Phóng viên Hoàng Minh: Một bức ảnh như vạn lời muốn nói

Thứ tư - 23/09/2020 09:03
Phóng viên Hoàng Minh – Báo Tài nguyên và Môi trường được biết đến là người luôn nhiệt tình với nghề. Nhờ sự tận tụy cống hiến và sáng tạo trong mỗi bức ảnh báo chí, anh đã mang đến cho độc giả những bức ảnh thời sự mang dấu ấn riêng…

Bức ảnh có đẹp, còn phải truyền tải được nhiều thông tin, một bức ảnh được đánh giá là đẹp còn phụ thuộc vào kỹ năng, góc nhìn báo chí và phải hiểu được trang thiết bị mình đang dùng để dễ dàng tận dụng các tính năng trong mọi tình huống.

Tuy nhiên đằng sau những bức ảnh đẹp, đó là cả câu chuyện của người phóng viên làm ảnh. Đó là những lần phải bỏ dở bữa cơm để lên đường tác nghiệp, là những khi phải lăn xả với từng "điểm nóng" để đưa những hình ảnh chân thực nhất đến với bạn đọc theo dòng tin tức.

Năm 2016, vụ cháy quán karaoke ở đường Trần Thái Tông (Hà Nội), thời điểm xảy ra vụ cháy, rất nhiều phóng viên đã có mặt, nhưng không ai được vào khu vực đang chữa cháy, phóng viên Hoàng Minh đã tận dụng lợi thế là sử dụng ống kính tele có khả năng zoon lớn.

111
Tác phẩm “Người đi tìm sự sống” của tác giả Hoàng Minh.

Trong quá trình tác nghiệp nhiều phóng viên chụp toàn cảnh, lấy cả các lực lượng khác và xe cứu hỏa, nhưng anh Hoàng Minh lựa chọn phương án chụp riêng hai người lính đang cứu hỏa ở khu vực trên cao nhất.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Hoàng Minh cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh những khó khăn vất vả của các chiến sỹ nên tập trung chụp hai người lính một người đang nhìn xuống như tìm kiếm thứ gì đó, một người sử dụng vòi có công suất lớn xịt vào bên trong nên bức ảnh có nội dung và chiều sâu hơn. Vì vậy tôi đặt tên cho tác phẩm là “Người đi tìm sự sống”, đó là hành động không quản ngại khó khăn của người lính cứu hỏa trong lúc gian nguy".

Bức ảnh có bố cục chặt chẽ, vừa bao quát được toàn bộ khung cảnh, vừa miêu tả chi tiết diễn biến vụ việc. Ở đây tính chất nghiêm trọng của vụ cháy được nêu ngay khi nhìn vào bức ảnh, bên cạnh đó đây là lần đầu tiên lực lượng cứu hỏa sử dụng, thiết bị và thang chữa cháy hiện đại nhất.

Là phóng viên của báo Tài nguyên và Môi trường, nên phóng viên Hoàng Minh đã chụp rất nhiều bộ ảnh về thiên tai, lụt bão hay ô nhiễm môi trường tác động đến đời sống người dân. Năm 2018, cơn lũ lịch sử quét qua huyện Mường La (Sơn La), gây thiệt hại nặng nề cho người dân các xã. Bao trùm khắp nơi là sự đổ nát, ngổn ngang đất đá, nhà cửa, củi gỗ, đường vào các xã vẫn bị chia cắt.

111
Bức ảnh cơn lũ lịch sử quét qua huyện Mường La (Sơn La) năm 2018.

Băng qua các con suối, có mặt đúng vào thời điểm đó, anh Hoàng Minh đã ghi lại nhiều cảnh tượng tan hoang bản làng, nhiều người dân mất người thân, nhà cửa và tài sản. Sau cùng anh cũng chụp nhiều tác phẩm ảnh về công tác khắc phục hậu quả của các ngành chức năng, việc hỗ trợ của chính quyền để cùng chung tay xây dựng lại bản làng

Là phóng viên về vấn đề ô nhiễm môi trường, trong những năm qua anh đã từng tác nghiệp ở nhiều điểm được coi là khu vực ô nhiễm nhất. Như năm 2018, tại các ô chôn lấp rác của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) nước thải từ bãi rò rỉ ra xung quanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Nhận được thông tin là anh lập tức lên đường và nhờ được sự hướng dẫn của người dân, đồng nghiệp anh đã trực tiếp đến hiện trường và ghi nhận thực tế những ảnh hưởng của nước thải đến đời sống và khu vực sản xuất của người dân.

111
Một trong nhiều bức ảnh về đề tài môi trường của phóng viên Hoàng Minh.

Phóng viên là nghề vất vả, đối với phóng viên ảnh chuyên tác nghiệp ở lĩnh vực môi trường, tiếp xúc với các chất ô nhiễm thì lại càng khó khăn vất vả hơn. Tuy nhiên để có những bức ảnh giá trị, miêu tả trực tiếp khách quan vấn đề ô nhiễm mà người dân và các cơ quan chức năng quan tâm, người phóng viên vẫn buộc phải đi thực tế, đến tại hiện trường.

Phóng viên Hoàng Minh chia sẻ: “Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu thông tin của độc giả ngày càng lớn, những phóng sự ảnh là sự lựa chọn hoàn hảo cho một thời đại làm báo công nghệ. Một bức ảnh như vạn lời muốn nói, sẽ là thứ níu kéo người đọc ở lại với bài báo, vì vậy, vai trò và vị trí của phóng viên ảnh ngày càng trở nên quan trọng hơn”.

111
Phóng viên Hoàng Minh – Báo Tài nguyên và Môi trường tác nghiệp tại một sự kiện.

Tuy nhiên một bức ảnh khó có thể làm hài lòng, thỏa mãn được nhiều độc giả. Điều cơ bản nhất người phóng viên ảnh là phải truyền tải được sự kiện một cách chân thực mà không được sắp đặt trong từng chi tiết ảnh.

Khó khăn là thế, vất vả là vậy, đằng sau những bức ảnh luôn có mối nguy hiểm rình rập người phóng viên ảnh, nhưng trên hết những người phóng viên vẫn sống trọn với đam mê, với độc giả. Từ đó, góp một phần công sức của người phóng viên ảnh vào nhịp đập tin tức xã hội sôi động hôm nay.

Theo Lê Tâm/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây