Viết báo thời....lọ mọ

Thứ ba - 07/02/2023 10:44
Thời buổi chuyển đổi số, những người làm báo trẻ bây giờ có đầy đủ khả năng để tác nghiệp trên môi trường số bởi họ vừa mới lớn lên đã “lọt thỏm” vào thế giới công nghệ.

Đợi biên tập “make up”? Còn lâu!

Lứa phóng viên 9X rất ngạc nhiên khi nghe những người viết báo lâu niên kể chuyện thời... làm báo viết tay những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Làm báo thời ấy rất thủ công, có nghĩa là cầm cây bút bị, ngồi nhìn “đắm đuối” vào tờ giấy manh kẻ ngang như thí sinh làm bài thi. Thì làm cái gì lại chả bằng tay? Có khác đấy! Dùng tay tạo văn bản từ bút và giấy là thủ công. Dùng tay tạo văn bản trên phần mềm Word bằng lướt phím là công nghệ.

Cộng tác viên (CTV) như tôi thời đó úp mặt xuống sàn viết báo bằng tay vì ngồi viết hoài cũng mỏi. Căng lắm! Viết phải chú ý cân chỉnh lề cho đàng hoàng. Chữ có thể không đẹp nhưng phải cẩn thận, rõ ràng. Viết chữ như cua bò chắc chắn bị vứt. Tự chấm morat càng kỹ càng tốt. Các quy tắc viết hoa, phiên âm... phải tuân thủ nghiêm ngặt. Các dấu gạch nối liền (như a-pa-tit), gạch nối cách (như chính trị - xã hội) tưởng ít ai để ý nhưng cũng bị biên tập soi rất kỹ. Ngoài những thứ vừa kể, dấu chấm, dấu phẩy đến ngữ pháp đều phải “sạch nước cản”.

Tạo văn bản xong, nếu thấy có vết tẩy xóa hơi “rậm” thì phải ngồi viết lại. Tin thì  không nói làm gì vì rất ngắn. Còn bài thì cả ngàn chữ chứ ít đâu. Nếu để nguyên cái bài nham nhở ấy mà gởi đi chẳng khác nào gởi vào... miền vô vọng. Viết lại cho tươm tất là để người biên tập có cảm tình với bài của mình ngay từ... cái nhìn đầu tiên. Cũng may, tôi là giáo viên văn rất trọng chữ nghĩa nên ít khi sai. Vì vậy tôi có may mắn là nhiều bài được tòa soạn dùng.

Thời viết tay, dù văn bản sạch sẽ tinh tươm nhưng cứ vài dòng bị biên tập nhặt ra mấy “hòn sạn” thì có nước... húp mắm. Bạn tôi, một người làm biên tập lâu năm nêu kinh nghiệm rằng không thể nào có được một bài hay mà mắc nhiều lỗi. Anh cho  rằng viết mà thiếu kiểm tra lại, nghĩ là có gì sơ suất biên tập “make up” giùm thì có mà ngồi đợi báo biếu đến tết Ma-rốc!

Được đăng bài là... ngon lắm rồi

Có những tờ báo luôn “no” bài bởi số lượng phóng viên cơ hữu và phóng viên hợp đồng rất đông. Trường hợp này tòa báo luôn kín cổng cao tường với CTV, trừ những CTV có tên tuổi. Vậy mà vẫn có những CTV “thường thường

bậc trung” liều mình như chẳng có, vẫn xăng xái cầm bút, cặm cụi cày trên giấy; vẫn đêm nào cũng “đánh vật” với tin bài. Phải chăng báo chí có sức lôi cuốn ghê gớm đối với những người yêu thích chữ nghĩa?
Viết tay đã cực, lại thêm cái vụ ảnh nữa mới khổ. Tin, bài thường phải có ảnh đi kèm. Tôi mua cái máy ảnh “lụ khụ” đã tróc nước sơn, nhãn hiệu mờ nhòa, giá gần một chỉ vàng. Tôi đặt tên mới cho máy là... “hên xui”, bởi bộ phận lắp phim hay “chập cheng”, nên hình chập chờn, khi mờ khi tỏ. Lại phải ngồi cửa tiệm chờ rửa ảnh. Nhiều khi chực cả ngày. Có lần ông chủ tiệm đi ăn giỗ, tôi phải lọc cọc đạp xe tới “hiện trường” năn nỉ ông mới chịu về. Ảnh đạt chuẩn thì mừng hết lớn. Ảnh bị lỗi bố cục, ánh sáng, không thể hiện được chủ đề thì bài viết coi như “công cốc” vì có gởi đi cũng rơi vào... im lặng.

Chào từ biệt “cây bút, xấp giấy”

Thời buổi đã khác, bây giờ phóng viên ngồi rung đùi viết bài Tết thoải mái vì họ được đào tạo bài bản, nắm bắt được cái gu báo Tết và cũng có kinh nghiệm trong “trường văn trận bút. Bài của họ trên số xuân chắc như đinh đóng cột. Chỉ mấy anh CTV là vừa viết vừa lo vì bài luôn ở dạng “tiềm năng xếp xó”. Vậy mà năm nào tôi cũng hăm hở viết. Ngày đi dạy, tối tranh thủ soạn bài, chấm bài, khuya ngồi “cày báo”,  Bản đầu tiên tôi không cho là bản chính nên viết thoải mái. Xuất hiện ý nào hay thì ghi vội ra lề. Bản thứ hai (là bản gởi đi) nên tôi viết nhanh nhưng không thiếu sự thận trọng. Có khi phải viết bản thứ 3 vì một vài lỗi ngớ ngẩn nào đó. Đêm nào kim đồng hồ cũng nhích qua 0 giờ mới đi ngủ. Có ai bắt đâu mà ngồi chòng gọc cả đêm? Có đấy! Đầu tiên là tình yêu báo chí. Sau là thấy văn với báo cũng có “bà con” xa. Vậy là viết.

Trong bài hát gì đó có câu: “Mười năm hao giấy viết mòn bàn tay”. So với nhân vật trữ tình trong bản nhạc thì tôi hơn nhiều vì có đến mấy chục năm viết lách. Giật mình xòe bàn tay ra thấy có... mòn nhưng không đáng kể. Nghĩa là khả năng còn viết tiếp vì không sợ mòn nữa rồi. Máy tính, email làm tất cả. Mình chỉ lướt 10 ngón “kiêu sa” trên bàn phím là được.

Nhớ đâu khoảng đầu những năm 2000, tôi vẫn viết tay nhưng bài đến tòa soạn nhanh đến mức chỉ mất vài giây. Đó là sự xuất hiện của công nghệ fax. Bài viết xong cầm ra bưu điện cùng số fax. Anh nhân viên đưa vào máy, bấm bấm chút xíu là xong. Tốn chút tiền nhưng bài vở “bay” cái vèo đến ban biên tập nên rất sướng.

Sau nhiều cố gắng cải thiện cách điễn đạt theo hướng gẫy gọn, súc tích, bài Tết tôi gởi cho các báo, cứ 5 bài thì được đăng 2 bài. Với tôi, đó là “tỷ lệ vàng”. Còn ưng gì nữa! Còn nhớ cái thời viết báo tay ấy, tôi có mấy sinh viên là

học trò cũ, nhờ thầy bật mí bí quyết viết báo sao cho hiệu quả. Tôi trả lời: “Vấn đề là mấy đứa có đủ tình yêu báo chí không đã. Nếu yêu thì cứ... lùi lũi viết lụi cho thầy. Đừng có tiếc đạn. Bắn hết băng thế nào cũng có một viên trúng đích.

 
Cũng nhờ viết báo, tích cóp ít nhuận bút nên tôi cũng sắm được cái laptop loại thường. Thôi thì chào từ biệt thời lọ mọ viết tay, từ biệt “cây bút, xấp giấy” để ngồi trước màn hình gõ bàn phím viết bài gởi báo xuân.   

Trần Cao Duyên 
H
ội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây