Anh luôn là như vậy. Đó mới là anh, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân. Chúng tôi cùng trong khối thi đua với nhau ở Tổng cục Chính trị, nghiệp văn bút đến cũng tự nhiên. Anh tự nhiên từ Binh đoàn Trường Sơn về Báo Quân đội nhân dân, rồi một mạch đến bây giờ.
Trong tất cả các cuộc họp hoặc uống rượu có Đỗ Phú Thọ bao giờ cũng cháy lên. Anh đương nhiên cháy trước, truyền năng lượng cháy nổ cho chúng tôi tỏa sáng. Và anh theo phong tục vẫn sẽ cháy đến giây phút cuối cùng. Các cuộc họp hoặc vui vẻ nếu không có anh, tôi thường thấy chán. Cũng chẳng hiểu tại sao.
Đỗ Phú Thọ là một nhà báo có trách nhiệm. Nếu giao cho anh một việc gì đó sẽ rất yên tâm. Nếu giao cho anh tán tỉnh một cô gái cũng sẽ rất yên tâm. Không chỉ có thế, Đỗ Phú Thọ là một đảng viên 4 tốt, song nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu có giao cho anh một tên phản động rồi thì sáu tháng sau hắn cũng sẽ trở thành đảng viên 4 tốt. Cơ mà anh luôn không nghĩ mình là người tốt. Anh thường hay băn khoăn rằng mình sống như thế có được không. Thật là chẳng ra làm sao. Đã sống tốt như anh lại luôn lo là mình sống có tốt không. Trong khi có khối người, ví dụ như tôi, tốt xấu chập chờn lúc nào cũng cho rằng mình đã tốt… Tuy nhiên, thiên hạ vẫn có câu: “Núi như là con tốt/ Mất khi vừa sang sông”. Anh ngày nào cũng sang sông. Đêm đêm anh cũng sang sông. Nhưng là sang sông ở cánh đồng báo chí của mình. Tôi cứ tưởng câu tục ngữ “Có tội thì lội xuống sông” không ứng hiện gì với con người. Vì Đỗ Phú Thọ có tội tình gì sao đêm nào anh cũng sang sông. Có những đêm anh “cày” đến 6 giờ sáng, vội vàng ăn bát cơm nguội rồi đến tòa soạn.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ tốt một cách đáng ngờ vì ai nhờ gì anh cũng sốt sắng. Ví dụ trong một lớp anh học lý luận chính trị gì đó, đang có hai cô gái tên Ngà và Vinh, anh sẽ nhất định giúp đỡ đồng đều, liên tục cả hai cô. Tốt đến mức mà khi anh còn ở Phòng biên tập Kinh tế - xã hội - nội chính (Báo Quân đội nhân dân), khuyết chức danh phó trưởng phòng, tập thể phòng, trừ anh ra, còn lại đều nhất trí đề nghị cấp trên bổ nhiệm anh vào vị trí đó. Khi ấy anh là phóng viên trẻ nhất phòng. Tốt đến mức mà nhiều năm liền, Báo Quân đội nhân dân chỉ đầu được một nhà báo đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, đó là anh. Anh tham gia Đảng ủy Báo 5 nhiệm kỳ và cả 5 nhiệm kỳ đều được số phiếu bầu cao nhất. Tôi đã được xem bức ảnh khi anh chia tay Cục Chính trị Quân khu 1, trở về Báo Quân đội nhân dân sau hơn một năm trên cương vị Cục phó ở đây, hầu như mọi người đều khóc.
Tôi lấy làm kỳ lạ chứng kiến anh gặp lại người yêu cũ sau hai mươi lăm năm, cả hai đều đã thượng - đại tá ôm nhau khóc. Cô bạn nước mắt chảy ra thì Đỗ Phú Thọ nước mắt chảy vào. Anh khóc mà người bên cạnh toàn chụp thấy cả hàm răng tươi tỉnh xanh non. Khi ấy, tôi mới thấy câu thơ “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Trong cơn mưa ban trưa/ Bỗng thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa” sao mà không hề giống với anh cũng là nên thông cảm.
Đỗ Phú Thọ làm báo giống như voi ăn mía. Mía mọc đến đâu, voi ăn đến đấy. Bùa cao một thước quỷ cao một trượng. Nếu có bảo anh thống kê đã viết bài bao nhiêu, đọc duyệt bao nhiêu tuyệt không nhớ được. Càng làm nhiều càng không sai sót cũng là chuyện lạ kỳ. Như tôi thì càng làm càng sai. Ngay như tên tuổi năm sinh vợ con cũng nhớ sai. Toàn phải hỏi anh Thọ ơi vợ em tên là gì và anh toàn nói đúng.
Nếu như ở trong một tập thể có Đỗ Phú Thọ thì nhất định anh sẽ gồng gánh giúp anh chị em khối việc. Nếu có nhờ anh gọi điện cho các đồng chí trong tứ trụ, anh liền gọi ngay nói chuyện rất chi là công việc. Mà công việc thật. Việc nước việc Đảng rất chỉnh tề. Chúng tôi ngồi nghe còn không dám thở mạnh vì sợ ảnh hưởng tới việc nước việc quân mà anh cứ hồn nhiên như đang phỏng vấn tấm gương người tốt việc tốt. Ở khu vực này không thể nào học được anh. Đó cũng là một nỗi khổ của anh em chúng tôi. Cũng là may mắn cho anh em chúng tôi.
Mọi người thường chọn việc dễ để làm thì Đỗ Phú Thọ toàn chọn việc khó để làm, Lúc nào cũng con bận con mọn mà lúc nào cũng thong dong. Anh đi tập thể dục cũng thong dong, ăn cơm cũng thong dong và chắc chắn tỏ tình cũng rất thong dong. Đây cũng là phẩm cách khác người của anh, không biết nên vui hay buồn cho anh nữa… Làm lãnh đạo báo chí là luôn như ngồi trên băng mỏng, hồi hộp suốt đêm ngày vì trăm thứ khác nhau. Đỗ Phú Thọ hoàn toàn không hồi hộp, anh cứ mặc kệ ra đấy chăng? Hay là anh có võ vẽ gì? Không! Đỗ Phú Thọ không hồi hộp bồn chồn vì anh chân thành với mọi người, nhất là với cấp dưới, tôi nhiều lúc còn gọi anh là “chị Thọ”.
Nhiều người tự hào vì hay được lên ti vi nhưng so với Đỗ Phú Thọ thì e rằng còn khiêm tốn vì anh toàn lên ti vi để nhận giải thưởng báo chí quốc gia, toàn là giải cao. Năm 2021 này, anh ẵm liền hai giải là Giải A Giải báo chí Quốc gia và Giải B giải báo chí Quốc hội. Tôi kiếp này không dám ngo ngoe báo chí vì đã có Đỗ Phú Thọ án ngữ ở đấy. Cũng may anh không viết văn. Nếu Đỗ Phú Thọ viết văn e rằng tôi sẽ phải buông bát mất. Thôi thì nước sông không phạm nước giếng. Cũng là trời không đóng cửa riêng ai.
Đỗ Phú Thọ viết lách thế nào mà đầu cứ bạc trắng ra? Người đời nhuộm tóc cho trẻ ra, Đỗ Phú Thọ tóc trắng phơ mà vẫn trẻ. Anh cứ thế hồn nhiên ngẩng cao mái đầu bạc trắng mà tán tỉnh chị em. Các thế hệ 7X, 8X, 9X, 10X đều gọi “chú Thọ” bằng anh, kiểu như “gần chùa gọi Bụt” vậy. Anh đều xưng “anh” rất tự nhiên. Đối với sinh viên anh cũng xưng “anh” rất tự nhiên. Và mọi người đều coi đó là chuyện đương nhiên. Hay là anh có bùa mê thuốc lú gì?...
Thường thì ở cương vị anh có thể không cần viết bài nhiều nhưng Đỗ Phú Thọ lại rất chăm viết. Ai đặt gì cũng viết. Cấp dưới đặt bài cũng gửi tín nhiệm viết lách rất cẩn thận. Bởi vậy, anh luôn có tiền nhuận bút. Có lần tôi đã rất vui mừng vì anh cứ đòi chuyển nhuận bút bài của anh cho tôi. Như thế cũng chẳng sao. Với anh như là thợ cày trên cánh đồng cày hộ người khác sào ruộng cũng chẳng sao. Đằng nào cũng góp nên mùa vàng tươi đẹp.
Tôi vốn ưa thích lịch sử còn cho rằng lịch sử chưa bao giờ là lửa đã cháy xong. Bởi thế gặp phải những người luôn khát khao rực cháy như anh tôi rất khoái. Có vẻ như Đỗ Phú Thọ cũng khoái tôi. Có bất cứ điều gì cần đến ới cái anh đều giải quyết tận tình. Tôi có nói sai điều gì anh đều cười tận tình. Bài viết của tôi anh đều biên tập tận tình. Anh cứ tận tình như vậy còn tôi nhiều khi đã viết những chi tiết quá gai góc như là thử thách tay nghề biên tập của anh vậy. Nhưng có hề gì, bởi vì anh là Đỗ Phú Thọ - nhà báo của nhân dân.
Sự nhiệt tình quả quyết của anh luôn như ngọn lửa. Nếu như có phải giao cho anh việc quá khó như anh La Văn Cầu ngày trước kiên quyết bảo đồng đội chặt đi cánh tay bị thương của mình để dễ chiến đấu thì Đỗ Phú Thọ cũng sẵn sàng. Cơ mà chúng tôi không cần hạ mệnh lệnh như thế. Anh cứ nhiệt thành như hiện nay đã là quá tốt rồi. Đừng đòi hỏi điều gì quá ở một con người. Đỗ Phú Thọ cũng bằng xương bằng thịt.
Nhà báo trong thời nay thật là không dễ dàng, cũng có không ít người đã gây ra điều tiếng, nhưng tiếng tốt cũng luôn vang lên ở mọi lúc mọi nơi. Đỗ Phú Thọ là một người như thế. Trong đội ngũ của chúng tôi có một người như anh cũng là để những thanh âm hữu ích ở cuộc sống này ngân vang. Dòng sông trong mát cây cầu soi gương an bình biết mấy.
Nghĩ về anh tôi luôn thấy hiện ra thành phố Hà Nội thân thương và câu thơ của một người bạn: “Những cây cầu đang cao những ngôi nhà đang lớn/ Vẫn thì thầm in sắc sông khuya”…
Tác giả: Phùng Văn Khai
Nguồn Văn nghệ số 42/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên