Những phóng viên, nhà báo trẻ thường thích thể hiện bản lĩnh nghề của mình qua những bài phản ánh tiêu cực. Và tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng có một câu nói của người đồng nghiệp “đàn chú” đã khiến tôi thay đổi tư duy trong quá trình làm nghề. Câu chuyện dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm cũng như quan điểm tác nghiệp của tôi, cũng đồng thời là lời cảm ơn của tôi dành cho “đàn chú” kính mến.
Khi bước chân vào nghề, những phóng viên trẻ như chúng tôi thường đùa nhau một cách hoa mỹ là “nhiệt huyết tuổi trẻ thắp ngọn lửa nghề”. Lúc ấy, tôi cũng hay lân la hỏi thăm về những đề tài phản ánh tiêu cực. Rồi có một người đồng nghiệp “đàn chú” nói với tôi rằng: “Hãy suy nghĩ tích cực khi chọn đề tài chống tiêu cực” Lúc đó, thật sự tôi chỉ nghĩ đơn giản là “chú ấy” định hướng cho mình khai thác những đề tài người tốt - việc tốt, cách làm hay để mang tính giáo dục, làm đẹp hơn cho cuộc sống này theo phương châm “lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại” Thế là, ngoài những đề tài được phân công, tôi chỉ xoay quanh khai thác các đề tài phản ánh “sắc hồng” của cuộc sống. Nhưng làm nghề mà, làm sao tránh được việc chạm trán với những đề tài phản ánh tiêu cực. Làm nghề càng lâu, càng dấn thân vào nghề thì lại càng khó tránh khỏi. Với tinh thần trách nhiệm của người làm báo, tôi không thể làm lơ trước những vấn đề tiêu cực. Song, qua khoảng thời gian làm nghề, hiểu hơn về cuộc sống, thì khi bắt đầu thực hiện những đề tài phản ánh tiêu cực, tôi đã “chùn chân” và đắn đo rất nhiều. Không, tôi không sợ trước những mối nguy hiểm mà đề tài phản ánh tiêu cực mang đến, cũng không e ngại những vất vả khi thực hiện đề tài ở thể loại này. Cái làm tôi chùn chân chính là “cái tôi” của mình viết ra. Vì với tôi lúc này, phản ánh tiêu cực không chỉ là phơi bày cái tiêu cực đó ra trước xã hội, để mọi người thấy được nó, mà còn để bảo vệ những điều hay lẽ phải, những lợi ích chung cho đại bộ phận người dân, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Vốn sống, kinh nghiệm làm nghề, sự dày dạn trong cách viết đã giúp tôi mạnh tay hơn khi chấp bút thực hiện đề tài phản ánh tiêu cực. Giờ tôi mới hiểu hết câu nhắc nhở nêu trên của người đồng nghiệp “đàn chú”. Trước khi ta làm gì đó, viết gì đó thì hãy sống và cảm nhận. Khi ta nhận định được giá trị cái tốt thì mới thấy rõ được những tác động tiêu cực của cái xấu. Chống tiêu cực là để xây dựng cho xã hội tốt đẹp lên, để cho con người hướng thiện, chứ không phải chống để bôi xấu, để dồn người ta đến đường cùng.
Người phóng viên phải luôn hòa mình vào cuộc sống, để khi những điều tốt đẹp - mà ta góp phần tạo dựng bị xâm phạm thì sự đấu tranh của ta mới mạnh mẽ và chính đáng. Những ngày dấn thân với đề tài phản ánh cái tốt, những tiêu cực trong cuộc sống đã vun đắp cho tôi vốn sống cần có, nhận định có chiều sâu hơn cho những vấn đề, một cách tiếp cận đa chiều và tìm được chiều phản ánh cho riêng mình.
Thời gian trôi qua đã khá lâu, chắc giờ “chú ấy” không nhớ rằng đã từng nói với tôi câu nói đó. Có thể, lúc đó đối với chú câu nói ấy chỉ để thể hiện quan điểm làm nghề, nhưng với tôi câu nói ấy lại có giá trị rất lớn trên hành trình tôi rèn bản lĩnh nghề báo.
Thiên Hương
Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu