Tôi đọc "người đọc" mỗi ngày

Thứ tư - 11/11/2020 15:03
"Tôi nhìn vào mắt người đọc và biết mình phải làm gì... Tôi đọc “người đọc” hằng ngày và cảm thấy mình thật sự là mình khi nhận ra phần trách nhiệm của người chủ bút trước những ý kiến phê bình hay đòi hỏi chính đáng của họ...”, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ trả lời  phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Nghề Báo. TTO trích đăng cuộc  đối thoại thú vị này.
111
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước - Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ TP.HCM - Ảnh: Đức Quang

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước bắt đầu học nghề từ năm 19 tuổi và trở thành phóng viên từ tuổi 23. Ngày 30-4-1975, anh về Sài Gòn trong nhóm phóng viên tiền phương của Đài Phát thanh Giải Phóng. Năm 1980, đúng 30 tuổi, anh chuyển về Báo Tuổi Trẻ. Từ phóng viên, anh trở thành Tổng Thư ký Tòa soạn rồi Phó Tổng biên tập cho đến hôm nay.

* Điều gì anh tâm đắc nhất với tờ báo mà anh đã góp phần suốt 25 năm?

* Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Năm 1980 khi về Tuổi Trẻ tôi được làm việc bên cạnh các anh Võ Như Lanh (TBT), Trần Minh Đức (PTBT), chị Vũ Kim Hạnh (PTBT)... những người mà trong những ngày còn là sinh viên chúng tôi đã từng sát cánh bên nhau như bạn bè, đồng chí. Đây là một đội hình mà qua họ, tôi nhận ra sự ký thác của phong trào sinh viên yêu nước từ hàng chục năm trước để lại. Họ là những người mà cả lòng yêu nước và năng lực tổ chức, lãnh đạo đã được thử thách từ lúc họ còn ngồi ở giảng đường đi học. Họ hoạt động yêu nước, làm công tác Cách mạng vận động thanh niên trước khi làm báo.

Các anh chị đó đã từng tổ chức hội thảo, biểu tình, rải truyền đơn, làm báo bí mật trước khi ngồi vào vị trí lãnh đạo Tuổi Trẻ, một tờ báo cứ theo tôi, khát vọng tự do, độc lập của dân , của đất nước đã thấm vào máu ngay khi còn thai nghén, chưa nên vóc dáng hình hài.

25 năm với những thành công và thất bại, qua bốn đời tổng biên tập đổi thay cùng nhiều xáo trộn bất an, có lúc tưởng như phải đương đầu với cơn địa chấn dự báo sóng thần. Ơn trời tờ báo vẫn đứng vững trên cái nền đã được dựng xây từ lúc sinh thành. Ngày càng có thêm nhiều bạn đọc mới chờ đợi Tuổi Trẻ, chỉ trả để nuôi sống Tuổi Trẻ và đặt Tuổi Trẻ cạnh cốc café mỗi sáng trước giờ làm việc.

* Như anh vừa diễn tả, trong bào thai, túc là từ khi còn trong giai đoạn hoạt động của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn những năm 1970 thì khát vọng tự do, độc lập đã là xu hướng chủ đạo, khi đã thực sự hình thành và phát triển trong một đất nước thống nhất, độc lập, khát vọng đó đã được thỏa mãn?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Độc lập, thống nhất rồi, nhưng kinh tế còn tiêu điều, nhân tâm còn ly tán, người dân lại đứng trước những yêu cầu mới trong thời bình. Cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh vốn là những người đã từng trải với kinh tế thị trường, nên họ đã nói “không” với kinh tế chỉ huy, chủ động cởi trói cho sản xuất bung ra và đặt lên bàn những nhà hoạch định đường lối chính sách những câu hỏi về quyền tự chủ trong sản suất kinh doanh, tự do trong chọn lựa tiêu dùng... Tất cả những điều đó dội lên mặt báo trẻ thành mối quan tâm hàng đầu, thành niềm hy vọng của người đọc mỗi ngày.

Tôi nhớ vào những năm 1980, thời Tuổi Trẻ phát triển với tốc độ nhanh, người đọc chọn Tuổi Trẻ, trước hệt như bày tỏ thái độ đoạn tuyệt với cơ chế tập trung quan liêu trói chết sức sản xuất, không tin vào con người và lạnh lùng với những phát kiến đòi hỏi đổi thay.

Tôi nhớ nhiều ấn tượng sâu sắc về vai trò của báo chí vào đêm trước của công cuộc đổi mới. Lúc đó, mỗi sáng người đọc trở dậy, mở trang báo ra để xem Tuổi Trẻ có gì mới trước hết ở những tin tức liên quan đến kết quả của những cuộc thể nghiệm còn rất dè dặt từ những doanh nghiệp đầu tiên rút chân khỏi cơ chế bao cấp đặt quan hệ với thị trường. Họ đọc say sưa những bài phóng sự phản ánh những đổi thay thuyết phục ở nông thôn khi người nông dân có được quyền tự do canh tác trên đồng ruộng của mình.

* Một nhật báo ngốn một lượng sự kiện khổng lồ hằng ngày, quả là rất cần nguồn tiếp ứng thông tin, lực lượng bạn đọc hùng hậu, những người có mặt khắp nơi đã hỗ trợ rất nhiều cho Tuổi Trẻ. Ngẫu nhiên họ đến với Tuổi Trẻ hay Tuổi Trẻ đã tổ chức cho bạn đọc làm báo?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Mạch thông tin phản hồi từ người đọc được cả một bộ máy tiếp nhận. Mỗi ngày trên bàn Ban Biên tập có hai bản tin sáng, chiều phản ánh ý kiến của bạn đọc. Trong môi trường tiện lợi của Internet, thông tin của bạn đọc qua email vừa rất kịp thời, vừa đầy đủ gần như một tác phẩm báo chí.
Người đọc viết tiếp những bài báo, làm tiếp những trang báo dang dở, góp ý điều chỉnh chủ trương biên tập. Người đọc tin cậy cộng tác với Tuổi Trẻ có phần do ngày càng rõ vai trò quan trọng của họ thể hiện trên trang báo. Mặt khác, tôi còn nhận ra ở sự hỗ trợ của người đọc cả lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách.

* Ngoài nguồn thư bạn đọc, ngoài ý kiến của phát hành, làm thế nào Tuổi Trẻ tiếp cận được yêu cầu của người đọc?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Tôi nhớ, từ trước khi bước vào năm cuối của bậc trung học, được anh trai đưa ra Huế chơi, tôi đến ăn sáng ở một quán bún bò dân dã nhưng rất đông khách. Bà bán bún nhớ tên và khẩu vị của từng người. Người này ăn hơi cay, người kia nhiều hành, tô giò, tô móng... ai cũng được chiều chuộng. Tôi nghĩ, nhà báo cũng rất cần có được cảm quan của bà bán bún, học ở bà tình cảm, và khả năng bắt nhạy với khẩu vị của người đọc mỗi ngày.

Nhưng với bà bán bún thì ngày nào cũng hương vị đó, thịt đó, hành ngò tươi thơm. Còn anh làm báo thì không thể lặp lại cái cũ. Anh phải có được cái ưu thế tự nhiên sinh ra và lớn lên trong cộng đồng, có chung số phận với cộng đồng cư dân nơi tờ báo đang có nhiều người đọc. Cho nên, tiêu chí của tờ báo ngoài màu đỏ của lý tưởng, trẻ trung, dấn thân, nó phải “rất Sài Gòn”. Nó không được làm bất cứ điều gì mà đời sống cộng đồng, văn hóa của cộng đồng đó không chấp nhận.

* Có người nói báo Tuổi Trẻ “già” quá? Theo anh đó là lời khen hay chê?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Đó là mội lời phê bình. Tôi đọc được trong góp ý đó tính đòi hỏi hướng đến bản lĩnh sâu sắc của một người từng trải, nhưng vẫn giữ được chất trẻ của một tờ báo trẻ. Trẻ trước hết ở tinh thần dấn thân vì những điều ngay lẽ phải, trẻ ở tính năng động sáng tạo, tươi mới, kịp thời cho mọi lứa tuổi. Một tờ báo trẻ cho tất cả các lứa tuổi chứ không chỉ là tờ báo trẻ cho lớp trẻ. Kể cả người lớn tuổi cũng cần sự tươi mới, đầy năng lượng và khao khát sống.

* Trên những trang báo ngồn ngộn chữ, người đọc luôn phải đau đầu với các phóng sự điều tra, với những bất công xã hội, và đau khổ cùng với những số phận nghiệt ngã... Đó là một ưu điểm khá rõ, nhưng bạn đọc đôi lúc cần dừng chân nghỉ ngơi, cảm thụ cuộc sống, song tờ báo dường như lại quá hiếm hoi những “bóng mát”?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Đúng là chúng tôi đang lúng túng xoay xở trong một không gian đã trở nên chật chội, chỉ có 16 trang với sáu số báo trong một tuần. Với Tuổi Trẻ Online, chúng tôi thiết kế cân đối hơn.

* Hình như Ban Biên tập Báo Tuổi Trẻ là những người... không biết yêu, ngay cả trên trang nhịp sống trẻ cũng rụt rè, ngô nghê đối với chuyện yêu đương?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Giống như một “chàng trai” còn lúng túng trước ánh mắt chiếu tướng của người yêu?

* Nếu được vậy thì Tuổi Trẻ với “nhịp sống trẻ” đã dễ thương và hấp dẫn hơn nhiều. Trên thực tế là các anh đang quay lưng tránh né chứ đâu dám đối diện mà lúng túng hay vụng về.

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Cảm ơn người phỏng vấn đã đọc và soi kỹ trang "Nhịp sống trẻ".

* Làm Phó Tổng biên tập nội dung, anh có là một trung tâm gắn kết của tất cả phóng viên? Liệu có chuyện thiên vị yêu ghét?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Cũng như huấn luyện viên của một đội bóng đá, không thể không phát hiện và chăm chút cho ngôi sao, những người có khả năng ghi bàn. Tôi chỉ làm tốt nội dung với một đội hình phóng viên giỏi. Trong từng lĩnh vực, sự am hiểu khả năng tác chiến của họ quy định chất lượng của tờ báo. Người phóng viên được chinh phục bằng quá trình xử lý thông tin và ra quyết định của người chủ bút. Còn phóng viên chinh phục tôi bằng những phát hiện độc đáo, tin riêng, các cuộc phỏng vấn độc quyền, hay phóng sự điều tra chấn động dư luận xã hội...

Vị trí ưu ái luôn luôn mở ra trên hết và trước hết từ phía người đọc, tôi không thể chỉ “cưng” một vài phóng viên khi bạn đọc cần ở Tuổi Trẻ cả một đội hình đều tay và độc đáo từ nghị trường, pháp đình, thị trường đến mọi mặt của đời sống, an sinh xã hội. Trang báo mở ra cho tất cả phóng viên, kể cả cộng tác viên và bạn đọc, công khai rành mạch, không thể yêu ghét riêng tư.

* Trong khi tờ báo đã thay đổi nhiều đời Tổng Biên tập, sao anh cứ giữ chức Phó Tổng biên tập suốt 20 năm?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Thông thường, thì không nên làm liên tục một chức vụ trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng đó không phải là điều tôi muốn và chắc chắn tôi không có quyền giữ. 20 năm tôi đứng ở một vị trí nhưng quy mô và tính chất công việc của tôi thì thay đổi liên tục, không ngừng đuổi theo sự phát triển của Tuổi Trẻ từ một tuần báo với số in trên 10.000 bản đến một nhãn hiệu TUÔI TRẺ với nhiều sản phẩm từ báo ra hằng ngày (350.000 bản), báo tuần, báo Cười (mỗi tháng 2 kỳ), rồi báo điện tử Tuổi Trẻ Online mới ra mắt chưa được hai năm...

Tôi thấy lúc nào mình cũng nhón gót với tay mới mong được việc. Người đọc không cho phép bất cứ ai lặp lại chính mình. Tôi nhìn vào mắt người đọc và biết mình phải làm gì. Tôi đã cố gắng vượt qua chính mình, biết chọn vị trí để bắt kịp sự đổi thay và phát triển không ngừng của Tuổi Trẻ. Tôi không ngộ nhận về mình, cho nên nếu được chọn lựa thì thuận tay, đúng sở trường, bài bản mà tôi được đào tạo là công việc của một chủ bút.

* Nghề báo hay bị đụng chạm, anh lại là một "quan báo", vậy anh có “kẻ thù” không?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Khi tham nhũng trở thành quốc nạn, làm sao nhà báo tránh được kẻ thù. Nhưng tôi không sợ kẻ thù loại đó, Tôi chỉ sợ tờ báo gây ra những nghịch cảnh cho người cô thế, ức hiếp những người không có quyền phát ngôn. Tôi rất sợ nếu có người nào đó phải cay đắng vì những bài báo sai trái, và sợ hơn nữa là những trang báo cường quyền. Ở đó, có những tin bài xúc phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân hay tổ chức. Sự lạm quyền, đôi khi đụng đến cả danh dự cá nhân hay uy tín nhãn hiệu, buộc người bị hại phải quay lưng chịu đựng, chỉ vì tránh báo chí cường quyền cũng như “tránh voi đâu có xấu mặt nào”.

* Trong một tòa soạn rất đông người, có khi nào anh cảm thấy cô đơn? Khi đó, anh sẽ làm gì?

Nhà báo Huỳnh Sơn Phước: Có được con số phát hành trên 350.000 bản, với hơn một triệu người đọc mỗi ngày, Tuổi Trẻ đang có được một tài sản vô giá. Người làm báo càng hiểu sâu thế nào là sự tin cậy và niềm hy vọng khi người đọc đã hiểu Tuổi Trẻ đến mức mà họ có thể đọc và hiểu Tuổi Trẻ ngay khoảng giữa những dòng chữ...

Tôi đọc “người đọc” hằng ngày và cảm thấy mình thật sự là mình khi nhận ra phần trách nhiệm của người chủ bút trước những ý kiến phê bình hay đòi hỏi chính đáng của họ. Vì thế, tôi chỉ cảm thấy thật sự cô đơn khi người đọc nhận ra phần trách nhiệm của tôi ở những trang báo gỗ đá, lãnh cảm vô tình, tệ hại hơn đôi khi lại phũ phàng hay nghiệt ngã. Thật khổ!

Có lúc không biết giãi bày cùng ai, đúng ra không thể biện minh, tôi đành phải viết những trang viết chỉ để giữ cho riêng mình, nó gần giống những trang nhật ký tuổi học trò, nhưng là sổ tay của một nhà báo ghi lại những món nợ chưa kịp trả cho người đọc. Đó chỉ là một cách giải tỏa, nhưng chẳng mấy khi tìm được sự bình yên. 
Hạ Ân (thực hiện)
Theo Tạp chí Nghề báo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây