Tác nghiệp báo chí dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thứ ba - 21/05/2024 14:32
Những ngày đầu tháng 4 đầy nắng, tôi may mắn có dịp cùng các anh chị em đồng nghiệp của Báo Hưng Yên về với miền đất lịch sử Điện Biên anh hùng trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Sau một hành trình dài gần 14 giờ đồng hồ trên xe ô tô, cảm giác khi đặt chân lên vùng đất huyền thoại thật khó diễn tả được bằng lời.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay trông thật khang trang. Những tuyến phố rộng, dài bao quanh và tựa lưng vào những mỏm đồi lớn của trung tâm căn cứ điểm Điện Biên Phủ xưa kia. Toàn bộ những ngày ở Điện Biên, đoàn chúng tôi dành thời gian tới các di tích lịch sử để khám phá, tìm hiểu sâu hơn về sức mạnh dân tộc, tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chỉ huy kiên cường, tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi được nghe thuyết minh về sự bố phòng của địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với hệ thống cứ điểm liên hoàn, công sự vững chắc cùng sự chi viện tối đa của không quân, tạo nên “một pháo đài không thể công phá”. Các chỉ huy của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương rất lấy làm tự hào về sự bố phòng vững như bàn thạch của cứ điểm Điện Biên Phủ và luôn huênh hoang rằng, sẽ tiêu diệt toàn bộ quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thăm di tích trận địa đồi A1, nơi cứ điểm quan trọng phía đông Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm kiên cố và địch bố trí hỏa lực mạnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với một hố bộc phá sâu hoắm nằm trên đỉnh đồi, chứng tích của một vụ nổ long trời làm hiệu lệnh cho đợt xung phong cuối cùng, chiếm lĩnh ngọn đồi chiến lược này. Để đưa được gần 1 tấn thuốc nổ vào ngay trung tâm cứ điểm này, bộ đội ta đã trải qua hàng chục ngày bí mật đào hầm đầy gian nan. Quả bộc phá được kích nổ đã làm tê liệt ý chí chiến đấu của quân địch, tạo điều kiện cho quân ta từ các hướng tấn công tiêu diệt các cánh quân địch còn lại. Đến sáng ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của ta tung bay trên điểm cao đồi A1, báo hiệu ngày tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đến di tích Hầm Chỉ huy tướng Đờ-Cát, viên tướng bại trận đầu hàng quân đội ta và bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ, chúng tôi ai nấy đều phấn khích, tự hào. Đứng trên nóc hầm, tôi chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát... Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm/ mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn... Chỗ tôi đứng hôm nay đã có biết bao tấm gương hi sinh, có người dùng thân mình chèn để pháo khỏi lao xuống dốc, có người xông vào lấp lỗ châu mai và biết bao nhiêu người đã ngã xuống để lá cờ quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng tung bay trên nóc hầm chỉ huy này của địch...
Sau khi viếng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm xưa, chúng tôi đến căn cứ địa cách mạng Mường Phăng, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 20 km, từng là nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Chúng tôi vô cùng xúc động khi đi tới từng căn hầm, lán trại, nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức giản dị và đơn sơ. Ngày ấy, nơi đây đã phát đi những quân lệnh đầy bản lĩnh, trí tuệ mở đường cho quân và dân ta làm nên một trận thắng oai hùng ghi vào sử xanh của dân tộc, để cho hôm nay: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
Cuối mỗi ngày tác nghiệp, nhóm phóng viên chúng tôi tập hợp lại những tư liệu, hình ảnh và lên kế hoạch cho ngày tiếp theo. Tuy gặp những khó khăn về điều kiện tác nghiệp như mưa, nắng thất thường, điều kiện về phương tiện đi lại, ăn ở nhưng mỗi phóng viên đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, khai thác được nhiều thông tin để phục vụ cho tuyến bài tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài gặp những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi còn được gặp những người con Hưng Yên đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Điện Biên. Từ những người đầu tiên là chiến sĩ Điện Biên Phủ đến lớp thế hệ kế cận hôm nay vẫn đang từng ngày phát huy tốt vai trò, phẩm chất của người xứ Nhãn trên quê hương thứ hai này. Tổng kết chuyến đi, nhóm phóng viên chúng tôi đã hoàn thành gần 20 tác phẩm báo chí từ tin, chùm ảnh, phóng sự, bài phản ánh, clip… được đăng trên các ấn phẩm của Báo Hưng Yên. Tuyến bài được Ban Biên tập đánh giá là hấp dẫn, chất lượng, có nhiều nội dung mới. Bản thân tôi cũng nhận được một số lời khen của đồng nghiệp và bạn đọc.
Có dịp, tôi nhất định sẽ trở lại Điện Biên để viết tiếp về mảnh đất lịch sử và huyền thoại này, cũng như được hồi tưởng và tri ân những con người đã làm nên trang sử hào hùng của dân tộc, để yêu hơn đất nước, con người Việt Nam bất khuất, kiên cường.