Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí

Thứ ba - 27/08/2024 11:08
Xu hướng phát triển của công nghệ thông tin đang làm lu mờ ranh giới giữa các loại hình báo chí và tạo ra sự hội tụ ngoạn mục làm cho báo chí truyền thống phải thay đổi cách làm sở trường của mình. Một cơ quan báo hiện đại sẽ là một guồng máy sản xuất, phân phối thông tin dưới nhiều chất liệu khác nhau (văn tự, phi văn tự, ảnh tĩnh và ảnh động, audio, video…). Theo đó, người làm báo buộc phải thích ứng với kỹ năng làm báo đa phương tiện nhằm đáp ứng ngày càng đa dạng các đối tượng công chúng báo chí. Đây là thách thức lớn đối với những người làm báo trên tất cả mọi phương diện: Tư duy làm báo, phương thức tác nghiệp và đạo đức nhà báo. Đáp ứng yêu cầu đó, nhà báo cần có những thay đổi để thích ứng.
111
Hội thảo "Chuyển đổi số - những vấn đề đặt ra hiện nay đối với báo chí hiện nay"
Nếu trước đây người làm báo gần như chỉ chuyên môn một công việc, do vậy một ê kíp làm việc theo lối truyền thống thường là cồng kềnh, nhưng hiệu quả lại không cao. Làm báo hiện nay đòi hỏi một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Nhà báo cần có sự chuyên nghiệp để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông. Để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống, phải biết xử lý ảnh và video, fie âm thanh… từ đó tăng khả năng sáng tạo các tác phẩm báo chí đa loại hình, thu hút đa dạng các đối tượng người đọc và người xem.

Tại Báo Bắc Ninh, thời gian qua cơ quan đã tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức theo định hướng phát triển, sắp xếp các phòng hợp lý, thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cấp phòng nhằm tạo sự đổi mới trong quản lý và trong hoạt động chuyên môn. Trên cơ sở rà soát thực tế cơ quan, chúng tôi cũng thực hiện việc tuyển dụng, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm phát huy năng lực, sở trường, hiệu quả công việc của từng khâu, từng bộ phận và từng người. Có cơ chế động viên, khuyến khích nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cả về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật tiếp cận và thuần thục kỹ năng sử dụng đa phương tiện trong việc khai thác, xử lý tác phẩm báo chí nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của các loại hình báo chí.
111
Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo Đảng, Hội Nhà báo dự Hội thảo
Để bắt kịp xu thế phát triển của báo chí số một trong những việc ưu tiên đầu tiên đó là đào tạo nguồn nhân lực. Công tác đào tạo trước hết được thực hiện từ tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch chính thống do Hội Nhà báo các cấp tổ chức đến việc mời chuyên gia, nhà báo có uy tín về đào tạo, tập huấn; cử người đi học tập, trao đổi với các báo bạn, tham gia các lớp đào tạo trên nền tảng mạng xã hội và cả các nhóm trong cơ quan… Những hoạt động trên đã tạo ra không khí sôi nổi, khích lệ sự sáng tạo trong mỗi cán bộ, phóng viên đối với công cuộc chuyển đổi số báo chí tại Bắc Ninh.

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực, Ban Biên tập Báo chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng chuyên môn, trách nhiệm, đạo đức nhà báo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trong thời kỷ nguyên số, mạng xã hội phát triển thì bất kỳ ai cũng có thể đăng tải, đưa những thông tin lên mạng xã hội. Làm thế nào để vừa giữ vững tôn chỉ mục đích của tờ báo, vừa níu giữ được độc giả đồng thời định hướng độc giả theo thông tin chính thống là vấn đề đặt ra với mỗi cơ quan báo chí và các nhà báo hiện nay. Ban Biên tập Báo luôn xác định đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu tất yếu, cốt lõi của mỗi nhà báo, phóng viên, nên đã thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai các hoạt động nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức làm báo cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Yêu cầu các nhà báo, phóng viên luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp; cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời đến độc giả…

 Tuy nhiên, đại diện Ban Biên tập Báo Bắc Ninh cũng chia sẻ một số khó khăn trong công tác chuyển đổi số báo chí: Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp phòng của Báo Bắc Ninh, nhiều đồng chí lớn tuổi, còn tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin và các ứng dụng làm báo hiện đại hay như các phương tiện làm báo mới như máy quay… Việc bảo đảm tính thời sự cho các thông tin so với các báo Trung ương, các trang mạng xã hội đang là vấn đề đáng quan tâm. Cũng như các tỉnh gần Thủ đô Hà Nội, các sự kiện lớn hay các vụ việc xảy ra trên địa bàn, các báo Trung ương thường đưa rất nhanh, kịp thời, tuy nhiên, báo tỉnh do nhiều nguyên nhân thường đăng tải chậm hơn nên không thu hút được bạn đọc, tính định hướng thông tin có lúc còn chậm.

 
VP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây