Tôi tự hào đã chọn nghề báo

Thứ hai - 15/08/2022 08:35
Tôi thi đỗ lớp 10 vào đúng  năm đất nước thống nhất  (1975), nhưng cũng trong năm đó tôi thi trượt khoa văn trường đại học tổng hợp Hà Nội (giấy báo đạt 13 điểm, thiếu đúng 0,5 điểm) và năm đó trường cũng không tuyển sinh viên dự bị. Đang buồn thì bố tôi ông Đỗ Văn Tố, lúc đó là trưởng phòng chấp pháp kiêm giám thị trại tạm giam Ty Công an Tuyên Quang về nói: Chú Phí Văn Tường, lãnh đạo Báo Tuyên Quang điện cho bố bảo, em vừa ra Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chọn một số thí sinh thi trượt đại học để tuyển dụng làm phóng viên trong đó có Đỗ Ngọc Hùng con anh. Anh hỏi cháu xem nếu có nguyện vọng làm phóng viên Báo Tuyên Quang, thì bảo cháu lên gặp em ở Báo Tuyên Quang để làm thủ tục tuyển dụng. Tôi phấn khởi bảo bố tôi nhận lời ngay với chú Phí Văn Tường vì trong thâm tâm nếu có đỗ khoa văn trường đại học tổng hợp Hà Nội, thì khi tốt nghiệp tôi cũng xin làm phóng viên một tờ báo nào đó ở Hà Nội hoặc tỉnh, thành trong nước. Đúng ngày giờ hẹn tôi lên Báo Tuyên Quang và gặp một số anh cũng đang ngồi chờ làm thủ tục tuyển dụng. Trong số này về sau có các anh thành danh với nghề báo, như: Anh Nguyễn Việt Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, anh Ma Xuân Quang, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Tuyên Quang, anh Phạm Ngọc Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, anh Nguyễn Chính, phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh Báo Tuyên Quang… Vào làm phóng viên tập sự Báo Tuyên Quang khoảng 2 tháng, thì cuối năm 1975 tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên, tỉnh lỵ đóng tại thị xã Hà Giang. Đầu năm 1976 chúng tôi chính thức lên ở tập thể tại Tòa soạn báo Hà Tuyên (đối diện trường cấp 3 Lê Hồng Phong). Tôi là phóng viên trẻ (19 tuổi) được lãnh đạo giao đi địa bàn thị xã Hà Giang và các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Mèo Vạc thu thập tài liệu, viết tin bài.

Từ thị xã Hà Giang tôi đạp xe đạp về huyện Bắc Quang và Vị Xuyên để lấy tài liệu viết tin, bài. Nhưng từ ô tô hồi đó chỉ lên đến trung tâm huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, còn sau đó muốn về các xã chỉ có cách đi bộ. Không sao mọi người đi bộ được thì phóng viên có chỉ mà nề hà. Với tinh thần như vậy, trong khoảng hơn 3 năm (1976-1979) ở vùng cao, tôi đã viết được một số bài đăng báo Hà Tuyên và báo Nhân dân được bạn đọc và đồng nghiệp hoan nghênh, như: Chuyện 11 cô gái Lâm trường Yên Bình; Bức tranh nông thôn ngày nay ở xã Phương Thiện; Ông Chủ nhiệm HTX Đạo Đức tận tụy và trách nhiệm; Cuộc chiến đầu bảo vệ cột mốc sô 12 Phó Bảng (Đồng Văn).. Cũng trong thời gian 1978-1979, tôi và các anh Phạm Ngọc Quyết, nguyên phó chủ tịch thường Hội Nhà báo tỉnh; Nguyễn Văn Bảo, nguyên PV, BTV Đài PTTH tỉnh (nay là phó chủ nhiệm CLBNLB cao tuổi Tuyên Quang) có dịp gắn bó và trao đổi nghiệp vụ với nhau ở hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Cùng với các anh Nguyễn Việt Thanh, Ma Xuân Quang, Phạm Ngọc Quyết, Nguyễn Chính.. tháng 10/1979, chúng tôi thi đỗ khoa đại học báo chí trường Tuyên huấn Trung ương I Hà Nội (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Tốt nghiệp tháng 7/1984, tôi tiếp tục về báo Hà Tuyên và được phân công công tác tại tuyến 1 (từ Bắc Quang trở lên). Giai đoạn này (từ năm 1984 đến hết năm 1988), Hà Tuyên là một trong những tỉnh phía Bắc phải dốc toàn lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song thời gian này Ban biên tập báo Hà Tuyên đã định hướng cho các phóng viên viết được rất nhiều bài hay về công tác huy động sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ và xây  dựng phòng tuyến biên giới tập trung mở đường làm mới được hàng trắm km đường ô tô, đường dây thông tin, hầm hào trú ẩn, hàng nghìn nhà điểm tựa và nhiều km đường ông dân nước..,

Sau 15 năm hợp nhất tỉnh Hà Tuyên (1976 - 1991), nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và sức mạnh nội lực, tỉnh Hà Tuyên được Trung ương đồng ý chia tách. Tháng 9-1991, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang trở lại địa giới hành chính cũ. Tôi được Tòa soạn báo Hà Tuyên phân công công tác tại báo Tuyên Quang cho đến khi nghỉ hưu (tháng 3/2017) với chức danh trưởng phòng phóng viên kinh tế báo Tuyên Quang, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen; được trao tặng một số giải thưởng cuộc thi báo chí. Cũng kể từ năm 1991  đến năm 2017, tôi liên tục được bầu tham gia BCH Công đoàn, Ban Thư ký chỉ hội nhà báo.

 Điểm lại 41 năm công tác liên tục, tôi nhận thấy nghề báo tuy có vất vả, nhọc nhằn, nhưng cũng rất vinh quang. Kể từ khi làm phóng viên đến khi làm công tác quản lý phóng viên, phân công nhiệm vụ, biên tập tin, bài, ảnh phóng viên, lập chuyên đề, gợi ý phóng viên viết ghi chép, phóng sự, có dịp thì tranh thủ đi cơ sở luyện tay nghề ghi chép, chụp ảnh, viết bài. Với góc độ trưởng phòng phóng viên kinh tế, thư ký chi hội nhà báo, tôi tự hào đã gợi ý và động viên anh em phóng viên “lăn lộn” nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi đồng bào dân tộc thiểu số để viết ghi chép, phóng sự, phản ánh tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của với Đảng và các cấp chính quyền. Có bài chống tiêu cực và mặt trái xã hội, nhân vật trong bài tức tối đến tận tòa soạn đòi gặp, đòi kiện chúng tôi. Thực sự cho đến bây giờ, tôi vẫn thâm cảm ơn bản lĩnh và trí tuệ của Ban biệp tập đã đứng ra bảo vệ, chia sẻ với chúng tôi khi đối mặt với sự nguy hiểm và tình huống không dự báo trước.

Cuối cùng lẽ phải vẫn chiến thắng, chúng tôi thêm tự tin viết thêm nhiều chuyên đề khác hay, đúng, trúng được lãnh đạo tỉnh và bạn đọc khen ngợi.

Cũng từ làm báo, tôi được đi nhiều nơi, từ các tỉnh miền núi vùng đông bắc, tây bắc đến các tỉnh đồng bằng bắc bộ, rồi đến các tỉnh miền trung bắc bộ, nam bộ, vào TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền tây nam bộ Long An, Tiền Giang, Bến Tre.. trong đó có cả tháng ăn ở, tác nghiệp với bạn đồng nghiệp báo Bình Thuận - tỉnh kết nghĩa với tỉnh Tuyên Quang. 
                                                   
Đỗ Hùng
Người làm báo Tuyên Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây