Mạng xã hội góp phần hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng, chống bão số 3 ở Hưng Yên

Thứ tư - 09/10/2024 15:38
bai thanh binh 1
Fanpage Thanhmaihy Hoàng
Những ngày đầu tháng 9 năm 2024 trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền chiều ngày 07/9/2024 các trang Mạng xã hội (MXH) đã lan truyền thông tin phòng, chống bão số 3. MXH phát huy ưu điểm là kênh thông tin hữu hiệu không chỉ của các nhà báo, các cơ quan báo chí, các tài khoản cá nhân dùng để làm phương tiện truyền tải thông tin “nhanh, tiện lợi” kể cả trong điều kiện không có điện lưới thì máy điện thoại smatphone vẫn sử dụng được để kịp thời đưa thông tin chỉ đạo và hiện trường các vụ sạt lở, ngập lụt để người dân biết di dời người, vật nuôi và tài sản.
bai thanh binh 1 1
Bác thông tin vỡ đê Sông Cầu ở Thái Nguyên (FB đăng trên Báo Lao động ngày 09/9/2024)
Trong chuỗi các sự kiện hoạt động phòng, chống bão số 3 và ngập lụt vừa qua, Hội nhà báo tỉnh Hưng Yên và các cơ quan báo chí Hưng Yên đã khẳng định là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, tiếng nói của nhân dân Hưng Yên, là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Cũng khoảng 60 năm trở lại đây, các nhà báo, phóng viên ở Hưng Yên mới có dịp đứng ở đầu sóng, ngọn gió cùng các lực lượng tham gia phòng chống bão, ngập lụt. Một trận bão mạnh, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho các cơ quan nhà nước và nhân dân, đây cũng là động lực để các cơ quan báo chí tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số báo chí với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nền tảng số báo chí từ khâu quản trị tòa soạn, quy trình sáng tạo tác phẩm, phân phối sản phẩm, thấu hiểu công chúng,…thể hiện rõ nhất bằng hiệu quả tăng cường tương tác báo chí thông qua MXH. Đồng chí Đào Hồng Vận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên thường xuyên giao ban với các cơ quan báo chí, cấp ủy, chính quyền, các sở ngành chức năng, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh, trong đó có quán triệt Quy định số 85 QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội; đồng thời hướng dẫn, định hướng sử dụng MXH đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật lan tỏa những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt,“lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chuyên môn ngăn chặn, xử lý các trang MXH đưa thông tin sai, thông tin xấu độc hại, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.

Trước khi cơn bão số 3 đổ vào đất liền, Hội nhà báo tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh, chỉ đạo các chi hội, hội viên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh; Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão các cấp, đặc biệt bám sát hiện trường các địa phương, nơi có đê bối, đê bao xung yếu để kịp thời thu thập thông tin, hình ảnh, phản ánh nhanh, chính xác, đầy đủ công tác chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về phòng chống bão số 3 và ngập lụt. Chính vì vậy, nhiều nhà báo, phóng viên đã chủ động phương tiện, đồ dùng sinh hoạt cá nhân trực tại hiện trường để tác nghiệp thu thập thông tin, hình ảnh; sản xuất các tác phẩm báo chí phản ánh nhanh, kịp thời, chính xác, sinh động không khí tích cực khẩn trương phòng, chống bão của các lực lượng xã hội, tinh thần đoàn kết yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong gian khó. Các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên Hưng Yên sử dụng MXH để theo dõi những sự kiện xẩy ra bất ngờ, đồng thời tương tác với cư dân mạng để nắm bắt mối thông tin, tuyên truyền lan tỏa các hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đi kiểm tra công tác phòng chống bão, các công điện của Ủy ban nhân dân tỉnh cũng được đưa lên không gian mạng xã hội như Fanpage cá nhân của: Nhà Báo Thu Hải; Lệ Thu, Thanhmaihy Hoàng, Đinh Bá Hoàng Linh, Đoàn Kết… luôn cập nhật thông tin chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh về phòng chống lụt bão. Nhà báo Phan Lệ Thu, Báo Hưng Yên, chia sẻ: “làm báo hiện nay phải theo xu thế phát triển công nghệ thông tin Internet, chuyển đổi số báo chí, sử dụng MXH vừa là để thu thập thông tin, xử lý thông tin và truyền tải thông tin nhanh nhất. Chủ trương của Lãnh đạo Báo Hưng Yên yêu cầu các phóng viên thường xuyên like, chia sẻ trang Fanpage của Báo Hưng Yên; đồng thời cập nhập thông tin mới, lan tỏa tin tốt trên trang Fanpage của cá nhân”.

Không chỉ có các nhà báo, phóng viên sử dụng MXH để đưa thông tin phòng chống bão, nhiều cán bộ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, vừa gián tiếp, vừa trực tiếp tham gia phòng, chống bão cũng quay, chụp ảnh hiện trường, đưa thông điệp bằng MXH Tittop phát trực tiếp không khí khẩn trương của các lực lượng tham gia đắp đê bao chắn sóng, điều tiết nước ở các cống thoát nước, giải cứu nông sản, vật nuôi, đặc biệt của lực lượng Công an, Bộ đội tham gia giúp dân di chuyển người, cây con, vật nuôi ra khỏi vùng ngập lụt như: ở xã Phú Cường (Thành phố Hưng Yên); thôn Vân Nghệ xã Mai Động (Kim Động); các xã Thắng Lợi, Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang); các xã Nguyên Hòa, Tống Trân (Phù Cừ)… lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, vì Nước quên thân vì dân phục vụ, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Các sự kiện được cập nhật liên tục đưa lên các bản tin thời sự và mạng xã hội, như bản tin thời sự tối ngày 11/9 trên sóng Đài PT-TH Hưng Yên đưa tin đồng chí Lê Quang Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đi kiểm tra khắc phục bão tại huyện Khoái Châu thì ngay hôm sau Fanpage của Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Đoàn xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có đưa trực tiếp Tittop “A Táo bảo trang trại sập rồi cứ để sau, lo việc quê hương đã” lan tỏa tinh thần vì việc nước của một cán bộ xã và nhóm thanh niên dựng lại cây cổ thụ bị đổ cần được bảo tồn tại di tích Đền Đa Hòa, huyện Khoái Châu. Hay trên Fanpage Vũ Cường Green House kịp thời giải thích rõ lải nước vào bối là như thế nào? để người dân hiểu khu vực ảnh hưởng mà bà con cần tập trung thu hoạch cây trồng, vật nuôi nằm trong phạm vi nào; chia sẻ thông tin về công tác phòng chống ngập ở các xã để định hướng dư luận tránh tâm lý hoang mang của Nhân dân đi mua đồ ăn tích trữ. Nhiều trang Fanpage cập nhật thông tin của Trung tâm khí tượng thủy văn nói nước Sông Hồng, Sông Luộc rút nhưng nước trong các đê bối lại dâng vì không cập nhập thông tin của Đài truyền thanh cơ sở hoặc chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo xã, thông tin mạng xã hội của cán bộ xã dẫn đến thiệt hại nặng về tài sản vật nuôi như thông tin của Fanpage Nước mắt lạnh đưa thông tin một trang trại ở xã Hoàng Hanh (Thành phố Hưng Yên) đăng thông tin có 600 con lợn, 2.000 con gà chưa tiếp cận được để di chuyển dẫn đến thiệt hại nặng nề…

Hiện nay có nhiều kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Linkedln, Pinterest, Instagram, Flickr, Tumblr, Google Plus, Slide Share. Tuy nhiên mạng xã hội phổ biên nhất nhiều người dùng là Facebook, Zalo, Tittop. Bên cạnh các thông tin được đăng tải và chia sẻ kịp thời, chính xác trên mạng xã hội thì còn có những tài khoản sử dụng MXH không đúng mục đích, thông tin sai, gây tâm lý hoang mang đây là bài học cần rút ra cho mỗi người đang dùng mạng xã hội. Việc sử dụng quá nhiều thời gian trên các trang web mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của một số người. Người dùng mạng xã hội cũng cần tìm hiểu để sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, để có hiệu quả, không vi phạm các quy định và Luật an ninh mạng.

Qua cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đi qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, có thể khẳng định MXH và người sử dụng MXH đã phát huy ưu thế là kênh thông tin điện tử nhanh, tiện ích, hiệu quả truyền tải thông tin tuyên truyền phòng, chống bão và ngập lụt, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và huy động toàn xã hội tham gia phòng chống bão số và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây ra.

 
Tác giả: Bùi Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây