Sao vàng, cờ đỏ vẫy chờ ta

Chủ nhật - 27/09/2020 16:16

Võ Quyết1 và Người thơ Thanh Đàm là tên gọi người thanh niên yêu nước, chiến sĩ Chiến khu du kích Ngọc Trạo, Thạch Thành năm 1941, quê huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh.

Nước Việt bao năm dài nô lệ dưới ách thực dân phong kiến, phát xít đói nghèo, xương máu. Nhiều thế hệ người Việt nối tiếp nhau trên con đường dài tranh đấu cứu nước, cứu nhà, giành độc lập tự do cho dân tộc. Cuối những năm 30, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên yêu nước, trái tim đầy nhiệt huyết, được giác ngộ cách mạng, đã đi theo ngọn cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lao vào cuộc tranh đấu không tiếc máu xương mình. Người thanh niên Thanh Đàm, khi ấy chưa đầy 20 tuổi, là một trong số đó. Từ người chiến sĩ du kích Võ Quyết đến nhà thơ cách mạng Thanh Đàm là con đường phấn đấu của một thanh niên yêu nước, yêu nhân dân, được giác ngộ cách mạng, tôi luyện trong gian khổ, rừng núi chiến khu, trải bao thử thách trong lao tù trong những năm tháng trường kỳ đấu tranh chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp.
111

Năm 1941, khí thế cách mạng sôi sục cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, các chiến khu du kích được thành lập: Chiến khu Bắc Sơn, chiến khu Hậu Giang và chiến khu Ngọc Trạo ở Thạch Thành, Thanh Hoá. Đêm đốt lửa Hang Treo thành lập chiến khu có 21 đội viên du kích gồm các chiến sĩ trẻ tuổi như Trần Mai Ninh, Trần Tiến Quân, Phạm Văn Hinh… Và đội viên số 20 là Võ Quyết.

Đoàn chúng ta, người bốn phương hợp lại

Bởi dây tình cách mạng quấn vào nhau

Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi

Đời tự do đây cuộc sống bắt đầu

(Đoàn du kích chúng ta)

Sức vẫy gọi của lý tưởng cách mạng mới mẻ và cao đẹp khiến trái tim nhiệt huyết của người thanh niên trẻ, người đội viên du kích Thanh Đàm như reo ca. Và vì vậy, trong gian khó, thiếu thốn trăm bề, Thanh Đàm vẫn thấy lòng phơi phới, để viết nên những câu thơ khí phách, hào sảng:

Cơm chấm muối đời mặn tình ca hát

Nằm sườn non lòng bay bổng thanh xuân

Ngóng cờ đỏ sao vàng ngày xuất phát

Bước đoàn ta theo nhịp bước hồng quân

(Đoàn du kích chúng ta)

Lực lượng du kích Ngọc Trạo mỏng, vũ khí gươm mác, súng kíp thô sơ đã chống chọi nhiều cuộc vây ráp của lính Pháp. Có chiến sĩ hy sinh như Phạm Văn Hinh, Có người bị bắt, ngay trong hoặc sau trận chiến, trong đó có Thanh Đàm:

Sáng hôm ấy, thất cơ đành ôm hận

Mắc mưu thù sa lưới địch bổ vây

Tôi nghiến răng trước những đòn thịt nát

Còn… Hinh ơi! Anh đã ngã trong rừng cây

(Tên anh là ngọn lửa)

Thơ viết ngay trong ngục tù, có chí khí, có nội lực, lời kể thôi mà đầy chi tiết cảm động. Gần 5 năm bị tù cấm cố tại xà lim Thanh Hoá, người du kích Thanh Đàm viết khá nhiều thơ, trong đó hơn 30 bài đã in trong tập Nhớ2. Đó là những bài thơ thể hiện chí khí kiên cường, sự say mê lý tưởng cho dù bị giam cầm trong ngục tối; tinh thần kiên trung và phẩm giá người cách mạng không khuất phục trước bạo tàn của giặc thù.

*

Trong dòng chảy của thơ ca yêu nước và cách mạng Việt Nam, có một dòng chảy âm thầm quyết liệt, ngời sáng đạo đức con người, vững tin vào ngày mai tươi sáng của Tổ quốc. Thanh Đàm làm thơ không phải tư cách một thi nhân chuyên nghiệp mà ông viết thơ do nhu cầu cuộc sống tranh đấu của bản thân. Có thể coi đó là nhật ký Thơ ghi lại những năm tháng rực lửa, dấn thân của một thanh niên say mê lý tưởng trên con đường tranh đấu, giành độc lập tự do, xây dựng đất nước phồn vinh. Thanh Đàm học theo gương các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh và cả một thế hệ cùng thời như: Tố Hữu, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Hinh, Trần Mai Ninh…

Hồn cảm thơ yêu nước, yêu quê hương là ngọn nguồn cho những trang văn, câu thơ giản dị, chân tình, đằm thắm nghĩa đời. Đúng như lời tự bạch của ông: “Mà tôi làm thơ vì tôi thấy thơ nói lên và truyền cảm được cho mình những tâm tình tha thiết, những nhớ thương sôi nổi, riêng chung của lứa tuổi thanh xuân, những tự hào hay xót xa của quê hương, của dân tộc trong cảnh mất nước, những điệu tâm hồn rạo rực đi tìm chân lý của cuộc đời”3. Và ông cũng mong: “Các bạn đọc thơ tôi hãy thông cảm mà dừng lại ở những tiếng lòng đồng điệu trong sáng nào đấy”. Thế thôi, nhà thơ Thanh Đàm hiểu rất rõ thơ ông viết trong nền thơ cả nước còn nhiều hạn chế, đơn giản nhưng đó là tấm lòng của người thơ yêu đời, yêu người. Chúng ta hãy đọc lại những bài thơ ông viết ở chiến khu Ngọc Trạo, trong lao tù thực dân trước cách mạng tháng 8 để đồng điệu hồn thơ của một chiến sĩ cách mạng xứ Thanh trong dòng thơ ca của người cách mạng bị giam trong lao tù xiềng xích thực dân phong kiến: Côn Đảo, Hoả Lò, Lao Bảo, Sơn La và Quảng Châu, Trung Quốc,… Những áng thơ đầy khí phách, lạc quan yêu đời dựng những tượng đài đẹp của một dân tộc khát vọng tự do, độc lập.

Những năm dài trong xà lim Thanh Hoá từ tháng 12-1941 đến tháng 4-1945, Thanh Đàm đã viết những vần thơ đầy tâm trạng và nhiệt huyết của người cách mạng. Những dòng thơ viết trên giấy rác, bằng bút sắt, bút chì, và cả trong trí nhớ, để giấu cai ngục lính canh, đã vẽ cảnh lao tù tăm tối, đói cơm, thiếu nước.

Miếng ngon ư, đây rau cuộng mắm ôi

Ngụm nước lã đó nghìn phương thuốc bệnh

Nắng hè om, không một mảnh quạt mo

Chia từng bát nước đục mùi hôi thối

(Đời ngục thất)

Và lạ thay, trong tăm tối, khắc nghiệt, khổ ải của cuộc sống lao tù đầy căm uất đó, người tù nhân Thanh Đàm vẫn có những thời khắc đầy lãng mạn:

Nàng trăng đẹp khoác xiêm vàng kiều diễm

Buông cành tơ tỏa chiếm cả đêm huyền

Và dịu dàng nàng gọi gió trao duyên

Đem thi tứ rắc trong bầu thanh tú

(Nàng trăng)

Người chiến sĩ cách mạng trong cảnh xiềng gông vẫn vươn lên như cây xanh vươn về ánh sáng. Bởi họ có tình yêu đằm thắm máu thịt với nhân dân, quê hương, mẹ cha và người vợ thân yêu. Đó là cội nguồn giúp họ đứng vững trong cuộc tranh đấu. Nỗi nhớ nồng ấm, sâu đậm để Thanh Đàm có nhiều câu thơ giản dị, chân chất, trong lắng tình quê hương, sông núi.

Nhớ sim tím, nhớ ổi vàng,…

Đẹp lòng vượt dốc

Nhớ cỏ gai, lá sắc thử đường chân

Nhớ vầng dương hửng sáng những đồi gần

Rồi gió nổi

Rồi mây hồng

Nhớ chim reo, chờ đợi

Ta nhớ cả mối tình đầu trong sáng

(Nhớ)

Câu thơ mở rộng, nhịp thơ dồn dập, tươi non, ngời sáng như giục gọi ta lên đường chiến đấu. Bài thơ tự sự mà trữ tình, mới về tứ thơ, câu chữ, nhịp điệu. Một thành công mới của thơ Thanh Đàm.

 Rồi đây nữa một tình yêu gia đình được đặt trong tình yêu lý tưởng:

Thì em ơi! Ly biệt với tù đày

Cảnh sum họp thương em hoài mơ ước

Anh nhớ em, nhớ mãi buổi dặn dò

Ta gắn chặt tình yêu vào lý tưởng”

Như thế đó, tình ta càng trong sáng

Dù cách nhau, đời ta vẫn chung nhau.

(Tình trong sáng)

Khi đã giác ngộ lý tưởng, người chiến sĩ hiểu rất rõ sự hy sinhvà nguyện dấn thân cho cho lý tưởng ấy:

Ta đầu phải còn người ở bạc

Với tình duyên

với thân ái

với gia đình

Biết làm sao, cách mạng có hy sinh

Nên tóc đã se tơ cùng sương gió!

                           (Nhớ)

Ngày tháng trong tù không làm họ rời xa phong trào cách mạng. Ngoài song sắt xà lim kia, các đồng chí đang chờ đợi. Thơ Thanh Đàm đẩy cao quyết liệt thương nhớ nhân dân và đồng đội, khát vọng sống, ra tù và chiến đấu:

Ta nhớ người, nhớ cảnh, nhớ muôn duyên

Nhớ dao súng khi chiến khu thương mến

(Nàng trăng)

Bạn tù ơi! Có phải đời ta vui vì biết sống

Giàu hy sinh nên nghị lực đủ đầy

(Đời ngục thất)

Và đẹp mãi ước mơ của ngày cách mạng thành công:

Là khi ấy vang bài ca cách mạng

Bà cháu ta dắt díu giữa muôn người

Cùng muôn chân tiến dưới cờ hồng tươi

(Trong trắng)

Những câu thơ viết trong tù mà tự tin, làm chủ trái tim mình. Cái tình trong thơ tràn cảm xúc, xoá lấp những thiếu khuyết của ngôn từ, câu chữ, hình tượng.

Ra tù! Ra tù trái tim nhà thơ reo vang trong lồng ngực:  “Đầu trần chân đất… Ta chào nắng”Ta về với cách mạng, với phong trào Việt minh đang dâng cao trên mọi miền đất nước. Người du kích Võ Quyết của chiến khu Ngọc Trạo, nhà thơ chiến sĩ Thanh Đàm ra tù hoà đồng trong không khí sôi sục của những ngày chuẩn bị tiến tới cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại. Nào ta cùng đồng bào, đồng chí đi giành chính quyền về tay nhân dân. Đánh Tây, đánh Nhật, loại trừ phong kiến, cờ đỏ sao vàng đang vẫy gọi. Dòng thơ tuôn trào cảm xúc hào khí non sông. Hãy nhớ về chiến khu Ngọc Trạo, hãy nhớ về đồng đội, đồng chí, người hy sinh, người vào tù năm xưa để có hôm nay:

Hãy thẳng về nơi thương nhớ cũ

Sao vàng cờ đỏ vẫy chờ ta.

(Ra tù)

Nhà thơ Thanh Đàm suốt cuộc đời mình (1922-1979) đi theo con đường cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. 57 tuổi đời nhiệt huyết hoạt động xã hội và mê cảm thi ca tạo vóc dáng, bản sắc một người làm thơ xứ Thanh, đậm nét nhất là những bài thơ viết trên Chiến khu du kích Ngọc Trạo và trong xà lim thực dân Pháp. Năm 1941, tham gia đội du kích Ngọc Trạo và từ năm 1941 đến tháng 4 năm 1945 bị giam ở nhà tù Thanh Hoá. Năm 1945 ra tù, tham gia khởi nghĩa cách mạng tháng 8 cướp chính quyền ở huyện Cẩm Thuỷ và làm Chủ tịch UBHC lâm thời. Năm 1949, làm Bí thư Huyện uỷ huyện Vĩnh Lộc, Uỷ viên BCH Tỉnh ủy Thanh Hoá. Năm 1953, làm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh... Những năm sau đó ông gắn bó với công tác văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà, đảm nhiệm Trưởng ty Văn hoá - Thông tin và Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hoá cho đến khi mất năm 1979 vì trọng bệnh. Năm 1970, Ty Văn hoá và Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hoá đã xuất bản tập thơ Nhớ, trong đó có phần thơ Thanh Đàm in chung cùng thơ của nhà thơ - nhà cách mạng Trần Mai Ninh. Đó là tiếng lòng tâm tình của hai ngừơi bạn thân, hai chàng du kích của chiến khu Ngọc Trạo năm xưa.

Những tháng ngày bận rộn công việc quản lý, sức khỏe yếu, nhà thơ Thanh Đàm vẫn chắt chiu thời gian để viết thơ, viết kịch. Tác giả bài viết này hồi đó mới tập làm thơ, viết văn, hay đến trụ sở Hội Văn nghệ trong khu Nhà hát Nhân dân Thanh Hoá, thường thấy Chủ tịch hội Võ Quyết, vóc người tầm thước, tóc chớm bạc, đi dọc hành lang trụ sở chào hỏi các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ đang hào hứng sáng tác, trong đó có các anh Mai Ngọc Thanh, Lê Hữu Thuấn, Anh Chi, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ… Ông thường tâm sự với lớp viết trẻ chúng tôi khi đó, rằng, rất mong xứ Thanh có nhiều cây bút giỏi, trang văn hay hòa nhịp với nền văn nghệ cả nước. Và với mình, người chiến sĩ cách mạng Võ Quyết, nhà thơ Thanh Đàm cũng vậy, dù bận rộn, ông vẫn nuôi dưỡng cảm xúc trên những trang thơ thấm đẫm tình người, tình đất nước, ngay cả trong hoàn cảnh cam go, phút sinh tử của đời người:

Vẫn không ngừng một phút

Cảm xúc và tư duy

Tư tưởng vẫn đi về

Khắp bầu trời trái đất

(Khi ốm liệt giường)

______

1. Tên thật là Vũ Đình Thờn; bút danh: Thanh Đàm, sinh năm 1922 tại thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

2. NguyVăn hóa và Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ TH xuất bản, 1970

3. Dẫn theo Lời tác giả trong tập thơ Nhớ.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Quế
Nguồn Văn nghệ số 39/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây