"Văn hóa báo chí là văn hóa đi cùng bạn đọc, là văn hóa phục vụ bạn đọc

Thứ hai - 31/10/2022 16:13
(Tham luận của nhà báo Nguyễn Công Đán, tại hội thảo “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” do HNB Bắc Giang tổ chức.)

Kính thưa các vị đại biểu khách quý
Thưa các bạn đồng nghiệp.

Thay mặt cho Hội Nhà báo Hưng Yên, tôi rất nhất trí với đề dẫn của nhà báo Trịnh Văn Ánh, TBT báo, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, trong đó có nhiều nhận xét thẳng thắn về những hạn chế tồn tại trong xây dựng đạo đức, văn hóa lối sống của các nhà báo, trong đó nói rõ: “Hình ảnh của tờ báo mờ nhạt, có biểu hiện lệch chuẩn văn hóa”.

Vậy để “Hình ảnh của báo chí không mờ nhạt” thì mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn chúng ta phải làm gì?

Ngoài việc triển khai thực hiện các tiêu chí do Hội Nhà báo Việt Nam đề ra nhằm thực hiện phong trào xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phát động, thì theo tôi, chúng ta cần nâng cao chất lượng các tin bài, để cho trang báo của chúng ta hay và hấp dẫn bạn đọc. Thực tế là nhiều báo các tỉnh thành đưa tin bài nặng về hiếu hỉ họp hành mà thiếu các đề tài dân sinh - các đề tài mà người dân quan tâm.

Báo chí phải gần gũi thiết thực với nhân dân. Quốc kế dân sinh ở đâu trên trang báo của các tỉnh thành mỗi ngày. Những ngày này, dư luận đang bàn luận, đang lo lắng vì nhiều công nhân viên chức bỏ việc do đồng lương quá thấp và do môi trường làm việc khó thi thố tài năng, Những ngày này đang nóng về về xăng dầu: nhiều nơi không có bán trong bối cảnh giá xăng có thể tăng nhưng Bộ trưởng Công thương vẫn nói giá xăng của Việt Nam rẻ nhất thế giới. Và rồi EVN đang trình giá điện mới, vẫn là nhiều thang bậc làm dư luận băn khoăn. Và rồi dường như mặt hàng nào cũng tăng giá, nhất là hàng tiêu dùng... Những ngày này, chuyện lạm thu trong nhà trường, chuyện dạy thêm học thêm cũng như SGK mới nhiều soạn, chuyện Bộ Giáo dục ít có quyền về nhân sự cũng như về tài chính... đang được dư luận quan tâm. Cũng những ngày này, ô nhiễm môi trường vẫn là nỗi ám ảnh của người dân sống cạnh bãi rác hay bên những dòng sông ô nhiễm - nhiều sông hồ hấp hối bởi đồ phế thải của con người và của doanh nghiệp ba bề bốn bên. Và những sự bức xúc day dứt về đất đai, những nỗi buồn khi nhiều cánh rừng già biến mất cùng với những động vật hoang dã không còn. Và nhiều vấn đề quốc kế dân sinh, chưa có lời giải như bộ máy cồng kềnh, năng xuất lao động thấp, thu nhập của người dân thấp, thất thoát lãng phí ở nhiều nơi, trong lúc vẫn phải lo trả nợ công (Việt Nam có hơn 10 triệu người ăn lương và hưởng trợ cấp, trong khi ở Mĩ – một đất nước gấp 30 lần nước ta về diện tích, gấp 3,5 lần nước ta về dân số, thì cũng chỉ có hơn 2 triệu người hưởng lương; Tại cuộc hội thảo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có đưa ra thông số năng xuất lao động của nước ta tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaixia, 10 năm so với Thái Lan; và thu nhập của dân ta thường xếp từ 115 cho đến 135 trên thế giới tùy theo tiêu chí của Liên hợp quốc hay của Quỹ Tiền tệ thế giới. Nợ công của Việt Nam đang có chiều hướng giảm, nhưng trong vòng 3 năm - từ năm 2022 đến năm 2024 Việt Nam phải lo trả 1 triệu tỷ VNĐ trong tổng số 3,5 triệu tỷ đã vay - tổng cộng đã vay gần 157 tỷ USD (mỗi năm trả nợ là hơn 300 nghìn tỷ). Và rồi những nỗi lo về chết cháy, chết chìm, chết chém, những bạo lực khủng khiếp đủ loại cùng những xuống cấp về đạo đức lối sống, xuống cấp về văn hóa vẫn đang diễn ra: ăn gì cũng lo thuốc sâu, thuốc kích thích, thuốc tăng trọng và hóa chất bảo quản; đi đâu cũng lo thủ tục hành chính cùng nạn kẹp xe, kẹt xe... Có bao nhiêu là nỗi lo. Nhưng thử hỏi hệ thống báo chí địa phương có thường xuyên đặt những câu hỏi, đặt những lo toan, đặt những quốc kế dân sinh lên mặt báo hay không? Tôi có xem báo điện tử các tỉnh và thành phố, nhưng không thấy nêu, hoặc rất ít nêu về những sự việc về dân sinh thường nhật cũng như những quốc kế dân sinh. Chúng ta không phủ nhận những thành tích cùng kết quả to lớn của Báo chí địa phương, khi đã tích cực thường xuyên tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, sự chỉ đạo của địa phương, kịp thời nêu gương người tốt việc tốt, nhân tố mới cách làm hay và có được đáng kể tin bài phản biện phê bình thói hư tật xấu trong đời sống xã hội. Nhưng chúng ta thường thấy trên  báo chí địa phương thường nhan nhản những hình ảnh lãnh đạo đi tiếp khách, đi hội họp; và thường nhan nhản những cụm từ “tích cực” “chủ động”, “nỗ lực”, “cố gắng”, “phát huy”, “thành công tốt đẹp”, “đột phá diệu kì”... giống như câu nói mang nhiều tính chất ngoại giao của các vị khách nước ngoài rằng “Việt Nam là hình mẫu, Việt Nam đang đi đầu, Việt Nam đang phát triển...”.

Về sự ít tin bài dân sinh trên báo địa phương, xin nêu một ví dụ. Đó là ngày 24 tháng 10 vừa qua, có 3 vụ giết người tại Bắc Ninh, tại Vĩnh Phúc và tại Hải Phòng nhưng không thấy báo của 3 địa phương trên đưa tin. Tại Vĩnh Phúc, một nam giới bị bắn chết tại thành phố Phúc Yên; tại Hải Phòng, một phụ nữ bị giết tại huyện An Dương; tại Bắc Ninh, một cô gái bị người yêu cũ đâm chết, hung thủ còn đâm trọng thương bạn trai mới của nạn nhân... mà không thấy báo của địa phương đưa tin lên án những hành vi dã man tàn bạo vô nhân tính và đưa tin cũng là để đáp ứng nhu cầu của người xem. Những tin tức cháy nhà chết người kinh hoàng nói trên không được báo các tỉnh thành đưa tin kịp thời, nhưng lại được hàng loạt báo chí ở Trung ương đưa tin. Việc không đưa tin các vụ trọng án gây chết người cho thấy các ban Biên tập đã không đáp ứng được nhu cầu của người xem! Và cũng bộc lộ năng lực săn tin của Ban biên tập là rất hạn chế so với sự nhanh nhạy của báo chí Trung ương cũng như của mạng xã hội. Tin cháy nhà chết người không phải là những tin giật gân câu khách mà tờ báo muốn đưa. Nhưng khi vụ việc xảy ra thì cần phải đưa để cung cấp thông tin cho bạn đọc, để từ đó định hướng thông tin. Nếu tờ báo cứ bỏ những tin tức về tai tệ nạn, bỏ qua những tin tức về đời sống dân sinh, bạn đọc sẽ không tìm thấy tin tức mà họ cần - không tìm thấy tin tức mà họ muốn xem, vài lần như thế, bạn đọc sẽ quên, sẽ không tìm dến những trang báo như thế, tờ báo mất dần bạn đọc...

Mặt khác, chúng ta viết những tin bài mà cán bộ và nhân dân không đọc, như vậy chúng ta bỏ rơi bạn đọc. Và chúng ta không tôn trọng bạn đọc. Không tôn trọng bạn đọc thì có thể tờ báo có được coi là cơ quan báo chí văn hóa được chăng? Các nhà báo được nhân dân trả lương, nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ Đảng và phục vụ nhân dân. Người phục vụ - các nhà báo, phải làm theo yêu cầu của Đảng và nhân dân. Đảng và nhân dân yêu cầu các tin bài phải gần gũi và thiết thân với đồng bào, tức là các tin bài về dân sinh phải có mặt nhiều hơn nữa trên trang báo. Cùng với đó là giảm bớt các tin bài hội họp hiếu hỉ. Đó là văn hóa báo chí. Văn hóa báo chí là văn hóa đi cùng bạn đọc, phục vụ bạn đọc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây