Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của báo chí truyền thông, đòi hỏi báo chí phải đổi mới cả về nội dung, loại hình và phương thức chuyển tải để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng. TTXVN cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt tại 19 Chi hội cơ sở tại các ban biên tập, tòa soạn báo, trung tâm thông tin, kênh truyền hình, các cơ quan khu vực và 93 cơ quan thường trú trong nước, ngoài nước. Chúng tôi đã xây dựng phương hướng thời gian tới một cách bài bản, chuyên nghiệp và đặc biệt coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng.
Theo đó, nhiệm kỳ này, trước nhiều thách thức của môi trường báo chí hiện đại, sức ép cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí và mạng xã hội... chúng tôi không ngừng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng Liên Chi hội vững mạnh toàn diện, làm tốt vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đoàn kết tập hợp hội viên, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình công tác của toàn ngành, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đoàn kết quyết tâm xây dựng TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện và đối ngoại chủ lực trong hệ thống các cơ quan báo chí quốc gia, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của TTXVN trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam thời kỳ mới.
Đặc biệt, các khóa tập huấn làm báo đa phương tiện cho đội ngũ PV, BTV các tòa soạn, cơ quan thường trú chú trọng kỹ năng tác nghiệp các loại hình thông tin mới, thông tin đồ họa, báo chí dữ liệu, thông tin trên thiết bị di động, thông tin trên nền tảng trực tuyến, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh trong thông tin, thực hiện mục tiêu phát triển TTXVN trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia.
Ở các khóa học dành cho phóng viên, biên tập viên mới, chương trình được xây dựng linh hoạt: học trực tuyến đối với phần lý luận chung về báo chí; phần nghiệp vụ tin, ảnh, truyền hình, học theo nhóm, gắn với các buổi tham quan Bảo tàng, các khu di tích nơi làm việc của TTXVN thời kỳ kháng chiến, vừa góp phần nâng cao ý thức chính trị, vừa tạo không gian rộng mở để phóng viên thực hành kỹ năng viết báo, dẫn hiện trường, chụp ảnh, quay phim.
Các lớp tập huấn chuyên đề dành cho cán bộ quản lý cấp Ban, cấp Phòng, chúng tôi chú trọng đến xu hướng báo chí đa nền tảng, kinh tế báo chí. Các khóa bồi dưỡng Trưởng các cơ quan thường trú, các nội dung về công tác quản lý, phối hợp tổ chức thông tin đa chiều… được kết hợp với việc giới thiệu các thiết bị công nghệ hỗ trợ phóng viên tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, tòa soạn báo của TTXVN đều chủ động có các chương trình đào tạo tại chỗ phù hợp, ví dụ như: Ban biên tập tin Kinh tế, Ban biên tập tin Đối ngoại tạo điều kiện để các biên tập viên trẻ tác nghiệp tại các sự kiện, hội thảo quốc tế, vừa khai thác lợi thế tiếng nước ngoài, vừa có dịp bồi dưỡng kỹ năng phóng viên hiện trường.
Các báo VietnamPlus, Thể thao & Văn hóa khuyến khích phóng viên tự học, trau dồi các kỹ năng làm báo điện tử, đa nền tảng; báo Việt Nam News huấn luyện PV, BTV tự làm các sản phẩm video mutex phát trên trang điện tử và mạng xã hội. Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa thành lập các nhóm, thử nghiệm sản xuất các sản phẩm đồ họa động, tương tác.
Các đơn vị còn mở rộng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức tòa soạn điện tử, triển khai các sản phẩm thông tin mới, kỹ năng làm megastory, báo chí dữ liệu; làm clip bằng thiết bị di động cho PV, BTV...
Bắt nhịp với báo chí hiện đại, TTXVN hợp tác chặt chẽ với các đối tác, khai thác nguồn lực tài trợ từ các tổ chức quốc tế (Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới WAN-IFRA, Tổ chức hỗ trợ phát triển KAS - CHLB Đức, Cơ quan hợp tác quốc tế Vùng Wallonie-Bruxelles…), tổ chức các khóa tập huấn chuyên đề về chuyển đổi báo in sang báo điện tử, báo chí dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, truyền thông kỹ thuật số trên nền tảng trực tuyến… do giảng viên nước ngoài, chuyên gia công nghệ hàng đầu thực hiện, kịp thời cập nhật kỹ năng mới cho PV, BTV các đơn vị làm thông tin điện tử.
Đón đầu những xu hướng mới của báo chí thế giới, với đội ngũ những người làm báo trẻ ham học hỏi, được đào tạo kỹ lưỡng qua thực tế, làm chủ công nghệ, thời gian gần đây, TTXVN đã chủ động nghiên cứu và áp dụng những công nghệ làm báo hiện đại, một mặt theo hướng chuyên môn hóa cao, một mặt đưa một số công nghệ lựa chọn đến các đơn vị và tổ chức đào tạo để họ có thể nắm vững và sản xuất ra những sản phẩm báo chí mới mẻ, ví dụ như làm đồ họa tương tác, làm bài long-form, thử nghiệm phần mềm dịch thuật tự động hoặc phần mềm chuyển giọng nói thành văn bản, bước đầu cho những kết quả khả quan.
Cùng với đó, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai như: podcast, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng…
Đây cũng là nguồn động lực để những người làm báo trẻ TTXVN không ngừng sáng tạo, với những ý tưởng táo bạo, làm phong phú thêm các sản phẩm thông tin, tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu của TTXVN trong ứng dụng công nghệ làm báo tại Việt Nam. Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, TTXVN xác định là phải chủ động và tích cực tham gia sân chơi quốc tế, với tư cách là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Các sản phẩm Chatbot của báo điện tử VietnamPlus được trao Giải thưởng Sáng tạo của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương OANA, Dự án chống tin giả của TTXVN giành chiến thắng tại Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của WAN-IFRA... là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi đó, để nguồn thông tin chính thống của cơ quan thông tấn quốc gia ngày càng sinh động, hấp dẫn, trong dòng chảy thông tin không ngừng nghỉ.
Ngoài ra, 2 năm nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong ngành truyền thông, ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, nhưng Liên Chi hội đã phát huy tốt vai trò tổ chức chính trị, nghề nghiệp của một cơ quan báo chí chủ lực; chủ động đề xuất với chính quyền tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Lần đầu tiên, Liên Chi hội phối hợp với các đơn vị thử nghiệm hệ thống kết nối trực tuyến giữa Tổng xã với các điểm cầu Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các Cơ quan Thường trú trong nước để tổ chức lớp tập huấn công tác thông tin bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho 200 hội viên là cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các Ban biên tập tin nguồn, tòa soạn báo, trung tâm thông tin và các Cơ quan Thường trú trong nước.
Đây cũng là dịp để Liên Chi hội nghiên cứu, lựa chọn hình thức tổ chức các hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh, thiết thực đổi mới công tác Hội.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể tổ chức Lễ trao giải trực tiếp như hằng năm, Ban thường vụ Liên Chi hội đã thống nhất tổ chức công bố Giải báo chí TTXVN năm 2020 và phát động Giải báo chí TTXVN năm 2021 dưới hình thức video tổng hợp dài 40 phút, phát đồng thời trên Trang điều hành tác nghiệp và các nền tảng của TTXVN đúng dịp kỷ niệm 76 năm thành lập ngành, tạo không khí phấn khởi trong các hội viên.
Có thể nói, các hoạt động đào tạo được triển khai linh hoạt, thể hiện sự năng động, đi đầu của Liên Chi hội TTXVN trong việc bắt nhịp với các xu hướng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển thông tin đa phương tiện, đa nền tảng trong tình hình mới. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi luôn xác định, đẩy mạnh việc chuyển đổi số là chìa khóa trong đổi mới đào tạo báo chí góp phần nâng cao hiệu quả trong tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Hồng Hạnh
Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn
Phó Chủ tịch Liên Chi hội TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên