Vui buồn chuyện nghề

Thứ ba - 27/09/2022 11:11
Thấm thoát mới hồi nào chập chững vào nghề mà đã hơn hai mươi năm. Thời gian trôi nhanh quá. Suốt chặng đường gắn bó với nghề báo, tôi đã đi và đến khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm đong đầy. Vui có, buồn cũng có, gian nan vất vả lẫn hiểm nguy tôi cũng đã từng trải qua. Nhưng vượt lên tất cả, tôi vẫn nguyện gắn bó với nghề để được đi, được viết và được công hiến.
111
Kỷ niệm chuyến đi tác nghiệp vào rốn bão ở Tu Mơ Rông năm 2009. Ảnh: HN
Cho đến nay, đã hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu vào nghề. Ngày ấy, một thân một mình, hành trang tôi đến với ngôi nhà của người làm báo Kon Tum chỉ vỏn vẹn một chiếc ba lô  với vài ba bộ quần áo và 1,5 triệu đồng để dành lập nghiệp nơi đất lạ. Vùng đất mới xa lạ, không người thân, tôi như con chim lạc đàn, lạc  lõng. Nhiều đêm,  một mình nằm ở căn phòng tập thể đơn độc, nỗi buồn da diết càng làm tôi nhớ quê, nhớ nhà mà không biết chia sẻ cùng ai, rất tủi thân.

Thời gian đầu vào nghề, do chưa có kinh nghiệm nên mỗi khi viết bài khiến tôi băn khoăn, trăn trở cả đêm mà không biết bắt đầu từ đâu... Sự khắt khe của nghề nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Nhưng chính sự khắt khe ấy càng khiến tôi quyết tâm hơn. Thế là tôi cứ đi và viết với niềm say mê, khát vọng công hiến và vươn  lên. Dù nửa đêm hay mưa gió, hễ nghe có thông tin tôi đều đến tận nơi để nắm bắt, phản ánh thực tế.

Cứ thể, những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống được độc giả đón nhận. Niềm vui lớn nhất với người làm báo chân chính chúng tôi là mỗi “đứa con tinh thần” được độc giả đón nhận, lan tỏa trong xã hội. Đó chính là sự động viên, khích lệ rất lớn.

Đến nay, hơn 20 năm làm báo đối với tôi những chuyến tác nghiệp trong cơn bão số  9/2009 để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Sau cơn bão, tôi lặn lội khắp các vùng rốn lũ, đến từng nhà, từng thôn làng bị lũ bão san phẳng tìm hiểu về những hoàn cảnh thương tâm bị mất mát nhiều người thân, mất tài sản do lũ quét. .. phản ánh kịp thời đến bạn đọc, mang lại hiệu quả tích cực. Sau những loạt bài ấy, người dân trong cả nước biết đến Tu Mơ Rông, không biết đã có bao nhiêu chuyến hàng của đồng bào cả nước gửi về ủng hộ  người dân vùng lũ Tu Mơ Rông. Cũng nhờ đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn do cơn bão gây ra ở huyện Tu Mơ Rông đã kịp thời được giúp đỡ, hỗ trợ bằng vật chất lẫn tinh thần đã giúp họ vượt qua và dần ổn định cuộc sống. Hiệu quả tác động từ những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống ấy càng tiếp thêm cho tôi và những người làm báo động lực để được cống hiến.

Chừng ấy năm đi và viết chưa phải là nhiều so với đồng nghiệp đàn anh, đàn chị song để lại trong tôi những kỷ niệm vui buồn khó quên. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình.

Chuyện vui cũng nhiều nhưng chuyện buồn cũng không ít trong quá trình tác nghiệp. Nghề báo là luôn đi, phải “lăn lộn” ở cơ sở để kịp thời phản ánh hơi thở của cuộc sống, là cầu nối đưa tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại; được người dân,  độc giả đặt niềm tin yêu khi chia sẻ, phản ánh những bức xúc, những mặt tiêu cực, mặt trái của đời sống tôi luôn công tâm phản ánh khách quan.

Tuy nhiên, với những đơn vị được phản ánh về mặt tiêu cực, mặt trái hay những sai phạm, để tiếp cận được thông tin, cũng như có cái nhìn đa chiều, khách quan hơn không hề dễ dàng. Đối tượng, đơn vị có những tiêu cực thường né tránh, tìm đủ mọi cách để từ chối tiếp xúc, gặp gỡ, trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí. Trong khi đó, với những người làm báo chân chính, để có thông tin khách quan, trung thực thì cần có cái nhìn đa chiều để phản ánh chân thực, đúng người, đúng việc nhằm góp phần xây dựng niềm tin và sự công bằng cho xã hội. Chỉ tiếc rằng, trong quá trình tác nghiệp như vậy, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp không ít lần gặp phải sự né tránh của các đơn vị, cơ quan. Đó thực sự là một nỗi niềm của người làm báo chân chính chúng tôi.

Có biết bao nhiêu chuyện vui buồn mà trong khuôn khổ bài viết này không thể nào kể hết được. Chỉ biết rằng, phía sau những tác phẩm báo chí là sự phấn đấu, nỗ lực bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí gian khó, hiểm nguy và nước mắt của những người làm báo chân chính.

Chúng tôi, những người làm báo chân chính mong rằng các cơ quan, đơn vị hãy song hành, cùng hợp tác để chúng ta cùng nhau góp sức xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. 

 
Tác giả: Hà Nam
  Người làm báo Kon Tum 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây