Làm gì để nâng cao chất lượng tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia

Thứ hai - 09/05/2022 10:25
Nhà báo Vũ Văn Úy
Phó Chủ tịch chuyên trách HNB Hải Dương


Giải Báo chí quốc gia mỗi năm được tổ chức, trao giải 1 lần là hoạt động chuyên môn nghiệp vụ có ý nghĩa và danh giá nhất, có sức thu hút, lan tỏa mạnh mẽ, hấp dẫn nhất đối với các nhà báo và lực lượng cộng tác viên trong cả nước. Hằng năm, giải được tổ chức với sự quan tâm lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương càng khẳng định giải không những chỉ là nơi tôn vinh các thành quả lao động trong một năm của đội ngũ nhà báo, cộng tác viên, mà còn là môi trường rèn luyện nghề nghiệp, tay nghề và bản lĩnh, sự cống hiến không mệt mỏi của các nhà báo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
111
Lễ trao Giải báo chí Nguyễn Lương Bằng lần thứ V
Với những ý nghĩa to lớn ấy, trải qua 15 năm lần tổ chức, giải đã thu hút hàng nghìn nhà báo, cộng tác viên với hàng chục nghìn tác phẩm gửi về tham dự giải. Những tác giả có tác phẩm đoạt giải được xã hội và những người làm nghề tôn vinh, ghi nhận thật đáng trân trọng, tự hào. Còn nhiều tác giả chưa có tác phẩm đoạt giải thì luôn đau đáu, và đặt ra câu hỏi: Phải làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia? Hay chính xác hơn là, các nhà báo luôn mong muốn ít nhất có một lần trong đời được đứng trên bục nhận giải thưởng. Vì vậy, tôi cho rằng chủ đề của Hội thảo do Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đưa ra lần này dù không mới, nhưng sức hấp dẫn, tính thời sự của chủ đề vẫn không hề mất đi nên tôi rất hoan nghênh Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo và chọn chủ đề này.

Qua thực tế nhiều năm công tác tại Báo Hải Dương, cùng với đó là tham gia chấm các giải thưởng báo chí của tỉnh, tôi cho rằng để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí tham dự giải báo chí quốc gia, thì các cơ quan báo chí của tỉnh, các chi hội, câu lạc bộ và các nhà báo ở các địa phương cần làm tốt những nội dung sau:

1. Đối với các cơ quan báo chí

- Ban Biên tập báo, Ban Giám đốc Đài PT-TH cần thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các phòng phóng viên liên quan cùng các phóng viên xây dựng các tuyến bài, loạt bài, các vấn đề có khả năng gửi tham dự Giải báo chí quốc gia. Với vai trò là những người lãnh đạo cao nhất của cơ quan báo, đài, đồng thời có nhiều luồng thông tin, nắm bắt rõ nhất các dòng thời sự chủ lưu, các vấn đề mà từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, Ban Biên tập, Ban Giám đốc báo, đài có thể trực tiếp gợi mở các đề tài để các trưởng phòng phóng viên cùng các phóng viên thảo luận, bàn bạc để xây dựng các bài viết, các tuyến bài, loạt bài chất lượng cao ngay từ đầu năm để sớm triển khai thực hiện.

- Lãnh đạo các cơ quan báo chí tại địa phương cần xây dựng được cơ chế để khuyến khích, động viên các phòng phóng viên xây dựng các mảng đề tài tham dự giải báo chí quốc gia. Khi thấy các đề tài có khả năng gửi tham dự giải, Ban Biên tập, Ban Giám đốc cần chỉ đạo các phòng phóng viên bố trí lực lượng, ưu tiên dành thời gian để họ đi cơ sở, thu thập thông tin, xây dựng đề cương, xử lý thông tin để cho ra đời các tác phẩm báo chí chất lượng cao. Nếu những vẫn đề khó, đòi hỏi khả năng tư duy sâu, cơ quan báo có thể cắt cử những phóng viên giỏi nhất để tham gia từ khâu lên đề cương, thu thập thông tin, xử lý thông tin và viết bài.

- Ban Biên tập báo, Ban Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Chi hội Nhà báo cơ quan đổi mới nội dung, cách thức sinh hoạt để nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên. Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), Hội Nhà báo tỉnh để mời các chuyên gia về tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên. Đặc biệt là quan tâm mời các nhà báo thường xuyên tham gia chấm giải báo chí quốc gia, các nhà báo đoạt các giải cao của giải thưởng về chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý. Qua đó, gợi mở các chủ đề, đề tài để các phóng viên, hội viên có thể soi rọi vào thực tế để có đề tài hay, hấp dẫn hơn.

- Có cơ chế chấm nhuận bút, khen thưởng, động viên kịp thời các tác giả, nhóm tác giả có những bài viết công phu, có khả năng tham dự giải. Khi tác giả có tác phẩm đoạt giải cần động viên, khuyến khích tôn vinh tại cơ quan một cách phù hợp.

2. Đối với Hội Nhà báo tỉnh

- Bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Bám sát nhu cầu của phóng viên các cơ quan báo chí của địa phương, trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan báo chí để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên, hộ viên.

- Phát huy tốt hơn nữa vai trò “vốn mồi” của nguồn hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao mà hằng năm Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ các cấp hội địa phương. Hội Nhà báo tỉnh cần xây dựng cơ chế để đặt bài đối với các cơ quan báo chí địa phương ngay từ đầu năm. Căn cứ vào các tác phẩm hoàn thành theo kế hoạch để hỗ trợ phù hợp.

- Cán bộ của Văn phòng Hội cần thường xuyên cập nhật những kiến thức mới liên quan đến nghề làm báo. Trên cơ sở đó, cùng với lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ phóng viên, hội viên, cộng tác viên trên địa bàn.

- Thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền để ngày càng đa dạng hóa các hoạt động, nâng cao chất lượng công tác hội.

3. Đối với nhà báo, hội viên

- Đây là lực quan trọng nhất, quyết định nhất đến việc có hay không những đề tài, bài viết hay, hấp dẫn, có thể gửi dự giải báo chí quốc gia. Vì vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương cần thường xuyên chăm lo đội ngũ của mình. Các cơ quan báo chí cần đánh thức được “khát vọng” trong mỗi phóng viên về việc có tác phẩm chất lượng cao hằng năm để tham dự giải báo chí quốc gia.

- Các hội viên, nhà báo ở các địa phương cần bám sát đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền. Trong bối cảnh khó cạnh tranh với những tờ báo lớn ở Trung ương về những vấn đề điều tra, phê bình, thì các nhà báo ở địa phương lại có những thuận lợi hơn về việc tuyên truyền những gương người tốt việc tốt, những mô hình hay, cách làm hiệu quả ở địa phương cơ sở. Đặc biệt, mỗi khi Trung ương chuẩn bị tổng kết một nghị quyết nào đó, hoặc chuẩn bị bàn thảo để cho ra đời những nghị quyết mới, hoặc bổ sung những vấn đề mà thực tiễn đặt ra thì đó cũng là những thời điểm mà các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên ở cơ sở có thể xây dựng các tuyến bài, loạt bài mang tính chất tổng kết thực tiễn, hoặc nêu lên những vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Khi các chủ trương, chính sách mới được ban hành, cần xem xét khi đưa vào cuộc sống có thực hiện được không, hay còn những rào cản, khó khăn gì, từ đó có những phản biện, đòi hỏi Trung ương có những thay đổi cho phù hợp hơn.

- Các phóng viên, hội viên cần không ngừng học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Kịp thời cập nhật những cách làm báo mới, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống và cách thức làm việc của mỗi nhà báo, các cơ quan báo chí.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây