BTV, MC Trần Tùng: Tự hào được phục vụ người lính trên mọi miền Tổ quốc

Thứ ba - 22/12/2020 15:18
BTV, MC Trần Tùng (Phòng Thời sự, Truyền hình QPVN, Trung tâm PT-TH Quân đội) tâm sự, mỗi khi lên hình, mặc lên mình bộ quân phục, anh xúc động vì cảm nhận được sự đồng cảm và thương yêu của các cán bộ, chiến sĩ dành cho mình. Và anh luôn tự hào khi được phục vụ người lính trên mọi miền Tổ quốc
111
BTV, MC Trần Tùng -Phòng Thời sự, Truyền hình QPVN, Trung tâm PT-TH Quân đội

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện thú vị cùng anh nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

- Theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh Tiếng Anh tại Đại học Hà Nội nhưng anh lại rẽ ngang sang con đường làm báo. Hình như với anh thì nghề đã chọn người thì phải?

+Khi còn là sinh viên Đại học Hà Nội, tôi hay tham gia tổ chức các hoạt động xã hội và thường xuyên được cử làm người dẫn chương trình. Đến năm thứ 4 đại học, tôi được là cộng tác viên dẫn chương trình của Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) và Truyền hình cáp Việt Nam (VTV Cab). Từ đó, tình yêu với công việc truyền hình ngày càng lớn dần trong tôi. 

Tốt nghiệp Đại học, tôi tham gia thi tuyển người dẫn chương trình của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN) và may mắn trúng tuyển. Thời gian đầu, tôi cũng có những bỡ ngỡ, khó khăn nhưng được làm việc trong môi trường Quân đội đã giúp tôi bản lĩnh hơn, học được tác phong làm việc của người lính, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

111
MC Trần Tùng thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp

Từ khi làm việc tại đây, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thủ trưởng; sự chỉ dẫn tận tình của các anh chị đồng nghiệp đi trước. Hiện tại, tôi đang theo học văn bằng 2 tại Khoa Phát thanh – Truyền hình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Cùng với tình yêu nghề và sự cố gắng trau dồi học hỏi nên công việc hiện tại cũng có những thành công nhất định tuy còn nhỏ bé.

- Với yêu cầu làm tin mang phong cách người lính chắc chắn luôn đem đến cho anh những thử thách cần phải vượt qua?

+ Để trở thành người dẫn chương trình truyền hình, ngoài việc có ngoại hình bắt mắt, phát âm rõ ràng, lưu loát, cần có lòng yêu nghề, lửa đam mê với truyền hình; có kiến thức, hiểu và cảm nhận thông tin để biết mình đang nói những gì, đang nói với ai và thể hiện như thế nào cho gần gũi với khán giả; sử dụng ngôn ngữ hình thể linh hoạt, hợp lý, nhạy cảm, phản ứng nhanh với mọi tình huống. Muốn có những tố chất đó cần phải liên tục rèn luyện để có cơ thể khỏe mạnh, không ngừng trau dồi, học hỏi để có kiến thức sâu rộng và kịp thời cập nhật thông tin. Hơn nữa, Truyền hình QPVN có những đặc thù riêng, chủ yếu phục vụ các cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nên cách làm tin phải mang phong cách người lính. Vì thế chúng tôi phải cố gắng làm tin ngắn gọn, dễ hiểu nhưng đầy đủ, dứt khoát, mạch lạc.

111
MC Trần Tùng vừa sáng tác 2 ca khúc: “Bộ đội ta chống dịch” và ca khúc “Gọi tên Anh – Đồng đội ơi!”

- Là người đã được dẫn nhiều chương trình quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, chắc hẳn trong anh có rất nhiều ký ức, kỷ niệm về những chuyến đi ý nghĩa ấy?

+Làm công việc dẫn chương trình truyền hình, tôi được đi đến nhiều vùng xa xôi của Tổ quốc, được gần gũi với những người lính nơi tuyến đầu và cảm nhận được tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, tôi được phân công làm người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tổ chức tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Trong chương trình, chúng tôi được tham gia nhiều trò chơi dân gian, còn được gói và nấu bánh chưng cùng bà con dân tộc và các cán bộ chiến sĩ nơi đây, cùng hát múa quây quần bên bếp lửa, được trao những chiếc bánh chưng xanh tới tận tay đồng bào nghèo nơi biên giới…Chúng tôi cảm thấy mùa xuân đó càng thêm ý nghĩa, ấm áp tình quân dân, tình đồng chí đồng đội nơi biên cương Tổ quốc. Tôi cảm thấy những người lính, người dân nơi biên giới như là những người thân trong gia đình tôi vậy.

- Ngoài công việc của một nhà báo, được biết vừa qua anh đã sáng hai ca khúc rất ấn tượng, trong đó có một ca khúc cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội chống dịch COVID-19, một ca khúc tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người dân trong đợt bão lũ tại miền Trung. Bình tĩnh nghĩ lại, anh có thể cho biết mình đã có những phút thăng hoa trong âm nhạc như thế nào, mặc dù trước đó anh chưa từng học sáng tác và chưa sáng tác?

+Đó là ca khúc “Bộ đội ta chống dịch” và ca khúc “Gọi tên Anh – Đồng đội ơi!”. Khi dịch COVID-19 xảy ra, tôi và các đồng nghiệp liên tục nhận được các tin bài, những hình ảnh về các cán bộ, chiến sĩ Quân đội đang ngày đêm tham gia trực tiếp trên mặt trận tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19.

Hình ảnh những người lính nhường doanh trại cho người cách li, chăm sóc ăn ở cho nhân dân, các chiến sĩ Biên phòng ngày đêm căng mình canh giữ các điểm chốt, tuần tra đường mòn lối mở nơi rừng sâu biên giới; các chiến sĩ Binh chủng Hóa học, chiến sĩ Quân y không ngại nguy hiểm vào tận nơi ổ dịch khử trùng, thăm khám chữa bệnh cho nhân dân... Có vô vàn những hình ảnh dũng cảm hy sinh của anh bộ đội Cụ Hồ cứ in đậm trong tôi. Đó là động lực và nguồn cảm hứng để tôi viết nên ca khúc “Bộ đội ta chống dịch”.

Cả nước hướng về miền Trung trong những ngày thiên tai, lũ lụt vừa qua. Tôi sáng tác ca khúc “Gọi tên Anh – Đồng đội ơi” như nén tâm nhang thành kính, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp người dân trong đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua. Trong MV ca khúc “Gọi tên Anh - Đồng đội ơi!”, tuy không phải là ca sĩ nhưng tôi và vợ muốn cùng nhau thể hiện ca khúc này để hát lên “tiếng hát của lòng mình”.Tôi rất xúc động khi hai ca khúc được khán, thính giả trong và ngoài nước đồng cảm, đón nhận và chia sẻ!

-Trong những ngày tháng 12 này là một nhà báo đang công tác trong quân đội, anh muốn nhắn nhủ điều gì đến các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam?

+Tháng 12 là tháng cuối cùng của năm, các cơ quan, mỗi cá nhân đều rất bận rộn để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Ngày 22/12 năm nay là ngày kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020), tôi như được tăng thêm nghị lực, sức mạnh mỗi khi nghĩ về ngày, tháng này. Mỗi khi lên hình, mặc lên mình bộ quân phục, tôi xúc động vì cảm nhận được sự đồng cảm và thương yêu của các cán bộ, chiến sĩ dành cho mình. Đồng thời, cũng nhận thấy trách nhiệm của bản thân luôn cần phải nâng cao hơn nữa khi thực hiện nhiệm vụ. Và tôi rất tự hào được phục vụ những người lính trên mọi miền của Tổ quốc.

Nhân ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, tôi xin được gửi tới các cán bộ, chiến sĩ lời chúc sức khỏe, chân cứng đã mềm, luôn hạnh phúc và thành công!

-Xin cám ơn anh

Ngô Khiêm (thực hiện)
Theo NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây