Việc lựa chọn đề tài và cách xử lý để có tác phẩm hay nhất
Thứ năm - 19/05/2022 15:30
Là một trong những phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình thường xuyên có tác phẩm tham gia các giải báo chí trong nước và Giải báo chí Quốc gia hàng năm. Quá trình tham gia, tôi xin tham luận với chủ đề: Việc lựa chọn đề tài (vấn đề) và cách xử lý để có tác phẩm hay nhất. Trước hết, tôi xin điểm qua những kết quả (những giải cao) mà Đài Phát thanh và truyền hình Thái Bình đã đạt được trong những năm gần đây khi tham gia giải: Liên hoan Truyền hình toàn quốc; Liên hoan Phát thanh toàn quốc và Giải Báo chí Quốc gia hàng năm.
Năm 2008: Tác phẩm: Tuyến Lưu gù; Giải Vàng Liên hoan truyền hình Toàn quốc và Giải B, Giải báo chí quốc gia. Năm 2010: Tác phẩm: Người cho cá vược ngủ đông, Thể loại: Phóng sự truyền hình: Giải Bạc Liên hoan Truyền hình Toàn quốc và Giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia. Năm 2011: Tác phẩm: Bà đỡ của nông dân; Thể loại Phóng sự truyền hình: Giải Bạc Liên hoan Truyền hình Toàn quốc và Giải B, Giải Báo chí Quốc gia. Năm 2012: Đạt 3 giải C, Giải Báo chí Quốc gia ở 3 thể loại: 1.Tọa đàm truyền hình : Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Giải C 2. Phim tài liệu: Những cô gái mở đường ngày ấy: Giải C 3. Phóng sự truyền hình: Nông dân thời @: Giải C Năm 2013: Tác phẩm: Giằng chẳng bại; Thể loại phóng sự truyền hình; Giải Bạc Liên hoan truyền hình Toàn quốc. Năm 2015: Tác phẩm: Ngát thiện tâm; Thể loại phóng sự truyền hình; Giải Bạc Liên hoan truyền hình Toàn quốc. Năm 2016: Tác phẩm: Thằng bé lên 3; Thể loại Phóng sự truyền hình: Giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc và Giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia. Năm 2019: Tác phẩm: Chuyện của Tư; Thể loại phóng sự truyền hình; Giải Bạc Liên hoan truyền hình Toàn quốc Năm 2020: Chuyên đề phát thanh: Lời giải ruộng hoang: Đạt Giải Vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc và Giải B, Giải báo chí Quốc gia ; Phóng sự phát thanh: Xử lý rác không cần bãi rác; Giải C; PV phát thanh: Bài học về công tác xây dựng Đảng từ câu chuyện Quỳnh Hoa, Giải C. Năm 2021:Tác phẩm: Sơ Nụ; Thể loại phóng sự Truyền hình: Giải Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc ; Phóng sự truyền hình: Trắng đêm đưa rừng về biển: Giải C - Giải Báo chí Quốc gia. Ngoài ra, hàng năm các tác phẩm khác tham gia giải Liên Truyền hình Toàn quốc và Liên hoan phát thanh toàn quốc và các giải báo chí khác do các Bộ, Ngành tổ chức đều đạt giải cao (Nhất nhì, ba - B, C, bằng khen….)
Về thành tích cá nhân tác giả và ê kíp đã đạt được những kết quả trong quá trình tham gia giải như sau: - Năm 2011: Giải C và giải khuyến khích Giải báo chí Toàn quốc về công tác dân số - KHHGĐ năm 2011 Tác phẩm: Công tác dân số vùng biển (Giải nhì); Thể loại phóng sự truyền hình Tác phẩm: Chênh lệch giới tính khi sinh (Giải khuyến khích; Thể lọa phóng sự truyền hình) - Năm 2013: Giải Báo chí quốc gia lần thứ 7, năm 2012, tác phẩm phim tài liệu: Những cô gái mở đường ngày ấy (Giải C) - Năm 2014: Bằng khen Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 34: Tác phẩm Phim tài liệu: Trung Kiên Cồn Đen - Năm 2015: Cuộc thi phóng sự truyền hình “Y tế Việt Nam 60 năm làm theo lời Bác dạy” tác phẩm: Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải làm theo lời Bác (Giải Ba) - Năm 2016: Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc: Phóng sự “Thằng bé lên ba”. Giải Báo chí quốc gia năm 2016 tác phẩm “Thằng bé lên ba” Giải khuyến khích - Giải báo chí vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XIII, năm 2017 – 2018 Giải C. Năm 2019: Huy chương bạc Liên Hoan truyền hình Toàn quốc năm 2019. Phóng sự truyền hình "Chuyện của Tư". Năm 2020: Giải Đồng Liên hoan phát thanh Toàn quốc năm 2020. Tác phẩm: Từ điểm nóng Quỳnh Hoa đến bài học về công tác xây dựng Đảng. - Giải C: Giải báo chí “75 Quốc Hội Việt Nam” tác phẩm phát thanh: “Nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với những vấn đề nóng bỏng của đất nước” Năm 2021: Giải C: Giải báo chí Quốc gia năm 2021 tác phẩm: Đêm trắng đưa rừng về biển.
Có được những kết quả trên, qua nghiên cứu, học hỏi, tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, tôi rút ra một số vấn đề về: Việc lựa chọn đề tài (vấn đề) và cách xử lý để có tác phẩm hay nhất.
Là phóng viên, được phân công thực hiện các phóng sự, chuyên đề, phim tài liệu thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đây là lĩnh vực có nhiều đề tài phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Dòng chảy văn hóa xã hội là nguồn đề tài vô tận cho phóng viên khi thực hiện các tác phẩm báo chí. Tuy nhiên để lựa chọn được đề tài hay tham gia các giải báo chí trong nước và giải Báo chí quốc gia là vấn đề không hề đơn giản, cần sự tìm tòi, quan sát kỹ lưỡng. Và quan trọng hơn là đề tài đó tạo được sự say mê, cuốn hút và chinh phục được chính bản thân tác giả. Để có tác phẩm chạm được đến trái tim người nghe, người xem, trước hết, tác giả phải là người cảm nhận sâu sắc nhất trước đề tài (trước vấn đề) mà mình lựa chọn. Để tác phẩm đạt hiệu quả, có tác động xã hội mạnh, đề tài nên chọn một vấn đề, một góc hẹp, một lát cắt, một nhân vật để đi sâu phản ánh.
Đi vào tác phẩm cụ thể để phân tích việc chọn đề tài và cách xử lý để có tác phẩm hay ví dụ như : Phim tài liệu “ Những cô gái mở đường ngày ấy” , đạt giải C, giải Báo chí quốc gia lần thứ 7, năm 2012. Với một đài địa phương, không thường xuyên sản xuất các phim tài liệu, thì việc lựa chọn đề tài để thể hiện qua phim tài liệu là một việc rất khó với phóng viên. Khó nhưng tác giả vẫn quyết tâm chọn đề tài về những thanh niên xung phong Thái Bình xưa và nay. Đây là đề tài không mới , nhiều tác phẩm báo chí trước đó đã đề cập. Nhưng đây là đề tài đã tác động sâu sắc tới tâm tư, tình cảm, trái tim của tác giả. Bởi khi đã được đến với những hoàn cảnh cụ thể con người cụ thể, được nghe họ chia sẻ những ký ức hào hùng trong thời chiến. Chứng kiến nỗi đau, sự khát khao, sự cô đơn đến tận cùng của những nữ thanh niên xung phong khi không còn thực hiện được thiên chức làm vợ, làm mẹ do di chứng của chất độc hóa học trong chiến tranh. Hay sự tàn phá nhan sắc, sức khỏe của những cô gái mười tám, đôi mươi ngày nào, giờ đây bệnh tật, sự cô đơn luôn hành hạ. Hay những người làm cha mẹ, làm ông bà phải chứng kiến con, cháu mình sinh ra trong một hình hài không trọn vẹn của một con người. Sự day dứt, sự ám ảnh, sự cảm thông sâu sắc ấy đã thôi thúc tác giả thực hiện đề tài hậu chiến tranh để tham gia giải báo chí Quốc gia. Và với đề tài không mới đó thì cách xử lý như thế nào để có tác phẩm hay? Khi chọn được đề tài mình tâm huyết rồi, thì việc lựa chọn hình thức thể hiện cũng rất quan trọng. Với đề tài thanh niên xung phong xưa và nay, nếu chọn phóng sự truyền hình thì sẽ hạn chế về thời lượng và tiết tấu câu chuyện, nên tác giả đã chọn cách thể hiện là phim tài liệu, mặc dù đây là lần đầu tiên cá nhân tác giả và Đài Phát thanh và truyền hình Thái Bình tham gia giải ở thể loại phim tài liệu với thời lượng cho phép trên 20 phút.
Để kể câu chuyện mạch lạc, cuốn hút, xúc động tác giả và ê kíp đã cố gắng ghi lại những hình ảnh, những câu chuyện một cách chân thực nhất, xúc động nhất từ chính các nhân vật. Như cảnh nhà sư là thanh niên xung phong ngồi một mình tụng kinh, gõ mõ, hồi hướng cho những đồng đội đã hy sinh. Hay cảnh những nữ thanh niên xung phong thăm lại chiến trường xưa, nhớ về những đồng đội đã hy sinh, những tình cảm, những ký ức tự nhiên ùa về, những giọt nước mắt nhớ thương được ghi lại một cách chân thực nhất đã có tác động sâu sắc đến cảm xúc của người xem. Việc dựng phim, chọn nhạc, kỹ xảo hình ảnh phù hợp cũng cần có sự bàn bạc, trao đổi cụ thể, kỹ lường giữa biên tập dựng và kỹ thuật viên để tạo nên một tác phẩm có sức cuốn hút, chạm đến trái tim người xem .
Một tác phẩm tiếp theo đạt giải vàng tại Liên hoan truyền hình Toàn quốc Năm 2016: Phóng sự truyền hình “ Thằng bé lên ba” . Đây là tác phẩm có đề tài về người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, chàng trai : Đỗ Hà Cừ , bị liệt từ bé, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đề trông chờ vào sự giúp đỡ của mẹ. Thế nhưng chàng trai ấy đã làm nên điều kỳ diệu, biết đọc, biết viết, biết sử dụng thành thạo máy tính, mạng xã hội, chỉ bằng một vài ngón tay cử động được và trí tuệ thông minh, nhạy bén. Chàng trai ấy đã vận động, xây dựng được một không gian đọc miễn phí với hàng nghìn đầu sách cho các em nhỏ không chỉ trên địa bàn cư trú mà còn giúp cho nhiều bạn khuyết tật như mình có được nhiềm tin yêu trong cuộc sống và cũng mở được nhiều tủ sách khác ở nhiều địa phương. Cũng như tác phẩm “Những cô gái mở đường ngày ấy”. tác phẩm “Thằng bé lên ba” cũng là một đề tài chạm đến trái tim người xem và có tác động, lan tỏa mạnh trong xã hội. Để đề tài không mới, làm nên tác phẩm hay thì việc xử lý về hình ảnh, âm thanh, đặc biệt là chọn tên đặt cho tác phẩm để tạo sự tò mò, chú ý cho người xem ngay từ đầu cũng là một trăn trở, suy nghĩ của tác giả. Tại sao tác giả quyết định chọn tiêu đề “Thằng bé lên ba” để đặt tên cho tác phẩm cho chàng trai ngoài 30 tuổi. Bởi vì chàng trai đó đã ngoài 30 tuổi mà vẫn như thằng bé lên ba, vẫn nằm một chỗ, vẫn cần sự chăm sóc của mẹ từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn uống, đi lại. Nhưng đằng sau sự thành công của chàng trai ấy, khi xem tác phẩm thì nhân vật chính xuất hiện xuyên suốt tác phẩm lại là người phụ nữ , người mẹ của nhân vật chính. Bởi chính người mẹ, một kỹ sư nông nghiệp đã sớm phải từ bỏ sự nghiệp của mình để dành thời gian bên con. Dạy con học chữ, dạy con đọc, dạy con tin học, chăm chút cho con từng bữa ăn, giấc ngủ, động viên, an ủi con vượt qua sự mặc cảm về thể chất để hòa nhập cộng đồng, làm được những điều có ích cho xã hội. Việc xử lý về hình ảnh, âm thanh, tiếng động hiện trường và dựng hậu kỳ để có tác phẩm hay cũng mất rất nhiều thời gian, tâm huyết, sự nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, thời gian sớm tối của ê kíp thực hiện tác phẩm.
Từ những phân tích, minh chứng cụ thể qua 2 tác phẩm trên, tác giả nhận thấy Việc lựa chọn đề tài (vấn đề) và cách xử lý để có tác phẩm hay nhất cần:
Bản thân tác giả, nhóm tác giả phải là những người lựa chọn đề tài, đề tài đó có sức lôi cuốn, chạm vào trái tim của chính những người thực hiện. Thứ hai việc đặt tên cho tác phẩm tùy từng tác phẩm, khi thì rất giản dị, chân thực, nhưng có khi lại cần gây được sự tò mò, lôi cuốn, hấp dẫn ngay từ tên tác phẩm. Để triển khai thực hiện được đề tài thì cần sự tham gia, góp ý, định hướng của Hội đồng duyệt tác phẩm trước khi thực hiện trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thiện tác phẩm. Để có tác phẩm hoàn thiện, mang đi dự thi và đạt kết quả cao, tác phẩm phải mang dấu ấn của chính tác giả, nhóm tác giả. Đó là những phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên yêu nghề, tâm huyết với tác phẩm. Cần mẫn, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, đầu tư thời gian và tâm huyết cho tác phẩm. Đó là những yếu tố cơ bản để việc chọn đề tài, xử lý đề tài để có tác phẩm hay .