Báo chí chất lượng cao: Truyền cảm hứng cho sự đổi mới sáng tạo vượt qua các ranh giới
Thứ ba - 05/11/2024 15:54
“Trong bối cảnh tất yếu của chuyển đối số báo chí hiện nay, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao ngày càng có ý nghĩa định hướng, nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, khuyến khích phóng viên trải nghiệm đa dạng các sản phẩm báo chí với công nghệ hiện đại, sáng tạo trên môi trường số”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định.
Ngày 5/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, tại TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.
Ứng dụng công nghệ số là vấn đề sống còn của báo chí
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trích lời của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” và nhận định, công nghệ số đang và sẽ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản của hầu hết các lĩnh vực, trong đó có hoạt động báo chí.
"Thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí", đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Theo đồng chí, tiếp thu các ý kiến và hoà cùng xu thế mới, từ năm nay, Điều lệ bổ sung 2 nhóm Giải mới là: Giải Sản phẩm báo chí số và Dự án báo chí truyền thông sáng tạo. “Việc bổ sung nêu trên đã chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, phù hợp với Chiến lược do Thủ tướng Chính phủ ban hành và phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông hiện nay”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho hay.
Đánh giá cao vai trò của báo chí, đồng chí Lê Tấn Hổ - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đối với tỉnh Phú Yên, trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà thời gian qua, có sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
“Thời gian tới, tỉnh Phú Yên mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, chia sẻ những khó khăn, hiến kế cùng tỉnh những giải pháp khả thi, thực hiện thắng lợi và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", đồng chí Lê Tấn Hổ chia sẻ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, về phía UBND tỉnh, sẽ chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí; tạo môi trường tốt nhất để các cơ quan báo chí hoạt động tác nghiệp hiệu quả.
Nói về sản phẩm Báo chí sáng tạo trong tiêu chí báo chí chất lượng cao PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, đó là các tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo, đột phá.
Qua đó thể hiện rõ tác giả, nhóm tác giả có giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động nghề báo, tiết kiệm chi phí sản xuất, tác động trúng công chúng mục tiêu, tác động hiệu quả đến các tầng nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, tăng cường sự tham gia tương tác của công chúng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, vùng miền và địa phương.
Đại diện cho đơn vị đến từ miền Trung - Tây Nguyên, đồng chí Đoàn Minh Long - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hoà nhắc đến câu chuyện về văn hoá báo chí, tư tưởng chính trị của người làm báo cần được rèn luyện thường xuyên, liên tục nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão hiện nay. "Việc xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí và đào tạo đạo đức, lý tưởng chính trị cho người làm báo là vô cùng cấp thiết", đồng chí Đoàn Minh Long nhấn mạnh.
Làm báo là làm mới Nhận định về xu hướng của các giải báo chí lớn trên thế giới, nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân chia sẻ, các giải thưởng quốc tế đều hướng tới đổi mới, sáng tạo. Có thể nói đến Giải thưởng Truyền thông Kỹ thuật số toàn cầu thường niên uy tín của WAN-IFRA ghi nhận sự xuất sắc và đổi mới kỹ thuật số mang tính đột phá. Các sản phẩm, chương trình đoạt giải truyền cảm hứng cho ngành báo chí truyền thông để vượt qua ranh giới của sự đổi mới sáng tạo.
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Giải Báo chí Quốc gia 2024 có hạng mục Giải Báo chí sáng tạo sẽ thúc đẩy tăng cơ hội tham gia của tất cả các tác giả, các cơ quan báo chí mà không bị giới hạn bởi loại hình và thể loại, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Từ đó tạo động lực phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số báo chí.
Để triển khai tác phẩm, sản phẩm báo chí sáng tạo, theo nhà báo Ngô Việt Anh cần có những bước cơ bản, đó là: Xây dựng ý tưởng sáng tạo; Lập kế hoạch, phân nhiệm nhóm dự án; Triển khai các dự án thành phần; Ghép nối các hạng mục và đặc biệt là tổ chức truyền thông đa nền tảng.
Về điểm chung của các tác phẩm đa phương tiện chất lượng cao, nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, đó là những tác phẩm có đề tài xứng tầm với những vấn đề thời sự quan trọng của địa phương, vùng, cả nước; những sự kiện, nhân vật nhiều người quan tâm; những phát hiện mới, riêng, độc đáo, hấp dẫn được trình bày ấn tượng với đa ngôn ngữ: text, ảnh, video, audio, đồ họa… Tác phẩm dẫn dắt theo mạch logic, dễ theo dõi, tác động đến cảm xúc người xem và được đầu tư công phu, chăm chút kỹ lưỡng.
Đặc biệt, các tác phẩm phải mang đến hiệu ứng xã hội tích cực, nhận được nhiều sự tương tác và phản hồi từ người xem và các cơ quan, tổ chức liên quan dẫn đến những thay đổi tích cực sau khi tác phẩm xuất bản.
Trong đó nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh đến 'đề tài hướng tới giải pháp'. "Hiện nay, công chúng quan tâm hơn đối với những nội dung mang tính giải pháp, lối ra, hướng giải quyết có niềm tin dù đó là vấn đề cũ hay mới, dễ hay khó. Nếu tập trung quá nhiều vào thực trạng nhàm chán, bế tắc vì các vấn đề thực trạng thường lặp lại trừ thực trạng mới, vấn đề mới, hấp dẫn, lôi cuốn, có giá trị", nhà báo Lê Xuân Trung nói.
Theo Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhà báo cần thường xuyên, liên tục tìm kiếm ý tưởng mới, góc tiếp cận mới, hình thức thể hiện mới vì những đòi hỏi khó tính hơn của công chúng trong thời đại số khi họ đã xem quá nhiều thứ trên không gian mạng.
Ông Lê Xuân Trung dẫn chứng đến các tác phẩm đa phương tiện được giải cao trong các loại giải báo chí quốc gia gần đây để các tác giả có thể học hỏi kinh nghiệm như: Loạt bài 5 kỳ: Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! của VietnamPlus; Dòng tên trên đá núi đã thành tên phố phường của nhóm tác giả báo Tuổi trẻ.
Là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ mới nhất vào quy trình sản xuất, nhà báo Ngô Trần Thịnh - Trưởng bộ phận nội dung số Trung tâm tin tức Đài Truyền hình TP HCM đánh giá, thời đại của Internet, Social, Cloud, Big Data, AI mang đến nhiều thách thức lớn của truyền hình truyền thống nói chung và của HTV nói riêng.
Theo nhà báo Ngô Trần Thịnh, hiện nay, phóng viên ở HTV làm sản phẩm trên 3 nền tảng. Đối với Sóng: Thông tin cần chính thống, rõ ràng, theo thứ tự. Đối với Web: Lượng chữ nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, kèm ảnh minh họa và các thông tin thêm. Đối với Social: Cần có góc nhìn thêm, góc nhìn cụ thể, góc nhìn câu chuyện...
"Trong thời kỳ mới, chúng tôi xác định mang những sản phẩm báo chí vượt ra khỏi tivi. Làm nội dung số cho môi trường số với quy tắc thành công là 7s - mang những gì hay nhất lên 7s đầu tiên", nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết.
Tại phiên thảo luận, nhiều Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí địa phương đề xuất Cơ quan Trung ương Hội quan tâm, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ nguồn ngân sách để các hội viên - nhà báo, đặc biệt là những hội viên ở những tỉnh khó khăn có điều kiện tiếp cận những nội dung và kỹ năng làm báo hiện đại. Đồng thời kiến nghị định kỳ tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, phổ biến cách làm hay của các tổ chức Hội trong triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo địa phương cũng chia sẻ ý kiến và đặt câu hỏi về những vấn đề xung quanh việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào quy trình sản xuất tác phẩm báo chí.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam cho hay, nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia với cơ cấu mới, các cơ quan báo chí có thể phối hợp hiệu quả với Hội Nhà báo địa phương trong việc bổ sung, phát triển Chương trình, từ khâu chọn đề tài, thẩm định đề cương, hỗ trợ triển khai và thẩm định chất lượng tác phẩm.
Từ đó định hướng, dẫn dắt và cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức làm báo hiện đại như Infographic, Long-form, E-magazine, Podcast…; ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm báo chí dữ liệu, gói tin tức, dự án báo chí – truyền thông đa nền tảng.
"Chúng ta tin tưởng rằng Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao sẽ tiếp tục được triển khai thành công và đạt nhiều kết quả tích cực", đồng chí Trần Trọng Dũng bày tỏ.