Trong những ngày mưa lũ tháng 10 năm 2020 vừa qua, nhà báo Võ Ngọc Thạnh - phóng viên VnExpress thường trú tại Huế thường xuyên có mặt tại những khu vực bị thiệt hại lớn, đó là những khu vực ngập sâu, bị chia cắt với bên ngoài. Đặc biệt là những khu vực bị sạt lở nơi vùng cao núi sâu.
Để có được thông tin hình ảnh chân thực gửi tới độc giả, anh đã tìm đến những khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất. Trong quá trình di chuyển để đảm bảo an toàn anh tham gia vào các đoàn hỗ trợ của một số lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng quân đội.
Trong đó anh có nhiều ngày "bám” theo lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế để mang nhiều thông tin hình ảnh thiệt hại mưa lũ đến độc giả. Đây là một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm, phương tiện, con người hỗ trợ bà con đang chịu thiệt hại nặng nhất.
Những ngày mưa lũ đầu tháng 10 năm 2020 nắm được thông tin thiệt hại ở Huế, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã di chuyển từ Nghệ An vào để thực hiện chỉ đạo các lực lượng quân đội hỗ trợ người dân, ông luôn có mặt ở nhiều địa bàn, để giúp đỡ, chỉ huy ứng cứu. Đi cùng đoàn công tác với thiếu tướng Nguyễn Văn Man, nhà báo Võ Ngọc Thạnh đã ghi lại nhiều hình ảnh lãnh đạo Quân khu 4 tặng quà, hỏi thăm người dân, hình ảnh sơ tán khẩn cấp người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Anh Võ Ngọc Thạnh nhớ lại: “Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trực tiếp lội nước đến nhiều nhà dân, hỏi thăm người dân, tặng đồ ăn cho từng hộ, trong quá trình đi, ông đều cập nhật thông tin ở các vùng khác, ở đâu nước lũ đổ về, dâng cao là ông lại lên đường”.
Trưa 12/10, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở làm 17 người mất tích. Hay tin thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lên đường tìm kiếm, cứu nạn. Thương xót vô cùng, khi lũ ống quét qua khu vực đoàn dừng chân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 12 cán bộ, chiến sĩ khác đã hy sinh vì nhiệm vụ.
Anh Võ Ngọc Thạnh có 2 người quen trong đoàn cán bộ mất tích ở Trạm Kiểm lâm 67 ấy, một người anh quen 10 năm trước khi còn đi lính nghĩa vụ. "Xưa anh ấy là Đại đội trưởng trinh sát, nay là Phó tham mưu trưởng. Một anh khác bên cổng thông tin tỉnh, tôi vẫn thường hay gặp. Khi đang thắp hương ở dốc Ba Trục trên đường vào trạm 67, điện thoại báo sinh nhật anh, tôi giật mình, linh cảm có khi nào anh sẽ được tìm thấy? Nhưng rồi, điều kỳ diệu đã không xảy ra” anh Thạnh tâm sự.
Tuy năm nào khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế cũng đón bão vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, nhưng chưa khi nào mức độ thiệt hại về người và tài sản nhiều như năm nay. Từng trải qua nhiều đợt lũ lớn, cũng từng đi lính giúp dân, nhưng nhà báo Võ Ngọc Thạnh vẫn còn nguyên những cảm xúc bồi hồi khi chứng kiến những mất mát của bão lũ và tình người trong cơn hoạn nạn. Kỷ niệm anh nhớ nhất là lần cùng nhóm bộ đội 6 người chèo thuyền phao vào đưa bà cụ 87 tuổi ở ven sông Bồ ra ngoài.
Nhận tin bà Hà Thị Liền (87 tuổi) ở phường Tứ Hạ mắc kẹt trong lũ, cán bộ của Ban chỉ huy quân sự thị xã đã chèo thuyền phao tiếp cận. Nước lũ chảy xiết, những người lính phải nhảy xuống dòng nước lũ để lai dắt thuyền. Sau gần một tiếng, bà Liền bị gãy tay được bộ đội bế lên thuyền ngồi. Sợ thuyền không đủ sức chứa, những chiến sĩ nhảy xuống lai dắt thuyền. Dòng nước lũ chảy xiết, các anh phải bám, níu vào dây cáp quang đang treo lơ lửng trên đường để đi...
Sau hơn 30 phút vượt lũ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự thị xã Hương Trà cũng đưa được bà Liền và hai người con lên Quốc lộ 1A. Bà Liền được một người lính bế lên xe đang chờ sẵn. Bức ảnh phóng viên Võ Thạnh chụp được trong khoảnh khắc ấy khắc họa rõ nét sự khắc nghiệt của thiên tai và tinh thần vì dân của người lính Việt.
Phóng viên tác nghiệp mùa lũ thường thiếu thốn đủ đường, nhưng đối với anh Võ Ngọc Thạnh việc chuẩn bị các phương án cho chuyến đi tác nghiệp là điều quan trọng nhất. Anh luôn nhớ phương châm an toàn để tác nghiệp, đảm bảo thông tin nhanh chóng gửi đến đọc giả. Anh nhớ lại “Máy ảnh và điện thoại tôi luôn trong tình trạng có lượng % pin lớn, chụp ảnh xong tôi dùng phần mềm chuyển ảnh từ máy ảnh sang điện thoại, lựa chọn và chỉnh sửa trên điện thoại và gửi qua zalo về cơ quan sớm, ngay sau đó mình cũng gõ thông tin trên điện thoại để nhờ đồng nghiệp cùng cơ quan nhập lên hệ thống giúp”.
Trong mùa lũ điều đầu tiên người phóng viên phải nắm được là am hiểu địa bàn, có sức khỏe thật tốt, đi tác nghiệp ở khu vực nào nên có sự liên hệ với chính quyền địa phương. Việc đi cùng đoàn địa phương sẽ nhận được sự giúp đỡ và có thông tin một cách chính xác kịp thời. “Cũng may mắn tôi được rèn luyện trong môi trường quân đội được vài năm nên việc di chuyển tác nghiệp mùa lũ đều có kinh nghiệm và sự tự tin hơn” anh Võ Ngọc Thạnh chia sẻ.
Trong đợt mưa bão năm nay, nhà báo Võ Ngọc Thạnh không chỉ tác nghiệp nhiều ngày vùng ngập, anh còn đến ghi nhận tình hình ở Trạm Kiểm lâm 67 và Rào Trăng 3…, hay khi nghe thông tin về điểm sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam anh cũng xin cơ quan lên đường, dẫu biết còn nhiều khó khăn phía trước.
Khó có thể kể hết những câu chuyện về phóng viên tác nghiệp mùa lũ, nhưng ở góc độ nào đó mưa bão cũng rèn luyện thêm sức mạnh cho những nhà báo phóng viên một ý chí kiên cường tiến lên phía trước, mang tin tức hình ảnh về cho độc giả. Ở đâu đó trong mùa mưa lũ ngoài các lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp người ta còn bắt gặp những người làm báo với đôi chân trần nhưng mang ý chí thép.
Theo Nguyên Phong/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên