Nguyễn Công Đán
Chủ tịch HNB tỉnh
Thế là đã sắp tròn một năm ngày mất của nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, nguyên UVBTV Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Hình.Ông mất rạng sáng ngày 15 tháng Một năm Kỉ Hợi, hưởng thọ 77 tuổi. Ông bị bệnh phổi đã lâu, nhưng do được chữa trị kịp thời nên ông sống khỏe mạnh trong thời gian nghỉ hưu từ năm 2003 đến cuối năm 2019, ông chỉ thực sự bị bệnh tật khuất phục trước khi mất khoảng 2 tháng, tức là ông phải nằm nhiều hơn do đi lại khó khăn. Trước đó, ông vẫn mạnh khỏe đón người thân, bè bạn, nhân viên đến thăm. Ngay trước ngày ông mất, ông còn kéo chăn đắp cho bà, và ông thường nói: Bà uống đi rồi tôi mới uống... mỗi khi bà pha sữa cho ông.
Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Hình sinh năm 1943, quê thôn Giáo Phòng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang. Khi ông lên 7 tuổi thì cha ông hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Ông sống với mẹ và được mẹ nuôi dạy cho ăn học hết lớp 7 rồi ông đi học Sơ cấp sư phạm 7+2. Thời trẻ là những năm tháng vượt khó của ông. Ông tự học và phấn đấu là hiệu phó của trường cấp 1, rồi về làm Văn phòng Huyện ủy Văn Giang, rồi làm Trưởng ban Tuyên huấn huyện ủy, và được điều ra Hải Dương công tác tại Ban Tuyên giáo Hải Hưng. Ông được đề bạt trưởng phòng rồi Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và được bầu vào BCH tỉnh Đảng bộ Hải Hưng. Trong thời gian này ông từng thức trắng đêm để hoàn thành bài viết do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Bình giao cho. Ông được mời giảng bài tại nhiều nơi và trở thành một giảng viên rất được tín nhiệm. Bởi ông văn phong khúc chiết, lý luận gắn thực tiễn, sâu sát chủ trương đường lối. Thời kì này có thể coi là cuộc vượt khó thứ hai của ông: Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nơi làm việc xa nhà bảy tám mươi cây số, ông lọc cọc đạp xe đi về, rồi lại cơm tập thể giường cá nhân những năm dài công tác tại Hải Dương...
Tôi là nhân viên được ông nhận về làm việc vào tháng 4/1993. Ngày ấy, tôi đang là phóng viên của Báo Hải Hưng, nhờ anh Doãn Thế Cường nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (Lúc đó anh Doãn Thế Cường là Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hải Hưng) giới thiệu, tôi mang hồ sơ sang Đài PTTH Hải Hưng và nhanh chóng được chuyển về Đài làm việc. Cũng trong khoảng thời gian đó, Giám đốc Đài Nguyễn Văn Hình đã lần lượt nhận 4 nhân viên khác quê Hưng Yên là Nguyễn Thị Thu Hoài hiện là GĐ Đài Hưng Yên; Mai Ngoan hiện là Trưởng đại diện TTXVN tại Hưng Yên; Ngô Thế Hải, nguyên Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo; Lương Lan, hiện công tác tại HNB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, GĐ Nguyễn Văn Hình cũng đã tiếp nhận anh Đoàn Minh Tấn, phóng viên Đài Truyền thanh Chí Linh về làm phóng viên Đài Hải Hưng. Và sau này, Giám đốc Nguyễn Văn Hình đã tuyển dụng anh Bùi Minh Tiến, nguyên PGĐ Đài Hưng Yên, Đinh Đức Khoa, PGĐ Đài Hưng Yên. Với Giám đốc Nguyễn Văn Hình, ông đã thành công trong việc tập hợp những cán bộ báo chí quê Hưng Yên. Trước ngày Đài Hưng Yên tái lập, Giám đốc Nguyễn Văn Hình đã lo chuẩn bị đội ngũ cũng như máy móc trang thiết bị cho đài, đích thân ông giao nhiệm vụ cho tôi lên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Vệt Nam làm nhạc hiệu cho phát thanh và hình hiệu cho truyền hình. Do có sự nỗ lực của 12 cán bộ công nhân viên là người Hưng Yên trở về quê hương, cùng với sự chỉ đạo của Giám đốc Nguyễn Văn Hình, chương trình phát thanh sáng mồng 01/01/1997 và chương trình truyền hình tối được phát sóng đúng giờ trong niềm vui hân hoan của những người làm phát thanh truyền hình cũng như khán thính giả tỉnh nhà. Kể từ mồng 01/01, Giám đốc Nguyễn Văn Hình nhận công tác mới sang làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông không trực tiếp điều hành đài nữa mà làm lãnh đạo quản lý lĩnh vực rộng lớn hơn, bao gồm tư tưởng, văn hóa xã hội, khoa giáo, thông tin báo chí... của tỉnh.
Trở lại những năm đầu công tác của Giám đốc Nguyễn Văn Hình tại Đài Hải Hưng, dạo đó, do còn trẻ nên tôi đã không hình dung hết được những khó khăn mà Giám đốc Nguyễn Văn Hình đã trải qua. Thời đó, Đài Hải Hưng mất đoàn kết trầm trọng và rối loạn về kỉ cương, dường như không ai nói được ai. Đang cuộc họp nhưng có một số cán bộ cướp lời để công kích lẫn nhau, thậm chí Giám đốc đài phát biểu kết luận cũng phải gián đoạn vì nhiều luồng ý kiến trái chiều. “Câu lạc bộ gốc qoéo” (Trụ sở Đài tại 75 Phạm Hồng Thái có một cây qoéo to) gồm một số nhà báo cao tuổi thường xuyên có mặt để chê bai, đả phá các công việc liên quan. Lúc đó, có cán bộ phóng viên bỏ bê công việc, hoặc một số phóng viên đi cơ sở tìm kiếm lợi ích cá nhân phiền nhiễu cơ sở... Chuyện này đến tai lãnh đạo tỉnh. Vào năm 1990, lãnh đạo tỉnh Hải Hưng điều động ông Nguyễn Văn Hình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về làm Giám đốc đài. Lạ nước lạ cái, và trong môi trường chỉ có khoảng 10% là người Hưng Yên, việc điều hành một cơ quan báo chí hàng trăm con người vốn “văn mình vợ người” không ai chịu ai là cuộc vượt khó thứ ba trong cuộc đời công tác của ông. Ông nghiền ngẫm nghĩ suy tìm cách thiết lập lại trật tự tại đài. Thứ nhất, ông cùng với cán bộ Văn phòng đài xây dựng lại Quy chế làm việc để các phòng ban thông qua và thực hiện (Quy chế này được ông mời Sở Tư pháp Hải Hưng thẩm định rồi mới ban hành cho tăng sức thuyết phục). Thứ hai, ông dũng cảm cho thôi việc một phóng viên con một đại tá quân đội vì anh này vi phạm kỉ luật lao động để làm gương cho nhân viên, đồng thời vận động một phóng viên năng lực hạn chế chuyển công tác). Thứ ba, ông gặp gỡ tìm hiểu nguyện vọng của những cán bộ phóng viên hay bỏ bê công việc, từ đó sắp xếp công việc mới hợp lí và khơi dậy lòng tự trọng yêu nghề nghiệp, động viên họ kịp thời. Ông cho phép mở thêm một vài chương trình truyền hình mới để tạo công ăn việc làm cho phóng viên. Khi có việc làm thì sẽ có thu nhập, đội ngũ phóng viên yêu nghề hơn và chăm chỉ với công việc hàng ngày. Cơ quan từ chỗ lộn xộn, nghi kị đã có trật tự kỉ cương, không khí đầm ấm trở lại. Những cán bộ có “thế lực ngầm” cũng tâm phục khẩu phục Giám đốc Nguyễn Văn Hình. Dạo đó, khi duyệt tin bài, ông rất thận trọng với từng câu chữ. Tất cả các tin bài phê bình đều được ông duyệt rất kĩ lưỡng, có tình có lý để không làm phức tạp thêm tình hình
Với các bước làm kể trên, tình hình Đài Hải Hưng dần dần ổn định, phóng viên làm việc đều tay hơn và thu nhập cao hơn nên hầu hết gắn bó với công việc. Trong vòng 2 năm, ông đã thật sự thu phục được nhân tâm của hàng trăm cán bộ phóng viên Đài Hải Hưng. Trong quản lý Đài Hải Hưng ngày ấy, ông còn có những việc làm sáng tạo để đưa đài Hải Hưng trở thành hình mẫu của cả nước về công tác truyền thanh hóa. Đó là vào năm 1993, ông đề xuất đề án truyền thanh hóa toàn bộ 351 xã phường thị trấn. Năm đó, tỉnh Hải Hưng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có được hệ thống loa truyền thanh cho tất cả các xã phường, đồng thời Hải Hưng cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước chi phụ cấp cho cán bộ truyền thanh . Cũng trong thời gian ông làm giám đốc, Đài Hải Hưng có bước phát triển đột phá về truyền hình khi lần đầu tiên đài có máy phát sóng màu Néc 1 kw kép công nghệ của Nhật Bản với bán kính phủ sóng tốt trong phạm vi bán kính 60-70 km (Trước đó Đài Hải Hưng phát sóng thử nghiệm với công suất 200w với bán kính phủ sóng 10 km). Chuyện mua máy phát sóng do có sự tranh giành mua bán giữa các công ty có máy phát hình, nên dẫn tới có thông tin nghi hoặc trên một hai tờ báo. Nhưng vụ việc ngay sau đó được Giám đốc Nguyễn Văn Hình làm sáng tỏ. Và thực tế cho thấy, máy phát sóng Nec vận hành rất bền, đã 26 năm chạy liên tục, chỉ đến năm 2016, khi nhà nước thay đổi phương thức phát sóng thì hệ thống các máy phát sóng rời mặt đất mới không còn sử dụng nữa. Với những thành tích kể trên, ông đã báo cáo điển hình toàn quốc tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Phát thanh tại Cửa Lò Nghệ An năm 1994. Những thành công tại Đài Hải Hưng là cuộc vượt khó lần thứ 3 trong cuộc đời làm việc của Trưởng ban Nguyễn Văn Hình
Còn cuộc vượt khó lần thứ 4? Có thể coi những năm đầu hoạt động tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hưng Yên là cuộc vượt khó cuối cùng của ông. Lúc đó tái lập Ban chỉ có 5 người kể cả ông. Ông cùng các anh: Nguyễn Duy Hy, Nguyễn Văn Xá, Phạm Mạnh Thực, Trần Xuân Oánh làm việc tại 2 gian nhà Thành. 5 người, 2 gian nhà với một đống giấy tờ tài liệu, bữa trưa, bữa tối ra quán cơm bình dân... Thiếu thốn khó khăn là thế, nhưng cán bộ nhân viên trong Ban rất vui vì có ông vừa là Thủ trưởng vừa là đồng nghiệp, ông hướng dẫn các cán bộ và ông trực tiếp lựa chọn tuyển thêm người. Ông giao việc cho nhân viên, yêu cầu viết báo cáo này, viết chuyên đề kia xem trình độ năng lực từng người, rồi mới quyết định tiếp nhận. Khi nhận rồi, ông tiếp tục động viên họ phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, nói chính xác như viết... Cũng trong những năm tháng khó khăn thiếu thốn này, ông được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho công tác biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Ông đã miệt mài cùng các cộng sự hoàn thành 2 cuốn lịch sử Đảng bộ tập 1 và tập 2. Vượt qua khó khăn thiếu thốn thuở ban đầu, ông đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Ban và nhân viên hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc rèn luyện xây dựng đội ngũ, tổ chức bộ máy và soạn thảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà. Ông thực sự là linh hồn, là nhà tổ chức của Ban Tuyên giáo. Các cán bộ nhân viên dưới quyền nhớ ông trong khó khăn thiếu thốn nhưng vẫn tạo dựng được một phong cách làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác từng câu từng chữ.
Những nhân viên dưới quyền ông đều nhận được sự quan tâm chỉ bảo, động viên, an ủi của ông. Mọi người bảo: Ông thương nhân viên. Nhiều người được ông nhận vào cơ quan mang quà đến biếu ông, ông cảm ơn và từ chối. Nhân viên tại Ban kể rằng, biết mọi người khó khăn, ông thường bàn bạc tìm cách kiếm thêm thu nhập, và ông cũng nhận phần như của mọi người, không hơn kém. Có nhân viên ốm đau, ông gửi quà và cử anh em trong Ban tới chăm sóc chu đáo...
Xa ông, nhân viên dưới quyền đều ghi lòng sự chỉ bảo ân cần của ông, nhớ tới tấm gương vượt khó để làm việc và cống hiến của ông. Ông như vẫn đang cười, một điệu cười rung cả đôi vai với gương mặt hiền hậu và giọng cười sảng khoái khi nhân viên có được sự tiến bộ mỗi ngày...