Những năm gần đây, nhiều người trong nghề báo đều có chung nhận xét: tính phê bình, phản biện của báo chí các tỉnh thành phía Bắc ngày càng giảm, có báo, cả một tháng cũng khó tìm được một bài phê bình, hoặc một bài phản biện chất lượng. Báo các tỉnh thành ít có tin bài là do các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Một là, việc đấu tranh, phê bình ở nhiều nơi rơi vào tình trạng dĩ hòa vi quý. Mọi người ngại động chạm tới quyền lợi của nhau. Do đó số đông cán bộ thường im lặng để vừa lòng nhau. Mặt khác, cán bộ cấp dưới thường lấy lòng cấp trên, nhất nhất phục tùng cấp trên dù biết việc đó là sai. Lối sống lấy lòng cấp trên và dĩ hòa vi quý trong cơ quan đã thủ tiêu đấu tranh phê bình, ảnh hưởng tới tinh thần đấu tranh phản biện của báo chí.
Hai là, một số cán bộ lãnh đạo vì nhận thức lệch lạc, thích thành tích giấu khuyết điểm, nên không muốn cho báo chí viết bài chống tiêu cực. Số cán bộ này thậm chí còn chỉ đạo “cấm đưa cái sai lên báo chí”. Họ cho rằng: đưa cái xấu cái sai lên mặt báo là “vạch áo cho người xem lưng”, mà không hiểu rằng đưa cái xấu, cái sai lên mặt báo là để sửa chữa cái xấu cái sai và để rút kinh nghiệm không lặp lại cái xấu cái sai.
Ba là, một số Tổng Biên tập chưa hiểu đúng quan điểm của Đảng về đấu tranh, phê bình, cũng như chưa hiểu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phê bình trên báo, chưa nắm vững Luật Báo chí nên chưa mạnh dạn triển khai tuyến bài phê bình và phản biện. Mặt khác, một số Tổng Biên tập cũng sẵn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, nên không chỉ đạo viết tin bài phê bình.
Bốn là, do chế độ nhuận bút, lại do tính thực dụng là viết bài biểu dương, vừa vui vẻ với cơ sở, lại vừa nhàn hạ nên phóng viên ngại viết những tin bài phê bình, phản biện.
Từ những nguyên nhân chủ yếu nêu trên, nên các tin bài phê bình vắng bóng trên các trang báo. Báo chí tuyên truyền một chiều, không phản ánh đúng cuộc sống. Do đó báo chí không hấp dẫn người đọc.
Để khắc phục tình trạng trên, đội ngũ những người làm báo cần thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cũng như cần nắm rõ chức năng nhiệm vụ của báo chí đã được Luật Báo chí quy định. Bác Hồ nhiều lần căn dặn báo chí cần tham gia chống tiêu cực. Trong thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo vào năm 1947, Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Tại Đại hội lần thứ 2 các nhà báo năm 1959, Bác Hồ căn dặn: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Và tại Đại hội các nhà báo lần thứ 3 năm 1962, Bác nhắc nhở báo chí phải khắc phục tình trạng “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”.
Trước thực trạng tin bài phê bình đang dần vắng bóng trên các báo tỉnh thành địa phương, đội ngũ những người làm báo cần thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về phê bình trên báo, từ đó viết những tin bài phê bình, phản biện. Đó cũng là đòi hỏi của nhân dân - những người đóng thuế để nuôi đội ngũ báo chí, góp phần làm cho báo chí là công cụ của Đảng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Mặt khác, nếu thiếu tin bài phản biện, nhân dân sẽ ít hoặc không đọc báo mà họ chuyển sang mạng xã hội, báo chí chính thống sẽ không có sinh khí.
Công Đán