Nghề báo giúp tôi trưởng thành hơn

Thứ sáu - 15/07/2022 17:19
Khi ngồi xe máy đi trên những con dốc chênh vênh nguy hiểm của vùng cao, khi bước ra ngoài biên giới Tổ quốc, khi lên nhận một giải thưởng, hay khi phải bật khóc trước những  khó khăn, tôi thường chiêm nghiệm về nghề báo. Hơn 10 năm gắn bó, cái nghề nhọc nhằn nhưng đầy tự hào này đã đem đến cho tôi sự trưởng thành, không chỉ trong công việc, cuộc sống, mà còn trong tình yêu và ý thức trách nhiệm với nghề...
111
Ảnh minh họa
NGHỀ BÁO CHO TÔI KINH NGHIỆM, SỨC KHỎE VÀ LÒNG CAN ĐẢM

Nắng chớm hè gay gắt dội trên đổi đá của vùng cao Mường Lát. Nóng hầm hập. Sùng A Phàng, Bí thư Chi bộ bản Suối Lóng, xã Tam Chung chở tôi bằng chiếc xe máy cà  tàng, vượt con đường núi quanh co dài vài cây số để lên nương ghi hình bà con người Mông sản xuất. Gọi là đường, nhưng thực ra đó là một lối mòn hiểm trở, chỉ rộng khoảng 30- 40cm, một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực, thoải nhưng sâu. Có những lúc, một ý nghĩ thoáng qua trong tôi: Nếu chiếc xe máy có chút trục trặc nào đó, hoặc tay lái A Phàng lạc đi, khiến bánh xe chệnh mấy cm ra ngoài miệng vực, thì sẽ thế nào? Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh, để cùng Bí thư chi bộ A Phàng lên đến đỉnh núi, ghi lại những hình ảnh mà theo anh là “chân thực về đời sống của đông bào Mông ta”.
Người Mông có truyền thống canh tác trên núi cao. Mỗi ngày, đồng bào vẫn phải vượt qua chặng đường  nguy hiểm như thế, để duy trì sản xuất phục vụ sinh nhai, để bám đất bám rừng, trấn ải một dải đất biên cương của Tổ quốc. Họ không sợ hãi, và không được phép sợ hãi. Và tôi, nếu sợ hãi, cũng sẽ không được trải  nghiệm một cách chân thực những khó khăn, vất va của đồng bào.

Nhưng, nếu ngược thời gian trở về 13 năm trước, khi là cô sinh viên mới ra trường và về Đài Phát thanh & Truyền hình (PT&TH) Thanh Hóa công tác, tôi sẽ không tránh khỏi sợ hãi khi phải vượt qua một hành trình như thế. Thời chúng tôi còn đi học, cơ hội trải nghiệm thực tế cho sinh viên báo chí chưa nhiều. Vì vậy, khi ra trường, kinh nghiệm nghề của chúng tôi gần như chưa có gì. Những chuyến công tác đầu tiên, với tôi là sự bỡ ngõ, kèm theo chút hoang mang.

Tôi nhớ nhất chuyến công tác lên huyện vùng cao Quan Sơn. Đó là lần đầu tiên tôi được đi miền núi. Con đường vào các xã Sơn Thủy, Mường Mìn khi ấy còn rất khó khăn. Khi  chiếc xe U-oát vào số, rồ lên mấy bận vẫn không qua được đoạn đường dốc đứng, chênh vênh, tôi cảm thấy mất bình tĩnh, và ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp lớn tuổi trong xe vẫn trò chuyện, như thế đó là điều rất đỗi bình thường. Những ngày đầu tiên ấy, việc lội qua một con suối sâu, trèo lên miệng hang lưng chừng núi để tác nghiệp đều khiến tôi lo lắng.  Thậm chí, việc nghỉ lại một mình trong nhà khách của huyện, giữa nơi núi rừng heo hút, trong tình trạng mất điện, cũng khiến tôi sợ hãi.

Thời tôi mới đi làm, kĩ thuật truyền hình chưa phát triển như bây giờ. Việc ghi hình còn phải dùng băng. Những tai nạn như đứt băng, hỏng máy có thể xảy ra với bất cứ phóng viên nào. Tôi lo lắng đến mất  ăn mất ngủ trong nhiều ngày, khi chiếc băng đầu tiên bị đứt, nhưng lại không dám chia sẻ với các đồng nghiệp. Và sau này, tôi mới biết, việc đó thực ra xử lý không khó. Thậm chí, nếu không xử lý được về mặt kĩ thuật, thì vẫn có nhiều cách khác đề giải quyết vấn đề.


13 năm, trải qua hàng trăm hành trình, dài có, ngắn có; tác nghiệp gìữa  trời nắng, dưới trời mưa, đêm hay  ngày, tôi dần quen với những khó khăn, vất vả. Điều đó rèn luyện cho tôi sức khỏe và lòng can đảm, để đối mặt với những gian khổ của nghề. Sau này, khi lạc đường ở một thành phố giữa lòng châu Âu, cách xa Tổ quốc hàng chục ngàn cây số, trong điều kiện không quen biết ai, ngoại ngữ vừa đủ giao tiếp đơn giản,  tôi vẫn có thể lạc quan, bình tĩnh để xứ lý mọi chuyện. Hay khi ngồi trên xe máy trong cơn mưa, vượt quãng đường nhầy nhụa trơn trượt từ trong  bản vùng sâu ra trung tâm xã vào lúc nửa đêm, tôi cũng không còn lo lắng. Tôi biết, nếu không có nghề báo, tôi đã không có được kinh nghiệm sống, sức khỏe và sự bình tĩnh ấy.

NGHỀ BÁO VUN ĐẮP CHO TÔI TÌNH YÊU VÀ Ý THỨC TRÁCH NHIỆM

Tôi vẫn thường kể cho các sinh viên thực tập những câu chuyện về sự khó khăn, hay cả những va vấp trong nghề mà chính tôi mắc phải, với mong muốn chia sẻ chút kinh nghiệm ít ỏi của mình, giúp các em hiểu rõ hơn về nghề báo. Nghề báo không chỉ có niềm vui hay những giây phút tự hào. Nghề báo còn chứa đựng nhiều gian truân, nhọc nhẳn, và thậm chí, cả những khoảnh khắc cay đắng.

Những va vấp trong nghề gần như phóng viên nào cũng gặp phải. Bản thân tôi cũng từng như vậy, nhất là trong những năm tháng mới vào nghề. Phía sau sai sót, có lời phê  bình thẳng thắn, có những an ủi động viên của lãnh đạo, đồng nghiệp, của đơn vị, người dân nơi cơ sở. Tất cả điều đó giúp tôi và các đồng nghiệp vượt qua những va vấp, để ý  thức hơn về trách nhiệm của mình, hạn chế tối đa những sai sót.  Làm nghề, gắn bó với nghề, tình  yêu đến một cách tự nhiên trong tôi,  mà nếu không có những phút giây chiêm nghiệm, tôi sẽ không thể hiệu mình yêu nghề đến thế. Kèm theo tình yêu là tinh thần trách nhiệm, là ý thức tự rèn luyện, để những sai sót  ít dần đi, những tác phẩm tốt ngày càng nhiều hơn, phục vụ nhân dân, góp một phần nhỏ bé xây dựng nền báo chí cách mạng quang vinh của chúng ta.  Đến giờ, sau hơn một thập niên gắn bó, tôi vẫn chia sẻ với đồng nghiệp của mình, nếu được chọn lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn nghề báo. Và tôi tin rằng, 10 năm, 20 năm , nữa, tôi vẫn giữ nguyên tâm niệm ấy.  Vì nghề báo đã cho tôi rất nhiều... 
                                                                              
An Thư

                                                                Hội Nhà báo Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây