Nghề báo luôn tự hào và trân trọng     

Thứ năm - 05/05/2022 10:28
Nếu như được coi là người thợ, thì nhà báo với nghề báo cũng là người thợ, chỉ là công việc của người thợ là hằng ngày miệt mài lao động trên từng con chữ để sáng tạo nên các tác phẩm báo chí phản ánh muôn mặt cuộc sống. Chúng tôi vừa tự hào, vừa trân trọng với nghề nhưng thấm thía bao nỗi buồn lo. Bởi lẽ, nhà báo và nghề báo hoàn toàn xứng đáng để vinh danh nhưng cũng lắm gian nan trên con đường tác nghiệp.
111

Khi chập chững vào nghề và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, thời đó, mạng xã hội chưa phát triển nhất là báo chí, trong đó có Truyền hình quá mới mẻ ở địa phương miền núi, khi đó những nhà báo trẻ rất tự hào khi được lãnh đạo trao những chiếc máy quay phim để ghi hình các sự kiện lớn, nhỏ của tỉnh. Ngoài đưa tin các sự kiện lớn, nhỏ trong tỉnh, chúng tôi háo hức đi đến các vùng sâu, vùng xa, nơi chưa biết đến Truyền hình, báo chí, phản ánh một cách chân thực nhất về cuộc sống đồng bào. Nhờ những thước phim chân thật của chúng tôi mà góp phần làm thay đổi tư duy các cấp lãnh đạo để ban hành nhiều chính sách về vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ít người. Có thể kể đến những thước phim về tình trạng bướu cổ trong vùng đồng bào ở các xã Thái Học (Bảo Lâm), Mai Long (Nguyên Bình) mà chúng tôi đi cả tuần để có những hình ảnh đặc sắc gửi về Trung ương, đề chiến dịch sử dụng muối I ốt rộng khắp dần hạn chế tình trạng bướu cổ ở các tỉnh miền núi nói chung, Cao Bằng nói riêng. Rồi cũng nhiều chuyến theo cán bộ dân số về các bản làng vùng cao ghi hình, làm phóng sự, tuyên truyền về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để rồi cả hệ thống chính trị vào cuộc, rồi giảm dần tỷ lệ sinh đẻ.. rồi những chuyến lặn lội vào các bãi vàng phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tình trạng phá  rừng đầu nguồn, nạn lâm tặc...có tác động đến nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh để ra nhiều biện pháp hạn chế, ngăn chặn tỉnh trạng phá hoại môi trường...

Đó là niềm tự hào của chúng tôi khi bằng nghiệp vụ của mình đã phản ánh chân thực bức tranh muôn màu, sống động về mọi mặt đời sống, về tình người, về cuộc sống ở những vùng, miền khác nhau, về những khó khăn, vất vả của đồng bào vùng sâu, vùng xa; tình trạng trẻ em bỏ học, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... để cả hệ thống chính trị vào cuộc, từng bước làm thay đổi phong tục, tập quán cũng như cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ vậy, báo chí cũng vạch trần những thói hư, tật xấu trong xã hội, chỉ ra những mặt tiêu cực còn tồn tại nhằm định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tốt hơn. Cũng bằng ngòi bút, ống kính của mình, các nhà báo đã phản ánh sâu rộng các chính sách phát triển, biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến đề xã hội noi theo, những tấm gương vượt khó, những tấm gương dũng cảm đấu tranh bảo vệ biên cương của Tổ quốc... tác động trực tiếp đến dư luận xã hội, góp phần làm thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận của những người lãnh đạo, đề rồi có những điều chỉnh cần thiết trong các quyết sách đưa ra, tạo dư luận đồng tình trong đông đảo quần chúng nhân dân.

Tự hào là vậy nhưng người làm báo cũng ngày đêm trăn trở với muôn vàn nỗi lo, không chỉ những phóng viên trẻ chập chừng bước vào nghề, mà những nhà báo lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn hằng ngày lo toan, lăn lộn với cuộc sống, cốt sao phát hiện được đề tài hay, hấp dẫn, mới lạ, chân thực để bạn đọc, người nghe, người xem hưởng thụ thành quả của họ như một món ăn tinh  thần hay, hấp dẫn và có giá  trị, để mỗi nhà báo có thể tự  hào về chính mình và hạnh phúc vì đã góp phần không nhỏ đề xây dựng một xã hội tốt đẹp, giúp dư luận có cái  nhìn cận cảnh, sâu sắc về mọi lĩnh vực đời sống. Những năm tháng trong nghề, không tránh được những gian truân khi phải trải qua như những khó khăn tác nghiệp ở địa bản miền núi, đi bộ cả ngày đường. khi phải nhịn đói, cả những đêm thức trắng cùng  lực lượng chức năng bắt tội phạm... hoặc có những bài có tác động tốt đến xã hội lại ảnh hưởng tới một số bộ phận nhỏ, rồi giải trình... nhưng điều đó không chùn bước nhà báo trên chặng đường tác nghiệp.

Xã hội có hàng trăm ngành, nghề để mỗi người lựa chọn, tôi lựa chọn nghề báo cũng là ngẫu nhiên, nhưng khi đã chọn rồi thì tự  mình tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi để không chỉ nâng cao nghiệp vụ mà còn phải nâng cao bản lĩnh người làm báo để đưa những nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị cũng như giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí, trong đó là phải thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng; tích cực  tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; chú trọng, đề cao tính  tư tưởng, tính văn hóa, tính giáo dục trong từng sản phẩm báo chí. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị tư tưởng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, nhất là ứng dụng công nghệ số. Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng khi ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình làm cho chất lượng hình ảnh, âm thanh sắc nét, trung thực, hấp dẫn, nhưng người làm báo phải làm chủ được công nghệ, khai thác tối đa công  nghệ hiện đại thì mới phát huy được vai trò, trách  nhiệm của những người làm báo nói chung, làm báo Phát thanh - Truyền hình nói riêng.

 Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn đối với xã hội và báo chí Người  làm báo ngày càng đổi mặt với sức ép và cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Điều đó, đòi hỏi người làm báo phải nêu cao trách nhiệm với xã hội, đáp ứng ngày càng cao của một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp và hiện đại, cùng với đó, công tác lãnh đạo, quản lý báo chí ngày càng khó khăn, đòi hỏi phải thực sự khoa học để theo kịp và thích ứng với sự phát triển của báo chí và người làm báo.
                                                                                             
Đàm Trung 

                                                                                  (Người làm báo Cao Bằng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây