Lúc nào cũng có cây bút bên cạnh…
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng Kim Đáng là người làm báo trưởng thành trong chiến trường Trường Sơn ác liệt. Cơ duyên đưa ông đến với công việc vô cùng thú vị này là vào cuối năm 1965, ông bị sốt rét ác tính và phải nằm viện gần một năm. Ra viện, cán bộ y tế ghi vào bệnh án của ông rằng: “Chỉ có thể làm được công việc nhẹ”. Cùng lúc đó, đơn vị lập ra tờ Trường Sơn Gang thép (sau nâng cấp là Báo Trường Sơn) và ông được cấp trên chọn vào vị trí phóng viên cho tờ báo.
Tuy nhiên, ông nhận thấy mình viết báo cũng thường thường bậc trung nên rất khó để trở thành cây bút tên tuổi vì thế ông đã nghĩ đến việc chụp ảnh. Ông đã tìm đến Đại tá Trọng Hoát, là người có chuyên môn về chụp ảnh ở chiến trường để học nghề. Cùng với đó, ông ra sức tìm hiểu, học hỏi các thể loại, lý luận hội họa… để biết cách sử dụng ánh sáng, bố cục. Ông nói vui mình là tay “phó phá” trong chiến trường, tức là được thỏa sức khám phá máy ảnh, phim của đơn vị.
Tuy nhiên, trong khám khá ông cũng đã tìm những sự thất bại, những sự thất bại được trả bằng cái giá quá đắt. Đó là trong một hội nghị mừng công, khi chụp xong ông tua lại mà không rút hết đầu phim bên trong lại tưởng chưa chụp nên mang ra chụp lại, thế là ảnh đè vào nhau. Lại có trường hợp, tưởng sẽ chụp được cảnh Đông Trường Sơn mưa, Tây Trường Sơn nắng tuyệt đẹp rồi cảnh chiến sĩ thông tin nhảy qua làn đạn nguy hiểm, tuy nhiên khi mang phim ra tráng thì phim lại không mắc vào răng cưa của máy nên không có ảnh. Từ thất bại ấy, ông đã rút ra kinh nghiệm xương máu cho mình rằng trong tác nghiệp lúc nào cũng có cái bút bên cạnh, chỗ nào viết được thì viết, chỗ nào bí quá mà ảnh thay thế được thì thay thế.
Chụp bức ảnh để "đầu xe" cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông đặc biệt tâm huyết chụp hai nhân vật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người được ông ví là tướng văn - nhà văn Nguyễn Tuân. Tuy được gặp Đại tướng không nhiều nhưng ông đã may mắn được chụp hai bức ảnh về người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là một bức trong chiến trường và một bức cách đây gần 30 năm. Ông kể, năm 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước đi thăm và cám ơn các nước bạn bè trên thế giới đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam giành toàn thắng. Khi trở về Đại tướng liền cho gọi ông đến nhà riêng và nói: “Tôi đã 80 tuổi, hôm nay muốn có một bức chân dung mặc quân phục, đeo Huân chương và quân hàm Đại tướng để phòng khi nhỡ có bề nào còn có ảnh để đầu xe”.
Nghe Đại tướng nói ông liền đề xuất: “Vừa qua trong cuộc đi thăm các nước Đại tướng được nhân dân thế giới ngưỡng mộ, kính trọng và hô vang cụm từ: “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ”. Lại có những cô gái theo phong tục che mạng nhưng khi nhìn thấy Đại tướng được thần dân thiên hạ hô vang, chào mừng nồng nhiệt, các cô đã không kiềm chế được, liền gỡ mạng ra để được ngắm nhìn dung nhan Đại tướng. Tôi muốn ghi lại hình ảnh Đại tướng đáp lễ trước sự kính trọng đó bằng hình ảnh Đại tướng giơ tay lên chào. Tôi chụp trong khuôn hình chỉ có một mình Đại tướng còn ngoài khuôn hình là thần dân thiên hạ đang hô vang và vẫy chào Đại tướng”.
Và quả thực, khi đem đến tặng Đại tướng bức ảnh, Đại tướng rất thích và ký tên vào bức ảnh. Ký xong Đại tướng nói: “Thế mà tấm ảnh quý này lại hóa hay. Nhỡ tôi có bề nào, đây là hình ảnh tôi chào lại Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới trước khi ra đi thanh thản”.
Hôm nay, khi Đại tướng đã đi xa nhưng nói về bức ảnh đặc biệt này, ông vô cùng xúc động. Ông bảo: “Đây là báu vật của cuộc đời mà ông luôn trân trọng giữ gìn, trong đó có chữ ký của Đại tướng. Đây là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời nhiếp ảnh của tôi, bây giờ bức ảnh đó không bao giờ có thể chụp được nữa, bức ảnh chụp rất chuẩn về phong thái sắc độ”.
Hướng ngòi bút đến gương người tốt việc tốt
Với tư cách là người đi trước, NSNA Hoàng Kim Đáng nhắn nhủ với giới trẻ rằng, nhà báo phải viết, sáng tạo trên hiện thực cuộc sống (có chọn lọc) đang diễn ra làm sao để có lợi cho đất nước, dân tộc và nhân loại, đặc biệt phải luôn hướng ngòi bút đến những gương người tốt, việc tốt. Nói rồi, ông lấy ví dụ về bài viết và ảnh ông vừa thực hiện về người phụ nữ chôn cất gần 3 vạn thai nhi ở Lý Nhân, Hà Nam. Ông bảo, nhân vật ấy cũng không phải có điều kiện, nhà cấy gần 3 mẫu ruộng để lấy tiền mua tiểu chôn cất thai nhi ngay trong vườn nhà mình. “Nếu độc giả đọc được những thông tin như này sẽ tin vào những điều tử tế đang xuất hiện đâu đó trong xã hội này”, ông nhấn mạnh.
Trong quan điểm nhiếp ảnh của mình, ông bảo, hằng ngày trên đất nước này, trên trái đất này đã diễn ra hàng ngàn hàng vạn hình ảnh, sự kiện, những con người xuất chúng…đòi hỏi người nghệ sĩ phải có năng lực quan sát, phân tích, phải biết chắt lọc và ghi chép, cố định những hình ảnh ấy, để người xem sờ thấy, như hiện ra trước mắt. Đó là mục tiêu phấn đấu, hướng tới và bằng cả tài năng của người nghệ sĩ nhiếp ảnh nữa. Nhìn ông say sưa nói về những ý tưởng cuộc triển lãm cũng như các cuốn sách mới thấy ở người nghệ sĩ này có một sức hút cực lớn với công việc.
Nhà báo, NSNA Hoàng Kim Đáng sinh năm 1942 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông từng công tác tại một số báo như: Báo Trường Sơn, Báo Văn nghệ, Báo Người Hà Nội, Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, Tạp chí Thế giới ảnh và từng công tác tại Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ông là tác giả nhiều cuốn sách có giá trị về nhiếp ảnh, như: “Nhiếp ảnh Việt Nam – Từ thực tiễn đến lý luận”, “Vinh quang nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam” (tuyển chọn 40 gương mặt NSNA tài năng, có đóng góp không nhỏ cho nền nhiếp ảnh nước nhà),
Theo Triều Mây/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên