Trong cuộc trò chuyện với nhà báo Đặng Văn Tuân – phóng viên báo Tuổi trẻ về tác nghiệp tại Lạng Sơn càng cho chúng ta thêm niềm tin để bình tĩnh sống. Bởi bên cạnh các bác sĩ đang trực tiếp cứu chữa bệnh nhân còn có rất nhiều lực lượng tổng lực cũng góp phần không nhỏ trong công tác này. Họ là những người lính bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch, đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Phải thận trọng và an toàn
Nhà báo Đặng Văn Tuân chia sẻ: Ngay khi nhận lệnh phân công từ tòa soạn, các nhóm phóng viên của báo đã chia ra nhiều mũi tác nghiệp với yêu cầu phải bao quát thông tin, nhanh hơn báo khác và phải có thông tin chính xác, hình ảnh chân thực về sự kiện. Những áp lực là không nhỏ, nhóm chúng tôi được giao nhiệm vụ lên tuyến biên giới Lạng Sơn ngay từ ngày mùng 6 tết.
Trước ngày chuẩn bị lên Lạng Sơn, vợ tôi cất vào ba lô một hộp khẩu trang y tế, gia đình, người thân cũng khá lo lắng cho chuyến tác nghiệp đột xuất ngay ngày đầu tiên khai xuân ít nhiều có rủi ro này. Rõ ràng, đưa tin là nhiệm vụ của tất cả các nhà báo, mà muốn có hình ảnh, thông tin chân thực, xúc động thì không có cách nào khác là phải tiếp xúc tận nơi với những người bị cách ly ở biên giới khi họ vừa trở về từ Trung Quốc. Bởi thế, bản thân tôi cũng xác định rằng, đây là một chuyến đi nhiều nguy hiểm, phải thận trọng và an toàn, cũng phải nỗ lực hết sức để tiếp cận nguồn tin.
Với kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi xác định rằng, thời điểm đó, nếu không đưa tin về các hoạt động kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ ở biên giới, có thể những thông tin nhiễu loạn trên mạng sẽ làm xã hội hoảng loạn hơn. Suy nghĩ như vậy nên nhóm phóng viên đã đi sớm để chủ động thông tin hơn, đồng thời cũng nhờ vậy mà đã mở rộng được những tin tức liên quan đến cuộc giải cứu nông sản ở biên giới. Cho nên báo Tuổi trẻ là tờ báo đầu tiên ghi nhận quá trình nông sản bị ách tắc và được giải cứu như thế nào tại những “điểm nóng” này.
Tác nghiệp ở vùng biên, chúng tôi cũng thấy thấm thía với những vất vả khi phải chạy đi chạy lại, tác nghiệp, ghi hình, phỏng vấn, túc trực cùng các lực lượng liên ngành như biên phòng, hải quan, kiểm dịch trong công tác phòng chống dịch bệnh...
Chúng tôi phải đi dọc biên giới Lạng Sơn, ghi nhận những câu chuyện ở các đồn biên phòng Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam... Nhìn chung chuyến đi đầy nguy hiểm nhưng có những thông tin, hình ảnh rất xúc động và đáng quý.
Không chỉ vậy, khi tác nghiệp trong những đêm trắng cùng họ, chúng tôi cũng thấy bao mệt mỏi tan biến, những lo lắng cũng phần nào bớt đi thấy những hiểm nguy của nghề báo cũng bình thường thôi, không có gì to tát cả. Bởi khi chứng kiến lực lượng biên phòng vẫn ngày đêm trực chốt biên giới 24/24; hàng hóa thông quan thì các lực lượng chức năng cửa khẩu phải hàng ngày tiếp xúc mầm lây lan bệnh; các bác sĩ Trung đoàn 123 vẫn hàng ngày tận tụy chăm sóc, thăm khám cho hơn 400 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về. Thực sự, chưa khi nào mà các lực lượng từ biên phòng, kiểm dịch y tế đến hải quan tại các cửa khẩu biên giới lại phải “gồng mình” đến như vậy. Với họ mục tiêu hàng đầu là nhằm ngăn chặn được dịch bệnh lây lan ngay từ đường biên, mọi quy trình khép kín từ kiểm soát người thông quan, kiểm tra thân nhiệt, cách ly những công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc được thực hiện nghiêm ngặt ngay để ngăn chặn dịch bệnh. Qua đó để thấy Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch, vừa an toàn, vừa nhân văn.
Luôn sẵn sàng chống “giặc dịch”
Một trong những hình ảnh khiến nhóm phóng viên chúng tôi không thể quên được đó là hàng trăm chiến sĩ thuộc các đồn biên phòng Lạng Sơn những ngày này ăn gió nằm sương trên từng đường mòn nơi địa đầu Tổ quốc.
Chúng tôi – những người cầm bút thực sự không khỏi xúc động trước những người chiến sĩ quân hàm xanh ấy. Những câu chuyện trắng đêm phòng dịch trong rừng biên giới với một tinh thần “người lính” đã được chúng tôi xây dựng thành những loạt bài, những clip rất ý nghĩa và được bạn đọc quan tâm. Ở đó, trong cơn mưa rét tê tái ở biên giới Việt – Trung, những chiếc lều bạt được dựng lên vội vã. Bộ đội biên phòng thay nhau túc trực để không một ai vượt biên từ Trung Quốc trở về mà không được kiểm tra y tế, đưa vào khu cách ly. Thực sự chứng kiến những chiến sĩ nhóm lửa sưởi ấm giữa rừng xua đi cái giá lạnh ngày đông nơi biên thùy xa xôi mới thấy, những công việc họ làm, tinh thần chống dịch của lực lượng biên phòng nơi đây thật đáng trân quý.
Tôi vẫn nhớ về hình ảnh những đồng chí ở điểm chốt xa nhất của Đồn biên phòng Chi Ma (huyện Bình Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Đồn biên phòng Chi Ma được giao nhiệm vụ quản lý hơn 16 cây số đường biên. Trước tết, các chốt dã chiến đã được lập để chống buôn lậu, nhưng nhiệm vụ chốt chặn để đón công dân từ vùng dịch Trung Quốc trở về còn quan trọng hơn. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và cả Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn huy động thêm hàng trăm chiến sĩ tăng cường cho Chi Ma. Một số xã Mẫu Sơn, Tú Mịch... huy động thêm cả công an, dân quân phối hợp lực lượng biên phòng lập chốt. Mọi vị trí trọng điểm đều phải được chốt chặn để đảm bảo “một con ruồi cũng không chui lọt”. Chiếc lều dã chiến được căng ngay bên đường, bùn ngập đến mắt cá chân. Bộ đội khơi tạm một cái rãnh để nước mưa đỡ dồn vào trong lán. Bên trong là 2 cái giường gấp, mấy tấm ván kê tạm lên đá để đồ cá nhân, nước sát trùng, khẩu trang y tế... Chúng tôi gọi họ là những người “Ăn núi, ngủ bùn”. Dù cách đó chỉ vài chục bước chân là một bãi đất khô ráo, dưới tán rừng thông thơm ngan ngát nhưng không được dựng lán bởi bắt buộc phải lập lán ở chỗ trũng vì còn quan sát các lối mòn xung quanh. Đó là những chiếc lán chỉ cách tường rào biên giới Trung Quốc chưa đầy trăm bước. Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra, đơn vị phải lập chốt để đề phòng trường hợp xấu nhất là công dân Việt Nam từ vùng có dịch Covid-19 ở Trung Quốc vượt biên vào nội địa, vì trên thực tế vị trí này từng là lối mòn để cánh cửu vạn vác hàng vượt biên vào nội địa.
Hay như câu chuyện của bộ đội biên phòng ở chốt dã chiến Bản Thín cách cửa khẩu Chi Ma hơn chục cây số cũng vậy. Chốt dã chiến Bản Thín được lập từ ngày 3/2, mỗi ngày có 4 chiến sĩ thay nhau trực. Ban ngày phải đảm bảo luôn có 2 người, ban đêm tăng cường thêm 3 người nữa. Ca đêm chỉ có 1 người được chợp mắt, 2 người thức gác ở điểm chốt và 2 người đi tuần. Ở điểm này không điện, không nước, cũng không có sóng điện thoại. Chiến sĩ phải treo điện thoại lên cành cây phía rừng thông để giữ liên lạc. Mưa rét thì phủ thêm cái bịch nilon, cứ có chuông thì chạy ra nghe, rồi lại treo ở đó. Bếp lửa bên ngoài lán vừa là nguồn ánh sáng trong đêm, vừa là chỗ sưởi ấm, nấu ăn và hong khô củi trong cái mưa lất phất, rét buốt của rừng Mẫu Sơn...
Phải nói là, khi tác nghiệp suốt hơn một tuần ở vùng biên giới, chúng tôi đã cảm nhận được một tinh thần “chống dịch như chống giặc” của lực lượng bộ đội biên phòng. Tôi vẫn ấn tượng đến bây giờ về câu nói của một Trung tá ở đồn biên phòng Tân Thanh: “Chuyện bình thường mà nhà báo ơi! Anh em tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, mời mấy năm trước có dịch Sars, mới đầu chúng tôi nhận nhiệm vụ chốt chặn 3 tuần, nhưng kéo dài đến 3 tháng. Lần này mà kéo dài thời gian chúng tôi cũng sẵn sàng, lính mà!”. Tinh thần ấy có lẽ đã góp phần không nhỏ vào những tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Và để đến thời điểm này, nghĩ về tuyến đầu chống dịch nơi biên giới, đã có rất nhiều cơ sở để tin rằng, người Việt Nam sẽ chiến thắng được dịch bệnh nguy hiểm ấy bởi có rất nhiều những con người ngày đêm thực hiện nhiệm vụ với một thái độ và trách nhiệm cao nhất.