Sức mạnh của sự công khai
Mới đây, mạng xã hôi xôn xao trước hình ảnh "Tấm áp phích đặt trước cơ sở 2 của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội in hình quốc kỳ Trung Quốc" với nội dung “Chào mừng 78 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 33 năm ngày hội quốc phòng toàn dân, 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Ngay lập tức, báo chí vào cuộc xác minh thông tin, làm việc với lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tấm áp phích được hạ xuống, 2 cán bộ trong vụ việc sai phạm này bị kỷ luật đình chỉ công tác. Đặc biệt, thông tin chính thống được đăng tải rộng rãi, sự hoang mang của công chúng được "hoá giải", thông tin xấu độc, luận điệu sai trái không "có cửa" xuất hiện và diễn biến.
Nhớ lại vào dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà nội, một vụ việc vô cùng đáng tiếc đã xảy ra tại khu vực phía sau khán đài C, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Hai container chứa pháo hoa đã bị bốc cháy, làm 4 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương. Nguyên nhân của vụ cháy nổ được xác định là do sơ xuất trong quá trình vận chuyển.
Đây là một vụ việc tương đối nhạy cảm - xảy ra trong một không khí lễ hội kỷ niệm mang tính lịch sử. Nhiều quan điểm đưa ra là không nên đưa thông tin. Nhưng giữa hàng trăm phóng viên quốc tế và sự hoang mang của người dân, TP Hà Nội quyết định thông qua các loại hình báo chí sẽ nói thẳng, nói rõ về nguyên nhân sự việc đến với công chúng. Rủi ro không may là chuyện không tránh khỏi, và quyết định đó của TP Hà Nội là vô cùng đúng đắn, khi đã dẹp bỏ hết những băn khoăn trong xã hội - và ngày lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vẫn diễn ra rất trọng thể và đầy ý nghĩa.
Một câu chuyện nữa không thể không nhắc tới - đó là khi chính quyền thành phố Hà Nội quyết định thực hiện Đề án thay thế 6.700 cây xanh ở một số tuyến phố của Thủ đô. Sự vội vã trong thực hiện, sự yếu kém trong quản lý, sự thiếu khoa học trong tư duy và hành động và sự lãng phí nguồn tài chính... là những vấn đề đã được báo chí và các phương tiện truyền thông phát hiện, phân tích, bình luận; các bài báo được công chúng ủng hộ đã tạo nên một sức mạnh dư luận đáng kể khiến chính quyền TP Hà Nội phải gấp rút cho dừng chương trình, kiểm tra và chấn chỉnh.
Đó là những ví dụ điển hình trong việc kịp thời cung cấp thông tin thiết thực chính xác của báo chí đến với công chúng, xoá bỏ những băn khoăn hoang mang trong tâm lý xã hội cũng như một giải pháp thông minh, nhanh chóng phòng và chống thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc trong thời kỳ bùng nổ của mạng xã hội. Đó cũng chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của sự công khai.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS. TS, nhà báo Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Trong thời kỳ các phương tiện truyền thông xã hội lên ngôi như hiện nay, báo chí cần có thái độ cởi mở trước những sự việc trong đời sống xã hội. Tất nhiên có những vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia, về thuần phong mỹ tục, những lợi ích thiết thân của dân tộc, nhân phẩm của con người, báo chí cần khai thác và xử lý khéo léo mang tính định hướng tích cực.
"Nhìn thẳng vào vấn đề - đó là cách ứng xử có trách nhiệm nhất của báo chí. Với thái độ cởi mở đó, báo chí đưa thông tin công khai, minh bạch có cân nhắc. Từng trường hợp phải xử lý khác nhau nhưng nhìn chung tổng thể đừng nghĩ nói gì, làm gì cũng là nhạy cảm - nhìn sự việc nào cũng có tâm lý sợ hãi thì không ổn, không giải quyết được vấn đề. Như vậy báo chí sẽ mất đi sự nhanh nhạy, các phương tiện truyền thông khác tràn vào và chúng ta mất trận địa", nhà báo Đỗ Chí Nghĩa nhận định.
Tin tưởng vào công chúng
Kể từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển bùng nổ trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây tại Việt Nam…, báo chí đã chịu những tác động mạnh mẽ, từ việc thua thiệt trong thông tin ban đầu, sự chậm trễ trong đưa tin, thậm chí bị mạng xã hội “dắt mũi” đưa tin sai lệch, không kiểm chứng đến bị chia sẻ thị phần quảng cáo một cách đáng báo động… Báo chí đã bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt, ngay cả báo mạng điện tử hoạt động trên cùng môi trường, nền tảng Internet.
Mạng xã hội ra đời, phát triển bùng nổ rõ ràng đem đến nhiều thách thức, cũng như cơ hội đối với báo chí, buộc báo chí phải có những sự thay đổi phù hợp, cả về nội dung thông tin, cũng như hình thức thông tin, mới có thể khắc phục những hạn chế, yếu kém và tận dụng cơ hội, lợi thế để tạo ra những sức mạnh mới của mình trong quá trình sống chung với “thế lực” đáng gờm này.
Trong bối cảnh này, việc ngăn chặn thông tin xấu độc trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của báo chí. Tuy nhiên, dù hành lang pháp lý, những chế tài, nghị định đã được ban hành nhưng công cuộc chống tin giả xem ra vẫn còn rất gian nan.
PGS. TS, nhà báo Đỗ Chí Nghĩa khẳng định, trong cuộc chiến đó, giải pháp căn cơ nhất là báo chí cần đề cao công chúng và tin vào công chúng, đừng nghĩ chỉ một thông tin xấu xuất hiện là công chúng tin ngay. Hãy để cho công chúng có những phản xạ có điều kiện, để họ phải thận trọng, phải cảnh giác - từ đó tạo ra sức đề kháng. Nếu chúng ta nỗ lực sau 3 tiếng có thể xoá được thông tin xấu độc trên mạng - nhưng chỉ 5 phút là có thể lập được một địa chỉ mới. Vậy trong cuộc đua này ai thắng?
Mặt khác khi xử lý trang mạng xã hội hay chủ nhân trang mạng đó nếu không cẩn thận sẽ dính bẫy PR. Các trang mạng ngày càng nổi tiếng khiến cho người sở hữu mạng đó phấn khởi, có thêm động lực để làm tiếp, đồng thời thu hút được lượt người xem, khi họ bật chức năng kiếm tiền lên là họ có tiền.
"Nếu chúng ta cứ dừng lại ở việc xoá các trang mạng xã hội sai phạm thì thực chất cũng giống như việc chống covid là cách ly, phong tỏa, trong khi giải pháp căn cơ nhất là phải tăng sức đề kháng - phải có vắc xin", nhà báo Đỗ Chí Nghĩa cho biết.
Theo PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, đừng tách riêng báo chí ra khỏi mạng xã hội, đừng tách riêng báo chí ra khỏi các phương tiện truyền thông mới. Mà trong chiến lược phải đặt ra một mối quan hệ khăng khít tương thích. Khi một thông tin xấu độc được lan truyền, báo chí cần nhắm ngòi bút vào thẳng vấn đề đó, phân tích, bình luận và đưa ra quan điểm chính thống, tự khắc thông tin đó sẽ được pha loãng - công chúng không phải nghe và đi theo thông tin một chiều đó nữa.
Không ngẫu nhiên mà từ rất lâu rồi, dân ta có câu “Báo đăng đây này”. Câu nói mộc mạc ấy có hàm ý tích cực: Đã là đài nói, báo đăng thì chỉ có đúng, trung thực, chính xác. Thế nên người dân đã động viên, cổ vũ nhau học tập, làm theo những điều đài nói, báo đăng. Niềm tin mà đông đảo thính giả, khán giả, độc giả dành cho các cơ quan báo chí là niềm vinh dự, tự hào của những người cầm bút chân chính!
Trong bối cảnh hiện nay, hình thức và phương thức tiếp cận thông tin của công chúng đổi thay, không thuần túy là sự thụ động nên mô hình phục vụ thông tin của các cơ quan báo chí cũng thay đổi. Đặc điểm nổi bật trong hoạt động tác nghiệp báo chí thời kỳ 4.0 là sự tương tác hai chiều giữa cơ quan báo chí và công chúng. Có thể nói, công chúng đã tham gia quá trình nắm bắt, sản xuất, xuất bản và phát sóng thông tin ở nhiều chiều cạnh. Họ vừa là đối tượng phục vụ, vừa là nhân vật trải nghiệm, vừa là người thẩm định, đánh giá.
Qua nguồn tin và trao đổi của công chúng, các cơ quan báo chí biết được những điểm mạnh, yếu; nhiều sản phẩm báo chí tiếp tục được “sống” trong một vòng đời mới khi có sự phản hồi của bạn đọc, khán thính giả. Trong một biển thông tin, nhất là sự phát tán tràn lan trên mạng xã hội, nhà báo trở thành những người dẫn đường để phục vụ “thượng đế” của mình bằng khả năng lọc, kiểm chứng, phân tích thông tin chính thống, bảo đảm sự chân thực, chính xác.
Để thực hiện tốt được nhiệm vụ ấy, chính báo chí cũng phải đặt niềm tin vào công chúng - những người đồng hành cùng chung một lợi ích dân tộc.
Theo Phan Hoài Giang/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên