Phóng viên trẻ với đề tài điều tra, phản biện: thách thức và trách nhiệm

Thứ tư - 26/10/2022 10:02
Phóng sự điều tra, phản biện - những thể loại báo chí đi sâu vào bản chất của sự việc, mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực nhất về mọi khía cạnh của cuộc sống. Mặc dù là một trong những thể tài báo chí khó tiếp cận và thể hiện. Nhưng bù lại, khi chính thức lên sóng những bài phóng sự điều tra, phản biện xã hội luôn được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo công chúng, khán giả. Chính vì sức hút mạnh mẽ đó, nhiều phóng viên trẻ mới vào nghề đặc biệt quan tâm, đầu tư, “đeo đuổi” thể hiện mảng đề tài này.
111
Phóng viên tác nghiệp thu thập thông tin
Sau loạt phóng sự về nạn “chợ đen” trong mua bán, chuyển nhượng ki ốt và những lá đơn kêu cứu của tiểu thương chợ Xanh, thành phố Cao Bằng được đăng tải trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Cao Bằng. Những mánh khóe đầu cơ, mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp các ki ốt tại khu vực chợ Xanh, thành phố Cao Bằng cũng như những sai phạm của Ban Quản lý chợ khi đó được “phơi bày” trước công luận. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, 7 ki ốt bán hàng và 1nhà kho bố trí sai quy định bị thu hồi; các khoản thu chi sai và thiếu minh bạch được hoàn trả lại cho các hộ đã nộp, UBND thành phố Cao Bằng ban hành quyết định  thi hành hình thức kỷ luật đổi với hành vi sai phạm của Trưởng Ban quản ly chợ và Đội trưởng chợ Xanh. Trao đổi về quá trình tiếp cận và thực hiện đề tài, phóng viên trẻ Q.N chia sẻ: “Đây là một trong những phóng sự đầu tay viết về mảng điều tra, phản biện xã hội của tôi khi bắt đầu làm báo chuyên nghiệp tại Đài PT-TH Cao Bằng. Đối với đề tài này, “nguồn tin” khá rõ tuy nhiên cái khó là làm thế nào để thuyết phục được các tiểu thương đang bị “chèn ép” chịu đứng trước công luận để “vạch trần "sai phạm của những thế lực đang thao túng hoạt động đấu thầu các địa điểm kinh doanh tại khu vực chợ Xanh, thành phố Cao Bằng. Bởi đối với họ, việc quan trọng hơn cả là sự “yên ổn” để mưu sinh. Và tôi hiểu nhiệm vụ của tôi khi đó là làm thế nào để nguồn tin của mình thực sự đặt niềm tin vào những phóng viên đang tác nghiệp, những người sẽ giúp sự thật được “lên tiếng” một cách trọn vẹn và an toàn nhất có thể”.

Đối với những phóng viên trẻ, mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giao tiếp và xử lý tình huống, việc tiếp cận, đặt vấn đề trao đổi với chính quyền địa phương, nơi đang xảy ra những vụ việc sai phạm càng trở nên khó khăn với nhiều rào cản. Sự đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ của lãnh đạo cơ quan báo chí nơi phóng viên đang công tác có vai trò quan trọng trong việc “thắp lửa” cho phóng viên trẻ khi “đeo đuổi” mảng đề tài này. Cũng chính sự động viên đó sẽ giúp các phóng viên thực hiện các bài điều tra, phản biện xã hội “vững bước” hơn đề dấn thân, cống hiến và quan trọng hơn cả là không chùn bước, nản chí mỗi khi gặp “rào cản” trong quá trình tác nghiệp.

Từ sự ủng hộ, tin tưởng của lãnh đạo Đài PT-TH Cao Bằng cho các phóng viên trẻ khi giao những đề tài phản ánh mặt trái của xã hội, những đề tài yêu cầu điều tra, phản biện nên một loạt phóng sự như: “Bi kịch cuộc đời của những nạn nhân bị lừa bán sang biên giới”; “Công trình xây dựng trái phép trên mương - trách nhệm của chính quyền địa phương ở đâu?”; “Có hay không những sai phạm trong việc hợp thức và giao quyền sử dụng đất?”; “Khai thác cát sỏi lòng sông - tránh tình trạng phạt để tồn tại!”... cùng nhiều phóng sự khác được lên sóng và nhận được  sự quan tâm, đánh giá cao của công chúng, khán giả. Viết phóng sự báo chí vốn không dễ, viết điều tra hay, hấp dẫn, lôi cuốn sự quan tâm của công chúng lại càng khó hơn. Nó đòi hỏi nhà báo phải có tâm, có năng lực, trình độ và luôn đặt ra cho mỗi nhà báo sự rèn luyện không ngừng bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng sáng tạo. Bởi, cái đích của điều tra chính là đi tìm sự thật. Cái khó của người viết điều tra chính là làm thế nào để tiếp cận được sự thật thông qua các nguồn thông tin chính xác, làm thế nào để nhận rõ bản chất vấn đề và cuối cùng là thể hiện bài viết sao cho có phong cách riêng, mới mẻ, hấp dẫn. Bên cạnh đó, để viết được những phóng sự điều tra, phản biện xã hội hay cần đọc rất nhiều tư liệu về vấn đề liên quan. Không hiếm trường hợp, thực hiện phóng sự điều tra đồng nghĩa với việc tra cứu tài liệu tẻ nhạt và đều đều. Phóng viên phải làm việc như nhà nghiên cứu hoặc công an điều tra, mất hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng  đề đọc đủ các loại văn bản với hy vọng tìm ra sự liên kết của những chứng cứ, hoặc thông tin “vàng” ẩn giấu trong những tài liệu đầy bụi bặm ít được chú ý. Ai cũng biết, nghề báo là một nghề nguy hiểm, việc viết điều tra là nguy hiểm hơn cả. Bởi phóng viên phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Vì thế, nhà báo phải biết vượt qua chính mình, phải rèn luyện để có đủ bản lĩnh và niềm đam mê đi tìm sự thật, đưa sự thật ra ánh sáng. Mặt khác, phóng viên có thể bị đe dọa, bị trả thù ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân cũng như những người trong ekip. “Đối với truyền hình thì phóng sự điều tra là sản phẩm của cả tập thể, ekip. Sự phối hợp ăn ý của đội ngũ phóng viên và quay phim trong quá trình tác nghiệp sẽ quyết định trực tiếp đến tiến độ và kết quả quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên đây cũng là một lợi thế khi cần đến sự tương trợ lẫn nhau trong những tình huống nguy hiểm - điều mà thông thường những phóng  viên viết báo in tác nghiệp độc lập không có được” - phóng viên Q.N chia sẻ.

Tốt nghiệp chuyên ngành Luật, phóng viên Phương Oanh, Báo Cao Bằng là một trong những cây viết của Báo Cao Bằng hiện nay. Nhớ về quãng thời gian mới bắt đầu về tòa soạn năm 24 tuổi, chị được đi theo học hỏi kinh nghiệm của các cây bút viết điều tra lão làng của cơ quan như: Nhà báo Ngọc Minh, nhà báo Hoàng Văn Trọng... Chị tâm sự: “Để có được những phóng sự hay, nhất là phóng sự điều tra thì không chỉ trong ngày một, ngày hai là có thể làm được mà cần có lòng yêu nghề, khiêm tốn học hỏi, không ngừng cố gắng để từng bước hoàn thiện bản thân thì mới tích lũy được kinh nghiệm, bản lĩnh của người làm báo qua mỗi lần tác nghiệp, mỗi tác phẩm báo chí. Từ đó vượt qua được những khó khăn, thử thách để cho ra đời những tác phẩm báo chí có chất lượng cao, được đông đảo độc giả đón nhận"".

Trong mỗi giai đoạn phát triển của báo chí, mảng , phóng sự. điều tra luôn tạo  ra sức hấp dẫn. Dẫu khó khăn, hiểm nguy nhưng , khi sự thật và lẽ phải cần được lên tiếng thì đội ngũ những người làm báo luôn sẵn sàng cống hiến không ngừng và sống trọn đam mê với nghề.

 
Song Tử 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây