“Tôi về công tác tại Báo Thanh Hóa từ năm 2007. Sau vài năm tiếp cận, làm quen với công việc và lĩnh vực, tôi được phụ trách tuyên truyền mảng văn hóa. Là một người khá cầu toàn nên khi được giao phụ trách, bản thân tôi đã tự ý thức phải tìm hiểu và tích lũy kiến thức có liên quan để có nhiều tin, bài có chất lượng. Đồng thời, bám sát cơ sở để nắm bắt trạng thái chuyển động của đời sống văn hóa để thông tin kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống”. Đó là tâm sự của nhà báo Lê Dung khi chúng tôi trao đổi về việc viết mảng đề tài văn hóa.
Qua nhiều năm phụ trách tuyên truyền lĩnh vực văn hóa, nhà báo Lê Dung đã tích lũy được vốn kiến thức cùng kinh nghiệm khá phong phú. Nhờ đó, chị đã có được “vốn liếng” là những tác phẩm liên quan đến mảng văn hóa tương đối “dày”. Tiêu biểu như: Bản sắc người Dao Cẩm Thủy: Từ cái nhìn hiện tại; Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội: Từ ý thức cộng đồng làng bản; Xây dựng đô thị văn minh - công dân thân thiện: rất cần ý thức tự giác từ mỗi người dân; Chuyện phía sau làng văn hóa; Giáo dục con cái trong gia đình: Hãy gieo những hạt giống yêu thương; Bạo lực - “liều thuốc độc” của hạnh phúc gia đình; Bảo vệ “tế bào gốc” của sự phát triển; “Kết nối yêu thương” gia đình Việt; Thành Nhà Hồ: Bước vào “ngôi đền” di sản văn hóa nhân loại; Để di sản sống trong tâm thức cộng đồng; Hội làng, khúc hát ru của hồn quê; Nơi níu giữ hồn làng biển; Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bắt rễ từ nguồn cội; Trẩy hội xuân ngẫm chuyện lễ hội; Bảo tồn nhà cổ: vấn đề đặt ra trong xây dựng Nông thôn mới; Bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử gắn với du lịch; Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh: Vinh dự và trách nhiệm; Ngẫm thêm về vấn đề khai thác giá trị di sản; Vinh danh nghệ nhân dân gian: Giữ gìn “yếu tố gốc” của văn hóa; Truyền thống lịch sử, văn hóa: động lực nội sinh cho sự phát triển; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể: Bắt đầu từ con người như là “điểm gốc”; Cần trả lại không gian văn hóa thuần Việt; Sức hút từ sân khấu nghệ thuật truyền thống: Nghệ thuật phải chạm đến trái tim khán giả; Trả lại diện mạo cho khu di tích Lê Thì Hiến; Đi tìm những bảo vật quốc gia vô giá... Đặc biệt, có nhiều chuyện để khoan sâu, nêu bật giá trị kho tàng văn hóa xứ Thanh; cũng như chỉ ra những mặt còn bất cập, hạn chế trong công tác văn hóa hiện nay. Điển hình như “Góp nhặt từ trong vốn cổ”; “Thực trạng di tích sau xếp hạng: Nhiều vấn đề cần quan tâm”... Qua đó, góp phần đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống cộng đồng.
Tuy vậy, khi nói về lĩnh vực mình đã đeo đuổi suốt nhiều năm, nhà báo Lê Dung vẫn khá dè dặt. Chị cho rằng, văn hóa là mảng đề tài tưởng dễ mà không dễ. Thanh Hóa là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa, mà nổi bật hơn cả là hàng nghìn di tích, danh thắng và những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ngôn ngữ, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn độc đáo. Cùng với đó, việc triển khai các phong trào xây dựng làng văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” suốt, 2-3 thập kỷ qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây chính là “phần nổi” của mảng văn hóa mà người viết có thể nhìn ra ngay đề tài để viết.
Song, không phải ngẫu nhiên mà nội hàm khái niệm “văn hóa” lại mang tính giá trị. Theo truyền thống phương Đông, “văn” còn có nghĩa là “vẻ đẹp”, là “giá trị”. Cho nên văn hóa mang ý nghĩa là “trở thành đẹp, thành có giá trị. Và nếu mọi sự sáng tạo đích thực đều hướng đến tương lai, thì tài sản văn hóa mà hậu thế đang được thừa hưởng, chính là món quà vô giá được ngưng kết qua hàng trăm, hàng ngàn năm lịch sử. Đó là thành quả của quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển không ngơi nghỉ của hàng triệu triệu người. Đó cũng là sự kết tinh của vô vàn kinh nghiệm, tài hoa, sức sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Để rồi, không quá khi nói, các di sản văn hóa ví như bức thông điệp nhân văn, được chép trên giang sơn gấm góc và trong cuốn biên niên Sử ngàn năm, để hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và vùng đất “có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”. Cho nên, khi viết về văn xứ Thanh phải làm thế nào để phản ánh đầy đủ, sâu sắc và tinh tế nhất cho cái nhận định ấy.
Đồng thời, văn hóa không chỉ được nuôi dưỡng vào trao truyền qua hệ thống các di sản vật thể, phi vật thể; cùng một hệ giá trị bền vững của lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình và trong vô vàn cách thức biểu hiện độc đáo khác. Văn hóa còn có một dạng thức tồn tại vô cùng đặc biệt và sâu sắc, đó là được nuôi dưỡng trong trái tim và tâm hồn Nhân dân. Để rồi, ý nghĩa tồn tại cuối cùng của văn hóa, hay giá trị đặc biệt của văn hóa chính là nơi hun đúc và lưu giữ cái phần cốt lõi của bản sắc dân tộc. Và cũng bởi văn hóa là cành lá của đạo đức, mà đạo đức vốn là gốc rễ làm người. Cây không cành lá là cây cỗi. Người không văn hóa khác nào người không hoàn thiện? Vậy nên, văn hóa không phải “vật ngoài thân” mà nó đã, đang và luôn thấm rất sâu - đôi khi hiện hữu, có khi vô hình - mà đúc kết nên “hình dáng” cho mỗi cá nhân và phác họa nên diện mạo cho xứ Thanh. Để rồi, nhiệm vụ của hậu thế là cần hiểu biết để tự hào, tự tôn về quá khứ lịch sử và truyền thống văn hóa. Bởi đơn giản, con người ta nếu không có bất kỳ thứ gì để tự hào, để bấu víu, để nâng đỡ tâm hồn, thậm chí để hoài bão và khát vọng; thì cũng chẳng khác nào cây sậy - cái thứ yếu đuối của tự nhiên, mà không phải cây sậy biết suy nghĩ.
Đó cũng chính là những điều mà nhà báo Lê Dung luôn tâm niệm mỗi khi cầm bút viết về mảng đề tài văn hóa. Dẫu biết rằng, để đạt đến “ngưỡng” ấy vốn là điều không dễ.
Trần Hằng
Người làm báo Thanh Hóa