Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) 3 năm gần đây đều thu hút từ 1800 đến 1900 tác phẩm báo chí dự thi, trong số đó có khoảng 100 tác phẩm đoạt giải. Cụ thể, năm 2018 có 106 tác phẩm đoạt giải (các hội địa phương đoạt 51 giải), năm 2019 là 103 tác phẩm (các Hội địa phương có 43 giải), năm 2020 là 112 tác phẩm (các Hội địa phương có 49 giải). Nêu một vài số liệu như vậy để thấy rằng mức độ cạnh tranh của Giải BCQG là rất quyết liệt, nhất là đối với hội nhà báo các tỉnh, thành khi phải thi cùng các báo chí TW. Và một thực tế là: các giải cao như giải A thì báo TW chiếm tỷ lệ áp đảo và ngược lại, ở mục giải Khuyến khích - giải thấp, thì các Hội địa phương cũng nhiều hơn. Thực tế đó là thuyết phục, bởi vì các tác phẩm của báo chí TW thường có chất lượng cao hơn so với báo chí địa phương... Điều đáng mừng là nhiều Hội địa phương đã có giải BCQG. Theo thống kê chưa đầy đủ, Hội Nhà báo Đồng Nai đã có 15 Giải BCQG, Hội Nhà báo Thái Bình có 12 giải, Hội Nhà báo Hưng Yên có 8 giải... Các hội thuộc khu vực miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh... cũng là những đơn vị đoạt nhiều giải BCQG. Ở các địa bàn khác như HNB thành phố Hồ Chí Minh, HNB Vĩnh Long, HNB Lâm Đồng... cũng là những đơn vị đoạt Giải BCQG đứng tốp đầu của khu vực. Kể ra như vậy để khẳng định: Hội Nhà báo các địa phương cũng thường xuyên đoạt giải BCQG, từ đó khích lệ đội ngũ phóng viên biên tập đầu tư, tích lũy, lựa chọn những tác phẩm xứng tầm tham gia giải. Bởi đoạt giải BCQG là thương hiệu của một tờ báo - tờ báo đó có nhiều tác phẩm xuất sắc hay không? Và đó cũng chính là thương hiệu của mỗi phóng viên.
Vậy để có tác phẩm xuất sắc dự giải BCQG, mỗi phóng viên và mỗi bản báo cần chú ý những gì?
Thứ nhất: Vấn đề được nêu trong tác phẩm phải “MỚI, HAY” phải hấp dẫn được ban giám khảo. “MỚI, HAY” chỉ 2 từ đó thôi nhưng trong thực tế đạt được không dễ. Mặt khác, cái “MỚI, HAY” đó phải có tác dụng thiết thực với cuộc sống của đông đảo nhân dân thì tác phẩm mới có giá trị và mới có thể đoạt giải.
"MỚI HAY” là sự việc mới nảy sinh, mới xuất hiện và cái quan trọng hơn, việc “MỚI” này được đánh giá là “HAY” khi việc mới đó có ý nghĩa và đang tác động vào cuộc sống. Đó là đòi hỏi của báo chí: báo chí nêu cái mới cái hay, đồng thời phản biện về những tiêu cực, những mặt trái trong đời sống xã hội.
Khi có đề tài hay, để đoạt giải thì phải đầu tư thời gian và công sức, thể hiện cho tới tầm công phu và sáng tạo. Dù ở thể loại báo chí nào, thì việc thể hiện cũng là một nửa của tác phẩm. Đề tài hay, mà thể hiện sơ sài, thì kết quả thường là con số không, cũng rơi vào tình trạng “Dã tràng xe cát biển Đông”.
Với HNB Hưng Yên, một số tác phẩm đoạt giải như “Dấu son người con gái xứ Nhãn” (Giải A BCQG năm 2018), “Fago 4.0 - Để người nông dân bứt phá” (Giải C BCQG năm 2020), và “Hưng Yên giải quyết điểm nghẽn trên đường đua chỉ số PCI” là những tác phẩm mà ê kíp khi thể hiện đều phải mất vài tháng trời theo đuổi thu thập tư liệu. Và ê kíp cũng phải mất cả tháng trời dàn dựng, xem đi xem lại, lựa chọn từng khuôn hình trong hàng ngàn hình ảnh đã ghi... Vậy nên, để có một tác phẩm dự Giải BCQG, người cầm bút không thể không kì công, không thể không trăn trở, không thể không dấn thân ấp ủ về vấn đề mà mình từng theo đuổi. Hãy thể hiện tác phẩm cho ngắn gọn, cho hấp dẫn, cho không có một hình ảnh hay một câu chữ thừa.
Có một thực tế đã diễn ra là nhiều tác phẩm dự giải BCQG chỉ là cho có, đề tài không mới, số liệu sơ sài, cách viết như báo cáo... chất lượng rất thấp, không thể đoạt giải.
Vấn đề - đề tài “MỚI HAY” và trình bày “CÔNG PHU” là những điều kiện sống còn cho một tác phẩm dự giải BCQG. Kết thúc bài viết, xin liệt kê 6 tác phẩm đoạt giải BCQG mà nhà báo Dương Đình Tường của Báo Nông nghiệp đã liên tiếp giành được trong những năm qua ở thể loại phóng sự dành cho Báo in:
- “Nỗi lo làng quê”: Giải C Báo chí Quốc gia năm 2013
- “Những hạt ngô máu”: 3 kì, Giải B Báo chí Quốc gia năm 2016
- “Những ngôi nhà được dựng lên bằng chai thuốc sâu”: Giải Khuyến khích BCQG năm 2017
- “Thuốc độc ở chính trong ta”: loạt 5 kì, Giải B BCQG năm 2018
- “Hai sắc thái của ruộng hoang”: loạt 4 kì, Giải B BCQG năm 2019
- “Thuốc lậu rao bán trên facebook tràn ra đồng ruộng”: loạt 5 kì, Giải B BCQG năm 2020.
... để thấy rằng nếu dấn thân, theo đuổi, phát hiện vấn đề và công phu trong thể hiện, thì người cầm bút vẫn có thể liên tục “ẵm giải” báo chí danh tiếng.
Công Đán