Thức cùng sự kiện

Thứ tư - 23/02/2022 15:32
''Tôi luôn luôn muốn được thức cùng sự kiện". Đó là lời chia sẻ của một đồng nghiệp của tôi, thể hiện sự dấn thân của người làm báo trong sự nghiệp của mình. Quả thực, không chỉ với người đồng nghiệp ấy, mà bao đồng nghiệp khác của tôi, hay bản thân tôi và có lẽ là với mỗi người làm báo, sự kiện là một trong những yếu tố nền để “nuôi sống” các tác phẩm báo chí.
111
Các phóng viên báo chí tác nghiệp trong Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Ảnh minh họa
Với báo chí, nhiệm vụ chủ yếu là đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí cho công chúng. Mà muốn thu hút công chúng thì thông tin phải hấp dẫn. Hấp dẫn bởi nội dung thông tin và hình thức thể hiện. Riêng với nội dung thông tin thì luôn phải mới, phải là thứ mà công chúng muốn biết và cần biết. Trong đó, các sự kiện quan trọng ở mọi lĩnh vực luôn được công chúng quan tâm, đón chờ để được chứng kiến hoặc theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi vậy, khi có các sự kiện quan trọng diễn ra do sự chủ động của con người hay những sự việc, hiện tượng bất ngờ xảy ra bởi tự nhiên, có tác động tích cực hay tiêu cực mạnh đến đời sống của con người thì đều được đông đảo công chúng quan tâm theo dõi.

Đó sẽ là những đề tài đắt cho các tác phẩm báo chí, từ tin, phản ánh, phóng sự cho đến phỏng vấn, điều tra, tọa đàm... để thông tin đầy đủ, đa chiều đến công chúng.

Từ thực tiễn đó, mỗi người làm báo đều muốn “thức cùng sự kiện” để được đem đến cho khán, thính giả, bạn đọc những đề tài những thông tin hấp dẫn. Việc lăn xả, dấn thân của nhà báo với các sự kiện, sự việc, hiện tượng nóng không hoàn toàn là nhiệm vụ, mà nó còn là mục đích, là đam mê và là “bệnh” nghề nghiệp. Hằng năm, tỉnh ta đều diễn ra (xảy ra) nhiều sự kiện, sự việc, hiện tượng được đông đảo công chúng quan tâm. Ngay như ở năm 2021, Điện Biên phải đối mặt với nhiều đợt dịch Covid-19. Đây là sự kiện, mà đúng nghĩa là sự việc xảy ra không phải chủ đích của con người. Nhưng đã tác động tiêu cực lớn đến đời sống của người dân, là việc được hầu hết mỗi người dân đều quan tâm. Bởi vậy, các phóng viên, người làm báo từ Trung ương đến địa phương trên địa bàn toàn tỉnh ta đều mong muốn được thông tin đến công chúng một cách toàn diện nhất các nội dung liên quan đến tình hình cũng như các giải pháp, hoạt động, việc làm của các tầng lớp Nhân dân trong phòng chống dịch. Điển hình như lần đầu tiên tỉnh ta có ổ dịch Covid-19 lớn trong cộng đồng, xảy ra tại xã Sỉ Pa Phìn huyện Nậm Pồ. Khi đó, hàng chục phóng viên đã “thức cùng sự kiện” đúng nghĩa. Đơn cử như Ekip làm thời sự của Đài PTTH Điện Biên khi ấy gồm: Phóng viên Nhật Oanh và Quay phim Bùi Tiến, trong suốt hơn 1 tuần “nằm vùng”, đã có những đêm ekip không ngủ để theo chân các tổ truy vết, nắm thông tin, ghi hình, phỏng vấn và cùng sẻ chia những khó khăn của lực lượng chức năng cũng như người phải cách ly. Địa bàn biên giới, khí hậu khắc nghiệt, nhất là trong những ngày nắng nóng, Ekip cũng phải mang trên mình những bộ bảo hộ kín bưng như lực lượng chức năng khi vào khu vực phong tỏa để tác nghiệp. Nhờ đó, mọi thông tin, diễn biến tình hình dịch và công tác phòng chống dịch bệnh ở tâm dịch biên giới Nậm Pồ đã được cập nhật liên tục, hằng ngày. Cùng với Ekip của Đài PT'TH tỉnh, phóng viên Chảo Măn On của Trung tâm Văn hóa Truyện thanh Truyền  hình huyện Nậm Pồ cũng ngày đêm xông pha trên tuyến đầu chống dịch, vừa cập nhật tin tức, vừa cùng lực lượng chức năng của địa phương làm công tác tiếp tế nhu yếu phẩm cho các khu cách ly.

Cũng trong các thời điểm tỉnh ta xảy ra các ổ dịch trên địa bàn, từ phóng viên Trung ương đến phóng viên của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã không ngại khó, không hoang mang về dịch bệnh, sẵn sàng tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh để có được những thông tin, hình ảnh đưa đến công chúng kịp thời, đầy đủ, chính xác. Nhà báo Vũ Lợi - VOV thường trú tại Điện Biên cũng luôn có mặt kịp thời tại các khu phong tỏa, khu cách ly hay bệnh viện dã chiến để thông tin đa chiều đến thính giả. Anh từng chia sẻ: “Khi đã dấn thân ở những sự kiện nóng hay đứng trước bất kỳ thông tin, đề tài nào, mỗi nhà báo, phóng viên đều thể hiện rõ trách nhiệm: Trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc, với lý tưởng, trách nhiệm với người dân và hơn hết là trách nhiệm với nghề của mình trước mỗi thông tin từ sự kiện đó''.

Nói về sự dấn thân, lăn xả trong đội ngũ những người làm báo tại Điện Biên, không thể không kể đến nhà báo Xuân Ni - Cơ quan thường trú thông tấn xã Việt Nam tại Điện Biên cũng luôn đem đến công chúng những thông tin quan trọng từ các sự kiện, sự việc, hiện tượng có tác động lớn  dư luận ở Điện Biên. Điển hình là anh cùng đồng nghiệp đã thường xuyên thâm nhập cơ sở, phát hiện nhiều vụ xâm hại đến rừng trên địa bàn, cho ra những tác phẩm báo chí có sức chiến đấu cao, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của Luật bảo vệ và Phát triển rừng. Để có được những thông tin, hình ảnh chân thực, thuyết phục, anh và đồng nghiệp đã phải ăn tạm, ngủ tạm, đối mặt với những hiểm nguy khi nhiều ngày thâm nhập ở chốn rừng thiêng, nước độc. Hay với phóng viên Anh Thu của Đài PTTH Điện Biên cũng là một nhân tố điển hình cho câu chuyện dấn thân với nghề báo. Đã có những ngày dài anh bám địa bàn biên giới Nậm Pồ từ những ngày đầu thành lập huyện. Xe máy đi không được, dắt cũng chẳng xong, đành bỏ lại ven đường, cuốc bộ. Anh từng kể: “Khi ấy, mưa ướt, cộng bùn lầy, đành phải cởi bỏ quần áo dài, vắt ngang vai, buộc ngang eo, rồi quần đùi, chân đất, tay xách dép mà đi”...; “Nhớ ngày cùng lực lượng chức năng huyện Mường Ảng đi chữa cháy rừng, leo dốc thở không ra hơi, lại linh kỉnh đủ thứ đồ nghề, tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Nhưng phần vì trách nhiệm được giao, phần vì muốn cho công chúng thấy rõ được sự hiểm nguy và khó khăn trong chữa cháy rừng thế nào, cách cứu rừng khỏi những đám cháy trong thục tiễn ra sao, tôi lại cùng ekip khắc phục bằng mọi cách để đến được điểm cháy. Lên đến rừng, tất cả cùng đói, cùng khát, phóng viên và lực lượng chữa cháy chia sẻ nhau từng chút mỳ tôm sống, những giọt nước chắt được từ dây rừng.... Những điều ấy không chỉ là kỷ niệm khó quên mà còn cho tôi những bài học quý cho cuộc sống”.

Ở Điện Biên, còn nhiều, nhiều những phóng viên, nhà báo vẫn ngày ngày tận tụy với công việc, thực hiện trọng trách của mình. Với những sự kiện, hiện tượng mới nảy sinh như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, các phóng viên không ngại hiểm nguy, sẵn sàng và nỗ lực có mặt ở hiện trường sớm nhất có thể để cập nhật thông tin. Với những sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước, của địa phương, dù việc tác nghiệp có phần nhẹ nhàng, an toàn hơn nhưng trọng trách đối với việc đảm bảo thông tin ở những sự kiện đó lại có sức nặng hơn cả. Nhưng với hầu hết anh chị em phóng viên, nhà báo ở Điện Biên, dù khó, dù nặng, anh chị em vẫn tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, họ cũng coi những việc khó, việc nặng là cơ hội lớn để họ được trưởng thành.

Thức cùng sự kiện cũng phần nào giúp cho mỗi nhà báo, phóng viên nhân lên sự tâm huyết của mình. Tâm huyết của những người làm báo không chỉ đặt trong mỗi tác phẩm, mà còn đặt cả vào việc xây dựng mối quan hệ xã hội, đặc biệt là việc xây dựng lòng tin với công chúng. Thế mới nói những người làm báo chân chính, ngoài tài năng cần phải thực hiện nhiệm vụ bằng trách nhiệm, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, để giữ vững niềm tin và là nơi “neo đậu” niềm tin của xã hội. 

 
Lê Dung
Người làm báo Điện Biên 
   
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây