Nhà thơ Lê Minh Quốc: Nghiên cứu văn hóa là một công việc lâu dài
Thứ tư - 01/07/2020 09:03
Trở về từ chiến trường K, Lê Minh Quốc nhanh chóng nhập cuộc với làng văn, làng báo trong nước. Không chỉ định danh là nhà thơ, nhà văn, Lê Minh Quốc còn được biết đến là một nhà nghiên cứu về văn hóa và lịch sử.
Mới đây, ông vừa ra mắt tập sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Cuốn sách dày gần 700 trang, mang đến một diện mạo tương đối đầy đủ về văn hóa Việt từ thời kỳ Vua Hùng đến năm 1945.
* PHÓNG VIÊN: Tập sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt được xem là kết quả của hơn 20 năm theo đuổi đề tài khảo cứu về các cá nhân có ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam. Với chừng ấy thời gian, đây có thể xem là tâm huyết của ông?
* Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Thực sự, nếu không tâm huyết thì rất khó để có thể giới thiệu đến độc giả một cuốn sách như Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt. Viết cuốn sách này, tôi mong muốn mang đến cái nhìn chung về văn hóa Việt mà bất kỳ sinh viên hay một người bình thường tốt nghiệp đại học cũng có thể kể được những nét chính trong văn hóa Việt.
Trước đây, tôi từng có những cuộc trao đổi với bạn trẻ, sinh viên - là những người có học thức nhất định, nhưng khi yêu cầu họ kể ra những nét chính trong văn hóa Việt thì nhiều bạn trẻ không kể được, hoặc kể rất loạc choạc. Có thể có người nhớ điều này, có người nhớ điều kia, nhưng không nhớ nó cụ thể được. Từ thực tế đó, tôi muốn hệ thống lại, trên cơ sở của nhiều tài liệu đã có, cũng như nguồn tư liệu mà tôi có được, mong muốn góp phần giúp bạn đọc có một biểu đồ đơn giản, mang tính tổng quan về hành trình văn hóa Việt.
* Là cuốn sách nghiên cứu về dòng chảy văn hóa Việt, nhưng trong cuốn sách của mình, ông còn khảo cứu ở khía cạnh ngành nghề thông qua các vị tổ ngành nghề của Việt Nam. Mối liên hệ ở đây là gì, thưa ông?
* Các ngành nghề có ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến những yếu tố: ăn - ở - mặc, từ đó tạo dựng nên một diện mạo văn hóa của bất kỳ một dân tộc nào. Ngành nghề tác động lên văn hóa nên mình phải khảo sát nó, không thể bỏ qua được. Lâu nay người ta cũng nói đến ngành nghề nhưng khi khảo sát lại, tôi rút ra một điều như thế này: Anh không thể loại bỏ yếu tố thần thoại. Nếu loại bỏ yếu tố thần thoại ra khỏi ngành nghề là anh không hiểu gì về văn hóa Việt.
Thậm chí, có những con người bình thường nhưng đã được thần thánh hóa lên. Chẳng hạn như nhân vật cụ phó Sần, là người đã có công truyền nghề cho làng, sau đó được đưa lên là người đi làm nhà cho Sơn Tinh. Chính người dân đã thần thoại hóa như vậy, nên tôi không thể loại bỏ. Yếu tố này, nghĩ cho cùng cũng là một cách nhằm tôn vinh nghề của mình.
°Trong sách, ông viết: “Tôi đã dành thời gian rất dài để tìm tòi, biên soạn quyển sách nhưng không bao giờ dám nghĩ đã đạt đến sự hoàn chỉnh”…
°Văn hóa là một sự tiếp nối và vận động liên tục, không bao giờ ngừng. Cuốn sách của tôi tạm dừng lại ở dấu mốc năm 1945, thế thì sau năm 1945, xã hội Việt Nam có thêm những ngành nghề mới gì, những cái gì của phương Tây đã được du nhập nước ta và ai là người đầu tiên có công dung nạp nó? Chẳng hạn, trước năm 1945 không có rap, nhưng đó lại là thể loại âm nhạc đang thịnh hành hiện nay. Vậy ai đã đưa rap vào Việt Nam? Không chỉ thế mà còn rất nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nữa thì những người sau sẽ phải tìm tòi và tiếp tục bổ sung. Công việc này có tính chất kéo dài. Nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, là một công việc lâu dài và từng thời kỳ người ta lại tiếp tục bồi đắp, bổ sung.
* Khi khảo sát về các danh nhân nước Việt, có điều gì khiến ông bất ngờ? Và đặt trong đối sánh với con người đương thời, điều gì ở tiền nhân là bài học cho chúng ta?
* Đó là yếu tố dám làm. Đặc biệt, người xưa làm không vì danh hay vì lợi, mà tất cả vì cộng đồng. Chương trình Shark Tank Việt Nam, khi lên trình bày về dự án của mình, tôi thấy các bạn trẻ thường chỉ đề cập đến vấn đề qua dự án đó, họ sẽ có lợi nhuận bao nhiêu, sẽ đem về bao nhiêu tiền. Điều đó là đúng bởi vì khi khởi nghiệp ai cũng cần lợi nhuận. Nhưng nếu các bạn tìm hiểu về những tiền nhân, sẽ có thể nhận ra rằng, việc làm của tôi đem lại lợi ích gì cho cộng đồng, việc làm của tôi có tính chất tiên phong như thế nào và nếu thất bại, chúng tôi sẵn sàng đón nhận nó, thì người nghe sẽ có cảm tình hơn.
Trong cuốn sách này, tôi đặt ra vấn đề đó, các tiền nhân không vì danh vì lợi, còn các bạn trẻ đang bị thiếu điều đó. Tiền nhân làm không phải vì tiền mà vì thể nghiệm những gì mà người Việt chưa có. Đó là tính cách của tiền nhân, mà theo tôi, các bạn trẻ bây giờ rất nên học trong tất cả các lĩnh vực.
* Đến bây giờ làng văn vẫn bất ngờ khi hay tin nhà thơ Lê Minh Quốc làm cha ở tuổi 59. Sau 2 năm, cuộc sống của ông đã có những thay đổi đáng kể nào?
* Có thể nói, thay đổi lớn nhất của tôi vẫn là quan tâm về thời gian và sức khỏe. Chỉ cần nghĩ đến một điều: lúc con gái tròn 20 thì tôi đã 80, lúc ấy mình sẽ thế nào trong khi con còn bé bỏng, mới chập chững vào đời? Vì lẽ đó, nhiều thói quen, nhiều mối quan hệ trước đây, tôi buộc lòng phải gác qua một bên để dành hết thời gian cho con. Thiết nghĩ, các phụ huynh khác nếu cũng trong trường hợp như tôi cũng ứng xử như thế. Nhờ có thời gian dành cho con, quan sát con từng ngày nên tôi đã có cảm hứng sáng tác tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến. Không dừng lại đây, một tập tùy bút tương tự, tôi cũng đang viết từng ngày.