Nhà báo Nguyễn Minh Quang - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) Đài THVN là một trong những người thực hiện phóng sự “Phá rừng và sang nhượng đất rừng trái phép” mới được phát sóng trên VTV24.
+ Tôi thấy, các phóng sự của anh đều được thực hiện rất bài bản, chỉn chu. Một phóng sự lôi cuốn ngay từ đầu, chắc hẳn cũng không ít công phu trong khâu chuẩn bị, thưa anh?
- Thường thì mỗi đề tài anh em chúng tôi tại VTV Digital thực hiện không quá một tuần, dù là đề tài khó thế nào đi nữa. Đề tài phá rừng và sang nhượng đất rừng trái phép này chúng tôi cũng chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là thông qua nguồn tin để tìm hiểu địa hình, mình phải biết được hiện trường ở đó như thế nào, bố trí làm sao phương tiện, trang thiết bị nào phù hợp, sẽ gặp những đối tượng nào. Chuẩn bị càng kỹ thì thời gian triển khai sẽ càng được rút ngắn.
Xuất phát từ TP.HCM, khi đến địa bàn chúng tôi đã nhờ anh em thân quen hỗ trợ xe hai cầu để vào rừng vì lúc này Lâm Đồng đang là mùa mưa. Kèm theo đó là một ít mì gói, mua thêm áo mưa dự phòng xong là nhằm hướng rừng thẳng tiến. Tranh thủ khoảng thời gian di chuyển nhóm bàn với nhau phân công nhiệm vụ ngay trên xe làm sao đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với nhau. Tôi với đồng nghiệp quay phim, kể cả lái xe thống nhất nhiệm vụ, làm gì khi gặp những tình huống phát sinh, ứng xử ra sao vì đây là đề tài có khả năng sẽ đối mặt với các đối tượng không thân thiện.
+ Có thể thấy tiêu điểm “Phá rừng và sang nhượng đất rừng trái phép” hội tụ đầy đủ kỹ năng phỏng vấn, ghi hình lẫn khai thác thông tin từ nhân vật của ê kíp thực hiện. Trong những yếu tố đó, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất để làm nên một tác phẩm điều tra truyền hình ấn tượng, thưa anh?
- Chúng tôi làm báo hình vì vậy những shot hình hết sức quan trọng. Hình chuyển tải ngôn ngữ và bằng chứng chân thật nhất những gì đang diễn ra. Tôi chỉ việc nhìn hình và kể lại...Chúng tôi thực hiện đề tài này khoảng 1 tuần, vì những bài phản ánh như vậy thường phải nhanh chóng triển khai và thông tin sớm đến bạn đọc. Điều quan trọng đối với chúng tôi là có nguồn tin chính xác, đúng, có thể tin tưởng được. Từ đó chúng tôi phản ảnh khách quan, trung thực không đi theo một chiều.
+ Là phóng sự mang tính phản ánh tiêu cực, nói lên thực trạng phá rừng gây bức xúc trong dư luận, nhưng lại “đụng chạm” đến quyền lợi của nhiều đối tượng. Vậy trong quá trình triển khai đề tài anh có nhận được sự hỗ trợ như thế nào?
- Tất nhiên, trước khi lên đường lãnh đạo đơn vị cũng đã chú ý đến việc hỗ trợ cho ê-kíp thông qua kịch bản nhận được nhưng xin phép được giữ bí mật. Tuy nhiên đã xác định làm điều tra nên rất khó để có ai giúp đỡ ngay tại hiện trường mà vận dụng kinh nghiệm, kỹ năng bản thân là chính. Thông thường khi đi tác nghiệp về những vấn đề nóng hay khu vực rừng núi chúng tôi phải tính toán kỹ những nội dung đó. Tuy nhiên trong quá trình tác nghiệp tôi luôn cố gắng làm sao hạn chế những tranh chấp, những mâu thuẫn để tránh những xô xát không đáng có. Vẫn biết đề tài phá rừng luôn chứa những rủi ro, thực tế ở nhiều địa phương đã có những cán bộ kiểm lâm trông coi rừng bị đánh đập, đe doạ, thậm chí là hy sinh. Mình cảm thấy làm công tác báo chí cần đóng góp một phần vào trong cuộc chiến bảo vệ rừng.
+ Đề tài phá rừng luôn được các cơ quan báo chí chú ý khai thác. Với phóng sự “Phá rừng và sang nhượng đất rừng trái phép”, anh muốn gửi tới thông điệp gì về vấn đề luôn rất “nóng” này?
- Thực trạng phá rừng thì đã có nhiều cơ quan báo chí nói đến, nhưng ở đây, điều tôi muốn nói là thủ đoạn phá rừng, đây là những thủ đoạn mới, tinh vi. Tôi cố gắng khai thác mục đích họ phá rừng làm gì, ai sẽ được hưởng lợi, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu! Không chỉ đơn giản như chúng ta vẫn thường thấy, phá rừng ở đây là để lấy đất, đó là góc cạnh anh em đồng nghiệp nhiều người biết nhưng để có bằng chứng thì chưa... Từ rừng xanh, biến thành những lô đất sạch sẽ để phân nhỏ ra bán. Câu chuyện cuối cùng là buông lỏng quản lý và sự bất lực của các ngành chức năng. Ở Tây Nguyên cũng như những khu vực khác, chủ trương của Chính phủ về giao đất, giao rừng là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên thực tế, quá trình triển khai lại có nhiều bất cập.
+ Trong phóng sự có không ít những lần các đối tượng lạ mặt cầm hung khí định lao vào tấn công anh và ê-kíp, anh đã có những ứng xử hợp lý làm “hạ nhiệt” đối tượng và có hiệu quả như thế nào?
- Trong quá trình triển khai đề tài này tôi may mắn được sự hỗ trợ của một số người dân, họ chỉ địa điểm chôn lấp gỗ. Tuy nhiên khi khai quật thì xuất hiện các đối tượng ở địa phương cầm hung khí, định tấn công ê-kíp thì những người dân đã lánh đi. Tôi chia sẻ và thông cảm với họ trước những đối tượng hung hãn. Họ bức xúc, nhưng họ còn gia đình, chính vì vậy họ mới nhờ đến tiếng nói của mình. Nếu mình cũng sợ hãi thì phụ công của những người đã đặt niềm tin vào mình. Và trong một tích tắc nào đó tôi phải đưa ra được quyết định đúng đắn nhất. Như hình ảnh người đàn ông trung tuổi cầm dao lao tới tôi, nhìn sắc diện tôi biết ông này đã uống rượu rồi, trước đó tôi đã nói chuyện với người phụ nữ và một thanh niên, khả năng cao đây cũng chỉ là một gia đình nông dân tại địa phương. Thông thường thấy thế ai cũng sẽ chạy, nhưng tôi nghĩ, mình chạy thì khả năng cao mình sẽ bị đuổi theo và bị chém. Vì tâm lý của người uống rượu họ sẽ rất hung hăng, thấy đối tượng mình đang uy hiếp mà chạy sẽ tạo ra cho người ta một sự hứng khởi, họ sẽ xung lên và đuổi theo chém. Lúc đó tại hiện trường có rất ít người, khó có thể can ngăn nên tôi đã chọn giải pháp đối đầu, nói rõ quan điểm tác nghiệp của mình thay vì bỏ chạy. Rất may là anh ấy cũng đã hiểu ra vấn đề...
+ Từ sự lan tỏa của phóng sự, hẳn các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, thưa anh?
- Đây là đề tài không mới, nhưng vấn đề quản lý nhà nước nẩy sinh nhiều bất cập và trách nhiệm của chúng tôi là nói lên sự thật, với những bằng chứng rõ ràng, khách quan. Mình không thêm bớt hay dàn dựng bất cứ điều gì. Và những tồn tại bất cập được chúng tôi nêu rõ, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của các ngành chức năng. Đặc biệt sau khi phát sóng, các sở ngành của tỉnh đã có động thái trả lời báo chí. Bước đầu đã có 4 cán bộ kiểm lâm bị điều chuyển sang đơn vị khác và tỉnh sẽ thanh tra toàn diện diện tích rừng và đất rừng giao cho các Doanh nghiệp tại huyện Bảo Lâm. Tuy nhiên việc 4 cán bộ phải điều chuyển không làm tôi vui. Vẫn biết rằng có sai sót thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng câu chuyện rừng bị phá nát không chỉ xảy ra một sớm một chiều mà theo người dân thì đã hàng chục năm nay và việc giữ rừng không chỉ là trách nhiệm của riêng ai, của một đơn vị nào mà là của cả hệ thống chính trị... Chính vì vậy chúng tôi sẽ trở lại Lâm Đồng để tìm câu trả lời thỏa đáng nhất. Điều quan trọng nhất là giải quyết tận gốc vấn đề, vì không giải quyết được tận gốc vấn đề thì những cánh rừng Tây Nguyên sẽ còn tiếp tục dần bị mất đi.
+ Xin cảm ơn anh!
Lê Tâm (Thực hiện)
Báo Nhà báo & Công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên