Mỗi lần tác nghiệp là một lần trải nghiệm

Thứ hai - 12/07/2021 16:14
Có người cho rằng: nghề báo là một nghề “sang chảnh”, nhẹ nhàng, sung sướng. Thế nhưng, với tôi và rất nhiều đồng nghiệp, nghề báo là một công việc lao động khó khăn, vất vả. Để có một bài báo hay, tự thân người viết phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ, chưa kể phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập từ mặt trái của xã hội.
Mười ba năm công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, tôi thấy mình thật may mắn vì có đủ sức khỏe để đến những vùng đất xa xôi nhất thuộc biên giới huyện Mường Lát, nơi mà có những đồng nghiệp thậm chí quá nửa đời người còn chưa một lần đặt chân đến. Còn nhớ vào những năm 2008, 2009, có tháng cao điểm tôi đã đi tới 4 chuyến công tác vùng biên. Có người bảo: sao lại phải đi xa vất vả thế, tôi cười và nói rằng: mỗi lần tác nghiệp là một chuyến “du lịch” với những trải nghiệm lý thú.
111
PV tác nghiệp
Năm 2009, lần đầu tiên về bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tôi thấy cuộc sống của bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Từ trung tâm xã, vượt qua những con dốc dựng đứng, quanh co, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, phải mất 5 tiếng đồng hồ các đồng chí đồn Biên phòng Tam Chung mới đưa chúng tôi đến nơi. Vào bản, mọi phương tiện liên lạc đều bị cắt đứt, bà con lên nương từ sáng sớm và tối muộn mới về. Muốn gặp gỡ, trò chuyện với người dân, kể cả với trưởng bản, chúng tôi phải leo lên những thửa ruộng bậc thang trên đồi cao để tìm gặp, hoặc hẹn vào buổi tối khi bà con đã cơm nước xong. Ăn cùng, ở cùng với dân bản ít ngày, tôi chứng kiến cảnh sống của bà con còn nhiều gian nan. Nước sinh hoạt thì lấy ở khe suối, thực phẩm phải tự cung, tự cấp, trẻ con thất học nhiều, lớp học là lán tranh tre ọp ẹp... Đời sống vật chất là vậy, đời sống tinh thần của bà con cũng rất nghèo nàn. Có lẽ vì thế mà trai, gái 13, 14 tuổi đã dựng vợ gả chồng, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra... Tìm hiểu cuộc sống của dân bản, tôi càng thương những người phụ nữ lam lũ, thương những trẻ vị thành niên nét mặt còn thơ ngây đã phải làm mẹ, thương cán bộ bản và cả những đồng chí ở trạm liên ngành cắm bản... Chuyến đi đã để lại trong tôi rất nhiều trăn trở.

Năm 2019, đúng 10 năm sau, tôi trở lại bản Ón và rất vui mừng khi thấy cuộc sống của bà con đã thực sự đổi thay. Nhờ có những chính sách của Đảng, sự chung sức của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, điều kiện kinh tế của bản nhỏ vùng cao này đã khấm khá hơn giao thông đi lại đỡ vất vả, hầu như nhà nào cũng có ti vi, và vui hơn là tỷ lệ trẻ ra lớp đã đạt 100%. Sau chuyến đi này, bài viết của tôi với tựa đề “Chuyện về Bí thư chi bộ Giàng A Chống” đã đạt giải B - giải báo chí Búa Liềm Vàng năm 2019, Trong thâm tâm, tôi thầm cảm ơn những chuyến đi, dù vất vả khó nhọc, nhưng nhờ đó tôi mới có những trải nghiệm để làm nên những tác phẩm báo chí mang lại vinh dự nghề nghiệp cho mình. Và điều mà tôi rút ra được trong quá trình tác nghiệp là khi viết về một đề tài nào đó, chúng ta phải có thông tin cơ bản về địa điểm, sự kiện, nhân vật để hình dung, phác thảo sẵn trong đầu cách làm, tìm kiếm những chi tiết “đắt” cho bài báo. Muốn làm được vậy, chúng ta phải trải nghiệm, cùng ăn, cùng ở và trò chuyện với nhiều người để khai thác thông tin, tìm hiểu thật kỹ vấn đề mới có cái nhìn toàn diện. Có những đề tài cần thời gian thai nghén, ấp ủ và chờ đợi, giống như sự thay đổi của bản Ón sau 10 năm. Cùng với đó, nhà báo phải luôn chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, phương tiện tác nghiệp. Ở lại bản Ón 4 ngày, tôi mang theo từ đồ dùng cá nhân đến máy ghi âm, pin... tất cả đều đầy đủ; thậm chí còn chuẩn bị cả lương khô chống đói cho những bữa đầu chưa quen với cách ăn của đồng bào...

Lần tác nghiệp tại xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc năm 2017 cũng là một kỷ niệm sâu sắc của tôi. Thông thường khi đi cơ sở, tôi có thói quen ăn vận gọn gàng, tạo sự thoải mái và năng động. Lần đó, tôi dẫn một sinh viên thực tập đi cùng, nhưng sơ suất không dặn dò em về trang phục.

Về địa phương, chúng tôi được huyện đoàn giới thiệu gương một thanh niên tiêu biểu đã mang giống cam quý Hàm Yên - Tuyên Quang về trồng thành công trên đất Thạch Lập. Muốn có thông tin về bạn trẻ này, bắt buộc chúng tôi phải vượt qua cung đường đồi núi rất khó khăn, phương tiện thông dụng nhất cho địa hình này là xe Win, một loại xe máy phân khối lớn. Khởi hành, xe lao lên dốc, bươn qua những đoạn đất đá lổn nhổn. Đi được một đoạn, em sinh viên thực tập phải xin phép dừng lại, vì chiếc váy công sở khiến em không thể tiếp tục hành trình. Quả thực, trang phục khi đi tác nghiệp cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Khi đi cơ sở, cần ăn mặc lịch sự nhưng cũng phải phù hợp hoàn cảnh, để dễ bề xoay xở khi tác nghiệp, đồng thời tạo cảm giác gần gũi, hòa đồng khi tiếp xúc với người dân lao động, để họ dễ dàng chia sẻ tâm tư tình cảm, như thế mới khai thác được những thông tin mình cần. Chuyến đi ấy, may nhờ trang phục phù hợp nên tôi không phải bỏ cuộc giữa chừng, lên được đồi cao để gặp gỡ người thanh niên với biệt danh “Phương Đồi Trèm”. Giờ đây, Phương vẫn thường xuyên giữ liên lạc với tôi, đôi lúc còn tham khảo tôi một vài vấn đề về ý tưởng khởi nghiệp. Tôi thấy vui về điều đó và càng tự hào về nghề báo.

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều chuyến công tác của hành trình nghề báo mà tôi đã và đang trải qua. Mỗi chuyến đi với tôi là một cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lúc tôi vui sướng, hạnh phúc vì được gặp những con người tuyệt vời cả đức và tài, là tấm gương cho tôi học tập; có lúc cảm thấy phẫn nộ trước những tình cảnh trái ngang; cũng không ít lần rơi nước mắt với những mảnh đời bất hạnh... Và khi làm các vấn đề mặt trái, tôi từng bị đe dọa, phải tìm mọi cách để vừa bảo vệ mình, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tất cả những tình huống trải qua trong mỗi chuyến tác nghiệp đều giúp tôi trưởng thành hơn, để thêm yêu nghề và trân quý cuộc sống này. 

Thúy Lượng
Đài PT-TH Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây