Phát huy vai trò của báo chí với việc truyền thông về an toàn thực phẩm

Thứ sáu - 15/07/2022 14:25
 An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của người dân, giống nòi dân tộc, sự phát triển đất nước. Với tầm quan trọng đó nhiều phóng viên ở các cơ quan báo chí tích cực thông tin tuyên truyền, điều này góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người về ATTP.

Vấn đề ATTP là vấn đề được Chính phủ, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và cũng là một trong các chủ đề được nhiều cơ quan báo chí chú trọng khai thác. Thực tế đã có nhiều phóng viên, nhà báo đang theo dõi mảng nông nghiệp, thực phẩm trong nước. Nhiều bài viết nói về các chuyên gia và những đơn vị phát triển sản phẩm nông nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về đánh giá an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp.

Đã có nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng quan tâm công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học, có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ của con người.

Không chỉ duy trì đều đặt các bài viết về chủ đề này, nhiều cơ quan báo chí mở chuyên trang, chuyên mục, có nhiều loạt bài, thậm chí là các cuộc giao lưu, tọa đàm với các chuyên gia ATTP với độc giả nhằm giải đáp những thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm.

111
Hiện trường tác nghiệp "Nói không với thực phẩm bẩn" gần gũi, chân thực của Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital). Ảnh: VTV

Qua những tác phẩm báo chí chuyên sâu đó góp phần nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời, tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.         

Bà Trần Thị Thu Liễu – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Hằng năm, phối hợp với các cơ quan báo đài để thực hiện công tác truyền thông an toàn thực phẩm; xây dựng các thông điệp truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm vào các dịp cao điểm như Tết, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm... Bộ cũng phối hợp tuyên truyền tại các chương trình chuyên đề phổ biến pháp luật, xây dựng dưới dạng tiểu phẩm để minh họa các quy định pháp luật.

Thực tế, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn.

Chính vì vậy, cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ ATTP hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng.

111
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ về cách thức tiếp cận, xử lý thông tin và phương pháp truyền tải thông điệp về ATTP đến công chúng báo chí. Ảnh: Tạ Nguyên

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng: “Thông tin về ATTP hiện nay đã được chú trọng, một số cơ quan có chuyên trang riêng, kênh chuyên biệt về nội dung này; chắc chắn được nhiều người quan tâm. Qua nghiên cứu cho thấy, những thông tin đưa ra đã tác động đến người tiếp nhận theo 2 hướng: Tích cực và tiêu cực. Cụ thể, mặt tích cực là người dân sẽ có những nhận thức đúng về ATTP; tuy nhiên mặt tiêu cực là dễ khiến họ sợ hãi, bất an. Nhiều khi, người dân mất niềm tin vào ATTP dẫn tới những hậu quả như người dân không đến chợ truyền thống nữa gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất, ảnh hưởng đến người chăn nuôi. Vì vậy, bất cứ thông tin nào khiến cộng đồng quan tâm, thông điệp tạo ra như thế nào là trách nhiệm của báo chí, truyền thông”.

Nhà báo Đồng  Mạnh Hùng lấy ví dụ cụ thể: “Như vụ bùng phát dịch lợn tai xanh. Mặc dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân không sợ, họ vẫn giết mổ, thậm chí đào xác lợn bệnh đã chôn về để sử dụng. Lúc đó chúng tôi thấy, các thông điệp về dịch bệnh mới chỉ phản ánh chung chung về cảnh khốn khó, cách xử lý dịch... mà chưa quan tâm tới việc hướng dẫn người dân cách sử dụng an toàn... tức là các thông tin, cách truyền tải thông điệp chưa sát với thực tế. Sau đó, chúng tôi đã phát hiện và thay đổi cách đưa tin, nội dung hướng dẫn người dân không ăn thịt lợn chết, thịt lợn bệnh, dễ ảnh hưởng tới sức khỏe…”

“Trách nhiệm của báo chí là tác động đến xã hội để người dân hành động đúng. Theo đó, thông tin từ người truyền đến người nhận là vòng tròn khép kín; chúng ta cần phải quan tâm đến hiệu quả thông tin như thế nào. Đặc biệt, vấn đề phản hồi với thông tin cũng là vấn đề đáng quan tâm; hiện chưa có nghiên cứu nào về việc người dân phản ứng thế nào về những thông tin truyền thông đưa ra” nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

 

Theo Vũ Phong/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây