Nâng cao chất lượng các tác phẩm dự Giải báo chí Quốc gia: Cần lắm một chữ tâm
Thứ sáu - 20/05/2022 16:25
Nhà báo Trần Ngọc Anh Trưởng phòng Biên tập-TTĐT, Đài PT&TH Hưng Yên
Những năm qua, những người làm báo Hưng Yên vô cùng tự hào về sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt của báo chí Hưng Yên. Nổi bật là số lượng, chất lượng các tác phẩm báo chí đã được vinh danh tại các giải báo chí quốc gia, giải báo chí của các bộ, ngành và giải báo chí Nguyễn Văn Linh (tỉnh Hưng Yên). Điều đặc biệt những tác phẩm báo chí đạt giải đã tạo được hiệu ứng tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, khẳng định được vị thế của Báo chí Hưng Yên trên bản đồ báo chí Việt Nam.
Chủ đề mà các đồng chí trong Ban Tổ chức đặt ra chào mừng kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tôi nghĩ là rất thiết thực và bổ ích. Bởi Nâng cao chất lượng các tác phẩm tham dự Giải báo chí Quốc gia chính là chúng ta nâng cao chất lượng các tin bài, các chương trình đăng tải, phát sóng hàng ngày của báo chí Hưng Yên.
Được các đồng chí lãnh đạo hội Nhà báo tỉnh, lãnh đạo Đài PT&TH tỉnh mời tham gia hội thảo và phân công tham luận. Tôi nhận thức đây không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là vinh dự đối với bản thân tôi. Chủ đề mà các đồng chí đưa ra tại hội thảo lần này là vấn đề lớn, rất khó và rất quan trọng, liên quan đến công tác tổ chức, quản lý điều hành chuyên môn, quan hệ công tác, đặc biệt thông qua hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, sự tâm huyết của Nhà báo đối với sự nghiệp báo chí.
Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo, phân công của các đồng chí, tôi đã dành thời gian để rà soát, nghiên cứu quá trình tôi và các đồng nghiệp đã phối hợp làm các tác phẩm tham gia các Liên hoan Phát thanh, Truyền thanh, Truyền hình, tham gia các giải Báo chí Nguyễn Văn Linh, tham gia Liên hoan Phát thanh, Truyền hình toàn quốc, các giải báo chí do các ngành Trung ương tổ chức qua các năm tôi nhận thấy. Để nâng cao chất lượng các tác phẩm phát sóng hoặc đăng tải trên các loại hình báo chí điều quan trọng nhất là có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt đầy tâm huyết của Lãnh đạo hội, lãnh đạo cơ quan báo chí, đặc biệt là tác giả, nhóm tác giả. Nói cách khác để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cần lắm một chữ Tâm. Bởi không tâm huyết với nghề, với con đẻ của mình, với sản phẩm của mình thì khó có tác phẩm hay, khó có tác phẩm làm lay động lòng người, chưa kể đến việc định hướng cho dư luận, định hướng cho xã hội, hoặc làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
Với góc nhìn cá nhân, tôi mạnh dạn tham góp mấy ý kiến: Thứ nhất trước khi tổ chức giải, Hội Nhà báo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần chụm đầu để có những định hướng những kế hoạch thật cụ thể trong việc tổ chức các giải báo chí, các liên hoan của cơ quan mình, của Hội. Lãnh đạo Hội cần phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí xác định rõ đề tài phân công thật cụ thể cho tác giả hoặc nhóm tác giả. Thậm chí Hội phải giao nhiệm vụ, đặt hàng với tác giả hoặc cơ quan báo chí. Khi phân công, đặt hàng phải nêu rõ yêu cầu, đề tài đó sẽ được thể hiện bằng loại hình nào: Truyền hình, phát thanh, báo in hay báo điện tử. Tránh trường hợp triển khai theo phong trào, cứ cho làm rồi mới duyệt, tốt thì cho đi yếu thì để lại. Các làm này sẽ ít hiệu quả, bỏ phí những đề tài hay. Thứ hai đề tài đó sẽ được giao cụ thể cho ai hoặc giao cho một nhóm phóng viên thực hiện, ai sẽ chịu tách nhiệm chính. Người được giao chịu trách nhiệm chính triển khai đề tài phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có sự mẫn cảm về chính trị, vững về nghiệp vụ và có kỹ năng làm báo tinh thông, thuần thục. Thứ ba là phải có sự đầu tư, khen thưởng kịp thời “thỏa đáng”. Bởi nghề báo là nghề nguy hiểm, lao động của nhà báo là lao động đặc biệt. Ngoài đầu tư công sức, trí tuệ còn phải thức khuya, dậy sớm, sẵn sàng tiếp cận với sự kiện tình hình trong mọi hoàn cảnh. Qúa trình sáng tạo tác phẩm, trong nhiều trường hợp còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến danh dự, gia đình, thậm chí đe dọa đến tính mạng nhà báo.
Vì thế trong quá trình triển khai làm các tác phẩm tham dự các giải báo chí, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Hội Nhà báo tỉnh, lãnh đạo các cơ quan báo chí, cần có sự vào cuộc tích cực của Ban Thư ký chi hội và lãnh đạo phòng chuyên môn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Bởi các đồng chí lãnh đạo phòng chuyên môn là người quản lý trực tiếp các tác giả nên không thể đứng ngoài cuộc, hoặc chỉ đạo chung chung. Nếu như lãnh đạo phòng không tạo mọi điều kiện thuận lợi, không động viên kịp thời, không đồng hành với các tác giả, nhóm tác giả thực hiện tác phẩm dự thi thì khó có thể có tác phẩm tốt, chưa kể đến việc không thông suốt về tư tưởng sẽ còn nhiều vấn đề bất cập nảy sinh. Trong thực tế do không được sự quan tâm, động viên kịp thời nhiều phóng viên trẻ rất ngại làm các phẩm dự thi, hoặc có làm thì làm một mình theo cách riêng của mình, thậm chí bỏ cuộc. Bên cạnh đó ban biên tập, Hội đồng biên tập cần thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai tác phẩm và có những ý kiến tham gia để tác phẩm luôn đảm bảo trúng, đúng với chất lượng cao nhất. Các tác phẩm đạt giải sẽ được xét chon để tham gia giải báo chí, các liên hoan và giải báo chí quốc gia.
Việc tổ chức xét chọn tác phẩm tham dự các giải báo chí do các bộ ngành tổ chức, liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc, giải báo chí quốc gia cũng là một việc làm cực kỳ quan trọng. Việc xét chọn cần được triển khai sớm, dành thời gian cho các tác giả, nhóm tác giả có thời gian tiếp thu ý kiến tham gia, chỉnh sửa, bổ sung. Qúa trình xét chọn phải được tiến hành bài bản khoa học, khách quan và công tâm. Các tác phẩm được xét chọn phải thực sự là những tác phẩm tiêu biểu thể hiện ý chí và cái tầm của báo chí Hưng Yên. Tuy nhiên sau khi xét chọn vẫn cần có sự tham gia góp ý của lãnh đạo Hội, lãnh đạo cơ quan báo chí, Hội đồng biên tập, những nhà báo có kinh nghiệm, góp phần làm cho tác phẩm hay hơn, đủ sức “ mang chuông đi đấm nước người”.
Đối với tác giả hoặc nhóm tác giả, khi được giao thực hiện tác phẩm tham dự các giải báo chí, phải là những người vừa có tâm vừa có tầm. Bởi đó không chỉ là vinh dự, mà còn là trách nhiệm của mỗi, phóng viên, hội viên. Tác phẩm ấy không chỉ đại diện cho cơ quan báo chí mà họ đang công tác mà còn đại diện cho báo chí Hưng Yên, đại diện cho cả Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Thách thức lớn nhất của báo chí trong giai đoạn hiện nay là làm thế nào để tác phẩm báo chí vừa đảm bảo được tính định hướng vừa đáp ứng được yêu cầu thông tin đa dạng của công chúng, lại vừa thu hút được đông đảo người nghe, người xem và bạn đọc. Vì thế các tác phẩm báo chí gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhạy, sáng tạo trong việc tìm kiếm đề tài cũng như quá trình sáng tạo tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả, sự đồng tâm hiệp lực của Hội nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí trong tỉnh. Thông qua mỗi tác phẩm dự thi công chúng thấy được cái hay, cái đẹp, truyền thống văn hóa văn hiến, đặc biệt là sự phát triển của mảnh đất và con người Hưng trong quá trình hội nhập phát triển đi lên cùng đất nước.
Để có được những tác phẩm đạt giải báo chí quốc gia, chắc chắn chúng ta sẽ phải lao tâm khổ tứ, thậm chí nếm mùi của những thất bại. Có thất bại, ắt sẽ có thành công nếu chúng ta là những người có tâm, có tầm. Có tâm kết hợp với việc nỗ lực phấn đấu, tự học, tự rèn luyện, trau dồi những kinh nghiệm, kiến thức từ thực tiễn, từ đồng nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm của những người đi trước, chắc chắn chúng ta sẽ trưởng thành hơn và có những tác phẩm báo chí tốt hơn, hay hơn.
Với những kết quả báo chí Hưng Yên đã đạt được trong 25 năm tái lập: 1 giải A, 2 giải C giải Báo chí quốc gia cùng nhiều Huy chương, bằng khen do các bộ, ban, ngành, Đài tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam trao tặng, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng, Báo chí Hưng Yên sẽ phát huy được truyền thống vẻ vang của mình và sẽ có những kết quả xứng đáng với sự kỳ vọng của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.