Nhà báo Thái Bá Dũng: Phía sau một câu chuyện đẹp…

Thứ năm - 19/11/2020 10:54
Tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” của nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh vừa đoạt giải Đặc biệt tại giải Báo chí Toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục năm 2020.

Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” là một câu chuyện rất đẹp, rất xúc động, đã chạm đến trái tim người đọc thời gian qua. Và hơn tất cả đó còn là sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm của người làm báo đối với những thầy cô, những người vẫn lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Những hình ảnh đẹp hơn ngàn lời nói

Vẫn nhớ, ngày 5/9/2019, hòa chung không khí của cả nước, cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uôi tại điểm trường Tắk Pổ (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) cũng tổ chức cho học trò lễ khai giảng. Hai cô giáo muốn lưu giữ lại hình ảnh ngày đầu tiên tới trường của các em, coi đó là món quà đầu năm học dành cho các em, các cô đã chụp nhiều tấm ảnh để làm kỷ niệm. Vì có quen biết cô Thu trong một lần phỏng vấn trước đó nên nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh có nhận được những bức ảnh qua zalo của hai cô.

Anh Bá Dũng nhớ lại: “Sau khi xem xong tôi cũng thấy rất xúc động và phỏng vấn luôn qua zalo để làm một bản tin ảnh ngày khai giảng ở vùng cao xa xôi. Nhìn vào những bức ảnh tôi cũng đoán là chắc trường có thuê người chụp ảnh nào đó rất chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng hỏi lại mới biết do hai cô chụp. Tôi nghĩ đối với người làm báo, hình ảnh báo chí đẹp không phải ở bố cục mà đẹp về câu chuyện trong bức ảnh”.

111
Nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh.

Bản tin “Lễ khai giảng của 34 trò, 2 cô giáo...” đăng tải ngay sau đó đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc bởi sự đơn giản, mộc mạc. Vì lâu nay nhiều người vẫn nhận thấy lễ khai giảng thường có hình thức dập khuôn, theo đúng nghi thức với những bài phát biểu rườm rà, học sinh xếp hàng, tập luyện, cầm bóng bay… tất cả tạo ra sự cứng nhắc và thậm chí tạo áp lực cho tất cả mọi người.

Còn đối với các em học sinh ở trường Tắk Pổ, mọi thứ đều rất tự nhiên, từ nét mặt các em cho đến quần áo. Người đọc dễ dàng để ý các em đến trường với những bộ đồ cũ, lấm lem, thậm chí bé trai còn mặc đồ của các bé gái... Không có sân khấu, không có loa đài, chỉ có những chiếc ghế học sinh được các cô giáo chuẩn bị trước, tất cả tuy đơn giản nhưng cũng tạo ra sự gần gũi, ấm áp tình cô trò.

Sau khi đăng tải trên Tuổi Trẻ online, bản tin nhận được sự quan tâm của nhiều người vì nội dung tin đó hội tụ nhiều yếu tố, đầu tiên là hình ảnh một cô giáo trẻ, mặc áo dài và những học trò nhìn lấm lem nhưng ánh mắt của các em vẫn toát lên vẻ ngây thơ của tuổi học trò. Ngoài ra, còn phải nhờ đến không gian đẹp, nền thảm cỏ xanh với những bông hoa cỏ may và đám mây đang trôi ở chân trời như tạo ra vẻ đẹp như trong tranh vẽ.

111
Học sinh Ca Dong ở điểm trường Tắk Pổ - Ảnh: Trà Thị Thu

Quan trọng nhất, bản tin thu hút sự chú ý trong bối cảnh diễn ra ngày khai giảng trên khắp cả nước. Khi đó có hàng triệu lễ khai giảng trong cả nước, phần lớn đều được chuẩn bị chu đáo, chỉn chu… nhưng ở một nơi vùng núi xa xôi, dù thiếu ăn thiếu mặc, thiếu những bộ quần áo để tới trường nhưng cái các em luôn đủ đầy là sự thương yêu một cách thật lòng, sự dấn thân cống hiến của những cô giáo trẻ đang từng ngày bám trường, cõng con chữ lên bản làng để dìu dắt các em thơ” -  nhà báo Bá Dũng tâm sự.

Hạnh phúc là được mang tới thông tin cho hàng triệu độc giả

Xong một bản tin đầu tiên, nhà báo Thái Dũng nhận thấy bạn đọc có nhiều phản hồi tương tác và nhận được nhiệm vụ của cơ quan anh đã trực tiếp di chuyển đến điểm trường này, để khai thác thêm về cuộc sống của cô trò nơi đây. Anh di chuyển từ thành phố Hội An đến xã Trà Tập mất 80km, sau đó gửi xe máy ở trung tâm xã, để leo bộ 3 giờ đồng hồ qua những quả đồi, đến 4h chiều mới lên được tới điểm trường Tắk Pổ.

Nhớ lại chuyến đi đó, anh Thái Dũng cho rằng: “Quãng đường xa, nhưng do máu nghề và một thông tin đang được bạn đọc chú ý, nên đường xa đến mấy tôi cũng cố gắng lao đến. Tôi cảm thấy thích thú khi được ở trong tâm điểm sự kiện, được mang tới thông tin cho hàng triệu độc giả. Nhưng quả thật trải qua quãng đường tôi hiểu được rằng, chỉ có những cô giáo có tình yêu mãnh liệt mới có thể đến đó và chỉ có niềm đam mê mới không bỏ cuộc…”.

Loạt tin và bài được Báo Tuổi Trẻ đăng sau đó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Đúng với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, ngay những ngày hôm sau lãnh đạo huyện Nam Trà My đã tới tận nơi động viên khen thưởng cô và trò nơi đây. Hội sinh viên Học viện công nghệ AIT tại Việt Nam cùng các nhà hảo tâm đã trực tiếp đến làm việc với Báo Tuổi Trẻ để xúc tiến kế hoạch xây điểm trường mới ở Tắk Pổ… Ngoài ra, đường giao thông lên bản cũng được quan tâm xây dựng, trước đây để lên được điểm trường, các cô giáo và bà con phải mất 3 giờ đi bộ, nhưng giờ đây có thể đi được bằng xe máy.

111
Cô trò cùng nhau chụp hình trên bãi đất trống nằm cheo leo trên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh: Trà Thị Thu

Qua những bài viết, những bức ảnh được đăng tải, nhà báo Bá Dũng lại cảm thấy tự hào hơn khi mình được làm cầu nối, để truyền tải và nói lên những trăn trở của nhân vật đến với tất cả mọi người. Nhưng để làm được điều này người làm báo phải đi sâu, trực tiếp sống trong hoàn cảnh đó, để lắng nghe và chia sẻ… có như vậy mới viết ra những câu chuyện chân thực nhất và khách quan nhất.

Chia sẻ về cách tiếp cận khai thác thông tin, anh Bá Dũng tâm sự: “Quả thực, sự nhìn nhận về nghề nghiệp còn quan trọng hơn là những kiến thức được học. Đôi khi trong làm báo, có nhiều góc cạnh, người này nhìn thấy nhưng người khác lại không thấy. Thậm chí cả hai cùng nhìn thấy, nhưng mỗi người đều cảm nhận sự vật, hiện tượng khác nhau. Nhìn vào bức ảnh ở điểm trường Tắk Pổ nếu như bạn lúc nào cũng cảm thấy say mê với ngành giáo dục, nhìn nhận ở góc độ đẹp đẽ nhất, có cảm xúc thì mọi thứ đều trở nên tuyệt đẹp, giống như trong câu hát “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây… Cô giáo em tre trẻ. Dạy em hát rất hay”. Khi bạn cảm thấy rung động thì bạn sẽ truyền được nó đến bạn đọc để rồi ai cũng cảm thấy bồi hồi như ký ức tuổi thơ trong mỗi người ùa về”.

Có thể nói, đề tài giáo dục vùng cao là một đề tài không còn xa lạ, nhưng nhà báo Bá Dũng đã biết cách làm mới qua từng bài viết của mình, để rồi “chạm” đến trái tim độc giả. Anh đã truyền tải được thông điệp về tình thầy trò, về sự cao quý của nghề giáo thông qua hình ảnh của những giáo viên trẻ mới ra trường. Họ luôn tự biết vượt qua khó khăn thiếu thốn và thực hiện sứ mệnh gieo mầm những chồi non tương lai của đất nước.

Cùng với nhà báo Bá Dũng, ở trên cả nước đội ngũ nhà báo phóng viên vẫn ngày đêm đồng hành cùng ngành giáo dục, san sẻ những khó khăn cùng các thầy cô trong sự nghiệp “trồng người”. Qua mỗi tác phẩm báo chí những người làm báo đều có những gửi gắm riêng đến toàn xã hội, nhưng tất cả đều có chung một tinh thần đó là sự chia sẻ - thấu hiểu và đó luôn là điều quý giá nhất trong suốt hành trình này.
 

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây