Hạnh phúc của người làm báo đôi khi chỉ cần có thế!

Thứ tư - 07/07/2021 08:50
Tôi luôn nghĩ phải có tri thức mới làm được báo. Chúng ta làm báo, viết một bài có khi “ngoáy” một vài tiếng là xong, nhưng để làm được như thế là phải không ngừng đọc, học và rong ruổi đến nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người. Phải có những kỹ năng nghề, phải tiếp xúc rất nhiều và đương nhiên là vất vả cũng nhiều. Bài báo “Văn hóa làng xã và văn minh đô thị” là một minh chứng cho điều tôi đã nêu trên.

Câu chuyện về cách thức kế thừa, phát huy, xây dựng văn hóa làng xã, văn minh đô thị ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng được khơi nguồn từ Thượng tá Lê Ngọc Anh, Trưởng công an thành phố Thanh Hóa. Anh dành cho nội dung này một sự quan tâm đặc biệt, anh nhắc tôi: “Mặc dù làm ở lĩnh vực an ninh, nhưng em rất muốn anh có một bài viết về văn hóa làng xã và văn minh đô thị trong giai đoạn mới, những thành tựu cốt lõi nhất mà nó mang lại...”.
111

Tôi rất vui và nhận lời anh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đem câu chuyện này tôi trao đổi với anh Nguyễn Xuân Phi, Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa, người có nhiều trăn trở, đóng góp vào “văn minh đô thị” với việc ban hành Chỉ thị 01 về xây dựng “ Đô thị văn minh, công dân thân thiện” cách đây 5 năm. Anh nói: để hiểu sâu hơn về nội dung này thì nên gặp anh Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, người đã chỉ đạo, khơi dậy niềm tự hào, khát vọng xây dựng văn hóa làng xã và văn minh đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tôi lập tức đặt vấn đề và được anh Tuấn vui vẻ nhận lời tiếp đón, nhưng rồi anh lại bận, nên giao lại cho Trưởng, phó phòng Văn hóa & Thông tin thành phố...

Chỉ thị 01 về xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” với 5 năm thực hiện được xem như “Sợi chỉ đỏ” của Thành ủy trong lãnh chỉ đạo. Đô thị hóa là xu thế tất yếu của một xã hội phát triển, gắn liền với quá trình đô thị hóa là sự ra đời của những yếu tố, giá trị văn hóa mới giúp con người có khả năng làm chủ không gian sinh tồn mới. Tiến trình đô thị hóa và công cuộc xây dựng NTM hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những “mảng tốt”, việc “gạn đục khơi trong” như thế nào là cả một bài toán khó.

Có ý kiến cho rằng: văn minh đô thị đã dần phá vỡ hoặc triệt tiêu một số giá trị tích cực vốn đã tồn tại từ lâu đời, vốn là niềm tự hào của văn hóa - văn minh làng xã như: các giá trị cộng đồng, các quan hệ và tình làng nghĩa xóm, thái độ lao động... Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành biểu tượng tình yêu quê hương  đất nước của các thế hệ người Việt Nam. Sau hàng nghìn năm, sự cố kết cộng đồng và sức mạnh của văn hóa làng xã vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. Kể cả khi có sự ra đời của một số đô thị, tổ chức đời sống được vận hành theo cách thức khác, thì nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành máu thịt trong tâm trí mọi người; được bảo lưu, thậm chí còn góp phần làm cho văn hóa đô thị thêm rực rỡ hơn.


NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Nhân viết về “Văn hóa làng xã và văn minh đô thị”, điều tôi tâm đắc nhất trong nghề báo là được đào sâu, tìm hiểu, chứng kiến và chiêm nghiệm phong trào xây dựng NTM. Nó cho tôi cơ hội để hiểu được giá trị đích thực, căn cốt của phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Làng xã Việt Nam từ bao đời nay luôn lưu giữ những tinh hoa văn hóa như lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nền nếp gia phong, đạo lý làm người, tình làng nghĩa xóm... Tuy nhiên, tập quán sản xuất tiểu nông đã giữ cho làng xã Việt bình ổn hàng nghìn năm lại chính là lực níu làm chậm sự phát triển, vì nó tạo nên tư duy thích ổn định, ngại thay đổi. Nó được cổ vũ bởi tư tưởng nho giáo “dĩ nông vi bản” (lấy nông làm gốc), rất ghét buôn bán. Chính những yếu tố đó đã kìm hãm, không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế, nên không tạo ra tiềm lực.

Ông Nguyễn Xuân Phi, Nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hoá là tác giả chính của Chỉ thị 01, có lần nói với tôi rằng: Chúng ta đang thúc đẩy đô thị hóa và xây dựng NTM, nhưng mô hình đang tiến hành chưa được nhuần nhuyễn. Phải thẳng thắn mà nói, hương ước vốn là tục dân, do người dân tự thảo luận, đề ra và cùng với chính quyền thông qua để thực hành, rất tự nguyện. Nhưng hiện nay hương ước được hình thành chủ yếu theo phương thức từ trên “áp đặt” xuống. Lại nữa, ở nhiều nơi, hương ước các làng đa phần đều na ná như nhau, chỉ thay đổi tên làng... Trong khi trước đây, hương ước các làng đều có nét riêng.

Cách xây dựng hương ước theo kiểu “từ trên ấn xuống” hiện nay đang làm cho nó mất đi giá trị, vì những quy định không gắn liền với quyền lợi và nhận thức của người dân. Thành thử mọi “công cụ mềm” để quản lý làng xã rất hiệu quả trước đây đã bị xem nhẹ, bỏ qua...

Cần thiết phải triển khai, nghiên cứu cụ thể, thiết thực truyền thống xưa và nay, để văn hóa, văn minh làng xã hội nhập với xu hướng phát triển chung, nhưng vẫn giữ được bản sắc, những nét độc đáo của nền văn hóa Việt Nam. Bởi bất luận trong trường hợp nào thì sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân không chỉ là phát triển kinh tế mà song song đó là sự phát triển lành mạnh của văn hóa, văn minh. Việc xây dựng lối sống đô thị phải bằng cả hai cách: một là từ trên xuống, hai là từ cộng đồng vào. Từ trên xuống là quản lý, mà muốn quản lý tốt phải có luật và hình phạt đủ sức răn đe. Nếu chúng ta vừa quản lý tốt, lại vừa chủ động giáo dục, chắc chắn những mặt hạn chế sẽ tiết giảm rất nhiều.

Ý THỨC CỘNG ĐỒNG:

Tôi có một người bạn làm báo thường xuyên đi Nhật, anh nhận xét: nước Nhật trở nên phi thường,  bởi cách ứng xử từ những chuyện cỏn con diễn ra hàng ngày mà người Việt chúng ta có thể bỏ qua. Người Nhật rất nghiêm túc, kỷ cương trong từng việc nhỏ, vì thế họ mới có được một đất nước văn minh. Người Nhật có tư duy “làm hết việc” chứ không phải “hết giờ”. Khi đến Nhật, mọi người dễ dàng nhận thấy người dân nơi đây xem việc tuân thủ giờ giấc là quy tắc tuyệt đối. Nếu bạn là người được mời tham dự cuộc họp vào lúc 10h sáng, có nghĩa là bạn phải xuất hiện ở phòng họp muộn nhất lúc 9h50 phút. Đơn giản vì bạn không thể đến sau các quan khách dự họp, mà các quan khách thì thường đến sớm hơn 5 phút so với thông báo. Công viên Tokyo là nơi vui chơi giải trí lớn nhất thế giới, người đông như hội, nhưng không có một mẩu thuốc lá, từ sáng đến tối sạch như lau. Một cháu bé cúi xuống nhặt bỏng ngô rơi ném vào thùng rác, hay một bà cụ sẵn sàng vứt hộ giấy kẹo cho người chưa biết nơi để rác. Nếu bạn vô tình đánh rơi cái gì, người sau sẽ nhặt lên và đuổi kịp bạn để trả lại v.v... Tất cả đã trở thành đạo lý, là nguyên tắc sống của người dân Nhật Bản.

Trong khi đó, ở nước ta thì sao? Mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường cùng những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào đang hằng ngày, hằng giờ tấn công vào các gia đình truyền thống, đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các tệ nạn xã hội len lỏi đến tận vùng quê, nhất là những nơi bị thu hồi ruộng đất, nông dân chưa có việc làm. Quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch cũng đang phá vỡ cảnh quan gắn bó với thiên nhiên của làng quê. Đô thị hóa cùng với các khu công nghiệp mọc lên khiến cho không ít vùng nông thôn bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bởi vậy, xã hội rất cần những bài báo viết về cái hay, cái đẹp của nếp sống văn hóa làng xã và văn mình đô thị; làm sao để mỗi gia đình nông dân vừa tiếp thu nếp sống đô thị, tư duy công nghiệp trong quá trình xây dựng NTM vừa bảo vệ, phát huy giá trị của gia đình truyền thống, lấy đạo hiếu làm đầu, trên kính dưới nhường, anh em hòa thuận. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời xây dựng người nông dân mới vừa có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam.

Cần phải truyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị, chấp hành các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường..., phấn đấu tạo thành ý thức tự giác và nếp sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng. Cần phải vận động nhân dân thực hiện bằng được nếp sống văn minh nơi công cộng và hành vi ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày. Đây là nội dung rất quan trọng của kế hoạch triển khai “Năm đô thị văn minh, công dân thân thiện”.

Chúng ta rất đỗi tự hào về một thành phố Thanh Hóa đang phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại, thì cũng phải xây dựng con người thành phố biết ứng xử đẹp từ lời nói đến việc làm. Chúng ta phấn đấu để xây dựng mỗi công dân Thanh Hoá trong mắt bạn bè là một người thân thiện, chân thành, hiếu khách; nhiệt tình, tận tụy và sáng tạo trong lao động, công tác và học tập; sống vì tập thể, vì mọi người, quý trọng của công... Để xây dựng con người thân thiện có nếp sống văn hóa, văn minh là một quá trình khó khăn, lâu dài, công phu; bởi “tập quán luôn là một sức ỳ”, nên đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn dân thành phố qua từng thế hệ phải kiên trì thực hiện.


Tóm lại, việc xây dựng, phát huy, kế thừa văn hóa làng xã và văn minh đô thị ở thành phố Thanh Hóa trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hôm nay vừa có những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy những hệ lụy, thách thức. Đội ngũ những người làm báo phải góp được tiếng nói chung, làm cho tất cả mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức đều quán triệt “Văn hóa làng xã và văn minh đô thị một cách nghiêm túc, đầy đủ. Bởi mục đích cuối cùng của một tác phẩm báo chí là sức thuyết phục, bạn đọc được thuyết phục bằng những điều mình viết, mình nói. Để mỗi người đều  ý thức được rằng thành quả của nếp sống văn hóa - văn minh đô thị chính là sản phẩm tinh thần quý giá mà mỗi người, mọi nhà được thụ hưởng. Thiết nghĩ, hạnh phúc của người làm báo đôi khi chỉ cần có thế...!

Tác giả: Triều Nguyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây