''Một bức ảnh hơn ngàn lời nói” đặc biệt đối với một người phóng viên thì câu nói này chính là kim chỉ nam trong nghề nghiệp. Một bài báo dù chúng ta có viết dài như thế nào, diễn giải bao nhiêu đi chăng nữa mà không có một hình ảnh chứng minh cho những gì chúng ta viết thì bài báo đó thực sự không bao giờ được đánh giá cao. Bởi vậy, trong báo chí hiện đại, hình ảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có nhiều tác phẩm truyền hình, báo ảnh không sử dụng đến một chữ nào ngoài tiêu đề. Điều đó minh chứng rằng, hình ảnh luôn có sức lột tả sự thật hơn nhiều so với câu chữ, nó mang đến cái nhìn chân thật, trực quan hơn so với những gì chúng ta miêu tả bằng câu chữ, khiến người đọc, người xem phải tưởng tượng. Bởi vậy, trong hoạt động tác nghiệp báo chí hàng ngày, bản thân tôi luôn đặt sự quan trọng của hình ảnh tác phẩm lên hàng đầu.
Để có những hình ảnh chất lượng, đòi hỏi phóng viên không thể ngồi đút chân gầm bàn, bóc báo cáo để viết bài mà phóng viên phải thường xuyên đi công tác, chứng kiến và ghi lại những hình ảnh bắt gặp thực tế. Đặc biệt đối với những tác phẩm viết về đề tài điều tra, hình ảnh chính là thứ quan trọng nhất quyết
định sự sống còn của phóng viên. Khi những hình ảnh thực tế đã được chúng ta ghi lại thì không ai có thể chối cãi được. Đối với bản thân tôi, vụ việc vẫn khắc sâu mãi đến bây giờ là vụ tôi cùng đồng nghiệp điều tra thực trạng phá rừng gỗ nghiến tại huyện Tủa Chùa năm 2016. Khi đó chúng tôi đã nhờ người dân bản địa đưa lên rừng, đi từng gốc cây gỗ nghiến bị đốn hạ, khai thác, quay phim, chụp ảnh lại, thậm chí còn có cả hình ảnh người dân đang cưa cây, đẽo thớt. Tuy nhiên khi về làm việc với chính quyền xã, kiểm lâm viên cho đến huyện đều phủ nhận thực trạng phá rừng trên địa bàn do họ quản lý. Sau khi lên bài 1, chúng tôi thậm chí còn lên lại khu vực rừng đó và mang theo cả thiết bị định vị GPS để chắc chắn rằng khu vực rừng bị khai thác đúng địa phận huyện Tủa Chùa như chúng tôi phản ánh. Sau bài viết thứ nhất, chính quyền huyện đã yêu cầu đính chính thông tin, họ phủ nhận thông tin mà chúng tôi đã phản ánh. Tuy nhiên, nhờ những hình ảnh ghi lại được và thậm chí đã được định vị, cuối cùng huyện cũng phải thừa nhận sự thật này. Như vậy, những hình ảnh chính là thứ quyết định thông tin khách quan, chính xác của chúng tôi trong vụ việc này.
Một lần tác nghiệp đáng nhớ nữa đối với tôi là chuyến đi ''bão táp” vào bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà vào năm 2018. Đó là những ngày đầu tháng 9 mùa mưa ở Điện Biên, nhóm ekip chúng tôi đã phải đi bộ băng qua đồi núi từ 9 giờ sáng cho đến tối và sau đó vượt qua suối mùa lũ để có thể đến được bản. Tại đây, sáng hôm sau chúng tôi đã ghi lại được hình ảnh người dân để các em học sinh vào túi nilon sau đó bơi băng qua suối để các em học sinh có thể đến trường kịp khai giảng. Những hình ảnh này sau đó đã được chúng tôi đăng tải trên các sản phẩm báo chí và nhận lại nhiều nguồn dư luận khác nhau, chia sẻ có và phản bác có. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là những hình ảnh dàn dựng không thực tế, tuy nhiên sau cùng những tác phẩm báo chí ấy đã được lãnh đạo cơ quan cũng như công chúng ghi nhận, bởi trên hết, nó chính là sự thật, mà sự thật thì không thể thay đổi. Sau phản ánh này, rất nhiều người từ khắp các miền đất nước đã nhắn tin, gọi điện cho chúng tôi bày tỏ mong muốn được góp tiền, góp công để xây cầu cho bà con Huổi Hạ, tuy nhiên sau đó rất đáng mừng là Bộ Giao thông Vận tải đã quan tâm và chỉ đạo ngành giao thông tỉnh Điện Biên xây dựng cho bà con một cây cầu kiên cố. Những hình ảnh đó cũng giúp chúng tôi giành được những giải thưởng về cuộc thi ảnh báo chí toàn quốc sau đó.
Nhắc đến những sự kiện đó để thấy, đối với người làm báo, hình ảnh là thứ vô cùng giá trị tạo nên sự thành công cho tác phẩm. Trên hết, hình ảnh đó là sự thật, mà đã là sự thật thì không thể thay đổi, không thể phủ nhận.
Vậy, để có hình ảnh thực tế, chất lượng, khách quan, không có cách nào khác ngoài việc người làm báo phải đi thực tế. Điện Biên là tỉnh miền núi với địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi, giao thông cách trở, nhất là vào mùa mưa, lũ. Từ thành phố đến trung tâm huyện xa nhất là Mường Nhé lên đến 200km, còn đến xã xa nhất phải đi tất cả quãng đường đến gần 300km. Đường sá miền núi cũng không dễ đi, đặc biệt là vào mùa mưa, sạt lở rồi bùn lầy rất khó di chuyển. Bởi vậy những chuyến công tác không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên không còn cách nào khác, nếu muốn làm báo một cách có trách nhiệm với sản phẩm của mình, phóng viên phải đi nhiều, đi nhiều là điều kiện tiên quyết để có các sản phẩm chất lượng, hình ảnh thực tế. Để có những hình ảnh chất lượng, ngoài việc đi nhiều, tư duy đề tài tốt, phóng viên cũng phải luôn tự học hỏi các đồng nghiệp, học hỏi trên mạng và những góc ảnh, góc hình, kỹ thuật để có những bức ảnh, thước hình đẹp, truyền tải được đầy đủ nội dung mình muốn thể hiện. Khoảnh khắc cũng là thứ vô cùng quan trọng đối với hình ảnh, những hình ảnh chất lượng phải bắt được khoảnh khắc mình muốn thể hiện. Muốn bắt được khoảnh khắc, phóng viên phải có khả năng quan sát, chủ động, dự báo được tình hình để có thể bấm máy vào đúng thời điểm. Như vậy, hình ảnh sẽ lột tả được nội dung chúng ta muốn nói mà không cần thiết phải có chú thích, lời bình.
Xuân Tư
Người làm báo Điện Biên