Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ LÀ ĐEM ÁNH SÁNG ĐẨY LÙI BÓNG TỐI.

Thứ hai - 20/06/2022 15:19
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những người khởi xướng và thực hiện công cuộc đổi mới thành công ở nước ta. Tên tuổi của ông còn được gắn liền với chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân.

Ngày ấy, loạt bài “Những việc cần làm ngay” được nhân dân khắp 3 miền đón đọc, người dân xếp hàng mua báo. Đây thật sự là một hiện tượng đặc biệt của làng báo lúc đó. Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” do chính TBT Nguyễn Văn Linh đặt tên và trực tiếp viết với bút danh là N.V.L. Người dân bình luận :“N.V.L.” là cách viết tắt tên của ông, và cũng là “ NÓI VÀ LÀM” để ca ngợi tinh thần đổi mới, nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng “im lặng đáng sợ” lúc đó củaTổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Cũng có người bình luận: “N.V.L.” là “ NHẢY VÀO LỬA” với dụng ý nói “Những việc cần làm ngay” là một công việc đầy khó khăn, trở ngại trước một xã hội theo cơ chế bao cấp, sa vào trì trệ quan liêu tiêu cực…

Nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chẳng từ nan. Với 31 loạt bài được đăng trên Báo Nhân Dân từ ngày 25/5/1987 cho đến ngày 28/9/1990 của tác giả N.V.L., cả xã hội cũng như trên báo chí, như được tiếp thêm luồng sinh khí mới bài trừ các thói hư tật xấu, kiến tạo một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những bài báo của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh thường ngắn gọn cô đọng trong một vài trăm chữ, dư luận quen gọi là “bài bao diêm” (bài nhỏ như bao diêm) trên trang nhất Báo Nhân Dân, nhưng có sức mạnh công phá vào quan liêu, trì trệ tiêu cực…

Không chỉ phát động báo chí tham gia chống tiêu cực, TBT Nguyễn Văn Linh còn có bài viết dành riêng cho báo chí nhân ngày Báo chí cách mạng 21/6/1987. Bài viết được đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân ngày 24/6/1987 trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Có thể thấy ngay những hạn chế và khó khăn của hệ thống báo chí nước nhà thời gian đó như nội dung thường khô khan một chiều, trình bày in ấn xấu, báo không hấp dẫn… Cố TBT Nguyễn Văn Linh thấy cần thiết phải đổi mới báo chí, trong báo chí cũng phải có “Những việc cần làm ngay” như ông đã viết.

Trong bài báo, TBT Nguyễn Văn Linh đã khẳng định vai trò quan trọng và nêu lên những hạn chế của báo chí cách mạng, đồng thời căn dặn các nhà báo vươn lên làm tròn sứ mệnh của mình. Bài báo là lời tâm sự của TBT Nguyễn Văn Linh với các nhà báo đến nay đã tròn 35 năm (21/6/1987-21/6/2022).

Mở đầu bài viết, TBT Nguyễn Văn Linh mộc mạc ngắn gọn mà đề cao tôn trọng Báo giới: “Nhân ngày báo chí Việt Nam, N.V.L. tôi xin tham gia vài ý kiến”. Câu mở đầu đầy khiêm nhường của Tổng Bí thư đã khiến cho các nhà báo cảm động mà lắng nghe xem Tổng Bí thư tham gia ý kiến với báo chí những gì?
Sau câu mở đầu, tác giả N.V.L. nêu tác dụng giác ngộ quần chúng của báo chí trong trong thời kì Đảng hoạt động bí mật, đồng thời khẳng định vai trò không thể thiếu của báo chí trong cổ động quần chúng đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong kiến quốc thời bình: “Lúc ta chưa có chính quyền, còn hoạt động bí mật, cán bộ ít ỏi, tờ báo bí mật của Đảng đóng một vai trò quan trọng: Báo thay cho cán bộ rất nhiều nơi cán bộ chưa có, chưa đi đến được, tờ báo đã đến làm vai trò tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng hiểu cách mạng, chỉ vẽ và động viên quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột, bảo vệ quyền lợi của mình… Nay ta đã có chính quyền, báo chí ta phát hành công khai. Hình thức ngôn luận rất phong phú. Báo chí của ta nói chung vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng. Đó là điều tốt.”

Tiếp theo, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu vấn đề: “Nhưng bên cạnh cái tốt, theo tôi, đã xuất hiện nhiều cái làng báo ta nên suy nghĩ để sửa ngay, nếu thấy cần.”  Vâng,“ Đã xuất hiện nhiều cái làng báo nên suy nghĩ để sửa ngay, nếu thấy cần”, lời lẽ của Tổng Bí thư mới bao dung làm sao. Ông không nói theo kiểu mệnh lệnh hoặc phán xét, đại loại như: làng báo của ta có nhiều yếu kém bất cập, làng  báo của ta có nhiều khuyết điểm tồn tại… mà nhắc nhở “Đã xuất hiện nhiều cái nên suy nghĩ để sửa ngay”. 

Và tác giả N.V.L. đã ân cần chỉ ra 4 điều đáng suy nghĩ cần sửa ngay của báo chí khi đó:

Thứ nhất: “Nhiều tờ báo, kể cả các tờ báo cấp trung ương, có lẽ chưa xác định rõ là viết chủ yếu cho quần chúng, cho đảng viên và cán bộ bình thường đọc, nên viết vừa khô khan vừa khó hiểu, viết những bài xã luận dài quá, nội dung không sinh động, không đi vào lòng người…”

Thứ hai: “Tờ báo, theo tôi, không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo” mà còn là “diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”. Phải làm sao có những mục để cho chính người dân, hoặc người đảng viên, cán bộ gần dân, hiểu dân viết ra những ý, những bài thể hiện được ý của dân, để hoặc là đề đạt nguyện vọng của dân với Đảng với Nhà nước, hoặc là lên án những việc làm sai trái của cán bộ đảng viên nhân viên Nhà nước hay của ngay một số nhân dân với mục đích khuyên răn nhau làm điều phải.”

Thứ ba: “Trên tờ báo, bên cạnh những bài viết để phổ biến những chủ trương, chính sách, pháp luật một cách sinh động, dễ hiểu, dễ đồng tình, phải có nhiều tin tức nói về các hoạt động tốt, thậm chí chưa tốt khi thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhất là phải rút ra được những bài học ngắn gọn, nhưng bổ ích. Nên mở rộng mục “người tốt việc tốt”, “người thật việc thật”, “việc không nên làm”

Thứ tư: “Văn phong nên sinh động tránh khô khan, viết hấp dẫn không phải do lời văn chải chuốt, mà còn do nội dung thu hút người ta vì nó đáp ứng ngay những việc người ta đang cần biết, cần làm, hoặc người ta đang băn khoăn, thắc mắc, cần có giải đáp”

Kết thúc bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ân cần tha thiết dặn dò và gửi gắm vào đội ngũ báo chí cách mạng: “Muốn làm được một số việc trên, nhà báo theo tôi nghĩ, ngoài trình độ văn chương thì điều lớn nhất là phải có “tấm lòng”.

Tấm lòng trong trắng, tha thiết, hăng say, để qua các bài báo của mình mà “dân hiểu Đảng, Đảng hiểu dân”, dân hiểu các chủ trương chính sách của Đảng để làm theo cho đúng, Đảng hiểu được đời sống của dân, tâm tư nguyện vọng của dân để có những chủ trương chính sách đúng với quyền lợi của dân.

Nhà báo phải có tấm lòng cương trực, yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi, ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành toả rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xoá dần bóng tối.
                   Vài lời mộc mạc nôm na
          Nhân ngày nhà báo đem ra cùng bàn.
                                                   N.V.L.
Bài viết gửi các nhà báo nhân ngày báo chí cách mạng là bài viết dài nhất trong loạt bài “Những việc cần làm ngay” của ông (bài báo gần hết 2 cột của trang nhất - khoảng 1000 từ), nếu tính theo số chữ thì dài gấp 5-7 lần những bài báo ông đã viết.  Bài báo như một lời tâm sự, và là lời dặn dò gan ruột mà đầy khích lệ bao dung của cố TBT Nguyễn Văn Linh dành cho Báo giới Việt Nam. Nhân kỉ niệm ngày báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo Việt Nam xin ghi nhớ những lời căn dặn của ông, làm theo lời ông dạy: Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành xoá dần bóng tối.


 
Nguyễn Công

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây