Tham gia Giải báo chí Quốc gia: Báo địa phương nên lựa chọn loại Giải nào? (Bài 1)
Thứ ba - 24/05/2022 11:32
Những ngày này, Giải báo chí Quốc gia năm 2021 đang trong giai đoạn chấm chung khảo. Và Giải BCQG năm 2022 đang mở ra, việc lựa chọn đề tài và thể loại giải đang được cân nhắc, cũng có tác giả vào cuộc nhanh hơn và đang triển khai việc thực hiện tác phẩm từng được nung nấu của mình. Chất lượng nội dung tác phẩm, hay nói cách khác, tầm vóc của tác phẩm mang tính thời sự đến đâu, sẽ là yếu tố số một; và cách thể hiện, trong đó có việc lựa chọn thể loại báo chí là yếu tố số 2. Theo Điều lệ của Giải BCQG, sẽ có 11 nhóm giải được trao, trong đó Báo in có 3 nhóm giải, Báo nói (Phát thanh) có 2 nhóm giải, Báo hình (Truyền hình) có 3 nhóm giải, Báo điện tử có 2 nhóm giải, Ảnh báo chí có 1 nhóm giải. Để góp một cách nhìn về tham dự Giải BCQG, trong bài này, chúng ta cân nhắc báo chí địa phương nên lựa chọn thể loại nào để tham dự giải?
Trước hết nói về thể loại giải dành cho báo in. Báo in có 3 nhóm giải gồm: 1. Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn; 2. Giải xã luận, bình luận, chuyên luận; 3. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, kí báo chí, ghi chép. Trong 3 nhóm giải này, các báo địa phương gần như không có phỏng vấn và bình luận, phóng sự và kí báo chí cũng rất ít. Do đó việc mạnh dạn tham gia ở những thể loại mà báo địa phương ít tham gia sẽ tăng cơ hội có giải. Mặt khác, phóng viên báo địa phương sát cơ sở, ngày ngày tiếp cận với mưu sinh của đồng bào, họ có lợi thế hơn báo chí trung ương là tiếp cận vấn đề nhanh hơn, họ lại là người trong cuộc, nên có khả năng nắm bắt vấn đề một cách nhiều chiều. Vì thế, các thể loại ít được phóng viên báo địa phương tác nghiệp hàng ngày như phỏng vấn, bình luận, phóng sự... rất cần được nhìn nhận lại, để từ đó, phóng viên thực tập làm, và phấn đấu đưa những thể loại nói trên xuất hiện đều hơn trên báo in cũng như trên báo điện tử. Đã có lần chúng tôi đưa ra luận điểm: Một tờ báo sẽ không mang tính chuyên nghiệp khi không có phóng viên viết phóng sự, bình luận, phỏng vấn... là những thể tài chí cốt của báo chí.
Báo địa phương ngoài 3 nhóm giải nói trên còn có thể tham gia 2 nhóm giải Báo điện tử: 1. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; 2. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép, và tham gia Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh. Như vậy trong tổng số 11 nhóm của Giải BCQG, báo địa phương có thể tham gia đầy đủ 6 nhóm giải dành cho Báo in và Báo điện tử.
Theo con số thống kê của Hội đồng Giải báo chí Quốc gia thì nhóm thể loại bài phản ánh thường có nhiều tác phẩm dự thi: Năm 2020 có 334 tác phẩm; năm 2021 có 335 tác phẩm, trong khi đó nhóm giải bình luận bằng khoảng 1/3 lượng bài của nhóm Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn. Cụ thể nhóm Giải xã luận, bình luận, chuyên luận năm 2020 có 117 tác phẩm và năm 2021 có 119 tác phẩm. Và nhóm Giải Ảnh còn ít hơn nữa, chỉ bằng chưa đầy ¼ của nhóm bài phản ánh: năm 2020 có 73 ảnh dự thi, năm 2021 có 72 ảnh dự thi. Nêu ra những con số như vậy để các phóng viên báo địa phương tham khảo, từ đó lựa chọn sát hơn nhóm giải dự thi. Ngoài ra, nếu có khả năng, báo địa phương có thể tham gia thêm một số nhóm giải dành cho phát thanh và truyền hình. Vì hiện tại, một số báo địa phương đã có trường quay, có hệ thống sản xuất tin bài truyền hình và phát thanh... Báo Thái Bình năm 2019 đã có chương trình giao lưu gây quỹ từ thiện cho nạn nhân da cam đoạt Giải báo chí Quốc gia.
Nếu như hệ thống báo in địa phương có 6-7 nhóm thể loại dự Giải BCQG thì các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương cũng có ít nhất là 5 nhóm giải để dự thi, trong đó Phát thanh có 2 nhóm giải gồm: 1. Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp; 2. Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký và Truyền hình có 3 nhóm giải gồm: 1. Giải Tin, Phóng sự, ký sự; 2. Giải Bình luận, tọa đàm, giao lưu; 3. Giải Phim tài liệu truyền hình. Trong 5 nhóm giải này, các đài địa phương dường như thường yếu thế hơn các đài Trung ương trong các thể loại Phim Tài liệu, phóng sự, bình luận, giao lưu bởi các đài Trung ương đội ngũ đông và tính chuyên nghiệp cao. Theo con số thống kê, tỷ lệ cạnh tranh đối với các thể loại như phóng sự, phim tài liệu thường rất cao. Ví dụ, năm 2020 có 301 tác phẩm và năm 2021 có 314 phóng sự truyền hình, Hội đồng Giải BCQG chỉ quyết định đưa 19 tác phẩm vào chung khảo, có 16 tác phẩm đoạt giải (Tỷ lệ đoạt giải là 5,3%). Trong khi đó có một số nhóm giải phát thanh và truyền hình có mức độ cạnh tranh bớt quyết liệt hơn như Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề, phát thanh tổng hợp năm 2020 có 73 tác phẩm, năm 2021 có 72 tác phẩm thì cũng có 12 tác phẩm vào vòng chung khảo theo tỷ lệ phân bổ của Hội đồng Giải BCQG, có 7 tác phẩm đoạt giải (tỷ lệ là 7%); Giải Bình luận, tọa đàm, giao lưu truyền hình năm 2020 có 63 tác phẩm, năm 2021 có 43 tác phẩm thì cũng được 11 tác phẩm vào chung khảo... Như vậy, ngoài thể loại phóng sự, phim tài liệu, các đài địa phương nên lựa chọn một số thể tài thuộc thể loại phát thanh, hoặc tham gia nhóm Giải Bình luận, tọa đàm, giao lưu để dự thi. Trên thực tế, Đài Hà Tĩnh và Đài Hưng Yên đã quan tâm dự thi chương trình tọa đàm truyền hình và mỗi đài đã đoạt 3 Giải Quốc gia ở thể loại này. Qua nhiều mùa giải, rất ít đài địa phương có chương trình bình luận dự thi. Đáng mừng là mùa giải 2021, Đài Điện Biên đã có chương trình bình luận về lựa chọn đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp được chọn vào chung khảo.
Từ những thông số kể trên, các đài, báo địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và lựa chọn những thể loại dự thi để giảm bớt sự cạnh tranh quyết liệt, và cũng là để tăng cơ hội đoạt Giải báo chí Quốc gia. Và các phóng viên hãy mạnh dạn lựa chọn những thể loại báo chí còn mới mẻ như bình luận, phóng sự, bút ký, phỏng vấn... và nhớ mang theo sức sống cùng đòi hỏi của thời đại - đòi hỏi của nhân dân và hãy dấn thân trong từng tác phẩm dự thi Giải báo chí Quốc gia.
(Còn nữa)