Thiếu tá, nhà báo Phạm Vân Anh, Phó Giám đốc Điện ảnh Truyền hình Bộ đội Biên phòng: “Được sống cùng lịch sử là vinh dự lớn lao”

Thứ tư - 30/09/2020 15:21

Là một nhà văn, nhà báo trong lực lượng quân đội, Phạm Vân Anh luôn hướng ngòi bút của mình về những sự kiện lịch sử, những dấu mốc quan trọng của đất nước với mong muốn người trẻ hôm nay hãy phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

111
Thiếu tá, nhà báo Phạm Vân Anh trò chuyện cùng Đại tướng Nguyễn Quyết

Những ngày Thu tháng 9 vừa qua, Thiếu tá, nhà báo Phạm Vân Anh đã cùng lúc thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa như: Viết kịch bản cho sự kiện giao lưu truyền hình trực tiếp “Sao Độc lập”, hoàn thành 6 tập phim “Cờ hồng tháng Tám” được phát sóng trên kênh VTC1 và 6 kỳ báo trên Báo Biên phòng với tựa đề “Những người phất ngọn cờ hồng”. Để hiểu thêm về những công việc này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng nữ nhà báo.

-Nếu nhìn qua tựa đề của những tác phẩm này, có thể dễ dàng nhận thấy đó là những câu chuyện kể của những người làm nên lịch sử trong những ngày mùa Thu cách mạng cách đây 75 năm về trước. Xin chị cho biết rõ hơn về dự án này?

+Gọi là dự án thì có lẽ hơi to tát quá, mà chỉ đơn giản là một hành động tri ân và tôn vinh những cống hiến của các bậc lão thành cách mạng để thế hệ trẻ có thể tự hào về truyền thống của cha anh. Chuỗi hoạt động mà tôi tham gia có sự định hướng và hỗ trợ quan trọng của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và nhà báo Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Ban thư ký Tạp chí Cộng sản cùng nhiều anh chị em đồng nghiệp khác.

Cá nhân tôi cho rằng, đất nước của chúng ta đã bước qua 75 mùa thu với nhiều dấu ấn đáng tự hào và Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý giá, trong đó có bài học về phát huy tinh thần tự lực tự cường, soi sáng con đường và phương pháp cách mạng cho Đảng và nhân dân ta giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chúng tôi thực hiện những hoạt động để tôn vinh một dấu mốc chói lọi của dân tộc cũng như những người đã góp sức để làm lên ánh sáng ấy.

-Khai thác một vấn đề đã cũ bằng một góc nhìn mới, mang hơi thở cuộc sống hôm nay, hẳn đã đem đến cho chị và các đồng nghiệp không ít khó khăn?

+Khi nhận được lời mời tham gia chương trình “Sao Độc lập” của Tạp chí Cộng sản, tôi đã hiểu rằng đây là một cơ hội để tôi có thể làm được một điều gì đó ý nghĩa để tri ân “những người con trung hiếu của dân tộc”, những người đã cống hiến trọn vẹn tuổi xuân để đất nước ta, dân tộc ta có được một giang san, cơ đồ rạng rỡ như ngày hôm nay. Tôi nhận được sự gợi ý, định hướng của PGS.TS, nhà báo Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về việc cần tìm hiểu sâu những câu chuyện, những nhân vật mà còn chưa được báo chí nhắc đến nhưng lại là những “điểm nhấn” quan trọng tạo nên cảm xúc cho một chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu lịch sử, gặp gỡ các sử gia và tìm đến các nhân chứng lịch sử để hiểu thêm về giai đoạn cách mạng đó. Và tôi hiểu rằng, các đồng chí lão thành cách mạng trực tiếp tham gia sự kiện này đều đã trên dưới 100 tuổi, nếu không làm phim hoặc viết một loạt ký sự chân dung nhân vật sẽ muộn bởi các cụ chính ký ức sống về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Tôi may mắn là đều có sở trường ở cả thể loại báo hình và báo viết, nên hăm hở bắt tay làm luôn.

Kết cấu của phim “Cờ hồng Tháng 8” cũng như loạt bài “Những người phất ngọn cờ hồng” và chương trình giao lưu nghệ thuật “Sao Độc lập” được làm khá đa dạng nhưng có một điểm chung là đi từ sự kiện để phản ánh cao trào cách mạng của nhiều vùng, từ Bắc vào Nam, mỗi vùng có một nhân chứng. Và hơn hết, thông qua các tác phẩm của mình, chúng tôi đã truyền được tinh thần cách mạng tháng Tám, tâm thế của người Việt trong cách mạng tháng Tám vào khí thế của đất nước trong giai đoạn hội nhập hôm nay.

111
Thiếu tá, nhà báo Phạm Vân Anh tặng quà đồng chí Vũ Oanh

- Là một người ở thế hệ 8X nhưng có thể nói Phạm Vân Anh đã khẳng định tên tuổi trong nhiều lĩnh vực, viết báo, làm thơ, viết văn, viết báo, viết kịch bản và gần đây còn làm quản lý. Giữa bộn bề công việc, hơn nữa được biết chồng của chị, nhà báo Đặng Giang lại công tác xa nhà, vậy chị đã làm thế nào để cân bằng được hai nhiệm vụ “việc nước” và “việc nhà”?

+Có vẻ như tôi hơi tham lam nhưng do đặc thù công việc cũng như khát vọng muốn được thử nghiệm bản thân trên nhiều lĩnh vực. Những gì mà tôi đang có trên hành trình văn chương cũng như báo chí của mình có thể nói là còn rất khiêm tốn. Viết văn cho tôi cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào. Dẫu biết là không hề dễ dàng để thành công trên mọi đề tài, thể loại nhưng tôi vẫn luôn đặt ra những cái đích để phấn đấu. Tôi là một nhà thơ, và thơ vẫn là mục đích theo đuổi đến cuối đời nhưng trên hành trình dài đó sẽ có nhiều thứ tôi không thể dùng ngôn ngữ thơ để thể hiện. Tiểu thuyết truyện ngắn hay thơ ca, điện ảnh, báo chí thì đều cần đến vốn sống sự rung cảm và kinh nghiệm sáng tác. Thiết nghĩ người hành hương khôn ngoan là người luôn biết mang theo mình nhiều hành trang để đến được đất thánh mà không bị gián đoạn hay đứt gánh giữa chừng.

Nếu để tự nhận xét về mình, có lẽ điểm mạnh duy nhất mà tôi cảm thấy là mình có đó chính là sự nhạy cảm và sự quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và điều mình tin tưởng, hướng tới sự mỹ cảm của cuộc sống cũng như nghệ thuật. Điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc phát hiện đề tài phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn và từ đó tạo cảm hứng cho tôi sáng tác văn học. Và tất nhiên, nếu không có sự ủng hộ của gia đình, người bạn đời và cũng là bạn nghề đã luôn trân trọng, thấu hiểu và yêu thương vợ thì có lẽ tôi cũng không thể “tung hoành” với nhiều dự định, nhiều vai trò như thế.

-Việc lựa chọn nhân vật để phản ánh chắc hẳn cũng đã khiến chị và các đồng nghiệp phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều?

+Thực ra chúng tôi không có điều gì phải đắn đo bởi cống hiến của các đồng chí lão thành cách mạng đã được sử sách ghi nhận với những vai trò hết sức quan trọng trong những ngày thu tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc của dân tộc. Công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là tôn vinh những cống hiến đó thông qua ngôn ngữ của điện ảnh - truyền hình và ngôn ngữ báo chí mà thôi. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian có hạn và các đồng chí lão thành nhiều người sức khỏe yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nên chúng tôi phải gác lại một vài nhân vật mà chúng tôi cũng rất tâm đắc.

Điều lớn lao nhất mà tôi thu hoạch được qua những hoạt động này, đó chính là bản thân tôi đã được sống cùng lịch sử, đến gần để chiêm ngưỡng, để hiểu sâu sắc về những con người đã làm nên lịch sử. Tôi cũng đã có dịp tri ân các bác và bày tỏ với họ rằng, chúng tôi, những người được thừa hưởng thành quả của cách mạng, của những hi sinh, cống hiến của biết bao thế hệ cha anh vẫn luôn nhớ và tri ân, vẫn luôn tự dặn lòng mình phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với lịch sử vẻ vang của đất nước.

-Thực hiện những công việc vào những ngày mùa Thu lịch sử này, chị có mong muốn gì muốn được gửi gắm đến thế hệ trẻ?

+Những người trẻ có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với văn hóa, tri thức của nhân loại. Các phương tiện thông tin truyền thông, công nghệ tin học cho phép họ có được những thứ họ muốn nghe, muốn đọc. Nhưng có vẻ như nhịp sống quá sôi động khiến cho thị hiếu của những người trẻ có nhiều thay đổi. Họ thích xem, thích đọc những tác phẩm mang tính giải trí đơn thuần hơn là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, có nội dung hàm chứa nhiều thông điệp cuộc sống đòi hỏi người đọc phải dụng công cảm thụ tác phẩm.

Thông qua loạt phim này, tôi muốn nhấn mạnh lại sức trẻ, ý thức tuổi trẻ khi tham gia cách mạng lúc còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất chỉ 25, ít nhất 11, 12 tuổi, chỉ bằng lòng nhiệt tình yêu nước, bằng vũ khí thô sơ và tinh thần dũng cảm nhưng đã làm nên những điều vĩ đại. Chính vì thế, tuổi trẻ ngày hôm nay hãy phát huy tinh thần của cách mạng tháng Tám, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam để dân tộc thực hiện được một khát vọng chung - khát vọng hùng cường mang tên Việt Nam.

- Xin cám ơn chị!

Ngô Khiêm (thực hiện)
Báo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây