Chuyển đổi số trong tác nghiệp, chủ động đón đầu vì sự tin yêu của công chúng

Thứ ba - 04/01/2022 04:25
Chuyển đổi số, trong đó có việc đưa công nghệ mới vào phục vụ sản xuất tác phẩm báo chí một cách nhanh chóng, hấp dẫn trở thành tất yếu. Người làm báo ở nhiều cơ quan báo chí trong cả nước không ngại thay đổi, đón đầu và theo kịp xu hướng, phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng.
111
Chuyển đổi số trong tác nghiệp, chủ động đón đầu vì sự tin yêu của công chúng. Ảnh minh hoạ

Nhưng ở một góc độ khác thực tế hơn, gần gũi hơn, qua bài viết này chúng tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi, vậy đội ngũ người làm báo, hàng ngày hàng giờ đang sản xuất các tác phẩm báo chí như thế nào? Họ đã có những cải tiến gì trong quá trình tác nghiệp, ứng dụng công nghệ trong tiếp cận thông tin, để mang thông tin hình ảnh đó đến công chúng. 

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với một số phóng viên, nhà báo trực tiếp tác nghiệp, thực hiện nhiều khâu trong quá trình tạo ra sản phẩm báo chí, để thấy rằng, hành trình tiến tới chuyển đổi số không còn viển vông xa vời, nó gần gũi, dễ hiểu và dễ thực hiện như thế nào trong thực tế đời sống người làm báo.

Nhà báo Bùi Tấn Sỹ - Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam:

Sử dụng đa phương tiện để sản xuất tác phẩm truyền hình

Tôi thấy trong nhiều năm qua Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) đã có những tiến bộ khi thực hiện chuyển đổi số, linh hoạt hơn trong quá trình sản xuất, mang thông tin đến với khán giả, để khán giả tiếp cận thông tin của đài ở nhiều nền tảng khác nhau, mọi lúc mọi nơi trong đó có cả mạng xã hội.

Bản thân mỗi phóng viên như chúng tôi cũng đã chuyển động, thay đổi. Bạn cứ hình dùng, làm truyền hình sẽ có máy quay chuyên dụng, đi theo kíp 3, 4 người, nhưng giờ đã có sự đổi khác khi thực hiện chuyển đổi số. Ngoài các thiết bị chuyên dụng trong ngành truyền hình, tác nghiệp tại hiện trường, khi đi ở miền núi chúng tôi còn sử dụng thêm những thiết bị ghi âm, ghi hình khác như điện thoại thông minh, máy ảnh, flycam.

111
Nhà báo Bùi Tấn Sỹ – Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam.

Việc sử dụng các thiết bị này giúp tiện lợi hơn trong quá trình tác nghiệp. Trong đó, việc di chuyển đi bộ vào các xã biên giới, các vùng thiên tai, sạt lở núi khi mang máy quay phim, cùng các thiết bị chuyên dụng sẽ rất nặng nề, khó khăn trong đi lại. Do đó, sử dụng điện thoại thông minh, sạc dự phòng, giúp phóng viên ghi lại nhanh nhất những hình ảnh tại hiện trường.

Các thiết bị này, vẫn cho ra sản phẩm chất lượng ghi hình chuẩn HD, góc quay rộng, âm thanh tốt để chuyển về cơ quan, xử lý phát sóng, mang tính thời sự, tính chân thật cao. Việc sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 4G còn giúp phóng viên đưa tin trực tiếp tại hiện trường một cách nhanh nhất, chính xác nhất, chạy đua với các trang mạng xã hội, cũng như các nền tảng báo chí đa phương tiện khác. Có những thời điểm chúng tôi vào rừng, không có sóng 3G, 4G chúng tôi cố gắng tìm đến khu vực có sóng, đánh dấu lại, xong việc sẽ quay trở lại điểm đó để gửi thông tin về tòa soạn xử lý.

Tôi thấy rõ ràng việc sử dụng điện thoại thông minh và máy ảnh giúp phóng viên truyền hình chủ động hơn trong quá trình tác nghiệp, thao tác nhanh, ghi được những khoảnh khắc của sự kiện.

Các phóng sự mưa lũ năm 2020 tôi có gần 70% hình ảnh được quay bằng điện thoại thông minh và máy ảnh. Cũng nhờ hình ảnh kịp thời thời sự, hấp dẫn ghi bằng điện thoại tôi đã có những tác phẩm đoạt giải ở Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Việc sử dụng điện thoại thông minh và máy ảnh trong lúc tác nghiệp đôi lúc còn tạo được sự gần gũi, giúp phóng viên tiếp xúc với nhân vật dễ dàng hơn. Sử dụng hình ảnh từ điện thoại cũng hỗ trợ rất nhiều cho máy quay chuyên dụng, thêm hình, thêm những góc cạch khác nhau, chớp được những khoảng khách mà máy chuyên dụng không thể có được.

Tôi thấy chuyển đổi số, ngoài việc ứng dụng công nghệ hiện đại từ ban biên tập, thì mỗi phóng viên cũng tự phải thay đổi để chuyển mình, để bắt kịp xu thế. Cốt làm sao mang đến những hình ảnh nhanh nhất, đúng nhất mà khán giả cần.

Nhà báo Thúy Hương - Báo Tuổi trẻ:

Chuyển đổi số chìa khóa vượt khó khăn khi tác nghiệp trong đại dịch

Hai năm dịch bệnh COVID-19 vừa qua quả là một thời gian đầy thử thách đối với tôi cũng như các phóng viên theo dõi mảng văn hóa văn nghệ, bởi đặc thù các hoạt động văn hóa nghệ thuật thường tập trung đông người nên đều phải ngừng lại. Tuy thế, báo chí không thể ngừng lại.

111
Nhà báo Thúy Hương – Báo Tuổi trẻ.

Chúng tôi phải nỗ lực tìm cách thích ứng với đời sống xã hội thông tin đã biến đổi nhanh chóng. Tôi cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và chúng ta không thể tách ra khỏi xu thế này. Mỗi phóng viên cũng cần linh hoạt, chịu khó thay đổi để thích nghi. Dịch bệnh xảy ra, không thể gặp gỡ trực tiếp, chúng tôi phỏng vấn qua điện thoại và các hình thức trò chuyện trực tuyến. Rất may mắn vì hiện nay có nhiều ứng dụng liên lạc xuyên biên giới, miễn phí, rất tiện lợi cho tác nghiệp của phóng viên.

Không thể tụ họp, hội thảo, tọa đàm trực tiếp thì lập tức các nền tảng họp online phát triển rất nhanh. Trong suốt quãng thời gian giãn cách, khi người người phải ở nhà, chúng tôi vẫn có được những bài báo thú vị được ghi từ những buổi trò chuyện trực tuyến.

Các nền tảng họp trực tuyến cũng được ứng dụng ngay cho chính các buổi họp của tòa soạn và các buổi làm việc nhóm.

Tôi thấy như cả cơ quan cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số này. Chúng tôi đã tổ chức các bài báo tường thuật trực tiếp (làm live) rất hiệu quả nhờ tính năng chat nhóm của các ứng dụng mạng xã hội. Phóng viên tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, liên tục gửi thông tin, hình ảnh vào nhóm chat cùng với các phóng viên khác, ở nhà, các biên tập viên hỗ trợ tổ chức bài, cập nhật liên tục từ thông tin các phóng viên gửi về từ hiện trường.

Thời gian dịch bệnh vừa qua, khối lượng công việc có giảm bớt với phóng viên văn hóa văn nghệ, nên chúng tôi đã tận dụng quãng thời gian này để học thêm về truyền thông đa phương tiện, học thêm về làm video cho các sản phẩm báo điện tử thêm hấp dẫn, học thêm về nhu cầu của bạn đọc ngày nay, về sự thay đổi của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin và mạng xã hội.

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, báo chí đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn, buộc các nhà báo phải rất nỗ lực để giữ được vị thế của báo chí trong lòng bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, cũng giống như ngoại ngữ là công cụ thiết yếu và bắt buộc đối với mỗi phóng viên ở mọi lĩnh vực, chuyển đổi số cũng sẽ phải là kỹ năng bắt buộc đối với mọi phóng viên để có thể làm tốt công việc đầy thách thức này.

Nhà báo Phạm Lương Bằng - Báo VietNamNet:

Thay đổi để đi theo xu hướng công nghệ làm báo mới

Những năm gần đây, là phóng viên của Báo VietNamNet tôi thấy trong nhiều năm qua báo rất chú trọng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào làm báo. Ngoài đầu tư nền tảng công nghệ ban đầu trên hệ thống dữ liệu, tiện ích, VietNamNet đã đầu tư những bài báo có giao diện đẹp mắt, được trình bày công phu chỉ có ở VietNamNet.

111
Nhà báo Phạm Lương Bằng - Báo VietNamNet.

VietNamNet đã có những bài viết đa phương tiện tích hợp hình ảnh, video, bảng biểu sinh động đã giúp thu hút lượng lớn bạn đọc quan tâm. Những bài viết có dữ liệu về nhân sự, về sự kiện lớn được áp dụng công nghệ khiến bài viết rất dễ hiểu, dễ hình dung và tạo sự khác biệt của báo.

Bản thân báo cũng rất quan tâm đào tạo áp dụng các công nghệ mới trong quá trình tác nghiệp của các phóng viên. Tôi đã được tham gia nhiều khóa đào tạo do báo tổ chức, như: sản xuất tin trên smartphone, làm phim trên smartphone, cách làm bài inforgraphic, sử dụng các app làm biểu đồ minh họa cho bài viết sinh động...

Tuy nhiên để thực hiện sự thay đổi tích cực từ ban biên tập cơ quan, các phóng viên phải học hỏi, trau dồi thêm các kiến thức về áp dụng công nghệ khi làm báo, về các kỹ năng làm báo đa phương tiện. Trong đó phóng viên không chỉ là người viết bài bằng “chữ” mà phải học cách truyền đạt thông tin bài báo thông qua các hình ảnh, biểu đồ, bảng biểu, video, đồ họa... sinh động. Tất nhiên đây là vấn đề khá khó khăn với những phóng viên đã luống tuổi, khi khả năng ứng dụng công nghệ là hạn chế hơn những phóng viên trẻ.

Tuy nhiên, đó là điều các phóng viên buộc phải thay đổi, buộc phải chạy theo xu hướng công nghệ làm báo mới đó, nếu không sẽ dễ bị lạc hậu, thụt lùi so với các đồng nghiệp khác.

Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi còn tham gia các lớp đào tạo thường được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, tham khảo sát những cách làm hay, sáng tạo của báo bạn. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để thay đổi dần trong từng bài viết, hướng đến những cách tiếp cận trực quan, sinh động nhất cho độc giả.
 

Theo Vũ Phong/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây