Nữ nhà báo và những câu chuyện khơi dậy tinh thần đoàn kết trong đại dịch

Thứ hai - 06/12/2021 16:05
Muốn “Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức” đó là tinh thần xuyên suốt mà nhà báo Thu Thảo - Báo An Giang muốn truyền đạt qua loạt bài 5 kỳ “Đoàn kết, chung tay đánh bay Covid-19”. Loạt bài vinh dự nhận giải Khuyến khích – tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020.
111
Phóng viên tham gia tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: nhà báo Thu Thảo
Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều hoạt động sản xuất – kinh doanh phải đình trệ, nhiều công việc, nhiều nghề phải tạm ngưng… Thế nhưng, với những người làm báo, nhất là nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong vùng dịch thì đây là thời điểm họ phải nỗ lực hơn, xông xáo hơn gấp nhiều lần so với bình thường để kịp thời đưa những thông tin nhanh nhạy, chính xác đến độc giả.

Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và các nước lân cận, nhất là ở Campuchia, nhiều người dân xa xứ đã tìm cách quay về quê hương. An Giang là tỉnh có gần 100km giáp biên giới Campuchia, có nhiều người dân sinh sống, làm việc, lao động ở đất nước bạn. Khi dịch bệnh phức tạp, người dân đã tìm cách quay về nước bằng con đường hợp pháp và cả trái phép. Khi trở về, có những người đã bị nhiễm Covid-19.

Không nằm ngoài cuộc chiến “chống giặc” Covid-19, An Giang phải vừa chống dịch bên ngoài lẫn bên trong. Là phóng viên phụ trách địa bàn giáp biên giới, nhà báo Thu Thảo đã tăng cường độ làm việc, không ngại hiểm nguy vào những khu cách ly tập trung, gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn… những người dân xa xứ trở về.

Luôn bám sát các vấn đề thời sự được nhiều độc giả quan tâm, chị đã theo chân các đoàn công tác của UBND tỉnh, các ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm căng mình chống dịch. Hay đi đến những chốt trực ở biên giới để cùng chia sẻ những khó khăn, khổ cực với các chiến sĩ biên phòng, công an, dân quân.

111
Nhà báo Thu Thảo tại Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 14, năm 2019 - 2020. Ảnh: nhà báo Thu Thảo

Nhà báo Thu Thảo chia sẻ: “Xuất phát từ những lần đi thực tế tác nghiệp, tôi quyết định sẽ triển khai thực hiện loạt bài 5 kỳ để kịp thời thông tin đến độc giả về bức tranh tổng thể về cuộc chiến chống giặc Covid-19 mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đang ngày đêm nỗ lực thực hiện”.

Thời gian qua, vượt qua những khó khăn thiếu thiếu, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo An Giang đã nỗ lực để kịp thời thông tin đến độc giả một cách nhanh nhất, chính xác nhất về tình hình dịch bệnh. Trong đó có những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giống như nhiều đồng nghiệp, nhà báo Thu Thảo luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường, bên cạnh luôn có laptop, máy ảnh, điện thoại và không thể thiếu nước sát khuẩn, khẩu trang để bảo vệ mình và mọi người. Bất kể giờ giấc, ngày thứ bảy hay chủ nhật, đêm hay ngày khi có thông tin là chị và đồng nghiệp lại liên hệ, đi thực tế tác nghiệp.

“Có những chuyến công tác đột xuất, liên tục, ngoài giờ hành chính và cả ngày nghỉ. Chúng tôi có nhiều đồng nghiệp vất vả, cực khổ, vô cùng nguy hiểm khi vào những nơi cách ly, phong tỏa, những nơi thu dung, điều trị F0… nếu không cẩn thận thì có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng không vì nguy hiểm mà mọi người chùn bước. Ngược lại, ai cũng trách nhiệm, hết mình với công việc, với mục tiêu cuối cùng là cho ra đời những tác phẩm báo chí đúng, trúng, kịp thời, nhanh nhạy nhất để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả” chị Thu Thảo tâm sự.

111
Các đoàn công tác của tỉnh đoàn An Giang đến thăm, tặng quà, đèn năng lượng mặt trời
cho các chốt, tổ công tác của lực lượng biên phòng. Ảnh: nhà báo Thu Thảo

Trong loạt bài, không chỉ nêu bật vai trò của lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu; ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp, hành động thiết thực của các tổ chức, cá nhân, nhà báo Thu Thảo còn đi sâu gặp gỡ, phỏng vấn những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc, trẻ em cơ nhỡ, lao động bị mất việc vì dịch bệnh Covid-19…

Nhà báo Thu Thảo cho biết, tôi còn nhớ những câu nói chân tình, chân chất của nhân vật Aly, chú là người dân tộc Chăm, sau khi hết cách ly y tế tập trung. Khi trả lời phỏng vấn, chú rất thật thà cho biết: “Tôi học không nhiều nên chữ nghĩa chẳng bao nhiêu. Bao năm buôn bán cơ cực lo cái ăn, cái mặc nơi đất khách, quê người. Lúc hoạn nạn, khó khăn lại được Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, từng cái bàn chải, khẩu trang… Lại được thoải mái hành lễ (tại phòng) theo phong tục của dân tộc mình. Tôi thật sự xúc động lắm!”.

Nói đến đây, giọng chú nghẹn lại, nhìn vào đôi mắt của chú, tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài xuống đôi gò má đen sạm. Chú nhìn tôi rồi nói: “Không biết nói gì hơn, tôi nhờ cô giúp tôi chuyển lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền! Cảm ơn các cô chú trong ban điều hành khu cách ly đã chăm sóc tôi và mọi người như người trong nhà. Ơn này tôi ghi mãi”.

Hay anh S.K.Rin (dân tộc Chăm, ngụ Bình Di, Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) xúc động nói: “Không thể nói hết những tình cảm, những ân tình, những gì mà Nhà nước, chính quyền địa phương và các anh, chị trong khu cách ly này đã dành cho chúng tôi. Không có gì quý hơn những lúc khó khăn, Tổ quốc lại dang tay đón chúng tôi về nước”. Rồi anh để tay lên ngực nói: “Tôi yêu Việt Nam! Dù đi bất cứ nơi đâu, Việt Nam luôn trong trái tim tôi”.

111
Với tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc, sau khi hoàn thành cách ly tập trung, anh S.K.Rin xin số điện thoại cán bộ làm nhiệm vụ trong khu cách ly để có dịp sẽ gặp lại cảm ơn. Ảnh: nhà báo Thu Thảo

Đó là những câu nói, những tình cảm ấm áp, chân thành của những người con xa xứ khi được quê hương dang tay chào đón họ khi gặp khó khăn... tất cả họ luôn khiến chị ghi nhớ trong hành trình làm nghề của mình.

Nữ nhà báo tác nghiệp trong mùa dịch, bên cạnh sự cố gắng của bản thân thì gia đình luôn là nguồn động viên tinh thần lớn nhất để mỗi người vượt qua khó khăn, nỗ lực phấn đấu và cháy mãi ngọn lửa yêu nghề.

Nói về việc cân bằng giữa công việc và gia đình, nhà báo Thu Thảo tâm sự: “Tôi nghĩ, người thân của mỗi phóng viên, nhà báo cần biết sẻ chia, cảm thông với những đặc thù của nghề nghiệp mà chúng tôi đã – đang trải qua. Quan trọng nữa là gia đình cũng yêu mình, yêu công việc của mình để hỗ trợ, tạo điều kiện cho mình làm việc. Nhưng đáp lại những tình cảm đó, thì bản thân mỗi nhà báo, phóng viên phải biết sắp xếp công việc, thời gian làm việc của mình thật khoa học để san sẻ, dành thời gian rãnh rỗi để gần gũi và yêu thương gia đình. Có như vậy mới có thể cân bằng và hài hòa giữa công việc và gia đình”.

 

Theo Vũ Phong/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây