Theo nghề báo và công tác tại phòng báo điện tử (Báo Điện Biên Phủ) được vài năm, ngoài các bài viết, bài phản ánh trên báo điện tử, chúng tôi còn thực hiện các phóng sự truyền hình. Ngày đầu bắt tay vào làm phóng sự truyền hình, do còn thiếu kinh nghiệm mơ hồ về thể loại này, tôi đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận nhân vật để khai thác, thu thập thông tin đến ngôn ngữ thể hiện. Tuy nhiên, qua thời gian tiếp cận, tôi rút ra cho mình được những bài học kinh nghiệm quý báu.
Có thể nói, mỗi phóng sự nói chung được thực hiện trên các lĩnh vực khác nhau nên đòi hỏi người làm báo phải có trình độ hiểu biết nhất định để thu thập thông tin và viết bài một cách khách quan, chính xác. Bên cạnh đó, phóng sự truyền hình cũng khác hẳn phóng sự trên báo in. Để bắt đầu làm phóng sự mỗi phóng viên không chỉ cần có tư liệu nhất định và đến gặp gỡ nhân vật mà còn phải chuẩn bị đầy đủ thiết bị máy quay, chân máy, mic phỏng vấn nhân vật.
Trong mỗi phóng sự, nhân vật chính là người dẫn dắt câu chuyện. Một phóng sự hấp dẫn là khi có nhân vật, có người thật tham gia trong sự kiện. Hình ảnh nhân vật luôn xuất hiện đầu, giữa và cuối tác phẩm. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhân vật cho phóng sự có thể nói là vấn đề thường gặp khó khăn nhất. Nhân vật vốn là “linh hồn” của phóng sự, nhưng có nhiều trường hợp, họ chỉ “tiếp xúc” phóng viên viết báo in, còn phóng viên làm truyền hình khiến họ ái ngại khi trao đổi, tiếp xúc vì lý do chung là “ngại lên hình”. Chính vì vậy, nếu miễn cưỡng quay hình nhân vật sẽ khiến họ mất tự nhiên, khiến phóng sự mất đi cái hồn và giá trị chân thật. Khi ấy, bản thân tôi phải dành thời gian ngồi lại trao đổi, trò chuyện với nhân vật, nói về các quan điểm, lý lẽ và dẫn dắt câu chuyện của nhân vật theo mục tiêu nội dung của phóng sự. Đến khi họ thể hiện rõ quan điểm, cách nhìn tự nhiên và không còn ái ngại trước ống kính, tôi mới có thể đặt mic phỏng vấn nhân vật.
Khi bắt đầu quen dần với làm phóng dự truyền hình trên báo điện tử, tôi và đồng nghiệp thường làm các phóng sự phản ánh vệ cuộc sống, sự kiện và chân dung. Ngoài ra chúng tôi cũng được phân công làm các phóng sự điều tra, phản ánh về mặt trái của xã hội.
Đây cũng chính là thể loại phóng sự khó nhất đối với phóng viên báo hình chúng tôi. Làm sao để khai thác được nội dung hay, đưa sự thật ra phơi bày, mà hình ảnh cũng phải chân thực, khách quan, rõ nét. Quay hình ảnh cho phóng sự điều tra đã khó, việc gặp gỡ nhân vật và chọn cách thể hiện vấn đề trong bài còn khó hơn. Bởi vì, phóng sự điều tra cái đích chính là đi tìm sự thật, nội dụng thường đụng chạm đến cá nhân, nhóm cá nhân hoặc tổ chức; thông qua nhân vật, nhóm nhân vật và người làm chứng, chứng kiến hoặc nạn nhân kể lại. Chính vì thế, cái khó của người viết điều tra chính là làm thế nào để tiếp cận được sự thật thông qua các nguồn tin chính xác, nhận rõ bản chất vấn đề và cuối cùng là thể hiện bài viết sao cho có phong cách, mới mẻ, lôi cuốn người đọc..., đồng nghĩa với việc đó, tôi và đồng nghiệp phải chấp nhận gian nan, vất vả đến tận nơi bản làng xa xôi, heo hút hay vào sâu trong cánh rừng, đi nhiều địa điểm, vùng miền với không ít gian nan, hiểm nguy.
Trong hành trang 10 năm làm báo của mình, tôi và các đồng nghiệp cùng phòng báo điện tử đã thực hiện được nhiều phóng sự hình có tính chất thông tin quý giá, đem đến hiệu ứng tích cực cho dư luận xã hội và được cơ quan đánh giá cao như: Có hay không tình trạng ô nhiễm môi trường tại mỏ vàng Phì Nhừ; Vì sao cà phê Mường Ẳng cháy ngọn táp lá đồng loạt; Cuộc chiến với tội phạm ma túy còn lắm gian nan; Cần xử lý nghiêm vụ phá rừng tại Mường Nhé, Hiệu quả từ chiến dịch đêm... Có được những phóng sự điều tra này, một phần là vì tôi đã may mắn học hỏi được kinh nghiệm làm phóng sự mà các đồng nghiệp đi trước đã truyền lại.
Viết phóng sự truyền hình chưa bao giờ là dễ, nhất là đối với phóng viên nữ, thời gian dành cho gia đình và con nhỏ đã chiếm mất một phần. Tuy thế, bản thân tôi nói riêng và mỗi phóng viên trẻ nói chung phải luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; để có được nhiều bài phóng sự điều tra hay, chất lượng hơn nữa mang hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng thực trạng xã hội, đời sống và tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các cấp chính quyền.
Phương Liên
HNB Điện Biên