Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết

Thứ năm - 07/07/2022 15:50

Báo chí điều tra được coi là “búa tạ” thúc đẩy tính chiến đấu của tờ báo. Báo chí điều tra đáp ứng nhu cầu thông tin minh bạch, khách quan của công chúng, tiềm ẩn sức mạnh có thể tạo nên sự tác động mạnh mẽ nhiều mặt đến đời sống xã hội.

111
Ông Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội trao Bằng khen của Thủ tướng chính phủ 
cho lãnh đạo Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Để làm nên một tuyến bài điều tra thành công, việc quản lý quy trình tổ chức sản xuất đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi nhiều yếu tố phải được kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết.

Một số vấn đề về lý luận

Với tư cách là một thể loại trong nhóm các thể thông tấn báo chí, tác phẩm báo chí điều tra có mục đích thông qua trình bày sự thật để giải thích và giải đáp những vấn đề, câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra, góp phần giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống phát triển. Tác phẩm điều tra thường xuất hiện khi cần câu trả lời cho một câu hỏi nào đó.

Bài điều tra chính là tác phẩm báo chí thuộc thể loại điều tra, phản ánh những sự việc, hiện tượng, con người trong “hoàn cảnh có vấn đề”, những thông tin có nhiều uẩn khúc, nhiều mâu thuẫn, thường không có sẵn lời giải đáp từ các cơ quan công quyền hoặc cơ quan chuyên môn, qua sự phân tích, lý giải, lần tìm chứng cứ làm sáng tỏ nguyên nhân, kết quả hoặc chiều hướng phát triển của sự việc, hiện tượng và con người đó.

Bài điều tra xuất hiện trong “hoàn cảnh có vấn đề” chứa đựng uẩn khúc, mâu thuẫn cần được giải quyết. Mục đích của bài điều tra làm cho những thông tin cần thiết, có tầm quan trọng sống còn đối với nhân dân, nhưng lại bị giấu giếm trở thành công khai; đấu tranh với sự lợi dụng chức quyền của các thế lực xấu, chống lại tình trạng vô pháp luật nhằm giúp xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Bài báo điều tra có giá trị thời sự và ý nghĩa xã hội cao, bởi nó phơi bày sự thật nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, dân chủ trong xã hội, đáp ứng niềm mong mỏi thông tin sự thật của công chúng. Bởi thế, báo chí điều tra được vinh danh là một trong những lực lượng tham gia giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong xã hội khá hiệu quả.

Tuyến bài điều tra có thể hiểu là loạt bài điều tra, tuy nhiên cũng có thể bao gồm các thể loại khác về chủ đề, vấn đề đó trong các số báo xuất bản liên tiếp; tập hợp từ hai tác phẩm báo chí thể loại điều tra trở lên. Việc thực hiện tuyến bài điều tra cần nhiều thời gian, tốn kém tiền bạc, nhà báo dù có giàu kinh nghiệm như thế nào vẫn có nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều rủi ro. Chính bởi thế, các nhà quản lý trong cơ quan báo chí cần có những bước đi đúng đắn, thận trọng, khoa học trong việc tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí điều tra vừa đảm bảo tìm ra sự thật, vừa đảm bảo an toàn cho phóng viên và có thể mang đến những giá trị thông tin đến với công chúng.

Quản lý quy trình tổ chức sản xuất tuyến bài điều tra trên báo chí là một hoạt động phức tạp mà chủ thể ở đây là lãnh đạo cơ quan báo chí, thông qua những cơ chế cụ thể, khách quan, chặt chẽ, có tính ràng buộc tác động lên đối tượng quản lý nhằm tạo ra những tuyến bài điều tra hiệu quả. Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra là những trình tự đã được quy định trước, mang tính bắt buộc của tòa soạn về các bước, các khâu, nguyên tắc, theo đó, các chủ thể chịu trách nhiệm hoặc chủ thể liên quan phải tuân thủ nhằm thực hiện hiệu quả các tuyến bài điều tra.

111
Phóng sự về thủ đoạn "Lừa đảo qua điện thoại" trên báo Đại Đoàn Kết

Khảo sát trên Báo Đại Đoàn Kết

Thứ nhất, chủ thể quản lý một cách khoa học và chặt chẽ. Nghiên cứu trong năm 2021, về cơ bản tuyến bài “Vén bức màn bí ẩn – Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc ma mị giữa Thủ đô” đạt giải B – Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba do Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Sau khi đăng ký đề tài, vụ việc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Biên tập cùng đồng nghiệp trong toà soạn. Do vậy, từng đường đi nước bước trong quá trình tác nghiệp đều được hướng dẫn rất chi tiết, tỉ mỉ. Hầu hết mọi nhân sự trong cơ quan đều được Ban Biên tập huy động cùng tham gia. Với sự kiên định của Ban Biên tập, cuối cùng tuyến bài cũng thành công và nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc, nhất là những nạn nhân đã từng tham gia vào hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người.

Thứ hai, quy trình tổ chức sản xuất về cơ bản tương đối hợp lý. Quy trình này đã được xây dựng dựa trên các căn cứ pháp luật và quy định hoạt động theo tôn chỉ mục đích của báo. Trong quá trình tổ chức sản xuất, ekip cũng nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo báo cũng như sự đồng thuận, khích lệ và động viên của cơ quan chủ quản. Quy trình phân cấp, phân quyền trong tòa soạn hoàn thiện, chi tiết đối với từng phòng, ban và từng cá nhân khi thực hiện các tuyến bài điều tra. Thứ ba, các tuyến bài điều tra đã mang lại hiệu ứng tích cực với công chúng.

Thực tế cho thấy với 48 tuyến bài điều tra trong năm 2021, Báo Đại Đoàn Kết đã đồng hành cùng nền báo chí nước nhà thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội. Những bài viết trên Báo Đại Đoàn Kết về cơ bản được công chúng đón nhận tích cực và phản hồi tốt. Các tuyến bài điều tra phanh phui những sự thật mà dư luận cần được biết, từ đó, định hướng dư luận. Giúp người dân nhận rõ những vi phạm (nếu có) để nâng cao hiểu biết, kiến thức, không vi phạm những vấn đề mà báo đã nêu; Tuyến bài điều tra cũng góp phần giúp cơ quan liên quan có thêm thông tin về những hiện tượng, sự kiện xảy ra trong thực tiễn; Củng cố niềm tin của độc giả, nhân dân…

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn có thể thấy quá trình quản lý còn một số hạn chế như: Một là, về cơ bản đã có sử dụng phương pháp tài chính trong quản lý nhằm thúc đẩy sự nỗ lực làm việc của phóng viên điều tra, tuy nhiên, thực tế sự động viên, khích lệ này vẫn rất hạn chế.

Hai là, điều tra báo chí là thể loại khó, nếu phóng viên không đủ bản lĩnh dễ sa ngã, nhụt chí. Từ lâu, tòa soạn đã xác định điều cần thiết của một phóng viên viết mảng điều tra, đó là nghiệp vụ và bản lĩnh. Đôi khi có nghiệp vụ (trình độ pháp luật, hiểu biết lĩnh vực về đề tài thực hiện), phóng viên dễ dàng đánh giá tính chất, tầm cỡ sai phạm…

111
Phóng sự về việc minh bạch làm từ thiện trên báo Đại Đoàn Kết

Đâu là giải pháp?

Thứ nhất, đối với việc lựa chọn nhân sự quản lý phải công khai minh bạch, vì đội ngũ nhân sự là điều kiện để nâng cao chất lượng quản lý dịch vụ. Đội ngũ quản lý phải thực sự có tài, có năng lực, được đánh giá mức độ tiến bộ theo từng năm. Điểm hạn chế chung của đội ngũ lãnh đạo tại Báo Đại Đoàn Kết là kinh nghiệm quản lý các nghiệp vụ hiện đại cũng như kinh nghiệm sử dụng các công cụ hiện đại. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này Báo Đại Đoàn Kết có thể tổ chức những khóa đào tạo riêng biệt cho các cán bộ quản lý và hợp tác với các đối tác nước ngoài để tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Thứ hai, cần xây đựng đội ngũ biên tập có trình độ, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và có kỹ năng nghề nghiệp. Bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị để vững vàng trong quá trình giám sát, kịp thời xử lý những tình huống “nóng”, những nội dung báo chí điều tra không phù hợp. Phối hợp với các trung tâm, các cơ sở đào tạo báo chí, tổ chức bồi dưỡng cán bộ làm công tác biên tập, biên dịch về nghiệp vụ làm báo, kiểm soát chương trình. Cử các đoàn cán bộ làm trong hội đồng biên tập, biên tập viên, biên dịch viên đi hội thảo, tham quan, học tập ở các nước tiên tiến trên thế giới. Bồi dưỡng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin cho biên tập viên, biên dịch viên.

Thứ ba, bên cạnh việc chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, cần có sự thay đổi trong cơ chế lương đối với cán bộ nhân viên đặc biệt là phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên. Theo đó mức lương phải cao hơn và hấp dẫn hơn mức hiện tại. Bên cạnh đó phải tạo được sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan. Lãnh đạo Báo Đại Đoàn Kết cần tổ chức thêm nhiều hoạt động tập thể như: Thể thao, tổ chức vui chơi, thư giãn cho cán bộ nhân viên. Qua đó, nâng cao lòng tự hào và sự yêu quý, gắn bó của các nhân viên đối với cơ quan.

Đặc biệt, cần đào tạo những kiến thức trọng tâm để bồi dưỡng trình độ chuyên sâu về báo chí điều tra nhất là quy trình chuẩn cho đội ngũ trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất như: Giai đoạn điều tra ban đầu, gồm tiếp nhận nguồn và xử lý nguồn tin. Nguồn tin có thể từ đơn thư nhân dân phải ánh, thông tin từ các cơ quan báo chí khác, nguồn tin riêng của phóng viên… Tiếp nhận nguồn tin là khâu mở đầu. Khâu này có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện tác phẩm báo chí điều tra. Bởi cái “duyên” của phóng viên khi có nguồn tin. Từ đó, phóng viên xác định cơ sở của nguồn tin? Thẩm định nguồn tin? Các thông tin tài liệu phản ánh đã có đến mức độ nào? những vấn đề gì đã rõ, cần tiếp tục điều tra?

- Giai đoạn lập kế hoạch điều tra: Xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn điều tra; mục đích điều tra; các biện pháp tiến hành điều tra. Xác định thời gian, phương tiện điều tra nhằm đảm bảo tiến độ điều tra. Trong trường hợp điều tra vụ việc này, còn xác định làm rõ đối tượng khác liên quan, cần xác định rõ các biện pháp tiến hành, đồng thời được Ban biên tập duyệt và thống nhất trong ekip thực hiện.

- Kết thúc điều tra: Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh, phóng viên tập hợp tài liệu, tiếp tục theo dõi kết quả điều tra. So sánh đối chiếu thông tin với Cơ quan Điều tra, báo cáo Ban Biên tập để xây dựng tác phẩm. Đồng thời, lưu giữ hồ sơ điều tra, các thông tin tài liệu đã thu thập được.

Đối với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết muốn thực hiện một tác phẩm báo chí điều tra hay, nội dung điều tra phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Phải trúng vấn đề được người dân quan tâm. Đó là các vấn đề nhân dân khiếu nại, phản ánh.

Nhân dân chính là đội ngũ làm điều tra lớn mạnh nhất. Bởi nhân dân có mặt khắp nơi, bất cứ vấn đề bức xúc xã hội dân sinh nào nhân dân đều có thể phản ánh lại cho các cơ quan điều tra. Nhà báo, phóng viên tiếp nhận vấn đề đồng thời tiến hành làm điều tra để làm sáng tỏ các vấn nạn nóng đang khiến quần chúng, nhân dân bức xúc.

Có thể thấy điều này được thể hiện cụ thể, sinh động trong nhiều chuyên mục khác nhau. Không chỉ là các vấn đề được người dân khiếu nại mà các tác phẩm báo chí điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết hay bất cứ một kênh truyền hình nào muốn làm báo chí điều tra, đều cần thực hiện về các vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Điều đặc biệt trong các tác phẩm báo chí điều tra kinh tế đó như: tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; các loại tội phạm lừa đảo, thương mại… là những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Đồng thời, sau điều tra, phóng viên trả lời câu hỏi mà dư luận đặt ra, đề xuất các phương án giải quyết vấn đề, không gây hoang mang dư luận và làm ổn định tâm lý khán giả. Mặt khác, có tác động xã hội rộng lớn. Có thể nhận thấy rằng, báo chí điều tra (nêu vấn đề hay giải quyết vấn đề) đều có sự tác động rộng lớn đến toàn thể cộng đồng.

Thậm chí có những vụ phải mất thời gian dài mới được đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, đối tượng còn ẩn nấp dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Chính vì lẽ đó, tác phẩm báo chí điều tra có những giá trị nhất định và không phải thể loại báo chí nào cũng có được.

Bên cạnh đó, cần độc đáo và công phu. Điều này thể hiện lao động của nhà báo và nó càng quan trọng khi trình độ của khán giả ngày càng cao trong cuộc sống hiện đại. Vấn đề hay đã được giải quyết triệt để nhưng quy cách làm không hay, không hấp dẫn chắc chắn cũng không thể kéo được khán giả xem nó về lâu về dài.

Về mặt bằng chung, các tác phẩm điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết rất thu hút người xem, tuy nhiên, tội phạm kinh tế ngày càng có nhiều mánh khóe tinh vi, đòi hỏi đội ngũ làm điều tra cần đổi mới cách thức làm phóng sự, đổi mới hình thức điều tra để vạch trần mọi hình thức gian lận, nâng cao chất lượng báo chí điều tra kinh tế. Thu hút, hấp dẫn và tăng tính tương tác với quần chúng nhân dân.

Có như vậy, vị thế của báo chí điều tra sẽ là thể loại báo chí được sự quan tâm yêu mến của công chúng và là “đất dụng võ” của nhiều nhà báo tài năng. Hơn nữa, phóng viên điều tra kinh tế phải chú ý đến việc thu thập tài liệu, lưu giữ tài liệu. Cẩn thận khi sử dụng nguồn tin. Bởi trong thực tế, có nhiều vụ việc phóng viên Báo bị xử lý kỷ luật trong điều tra vụ PMU18, có không ít những vụ án mà các ngành trong khối nội chính làm sai. Nỗi oan chỉ được giải tỏa khi nạn nhân đã phải ngồi tù hàng chục năm. Do vậy, việc lưu giữ hồ sơ điều tra đặc biệt quan trọng đối với phóng viên điều tra nói chung và điều tra kinh tế nói riêng./.

 

 

Theo Lê Anh Đạt/NLBVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây