Dịch thành “Mộng xuân tàn” và “Sáng mùa xuân” là chưa sát nghĩa
Thứ năm - 31/01/2019 17:12
Mục Người Dọn VườnNLB Hưng Yên đã rất đắn đo khi mở mục Người Dọn Vườn. Vì như các bạn biết đấy, thời buổi này mọi người không muốn chê. NLB Hưng Yên cũng thấm câu “nói thật mất lòng” và “lươn ngắn chê trạch dài”. Nhưng NLB Hưng Yên lại nhớ câu “thuốc đắng dã tật” và NLB Hưng Yên cũng là học theo các nhà báo lớp trước đã từng mở mục “Dọn vườn” và mục “Hoan nghênh bạn đọc phê bình báo”. Vậy NLB Hưng Yên xin mạnh dạn mở chuyên mục Người Dọn Vườn “đặng có thể nhặt cỏ vườn Báo. Nhưng do năng lực có hạn nên cũng không tránh khỏi cảnh “Lợn lành chữa lợn què” hoặc có khi không nhặt cỏ mà lại “chặt cành bẻ hoa”. Vậy kính mong các bản Báo hãy thương tình mà bớt giận mà lượng thứ cho Người Dọn Vườn.
Dịch thành “Mộng xuân tàn” và “Sáng mùa xuân” là chưa sát nghĩa
Đầu tiên phải cảm ơn tác giả Đào Hữu Thảnh đã công phu sưu tầm và dịch rất hay bài thơ “XUÂN ĐÁN “ của Chu Văn An – Một nhà nho – Một ông quan thanh liêm cuối đời Trần. ( Bài thơ được đăng trong trang 19 số Xuân Kỷ Hợi Báo Hung Yên). Ông sinh năm 1292 vốn quê làng Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội và mất năm 1370 thọ gần 80 tuổi. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, ông đọc nhiều sách, học vấn tinh thông, ông dạy con vua Trần Minh Tông (1300 – 1357) và được vua vời làm tư nghiệp Quốc tử giám – tương đương chức hiệu trưởng. Đến đời Dụ Tông (1336 – 1369), thấy quan lại nhũng lạm vô đạo, ông dâng sớ chém 7 quan tham nhưng vua không nghe, ông từ quan, về Chí Linh ở ẩn và dạy học viết sách làm thơ. Ông buồn vì thời thế nhưng dường như cảnh đẹp ở Chí Linh làm ông thêm lạc quan yêu đời hơn. Nói yêu đời hơn vì những con người yêu nước thương dân như ông, như Nguyễn Trãi sẽ không bao giờ thờ ơ buồn nản chán chường mà vẫn yêu thương dân nước. Chính lòng yêu thương dân nước ấy đã cho ông niềm vui. Vì thế trong bài thơ ông viết về mùa xuân ở Chí Linh toát lên vẻ đẹp thanh cao mà những kẻ sỹ tầm thường không thể nào có được. Trong thơ ông vẫn thấy “mây biếc” làm trời cũng phải say; có “ánh hồng” chiếu vào hoa còn đọng sương sớm; và có tiếng chim hót bên suối… Rõ ràng không phải là “ mộng xuân tàn” đượm buồn như tác giả đã dịch: “chim kêu một tiếng mộng xuân tàn”. Nguyên văn chữ Hán “春夢殘” cần phải hiểu là “tàn” giấc mộng, “tàn” giấc mơ tức là tỉnh giấc, mà cụ thể ở đây là “ tỉnh giấc xuân”. Như vậy là tiên sinh Chu Văn An đang mơ về mùa xuân thì tỉnh giấc, thì hết mơ nhờ “tiếng chim kêu bên suối”. Nếu dịch là mộng xuân tàn thì không sát nghĩa, từ đó mang cảm giác buồn. Không riêng gì tác giả Đào Hữu Thảnh, mà nhiều tác giả đã dịch là “mộng xuân tàn”. Còn đối chiếu với tiếng Hán trong bài thơ “春夢殘” là “xuân mộng tàn” cần phải hiểu là giấc mơ trong khi ngủ, mà sự ngủ này lúc xuân về đã “tàn”, sự ngủ đã hết tức là tỉnh giấc. Vậy nên dịch như nhà bác học Lê Quý Đôn và một số tác giả đã dịch là “tỉnh giấc xuân” mới chính xác và là đúng với cái sự kể của cụ Chu Văn An - Là cụ đã tỉnh giấc lúc đang tiết xuân.
Và cũng xin trao đổi với tác giả Đào Hữu Thảnh về dịch tít của bài thơ. Bài thơ của cụ Chu Văn An có đầu đề là “春旦” âm Hán Việt là “Xuân đán” mà dịch là “Sáng mùa xuân” là thừa chữ “mùa”. “Sáng xuân” nghe vừa khỏe mà lại vừa cụ thể rõ ràng về một buổi sáng của mùa xuân. Cụ Chu Văn An không kể về thời gian “sáng” của cả mùa xuân, vì mùa xuân có tới 90 ngày. Trong bài thơ này cụ muốn kể có một buổi sáng mùa xuân khi cụ tỉnh giấc thì đã thấy “mây biếc” với “ánh hồng” chiếu vào “hoa” và “tiếng chim kêu bên suối”. Như vậy đây là một buổi sáng có nắng xuân, có “ánh hồng chiếu lên hoa còn ướt sương sớm”, có tiếng chim… Còn những buổi sáng của cả mùa xuân thì sẽ có ngày nắng ngày mưa. Nên “Sáng mùa xuân” như đầu đề bài thơ đã dịch là khó hiểu và không rõ nghĩa. Nên dịch là “Sáng xuân” cho dễ hình dung và sát với câu chữ của bài thơ hơn.
Người Dọn Vườn tôi xin có thiển ý như vậy gửi tới tác giả Đào Hữu Thảnh cùng bạn đọc. NDV cũng xin chụp nguyên tác cùng bản dịch để quý vị tìm hiểu.