Đạo đức người làm báo trong xu hướng chuyển đổi số
Thứ sáu - 13/09/2024 15:02
Với nhà báo trong xu thế làm báo hiện đại, quy trình tác nghiệp đã thay đổi. Một nhà báo giỏi không thể chỉ biết viết bài hay, chụp hình tốt, quay phim đẹp gửi về tòa soạn hay đài truyền hình mà phải đa nhiệm, biết làm đủ mọi chức năng như: có kiến thức cơ bản về lập trình, biết cách làm các thể loại và loại hình báo chí qua thiết bị di động, qua các phương tiện truyền thông xã hội. Ngoài ra, họ còn phải biết những kĩ năng khác như tương tác mạng xã hội… Khi người làm báo có đủ những kĩ năng trên thì sẽ có điều kiện cực kì thuận lợi để tác nghiệp. Nhưng để có được tác phẩm báo chí hay, có tác động sâu rộng trong xã hội thì đó mới chỉ là điều kiện cần, vẫn phải cần 1 kiện đủ.
Bên cạnh những lợi thế cách mạng công nghệ 4.0 mang lại, người làm báo cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Họ bị tác động hơn bao giờ hết. Với sự bùng nổ của mạng xã hội, chưa bao giờ việc lọc thông tin, thẩm định thông tin tìm sự thật, tìm thông tin bản chất trong vô vàn thông tin nhiều chiều lại khó như hiện tại. Nhiều sự việc chỉ một thời gian ngắn có tới hàng nghìn lượt xem và bình luận, nhưng chỉ ít lâu sau lại đảo chiều. Có một vấn đề nguy hiểm là do áp lực thông tin, nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ, thẩm định kĩ lưỡng đã đăng phát. Nhiều nhà báo dùng mạng xã hội để chia sẻ tác phẩm để tiếp cận độc giả, khán giả. Về việc này, bên cạnh tích cực là tăng lượng người xem, lại có một hiện tượng là trong tác phẩm thì nội dung không có vấn đề nhưng dòng trạng thái của nhà báo lại viết khác, giật gân để câu “view”, câu “like”. Nhiều cơ quan báo chí đã không giữ được tôn chỉ, mục đích của mình, bị thương mại hóa. Nhiều nhà báo cũng bị sa ngã bởi những cám dỗ. Đây là điều đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, mặt trái của công nghệ cũng đã nhanh chóng tiếp tay cho những tiêu cực trong báo chí, rình rập và đã “quật ngã” không ít kẻ vì chạy theo ma lực của đồng tiền. Đời sống báo chí thời gian qua cho thấy, những trường hợp nhà báo sa ngã vì tiền bị loại khỏi đội ngũ không phải là chuyện quá hiếm. Vì tiền, một số phóng viên không còn giữ được "bút sắc, lòng trong", biến chất thành những kẻ “lạm dụng”, “tống tiền”. Tiền bạc, vật chất ở đâu, thời nào cũng có những cám dỗ. Nghề làm báo cũng như nhiều nghề phụng sự xã hội khác luôn có những cái bẫy đối với người làm nghề. Bởi vậy, những bài học đạo đức dành cho từng cá nhân nhà báo chưa bao giờ là thừa, nhất là đặt trong bối cảnh thời công nghệ 4.0 như hiện nay.
Và, dù công nghệ có cao siêu đến đâu thì vai trò cốt yếu vẫn là cái tâm của người làm báo, phải luôn luôn giữ được những tiêu chuẩn quan trọng là sự thật, công bằng và nhân văn. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được. Từ đó đặt ra vấn đề đạo đức người làm báo trong kỉ nguyên số. Đạo đức đó gói gọn trong 6 chữ: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Đó là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm đối với người làm báo, để tác phẩm luôn được công chúng hoan nghênh. Đạo đức đó cũng được Bác Hồ dạy: Viết cho ai? Viết để làm gì? và Viết như thế nào? Đó là vấn đề không mới song luôn luôn là câu hỏi không bao giờ cũ đối với quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Ý thức sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo cách mạng sẽ là điểm tựa, đòn bẩy để người cầm bút có tác phẩm xứng đáng với sự kì vọng của công chúng. Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Trong đó, Điều 3 nhấn mạnh: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh đó, nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức của người làm báo cũng là yếu tố không thể tách rời trong xu thế truyền thông số. Những năm gần Hội Nhà báo các cấp đã phối hợp với các cơ quan báo chí thường xuyên mở các lớp tập huấn theo nhu cầu, nắm bắt nguyện vọng của người làm báo để đào tạo phù hợp với thực tế. Làm tốt điều này các cơ quan báo chí sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực chắc về nghề, vững về chính trị và yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp. Trong xu thế của chuyển đổi số báo chí, vấn đề càng trở lên quan trọng là trách nhiệm đạo đức báo chí của nhà báo. Người làm báo cần hội tụ đầy đủ các kỹ năng cần thiết của một nhà báo thời kỷ nguyên số, đồng thời vẫn phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức của người cầm bút để mang đến những thông tin hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.