Nhà báo và những câu chuyện nghĩa tình trong tâm dịch: Bài 1: Vì nghĩa đồng bào mà dốc lòng dốc sức...

Thứ năm - 05/08/2021 15:57
Trong bối cảnh hiện nay, ngọn lửa nhân ái đã và đang được người làm báo khắp cả nước thời gian qua nhóm lên và cùng với rất nhiều những lực lượng khác trong xã hội chung tay, lan tỏa, thổi bùng lên... trong đại dịch.

LTS:  “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người...” - Ca từ bài hát ấy cứ vang lên như những thanh âm trong trẻo vút lên giữa những nốt lặng đau buồn, những mất mát, xót xa vì đại dịch Covid-19 những ngày qua. Chúng tôi đã nhìn thấy trong “cơn lốc” của đại dịch là biết bao nghĩa tình trao gửi, là những trái tim nồng ấm yêu thương, là những con người đã gác lại niềm riêng, sống với một tấm lòng nhân ái... để lan tỏa yêu thương, để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Trong số đó có những nhà báo, cơ quan báo chí không quản ngại khó khăn, vừa xung kích trên tuyến đầu thông tin tuyên truyền về đại dịch vừa theo đuổi cuộc hành trình thiện nguyện bằng trách nhiệm và lương tâm... Mỗi chương trình một cách làm, một hướng triển khai, nhưng dường như cùng chung một nhịp đập hướng về đồng bào, về những y bác sĩ tuyến đầu, hướng về người lao động nghèo khổ, người gặp hoạn nạn vì dịch Covid-19... Báo Nhà báo & Công luận sẽ ghi lại những câu chuyện đẹp ấy của giới báo chí cả nước, mong rằng tinh thần này được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến với dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp và đầy cam go này. 

Trong bối cảnh hiện nay, ngọn lửa nhân ái đã và đang được người làm báo khắp cả nước thời gian qua nhóm lên và cùng với rất nhiều những lực lượng khác trong xã hội chung tay, lan tỏa, thổi bùng lên... trong đại dịch. Để rồi trong hoạn nạn mới thấu được nghĩa đồng bào, thấy lấp lánh những yêu thương, lòng trắc ẩn. Từ đó, nhen lên ngọn lửa nhân ái, để mọi người nhận thức được giá trị của cộng đồng, giá trị của tập thể, giá trị của sức mạnh dân tộc.

111
Bà con "Xóm công viên Hạnh phúc" gói quà để trao tặng những gia đình khó khăn.
 

1. Khi tôi đặt bút viết chủ đề này là lúc đọc được bài viết xúc động của nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc từ một status: “Thầy cô ơi!...””. Tác giả bài báo nói rằng, sau khi đăng thông tin một cô gái có cha mất nhưng không có tiền mai táng, một lãnh đạo Chính phủ đọc và cho hay ông rất xúc động. Ông điện thoại trao đổi với lãnh đạo TP.HCM và được biết: Từ nay, trong giai đoạn dịch hoành hành, bất kỳ người dân TP.HCM nào qua đời mà người thân không đủ tiền mai táng, chính quyền sẽ lo toàn bộ phần chi phí. Rồi ông kể ra cụ thể câu chuyện ấy và lời kêu cứu “Thầy cô ơi” của cô gái ấy nghe mà thấy vừa xót xa vừa thương cảm.

Đây sẽ không là thảm cảnh duy nhất hay cuối cùng. Tôi cũng không muốn làm mọi người thêm bi lụy bằng câu chuyện này. Tự tôi, vẫn thấy ấm áp không phải vì sự hỗ trợ của Xóm, từ tiền mà mọi người đóng góp. Tôi ấm áp bởi một điều: Trong tận cùng đau đớn bế tắc với người cha đã lạnh, cô học trò tôi vẫn nhớ cô còn một nơi để đưa đôi tay chới với, là mái trường, là thầy cô giáo cũ, để còn những bàn tay ấm nắm nhau!” - nhà báo Đức Hiển nhấn mạnh.

Tôi chia sẻ câu chuyện nhỏ ấy để thấy, có những việc tưởng như rất đơn giản nhưng khi làm một cách tận tâm và hết lòng, rất có thể sẽ thay đổi được rất nhiều điều, không chỉ giúp được một người mà sẽ có rất nhiều người được giúp đỡ sau đó.

Dĩ nhiên, việc giúp cô học trò nghèo trong cơn bĩ cực ấy chỉ là một công việc rất nhỏ bé so với những gì mà nhà báo Đức Hiển cùng Xóm công viên Hạnh phúc đã và đang làm trong những ngày Sài Gòn gian nan vì dịch bệnh mà chúng tôi sẽ kể lại trong những bài tiếp theo. Nhưng dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít thì tấm lòng ấy chắc chắn sẽ là những ngọn lửa ấm áp trong cuộc sống đang nhiều gian khó lúc này. 

2. “Trưa nay, sau khi thực hiện hợp đồng mua 18 máy thở CPAP cùng 36 bộ vật tư tiêu hao khẩn cấp cho một trong 4 trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch TP.HCM mới vừa được thành lập thì Hạt Vừng không còn đồng nào... Lại bắt đầu đếm, ngóng từng cái máy thở từ con số tiền đầu tiên... Hết tiền thì lại cùng nhau kiếm chứ hết thở thì không kiếm lại được bằng cách nào. Thế nên các hạt vừng bé nhỏ khắp mọi miền lại cùng nhau kỳ cụi gom góp, tặng hơi thở được tới ai đang khát thở thì lại cố gắng góp thôi. Cổ tích sinh ra từ lòng người - Vừng ơi!” – nhà báo Trần Mai Anh viết những dòng này trên trang cá nhân đã khiến tôi phải dừng lại rất lâu để tìm hiểu về câu chuyện của Quỹ Hạt Vừng.

“Mỗi người đều là một hạt vừng cổ tích mở ra cánh cửa yêu thương”... là tinh thần hoạt động của Quỹ do nhà báo Bùi Ngọc Hải, Trần Mai Anh và một số đồng nghiệp, doanh nhân đứng ra kêu gọi những tấm lòng thiện nguyện để mua máy thở giúp các bệnh viện cấp cứu các trường hợp bị bệnh. 

Thêm một chiếc máy thở cứu được ít nhất thêm một mạng người”... và nếu bạn có thể góp phần cho ai đó 1 cơ hội được sống, có thể thở - thì hãy đồng hành cùng nhóm thiện nguyện Hạt Vừng.

Quỹ còn mở Tiệm tạp hóa Tình yêu, nơi ai gửi tặng đồ hay mua đồ đều vì lòng thương yêu dành cho đồng bào mình. Hiệu tạp hóa yêu thương có lời giới thiệu cũng rất yêu thương: “Nhiều bệnh viện đang cần thêm máy thở và thiết bị y tế. Trong một tháng qua, khi Sài Gòn căng mình chống dịch, nhóm thiện nguyện Hạt Vừng và những người bạn: Quỹ Thiện nhân & friends và Soha.vn gồm những nhà báo, doanh nhân, nghệ sỹ khắp cả nước đã quyên góp được 86 máy thở (7,6 tỷ đồng) cho các bệnh viện tại thành phố.

Chúng tôi tin rằng: thêm một máy thở, thêm một mạng người có thể được cứu. Nhưng các viện vẫn cần thêm máy thở và thiết bị y tế. Chúng tôi kêu gọi bạn tặng lại những món đồ mà bạn cho là giá trị. Với mạng lưới KOLs, nghệ sĩ, nhà báo và tờ báo bè bạn, chúng tôi sẽ bán đấu giá món đồ bạn tặng với giá trị cao nhất và sử dụng số tiền đó mua máy thở cho tuyến đầu. Thêm một bàn tay, thêm một mạng người có thể được cứu”...    

111
Chương trình 'Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch' do báo Ngưòi Lao động tổ chức.

3. “Đóng góp vì mục tiêu chung khi đất nước cần” không còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động thiết thực trong xã hội những ngày qua. Những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trên cả nước không thể kể hết trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19.

Mặc dù các cơ quan báo chí cũng là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó nhiều phóng viên, hội viên, nhà báo đang tác nghiệp như những chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này, nhưng vượt lên nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch, các cơ quan báo chí đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn, dành những tình cảm yêu quý, sự quan tâm sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ đang căng sức chiến đấu chống lại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh.

Thông qua nhiều chương trình của Báo Người lao động, các tổ chức doanh nghiệp cùng chung tay ủng hộ với tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng người lao động nghèo gặp khó khăn trong đại dịch và trong cuộc sống, Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lao động khó khăn tới mức độ nào thì chúng tôi cũng có cách ứng phó, hỗ trợ bà con ở mức độ đó chứ nhất định không lùi bước. Dù rằng, báo chí nói chung và Báo Người Lao động nói riêng cũng phải đối mặt với khó khăn về tài chính nhưng chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi cộng đồng san sẻ, làm sao để bà con nghèo có được những bữa cơm ấm áp, cùng nhau chiến thắng đại dịch”.  

111
Đoàn thiện nguyện đến từng ngõ, gõ từng nhà để mang thực phẩm tới cho bà con trong tâm dịch.

Chương trình “Hỗ trợ các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19” do Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan báo chí chung tay tổ chức... sẽ bắt đầu đến các bệnh viện để trao tặng các thiết bị bảo hộ và khẩu trang cho các y bác sĩ trên tuyến đầu. 

Đánh giá rất cao hoạt động ý nghĩa này, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng: “Tôi tin là hoạt động này sẽ góp phần nhân lên ngọn lửa nhân ái trong xã hội ta, đặc biệt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khích lệ tinh thần cống hiến hy sinh của các y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an. Tôi cũng mong rằng, tinh thần này tiếp tục lan tỏa trong giới báo chí để địa phương nào, ngành nào cũng có những hoạt động ý nghĩa, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên, cổ vũ các lực lượng đang quên mình ngày đêm trực tiếp chiến đấu, cứu chữa, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân trên cả nước”.

Người làm báo những ngày này đang lăn xả trên mọi mặt trận, vừa nỗ lực để dòng tin tức không ngừng chảy trong điều kiện dịch bệnh, vừa kêu gọi cộng đồng chung tay, thậm chí cùng bỏ tiền túi ra để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình gặp hoạn nạn trong mùa dịch... Những công việc này hoàn toàn tự nguyện, đơn giản với họ là vì nghĩa đồng bào, vì sự tin tưởng của người dân mà dốc lòng dốc sức...

 

Theo Hà Vân/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây