tạm chấp nhận được. Còn nếu như không tồn tại, không thích ứng được thì chúng ta sẽ bị đào thải. Dù sao đi chăng nữa thì nghề báo vẫn là nghề được rất nhiều người trân trọng, chính vì vậy chúng ta càng cần phải cố gắng. Chẳng có gì là dễ dàng cả. Ai ở trong môi trường càng khó mà càng chứng minh là mình tồn tại được, biết biến điểm yếu thành điểm mạnh, chuyển khó khăn thành cơ hội thì ắt hẳn sẽ thành công.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Vân (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Nhà báo & Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây