Gian nan đề tài báo chí viết về xây dựng Đảng

Thứ sáu - 12/07/2024 14:23
Lâu nay, mảng xây dựng Đảng luôn “kén” người viết và ngược lại người viết cũng rất “kén” lĩnh vực này, nhất là những nhà báo trẻ. Bởi đơn giản, đề tài xây dựng Đảng thường ít hấp dẫn lại khó thể hiện, chưa nói phải viết viết làm sao cho hay, cho cảm xúc. Tuy nhiên với bản thân tôi, từ khi vào nghề đến nay, vẫn luôn yêu thích và tâm huyết với lĩnh vực này. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi đề tài xây dựng Đảng đã không còn bó hẹp mà được mở rộng, phong phú hơn rất nhiều với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4… Viết về xây dựng Đảng nếu không có tâm huyết với Đảng thì chỉ thấy chủ trương, nghị quyết, lý luận chung chung, viết ra những bài sao chép tài liệu, không có nội dung thông tin.
111
Ban Tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Hưng Yên năm 2023 trao giải cho các tác giả đoạt Giải
Có tâm huyết với Đảng mới để tâm suy nghĩ, nung nấu những vấn đề của Đảng đang đặt ra trong cuộc sống, nghiên cứu sâu các nghị quyết, nắm những quan điểm cơ bản để soi rọi vào thực tiễn. Có tâm huyết với Đảng mới biết được vấn đề gì của nghị quyết đã đi vào cuộc sống, vấn đề gì đang triển khai một cách hình thức. Khi nhìn nhận vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, chỉ những người tâm huyết với Đảng mới day dứt về những điều đúng sai, những nhân tố tích cực và tiêu cực. Do đó, để có tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn công chúng, trước hết vẫn là tư duy, bản lĩnh của chính người viết. Thực tế, tư duy trẻ trung thì bài viết sẽ trẻ trung, mới lạ, không khô khan; bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với Đảng thì sẽ cho ra những sản phẩm có giá trị, giàu sức thuyết phục và quan trọng là phải chịu khó tìm hiểu, đào sâu vào từng vấn đề cụ thể, đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Tuy nhiên, viết về xây dựng Đảng mà không thuộc Điều lệ Đảng, không nhớ những điều đảng viên không được làm, không hiểu sâu cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng thì bài viết không thể có chiều sâu tư tưởng. Nắm vững kiến thức về xây dựng Đảng không chỉ dừng lại ở những vấn đề lý luận mà phải trở thành tâm huyết thấm sâu vào tư duy, tình cảm thì mới có những bài viết sinh động. Hướng tiếp cận phải từ nhiều phía, nhưng trước hết là từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm cơ sở để xác định đề tài cần viết, để làm thước đo nhận định mọi vấn đề. Tiếp đó là gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy, tổ chức đảng, với những người liên quan đến đề tài định tìm hiểu; đồng thời phải nghiên cứu, nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề định viết, không chỉ trong một nhiệm kỳ mà có thể nhiều nhiệm kỳ, thậm chí trong cả quá trình đổi mới của Đảng. Quá trình đó sẽ giúp người viết có thể nhìn toàn diện hơn một vấn đề trong cuộc sống trong quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của nó...

Để tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng có chiều sâu hay với các lĩnh vực khác cũng thế, nên chọn đúng cái bạn đọc quan tâm và chỉ đi sâu khai thác một nội dung nào đó, không nên ôm đồm nhiều vấn đề trong một bài viết. Viết về công tác cán bộ chẳng hạn thì chỉ nên đi sâu vào một khâu nào đó trong 7 khâu của công tác này, ví dụ như đánh giá, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm hay luân chuyển... Tuy nhiên khi tổng kết một nghị quyết chuyên đề hay một nhiệm kỳ thì người viết có thể lựa chọn một số khâu nổi lên trong công tác này để phản ánh. Hiên nay đang có nhiều vấn đề đặt ra, như suy thoái về đạo đức, lối sống, đánh giá, đề bạt bổ nhiệm, tham nhũng, tiêu cực, kỷ luật cán bộ… Đây là đề tài cho những bài viết nhiều kỳ, nhưng tôi vẫn cho rằng nên chọn những điểm đang cần quan tâm để tìm hiểu, viết, chứ không ôm đồm toàn bộ các khâu của công tác này như một báo cáo của cấp ủy. Một số lĩnh vực khác cũng vậy. Phương châm là không chỉ cổ vũ cái hay mà phê phán cả cái tiêu cực, chỉ cho họ biết để khắc phục và làm việc tốt hơn, như Bác Hồ nói, phê bình là cốt giúp nhau cùng tiến bộ, phê bình việc chứ không phê bình người. Như thế, nhà báo phải có kiến thức mới nhìn ra cái mới mà cổ vũ, nhận rõ cái tiêu cực mà nhắc nhở, và phải có tâm thì lời phê bình mới đi vào lòng người. Cấp ủy, cơ quan báo chí và nhà báo phải là những người đồng hành, chia sẻ thông tin, phản ánh trung thực sự việc, cùng hướng tới một mục đích là xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Để mảng đề tài viết về xây dựng Đảng trở nên hấp dẫn bạn đọc hơn, bên cạnh sự nỗ lực của phóng viên, rất cần sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp và sự giúp đỡ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, đầy đủ về công tác xây dựng Đảng, nhất là những vấn đề mang tính phản biện sẽ góp phần cổ vũ, động viên để những bài viết về xây dựng Đảng đi vào lòng bạn đọc. Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên cần phải bám sát hơi thở cuộc sống, lăn lộn vào thực tiễn, bám sát cơ sở để có những tác phẩm hay.

 

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây